Hạn mặn hoành hành khiến đồng khô cỏ cháy, người dân "khát" nước
08:06 | 04/05/2024
458 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Hạn mặn kéo dài ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long khiến đồng khô, cỏ cháy, người dân thì sống trong cảnh thiếu nước ngọt sinh hoạt và sản xuất.
Mùa khô năm nay, hạn hán kéo dài, xâm nhập mặn sâu khiến việc sản xuất và đời sống người dân tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long gặp nhiều khó khăn. Tại các huyện Tân Phú Đông, Gò Công Đông (tỉnh Tiền Giang) tình trạng xâm nhập mặn diễn ra phức tạp, khiến người dân thiếu nước sinh hoạt, tưới tiêu.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long năm nay ở mức cao hơn trung bình nhiều năm (trừ năm 2015-2016 và năm 2019-2020). Các đợt xâm nhập mặn sẽ đạt đỉnh tập trung trong tháng 4 và 5.
Đầu tháng 4, tỉnh Tiền Giang đã công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai, xâm nhập mặn. Hiện các cánh đồng hoa màu của người dân tại xã Gia Thuận, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang đang trong tình trạng hư hỏng hoặc bỏ trống vì không có nước tưới.
Nước tại các kênh, rạch nội đồng cạn khô khiến đồng ruộng nứt nẻ.
Những bụi sả bị cháy khô vì nắng nóng và thiếu nước.
Ông Võ Khắc Thịnh (68 tuổi, ngụ xã Gia Thuận) cho biết, hạn mặn đã kéo dài khoảng 2 tháng nay. Sau khi thu hoạch lúa và hoa màu, người dân không thể tiếp tục trồng trọt vì không có nguồn nước tưới."Sau khi thu hoạch dưa hấu, tôi phải dừng chờ mưa mới có thể tiếp tục trồng. Những cây dưa gang đã trồng buộc phải nhổ bỏ vì hư hỏng", ông Thịnh cho biết.
Thiếu nước, người dân phải đi nhận từng thùng nước về sử dụng.
Để san sẻ với những người khó khăn hơn, nhiều người dân trong khu vực "xung phong" đi nhận nước chở đến tận nơi cho những người lớn tuổi.
Trong cái nắng gay gắt, ông Lê Văn Chừng (63 tuổi, ngụ xã Gia Thuận) phải lặn lội đi về gần 5km để nhận nước uống từ các mạnh thường quân. Ông Chừng chia sẻ, người dân ở khu vực này thường hứng nước mưa để sử dụng cho việc ăn uống, còn nước dưới kênh sẽ được xử lý để tắm, giặt. Tuy nhiên, mùa khô kéo dài cộng với xâm nhập mặn khiến lượng nước tích trữ không đủ sử dụng. "Dù nắng nóng mệt lắm nhưng không dám bỏ ngày nào sợ không nhận nước sẽ không có nước cho gia đình sử dụng", ông Chừng vừa đi vừa nói.
Dự báo, xâm nhập mặn ở các cửa sông Cửu Long có xu thế giảm dần, nhưng vẫn duy trì ở mức cao. Riêng trên sông Vàm Cỏ, Cái Lớn, Cái Bé xâm nhập mặn duy trì ở mức cao đến giữa tháng 5, sau đó giảm dần vào cuối tháng.