Không chấm điểm lớp 1: Đồng thuận từ hai phía

06:00 | 08/09/2013

883 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Từ năm học 2013-2014, giáo viên được khuyến khích không chấm điểm thường xuyên cho học sinh lớp 1, thay vào đó là nhận xét, đánh giá. Việc làm này đã nhận được sự đồng tình của nhiều giáo viên, phụ huynh. Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) nhấn mạnh, tuyệt đối không được so sánh giữa các học sinh, chê trách học sinh trong bất kỳ hoàn cảnh nào và với bất kỳ động cơ nào.

Năng lượng Mới số 254

Chấm dứt ép trẻ học trước

Theo Công văn số 5478/BGDĐT - GDTH hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục tiểu học năm học 2013-2014, do Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển ký ban hành ngày 8/8/2013, “đối với việc đánh giá học sinh lớp 1, ngoài bài kiểm tra vào cuối năm học, giáo viên tuyệt đối không cho điểm trong suốt quá trình tổ chức dạy học, không được so sánh, chê trách học sinh trong bất kỳ hoàn cảnh nào”. Chủ trương này được ban hành trên tinh thần tiếp thu sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), sau khi có nhiều ý kiến cho rằng, việc chấm điểm học sinh khi các em vào học lớp 1 dẫn đến sự so sánh, ganh đua giữa những học sinh biết đọc, biết viết với những em chưa biết gì. Phụ huynh bị kéo vào cuộc đua giành điểm số cao, dẫn đến tình trạng ngày càng nhiều người cho con học trước chương trình.

Đồng tình với quan điểm này của Bộ GD&ĐT, GS.TS Trần Hồng Quân (nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT) cho biết: “Đối với học sinh lớp 1, tâm lý đối với các cháu rất quan trọng, nếu chúng ta cứ bó buộc các cháu vào một khung nhất định thì lại trở thành một rào cản khiến cho các cháu không dám suy nghĩ, không dám tự do phát triển ý kiến cũng như ý tưởng. Tốt nhất các thầy, cô giáo nên chấm những điều mà các cháu làm được chứ không nên chấm những lỗi của các cháu trong khi làm bài tập. Cách làm như vậy vừa động viên, vừa làm giảm áp lực học tập cho các cháu và cho các bậc phụ huynh. Tất nhiên, tình trạng cho con học trước tuổi cũng sẽ giảm được rất nhiều”.

Việc khuyến khích không chấm điểm lớp 1 sẽ không gây áp lực "học trước" cho trẻ

Rõ ràng quy định này không chỉ nhận được ý kiến đồng tình của các chuyên gia giáo dục mà các đơn vị quản lý cấp cơ sở cũng rất ủng hộ. Ông Phạm Xuân Tiến (Trưởng phòng Tiểu học, Sở GD&ĐT Hà Nội) khi trả lời báo chí cũng cho biết: “Tôi ủng hộ chủ trương của Bộ GD&ĐT về việc không chấm điểm đối với học sinh lớp 1. Bởi hiện nay nhiều bậc phụ huynh đã tìm thầy, cô giáo để dạy trước cho con em mình. Vì thế, nếu chấm điểm cho các cháu sẽ không thể chính xác, công bằng. Đồng thời, với những cháu được học chương trình trước, sau này dễ nảy sinh tâm lý chủ quan, lười học và cuối cùng dẫn đến chểnh mảng. Đây là một điều nên tránh”.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cũng cho biết, chương trình giảng dạy ở các bậc học đã được bộ nghiên cứu và đưa ra hướng dẫn cụ thể gửi về các sở. Đối với giáo dục mầm non, nhiệm vụ chủ đạo là giúp trẻ vui chơi, nhận biết thế giới xung quanh, nhận dạng chữ cái, làm quen với hướng đọc, hướng viết... còn việc dạy chữ là của chương trình lớp 1. Theo quy định của Bộ, khi vào năm học mới, các trường tiểu học phải tổ chức “tuần làm quen” đối với lớp 1 nhằm giúp học sinh thích nghi với môi trường học tập mới và cảm thấy vui thích khi được đi học. Giáo viên cũng bắt đầu dạy trẻ tập viết chữ, đọc, ghép vần, chính tả... Việc dạy tiếng Việt được lồng ghép trong những môn học còn lại như toán, tự nhiên và xã hội.

Nhiều phụ huynh, giáo viên ủng hộ và hy vọng phương pháp mới sẽ góp phần quan trọng giảm áp lực học hành đối với học sinh lớp 1. Quan trọng hơn, phương pháp mới này sẽ bắt buộc các phụ huynh phải quan tâm nhiều hơn tới con em mình để biết các cháu đang “đứng ở đâu”. Hơn nữa, việc xếp hạng học sinh sẽ phần nào tránh được sự chênh lệch, khác biệt về năng lực quá xa giữa các em tốp đầu và tốp cuối. Không có những bảng điểm cao chót vót, nhưng cũng không có bảng điểm quá thấp dưới trung bình. Chính sự thay đổi này sẽ giải quyết tâm lý so sánh, gây tự ti hoặc tự tin quá mức cho các em và chính các bậc phụ huynh.

Cần đánh giá sao cho sát

Việc khuyến khích giáo viên chỉ nhận xét, không cho điểm học sinh lớp 1 của Bộ GD&ĐT vừa hướng dẫn đầu năm học mới 2013-2014 đã nhận được sự đồng tình cao của các chuyên gia giáo dục, các thầy, cô giáo và phụ huynh. Bởi lẽ, như nhận định của các nhà quản lý giáo dục, tình trạng phụ huynh đổ xô cho con đi học trước chương trình hoàn toàn do “tâm lý đám đông”, không phải vì lợi ích, nhu cầu của trẻ. Đã có nhiều cảnh báo từ các chuyên gia tâm lý, sức khỏe về tác hại của việc “ép non”, thậm chí cả lệnh cấm của ngành chức năng, nhưng phụ huynh vẫn coi nhẹ.

Tuy nhiên, để hướng dẫn này đi vào thực tiễn đòi hỏi những nỗ lực không nhỏ từ phía phụ huynh và giáo viên. Mặc dù không chấm điểm nhưng các phụ huynh vẫn lo lắng, nếu con mình không đi học thêm tại nhà cô chủ nhiệm sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới kết quả đánh giá, xếp hạng học lực của con vào cuối năm. Thực tế cho thấy, dù không chấm điểm nhưng cuối năm học giáo viên vẫn nhận xét về học lực của các em và dù những nhận xét này không phải là tiêu chí để xếp lớp hay xét lên lớp song vẫn là một dấu ấn đầu tiên, quan trọng trong cả cuộc đời học tập.

Đối với các giáo viên tiểu học năm nay, nhất là ở những trường công lập khu vực nội thành thì đây cũng là thách thức không nhỏ, bởi họ phải nhận xét chi tiết về từng học sinh (sự tiến bộ hoặc những điểm cần cố gắng - quy định của Bộ GD&ĐT) thay vì chỉ cần ghi điểm số. Nếu làm qua loa, lấy nhận xét của học sinh này áp cho học sinh kia thì quy định mới sẽ không còn ý nghĩa, phụ huynh chắc không hài lòng khi thấy những lời nhận xét của giáo viên chung chung, hao hao giữa các môn học và giữa bạn này với bạn kia… Cũng có ý kiến cho rằng, học sinh đã học thì phải có đánh giá, xếp loại. Tuy nhiên các trường tiểu học có thể cho điểm theo cung bậc A, B, C...; phiếu điểm của học sinh được gửi riêng cho phụ huynh và học sinh như nhiều nước đang áp dụng. Như vậy vẫn tránh được việc tạo áp lực điểm số cho học sinh.

Về vấn đề này, bà Trần Thị Thắm, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) cho biết, nhiều nước trên thế giới đã thực hiện không chấm điểm học sinh đến tận lớp 9. Theo đó, các trường tiểu học sẽ không chấm điểm học sinh lớp 1 mà thay vào đó là nên khuyến khích giáo viên chỉ đánh giá việc học tập của học sinh, không được so sánh học sinh này với học sinh khác, không được chê trách học sinh trong bất kỳ hoàn cảnh nào... Song song với không chấm điểm thì giáo viên vẫn phải theo dõi quá trình học tập, rèn luyện đạo đức của học sinh.

Bà cũng cho biết, phụ huynh cần phải quen dần với việc không chấm điểm học sinh lớp 1. Bởi vì khi chấm điểm thì sẽ tạo rất nhiều áp lực lên lứa tuổi vừa mới bước vào đi học cũng như áp lực đối với phụ huynh cho con đi học trước chương trình lớp 1 và học thêm. Để giúp các trường thực hiện việc không chấm điểm học sinh lớp 1, hiện nay, Bộ GD&ĐT đang hoàn chỉnh thông tư với nội dung chỉnh sửa Thông tư 32 (quy định kết hợp đánh giá điểm số và đánh giá nhận xét). Thông tư mới sẽ hướng dẫn cụ thể các trường học trong việc thực hiện không chấm điểm học sinh lớp 1.

Nhã Anh

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.