Đồng tính trên phim Việt: Méo mó và trơ tráo

14:26 | 27/09/2011

1,044 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trước đây, nhiều nhân vật đồng tính được dựng lên với những hình ảnh dị dạng nhằm mục đích gây cười cho khán giả mà bỏ mặc yếu tố thực tại về những bi kịch và góc nhìn nhân văn của những con người sống bên lề xã hội này.

Tuy nhiên, trong tháng 10 tới, chủ đề đồng tính lại lần nữa thu hút nhiều sự tò mò của dư luận với những phim được quảng cáo là nói về vấn đề đồng tính một cách chân thật, sống động và táo bạo. Đó là phim: "Hot boy nổi loạn” và "Câu chuyện về thằng Cười”, "Cô gái điếm và con vịt”, "Cảm hứng hoàn hảo”.

Méo mó nhan nhản

“Phát pháo” đầu tiên về người đồng tính trên phim ảnh có thể kể đến là nhân vật má mì mắt xanh mỏ đỏ trong “Gái nhảy” của đạo diễn Lê Hoàng cách đây hơn 7 năm. Và nhân vật má mì mà mọi người cho là đồng tính ấy là “lối mòn” để hình ảnh nhân vật đồng tính đầy méo mó ấy xuất hiện cho đến tận bây giờ. Cả với nhân vật Phạm Hương Hội trong “Để mai tính” của Charlie Nguyễn ra mắt năm nay.

Nhân vật vốn được nhiều người cho là “để lại nhiều ấn tượng nhất” nhưng thật ra đó chỉ là ấn tượng về sự nhập vai của diễn viên Thái Hòa bởi nó trái ngược hoàn toàn với sự gượng gạo đến phát ngán của nhân vật đồng tính do Jonny Trí Nguyễn vào vai. “Để mai tính” dù được cho là phim đồng tính thắng lớn cho đến bây giờ, song nhân vật Phạm Hương Hội vẫn là một sự tương phản, nghĩa là có đem đến tiếng cười nhưng sẽ chua chát khi nghĩ rằng đó là hình ảnh đại diện cho giới gay.

Sau “Gái nhảy”, ĐD Lê Hoàng cho ra “Trai nhảy” cũng nói về đồng tính. “Trai nhảy” được dư luận khen ngợi là có cách nhìn thoáng, mang nhiều cảm thông và có cái nhìn nhân văn hơn với người đồng tính. Song, khi ĐD Lê Hoàng chia sẻ trên báo chí trong một lần phỏng vấn trực tuyến rằng “Đồng tính là bệnh” thì rõ ràng ông chưa bao giờ muốn xây dựng một hình ảnh nhân vật đồng tính đúng nghĩa như những gì mà nó đang diễn ra.

Điều gì khiến những nhân vật đồng tính đầy phiến diện lại là tuyến nhân vật không thể thiếu trong các bộ phim gần đây? Đơn giản đó là những nhân vật tương phản khác người có thể chọc cười hoàn hảo nhất, hơn nữa đó là những nhân vật thể hiện sự thức thời, hợp mốt nhất trong một bộ phim hiện nay. Bởi thế, giới tính thứ ba không chỉ xuất hiện trong các tác phẩm điện ảnh, mà đề tài này xuất hiện ngày càng nhiều và ngày càng có chỗ đứng vững chắc trong các bộ phim truyền hình ở Việt Nam. Vừa qua rất nhiều các bộ phim truyền hình khi lên sóng đều đề cập đến tình yêu của những người thuộc thế giới thứ ba. Nổi bật nhất là: “Cổng mặt trời”, “Tha thứ cho anh”, “Gia đình sóng gió”, “Phía sau hào quang”…

Không thể phủ nhận những tác phẩm điện ảnh đã xây dựng hình ảnh nhân vật người đồng tính một cách giản dị không mắt xanh mỏ đỏ, một cái nhìn đầy nhân bản và bao dung cho tình yêu của những con người đồng tính. Đó là “Những nụ hôn rực rỡ” của Nguyễn Quang Dũng đã khéo léo lồng ghép câu chuyện của hai thanh niên đồng tính hoạt bát và yêu đời, họ có cơ hội tâm sự bày tỏ những suy nghĩ và tình cảm của mình ở cuối phim, một kết thúc có hậu cho cả hai.

Hay như phim ngắn “Rẽ trái” của đạo diễn trẻ Nguyễn Tuấn Anh là một câu chuyện về những giằng xé nội tâm của người đồng tính để cuối cùng đi đến một quyết định theo tiếng gọi của trái tim. Tuy nhiên, những tác phẩm như thế còn quá ít trong một rừng những bộ phim nhan nhản hình ảnh người đồng tính đầy méo mó.

Nhạy cảm nhưng không né tránh

Phải thẳng thắn thừa nhận rằng, các phim đồng tính trước đây đã chối bỏ một sự thật mà nó không mấy dễ dàng thực hiện là: Cái mà giới đồng tính muốn những người dị tính hiểu và xem là bình đẳng, đó là chấp nhận sự khác biệt về khuynh hướng tình dục trong một hình ảnh người đàn ông nhìn giống như bao nhiêu người đàn ông khác! Và đây chính là vấn đề chính của đề tài đồng tính.

Như vậy, thay vì tìm cách xây dựng một con người đồng tính đầy màu sắc phiến diện để chọc cười, các nhà làm phim nên tư duy làm thế nào để xây dựng nên những hình ảnh đàn ông đồng tính bằng cách dùng các biểu hiện tình dục và tình cảm đồng giới để mô tả mà không gây ra phản cảm, trái với cái gọi là thuần phong mỹ tục ở xã hội phương Đông. Rất may rằng, “bác” Đãng (ĐD Vũ Ngọc Đãng) đã dám làm điều đó.

Anh cho biết: “Đề tài nhạy cảm nhưng không đồng nghĩa với việc phải né tránh”. Đó cũng là một điều hết sức tuyệt vời mà “bác” Đãng thể hiện trong phim “Hot boy nổi loạn” và “Câu chuyện về thằng Cười”, “Cô gái điếm và con vịt”.

Theo thông tin mới nhất từ phía hãng phát hành BHD thì sau thời gian đại diện cho phim Việt Nam tham gia Liên hoan phim quốc tế Toronto lần thứ 36 từ ngày 8/9 đến ngày 18/9 thì ngày 14/10 tới, phim về thế giới thứ ba với tên gọi “Hotboy nổi loạn” và “Câu chuyện về thằng Cười”, “Cô gái điếm và con vịt” của ĐD Vũ Ngọc Đãng sẽ ra mắt khán giả Việt Nam.

Bộ phim là một lời cảnh báo về một hiện tượng có thật, bắt đầu manh nha xuất hiện ở Việt Nam và có nguy cơ bùng phát trong tương lai đó là nghề mại dâm đồng tính nam bên cạnh nghề mại dâm nữ. “Hotboy nổi loạn” và “Câu chuyện về thằng Cười”; “Cô gái điếm và con vịt” là một bức tranh miêu tả chân thực đời sống nghề nghiệp cũng như thế giới nội tâm của những người hành nghề mại dâm cả nam lẫn nữ. Nội dung phim nói về một chàng trai đồng tính, chân ướt chân ráo từ quê lên Sài Gòn với một tâm hồn ngây thơ và mơ mộng, rồi sau đó vướng vào mối tình định mệnh với một anh chàng làm nghề mại dâm nam.

Nhưng bộ phim này hoàn toàn khác biệt so với những phim đồng tính trước đây, nó dữ dội và khốc liệt hơn rất nhiều.

Cũng trong tháng 10 tới, một phim đồng tính lại ra rạp và nó đã gây nhiều tranh cãi ngay khi phim chưa bấm máy, đó là phim “Cảm hứng hoàn hảo” (ĐD Nguyễn Lê Dũng).

Nội dung phim này kể về cuộc đời của nhận vật Hải. Anh mồ côi cha mẹ từ bé, lớn lên trong sự nâng niu, chiều chuộng hết mực của ba người chị. Lạc lõng trong thế giới phụ nữ, Hải khó tránh khỏi những ảnh hưởng giới tính. Vì những vướng tâm lý mắc ấy, cậu sinh viên tài năng của khoa hội họa không thể tìm được cảm hứng để hoàn thành bài thi tốt nghiệp – bức họa “Thiếu nữ khỏa thân”. Thương em, ba người chị đã tìm mọi cách để giúp Hải xua đuổi “tâm ma” trong lý trí, kể cả hy sinh thuần phong mỹ tục giữa chị em ruột hay cầu cạnh sự hỗ trợ từ một cô gái điếm.

Nếu đúng như vậy thì quả thật nội dung của “Cảm hứng hoàn hảo” hoàn toàn mới mẻ so với các phim đồng tính Việt đã và sẽ có mặt trong thời gian tới. Tuy nhiên, để thực hiện được ý đồ đó của kịch bản thì đạo diễn phải đối đầu với những tình tiết nhạy cảm, thậm chí gây nhức mắt vì dám đi ngược thuần phong mỹ tục Việt Nam những chi tiết vốn không thể lọt qua phần kiểm duyệt cấp phép.

Như vậy, có thể thấy những lo lắng về vấn đề giấy phép và lợi nhuận cũng chính là một phần khiến cho phim ảnh Việt vẫn chưa có được một bộ phim nói về người đồng tính nào nghiêm túc, ấy là vì chẳng có ai dám làm cho nó tử tế, nó thực tế cả!

Trúc Như