Nghề nấu ăn cho các trường học cần được hưởng chế độ nặng nhọc, độc hại

13:38 | 06/05/2024

44 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vừa đề nghị bổ sung công việc nấu ăn cho các trường mầm non công lập vào Danh mục các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, cơ quan này nhận được đơn đề nghị của các nhân viên nuôi dưỡng hiện đang công tác tại các trường mầm non công lập thuộc thành phố Hà Nội kiến nghị bổ sung nghề nuôi dưỡng tại các trường mầm non công lập vào Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Nghề nấu ăn cho các trường học cần được hưởng chế độ nặng nhọc, độc hại
Nhân viên nấu ăn cho các trường mầm non cần được hưởng chế độ nghề nặng nhọc, độc hại.

Qua nghiên cứu đơn đề nghị, căn cứ thực tiễn và các cơ sở pháp lý hiện hành,Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhận thấy: Thông tư số 11/2020/TT-BLĐTBXH ngày 12/11/2020 ban hành Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm quy định: nghề nấu ăn cho từ 100 suất trở lên chỉ được công nhận là nghề nặng nhọc, độc hại nguy hiểm khi diễn ra tại “các nhà hàng, khách sạn, các bếp ăn tập thể” và trong lĩnh vực du lịch (điều kiện lao động loại IV).

Theo đó, công việc nấu ăn của nhân viên nuôi dưỡng cho các trường mầm non công lập không thuộc đối tượng trong Danh mục của Thông tư số 11/2020/TT-BLĐTBXH.

Về tính chất đặc thù của bậc học mầm non, có thể thấy việc giáo dục trẻ trên lớp và chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ là 02 nhiệm vụ quan trọng, song hành và không thể tách rời. Cùng với công việc dạy trẻ, việc nấu ăn đảm bảo chế độ dinh dưỡng, khẩu vị, yêu cầu an toàn, vệ sinh thực phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển thể chất và đảm bảo sức khỏe của trẻ. Do đó, công việc của các nhân viên nuôi dưỡng cần được quan tâm thực hiện các chế độ chính sách hợp lý.

Tuy nhiên, theo đơn phản ánh, công việc hàng ngày của các nhân viên nuôi dưỡng mặc dù có khối lượng lớn (chuẩn bị cho khoảng từ 300 đến 800 suất ăn mỗi ngày) nhưng diễn ra trong điều kiện thiếu đảm bảo, tiềm ẩn nhiều rủi ro, dễ ảnh hưởng đến sức khỏe, khả năng lao động như: môi trường ẩm ướt, tiếp xúc với nhiệt độ cao, tiếng ồn lớn, tư thế làm việc gò bó, thường xuyên làm việc với trang thiết bị dễ gây tai nạn, chịu ảnh hưởng từ các hóa chất tẩy rửa.... Do đó, rất nhiều nhân viên trong quá trình lao động đã gặp tai nạn, chịu thương tật vĩnh viễn.

Đối chiếu với việc“nấu ăn trong các nhà hàng, khách sạn, các bếp ăn tập thể có từ 100 suất ăn trở lên” trong lĩnh vực du lịch, công việc nấu ăn của các nhân viên nuôi dưỡng có nhiều điểm tương đồng khi cùng nấu ăn với số lượng lớn, điều kiện làm việc thậm chí khó khăn hơn do nhân sự ít, cơ sở vật chất hạn chế, thường xuyên phải làm việc ngoài trời dưới thời tiết khắc nghiệt. Song, với tính chất tương tự, việc nấu ăn trong các trường mầm non công lập chưa được công nhận là nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Bên cạnh đó, theo phản ánh, mức lương của các nhân viên nuôi dưỡng hiện khá thấp và nhìn chung chưa thể hiện được sự bù đắp cho những rủi ro tiềm ẩn, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần, khả năng lao động từ công việc của họ.

Do vậy, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ LĐ-TB&XH theo thẩm quyền nghiên cứu, đề xuất, đánh giá, quyết định bổ sung công việc “nấu ăn cho các trường mầm non công lập có từ 100 suất ăn trở lên” thuộc Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Ở đây, cần lưu ý thêm rằng, hiện nay có khá nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ cung cấp suất ăn cho các trường mầm non, tiểu học cũng như trung học cơ sở. Các doanh nghiệp này có hệ thống từ trồng trọt, chăn nuôi, giết mổ khá hiện đại, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, có nhiều trường học vẫn tổ chức sinh hoạt bán trú cho học sinh cấp 1-2 (tại trường) nên cũng cần phải xem xét đưa người lao động làm công tác nấu ăn cho học sinh vào diện được hưởng chế độ nặng nhọc, độc hại.

Người viết bài đã được nhiều lần mục sở thị cùng một số lãnh đạo Phòng Giáo dục quận Tây Hồ cũng như một số trường học trên địa bàn đi kiểm tra chất lượng hệ thống nên thấy rằng người lao động tại các cơ sở này cũng hoàn toàn xứng đáng được xem xét đưa vào đối tượng được hưởng chế độ lao động nặng nhọc, độc hại khi mỗi ngày làm việc đều bắt đầu từ 3-4h sáng để chuẩn bị hàng ngàn suất cơm cho học sinh..

P.V

Cứu sống trẻ 20 tháng tuổi bị hóc xương lợn vào đường thở gây suy hô hấp nặngCứu sống trẻ 20 tháng tuổi bị hóc xương lợn vào đường thở gây suy hô hấp nặng
Phụ huynh bốc thăm cho con vào mầm non: Hiện tượng Phụ huynh bốc thăm cho con vào mầm non: Hiện tượng "không ổn", vô lý
Hà Nội tuyển sinh mầm non, lớp 1, lớp 6 theo hình thức trực tuyếnHà Nội tuyển sinh mầm non, lớp 1, lớp 6 theo hình thức trực tuyến

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan