Chiêu trò trong Showbiz Việt còn quá thô sơ

11:50 | 03/01/2014

1,469 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
“Scandal trong Showbiz của các nước khác công chúng khó mà biết được đó là chiêu của nghệ sĩ. Nhưng ở Việt Nam thì khán giả lại biết ngay nghệ sĩ đó đang… làm trò”, ca sĩ Hồ Trung Dũng chia sẻ.

- Thời gian gần đây, nhiều ý kiến cho rằng nhạc Việt đang bước vào một chu kỳ không tốt. Cụ thể là cả nhạc sĩ và ca sĩ đều rơi vào trạng thái hoang mang khi sáng tác thì quẩn quanh, biểu diễn thì dễ dãi. Anh có đồng ý với nhận xét này không?

-  Bản thân tôi lại nghĩ khác. Bởi nhìn nhận một cách công bằng thì nền âm nhạc của Việt Nam trong những năm gần đây có một sự phát triển nhanh chóng, đặc biệt là về mặt số lượng. Chúng ta đón nhận nhiều thể loại mới, nhiều nhân tố mới và nhiều tài năng trẻ. Mọi người có cơ hội thể hiện bản thân dễ dàng hơn, có nhiều phương tiện hỗ trợ để đến với khán giả hơn. Đây là một điều đáng mừng.

Về nghệ sĩ thì chúng ta đang có những người làm nghề táo bạo đấy chứ. Họ có nhiều ý tưởng mới mẻ, sẵn sàng đón nhận những cái mới, sẵn sàng thử nghiệm... Tuy nhiên, không thể phủ nhận là vẫn còn thiếu về chiều sâu và định hướng cần thiết. Bên cạnh những người làm nghề chỉn chu cũng xuất hiện ngày càng nhiều những người làm nghề theo bề nổi với những scandal, những chiêu trò… mà không phục vụ mục đích cho âm nhạc, cho nghệ thuật. Những lằn ranh giữa các giá trị bị đảo lộn… là có. Lộn xộn là vậy nên nhiều đánh giá cho rằng nền âm nhạc đang bộn bề cũng đúng.

 

- Vậy ra, anh cũng lo ngại trước thực trạng những giá trị ảo đang lấn át giá trị thực trong đời sống nghệ thuật như ngày hôm nay?

- Không hẳn là lo ngại nhưng đó là sự thật, có thể đó là xu hướng phát triển tất yếu trong giai đoạn này. Thực ra những chiêu trò, scandal là không thể thiếu trong bất cứ đời sống showbiz của quốc gia nào. Nó được coi là “gia vị” thêm nếm trong đời sống, loại bỏ thì cũng không thể loại bỏ được. Một showbiz càng phát triển thì lại càng chiêu trò, nhưng thiết nghĩ chiêu trò cũng nên có sự văn minh.

Theo tôi thì những scandal chiêu trò của showbiz Việt còn quá thô sơ. Nếu như ở các nước khác có thể thấy nghệ sĩ họ cũng có rất nhiều chiêu trò, nhưng chiêu trò của họ thật đến độ không ai nghĩ đó là nghệ sĩ dở trò.

Ở đây tôi không nói đến khía cạnh đúng hay sai, nên hay không nên nhưng rõ ràng không để công chúng biết được đó là chiêu trò thì điều đó cũng khiến công chúng cảm thấy được tôn trọng. Nhưng ở Việt Nam mình lại khác hoàn toàn, chỉ cần một “hiện tượng” là ngay lập tức khán giả có thể phán chuẩn rằng ca sĩ này khóc giả hay khóc thật, giám khảo này làm như thế là vì sao…? Bóc tách được cả. Nhiều quá, thô sơ quá thành ra nhảm… để rồi mỗi khi nhắc đến scandal nó không còn là gia vị thêm nếm vào đời sống nghệ thuật sinh động nữa mà đôi khi khiến người ta phát chán.

-  Nhà quản lý đã có biện pháp mạnh tay hơn đối với những chiêu trò, thể hiện cụ thể qua nghị định 158 vừa có hiệu lực vào đầu năm 2014?

- Theo tôi thì những chế tài xử phạt từ phía cơ quan quản lý cũng khó mà giải quyết được triệt để. Tất nhiên, những động thái tích cực đó là cần có. Nhưng bên cạnh những động thái từ nhà quản lý thì cần có sự mạnh tay từ chính công chúng. Nghệ sĩ hoạt động nghệ thuật là để phục vụ khán giả, khi làm những điều phi nghệ thuật hoặc ảnh hưởng đến nghệ thuật chân chính thì chính công chúng phải là người tẩy chay họ. 

Nhưng chiêu trò trong Showbiz Việt lại còn quá thô sơ

- Nhưng một sự thật đáng buồn là nhiều khán giả hiện nay mặc dù biết đó là chiêu trò họ vẫn quan tâm thậm chí cổ súy những chiêu trò mà nghệ sĩ tạo ra?

- Cần có định hướng thẩm mỹ cho công chúng để họ thấy rằng cần tẩy chay chiêu trò chứ không phải tò mò quan tâm. Chính những tò mò đó vô hình trung giúp tham vọng của những người tạo chiêu trò đạt được mục đích.

- Vậy còn vai trò của những nghệ sĩ chân chính trong việc chấn hưng đời sống showbiz thì thế nào, thưa anh?

- Tất nhiên có rất nhiều nghệ sĩ thực sự tâm huyết, họ muốn thay đổi sự lộn xộn đó bằng nhiều cách. Từ việc vẫn âm thầm chăm chút cho các sản phẩm của mình là tạo ra những hướng đi mới, cho đến việc lên tiếng, kêu gọi, vận động… Nhưng kết quả chưa được nhiều, vì tôi nghĩ rằng sự lộn xộn của ngày hôm nay là kết quả của cả một quá trình lâu dài, mà sâu xa là nằm trong ý thức, nhận thức và gu thẩm mỹ của số đông. Mà để thay đổi những điều đó thì không thể là việc của một người, hai người hay của ngày một, ngày hai mà đòi hỏi cả quá trình. Cần phải có sự quyết tâm lâu dài của nhiều lĩnh vực, từ giáo dục, báo chí truyền thông đến các cơ quan chức năng chuyên ngành...

- Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!

Huy An (Thực hiện)