TP HCM triển khai mô hình VNEN ở bậc tiểu học

21:29 | 15/10/2013

2,091 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Sở GD-ĐT TPHCM vừa có văn bản hướng dẫn triển khai mô hình trường học mới VNEN (viết tắt của chữ "trường học mới Việt Nam" theo tiếng Tây Ban Nha) ở bậc tiểu học. Theo đó, năm học 2013-2014, TP HCM sẽ mở rộng thí điểm với yêu cầu mỗi quận/huyện có ít nhất một trường tiểu học áp dụng tinh thần VNEN vào dạy học và tổ chức lớp học.

Nhà trường có nhiệm vụ tổ chức các tiết học theo tinh thần VNEN có sự tham dự của phụ huynh để đẩy mạnh việc tham gia của cộng đồng vào nhà trường. Bên cạnh đó, các trường được yêu cầu bố trí lớp học, trang trí lớp, xây dựng góc học tập, góc thư viện theo tinh thần VNEN. Đặc trưng của mô hình này là chuyển đổi hình thức dạy học từ chỗ giáo viên truyền thụ kiến thức sang việc học sinh tự giác, tự học, lấy học sinh làm trung tâm.

Mô hình Trường học kiểu mới giúp học sinh phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo,...

(Ảnh: Nguyệt Anh)

Như việc tổ chức góc học tập các bộ môn phải thay đổi hằng tuần theo chương trình học. Bên cạnh đó là xây dựng hộp thư điều em muốn nói, hộp thư vui; xây dựng nội quy lớp học, những điều nên và không nên; xây dựng góc cộng đồng, bản đồ cộng đồng…

Mục tiêu là đến năm học 2014-2015, mô hình sẽ được nhân rộng ở các trường tiểu học dạy 2 buổi/ngày trên địa bàn 5 huyện ngoại thành, đến năm 2015-2016, các trường tiểu học dạy 2 buổi/ngày ở những quận/huyện còn lại tiếp tục triển khai.

Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị các quận/huyện tổ chức chỉ đạo, triển khai kế hoạch trên đến tất cả các trường tiểu học để có thể áp dụng mô hình VNEN với các mức độ khác nhau trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, tiết kiệm, thiết thực và hiệu quả, không gây khó khăn cho cha mẹ học sinh và bức xúc trong dư luận xã hội.

Mục đích chính của mô hình trường học kiểu mới nhằm giúp giáo viên các trường tiểu học có thêm một mô hình để đổi mới phương pháp dạy học, thay đổi cách tổ chức lớp học; giúp học sinh phát huy tính tích cực chủ động, sáng tạo, năng lực giải quyết vấn đề, năng lực hợp tác và giao tiếp-quan hệ xã hội; giúp phụ huynh học sinh theo dõi, đánh giá sự tiến bộ của con em, thu hút sự tham gia của cộng đồng vào nhà trường.

Hi vọng rằng, mô hình trường học kiểu mới sẽ góp phần tích cực vào việc hiện thực hóa đề án “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục – đào tạo” hiện nay.

Nguyệt Anh