​Phim Việt quá ẩu!

11:48 | 17/09/2015

1,350 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Khán giả Việt nhiều khi xem phim bị “nhai sạn” vì phim Việt bây giờ có quá nhiều những sai lầm ngớ ngẩn. Dẫu biết rằng nền điện ảnh nước ta đang trong thời kì phát triển, còn nhiều thiếu sót về mặt kỹ thuật, công nghệ và cả những người giỏi nghề, thế nhưng điều đó hoàn toàn không đồng nghĩa với việc xuất hiện hàng loạt những bộ phim dở tệ chỉ vì sự cẩu thả.

Phim nào cũng… sạn

Di ảnh một người quá cố trên bàn thờ trong phim “Thề không gục ngã” phát sóng trên HTV7 vừa bị khán giả phát hiện ra, đó là hình ảnh ca sĩ Shim Changmin của nhóm nhạc DBSK. Sai sót này đã khiến cộng đồng fan Việt và cộng đồng fan quốc tế bức xúc. Đáng tiếc hơn nữa là sau khi công khai nói lời xin lỗi trên trang cá nhân gửi tới chàng ca sĩ và công ty đại diện, đạo diễn Minh Cao của “Thề không gục ngã” lại tiếp tục mắc sai sót khi viết nhầm tên của ca sĩ này. Vì vậy, câu chuyện tưởng chừng lắng xuống nhưng lại một lần nữa gây ra sự khó chịu trong lòng những người hâm mộ chàng ca sĩ xứ Kim Chi.

phim viet qua au
Cảnh trong phim "Thề không gục ngã"

Rồi trong những bộ phim về chiến tranh vừa qua, sạn cũng nhiều vô kể. Có thể nói, cả những thanh niên không có hiểu biết gì về chiến tranh ác liệt thời xưa cũng thấy tức mắt và sẽ chuyển kênh nếu là đang xem phim Việt dựng lại cảnh chiến tranh xưa. Nhà văn Nguyễn Như Phong từng có một bài viết nói về sự cẩu thả, lựa chọn tùy tiện vũ khí, thậm chí có thể nói là dựng phim một cách giả dối, không chút chân thực. Như trong một bộ phim về chiến dịch Điện Biên nhưng lại có cảnh xe ôtô Zil 157 là loại xe 3 cầu trong khi thực tế thì ngày ấy Việt Nam chưa có xe 3 cầu, chỉ có một số ít xe Gaz 63 do Liên Xô viện trợ, đây là loại xe 4 bánh và chỉ có 2 cầu.

Rồi trong một số phim về chiến tranh chống Mỹ, dễ nhận biết là khi khẩu đại bác bắn, phản lực khiến nòng pháo giật lại nhưng trong phim “Giải phóng Sài Gòn” thì tất cả những khẩu pháo, kể cả pháo mặt đất và pháo phòng không đều đứng im phăng phắc khi nổ súng. Chưa hết, người ta còn tưởng tượng ra một ông tướng quân đội mà cùng với một cháu thiếu niên dùng súng 12 ly 7 để bắn máy bay Mỹ. Trong lúc máy bay gầm rú đánh bom lại có một thằng bé, cỡ dăm, bảy tuổi chạy ra vặn van đường ống dẫn dầu… Đó mới chỉ là những hạt sạn thể hiện sự thiếu hiểu biết về kiến thức lịch sử chiến tranh; chưa kể trong những phim chiến tranh thì hóa trang cũng là một thảm họa vì sự lười nhác của bộ phận này: không chịu làm cũ trang phục chiến đấu.

Còn nếu nói về phim truyền hình thời nay thì khán giả bị ức chế vì nhai sạn là chuyện xảy ra như cơm bữa, bởi phim nào cũng có, ít nhất cũng vài lần nhai phải sạn như thế. Như chuyện chàng sinh viên trong trường cảnh sát lại có thể nhuộm tóc và để tóc dài (Chạm tay vào nỗi nhớ); nhân vật chính giấu giới tính thật của mình suốt 20 năm mà bà nội khỏe mạnh sống bên cạnh không biết (Vừa đi vừa khóc); rồi sự thay đổi sau 1 đêm của làn da cô nàng “cá sấu chúa” hay vết thương vì cứu mỹ nhân bầm dập nhưng nhanh chóng lành lặn chỉ sau 1 đêm (Lập trình trái tim)…

phim viet qua au Phim điện ảnh Việt: Nhạt nhẽo và nhàm chán
phim viet qua au Điện ảnh Việt: Lượng nhiều, chất chẳng bao nhiêu!
phim viet qua au Điện ảnh Việt: Không scandal, không cởi - đừng hòng chen chân

Biết sai… nhưng không sửa

Chuyện phim Việt của chúng ta có sạn, mắc lỗi ngớ ngẩn, thậm chí là khó chấp nhận là chuyện thường ngày. Sở dĩ sự cẩu thả trong phim “Thề không gục ngã” trở nên ồn ào là vì có đụng chạm tới nhân vật ngoại quốc, đến những fan cuồng sống chết vì Kpop; và đó cũng là lúc nhà sản xuất phim Việt thấy được hậu quả của việc làm ẩu, làm vội, thiếu trách nhiệm của mình. Còn trước đây phim Việt dẫu có sạn, có sai thì khán giả cũng chỉ biết bực tức, khó chịu mà nuốt ngược vào trong. 

phim viet qua au
Cảnh trong phim "Vừa đi vừa khóc"

Đạo diễn Minh Cao từng chia sẻ với báo giới: “Thực tế tôi đã từng phải quay 30 tập phim trong vòng 60 ngày, 2 ngày 1 tập. Mà 30 tập phim cũng là một lượng chữ khổng lồ với khoảng hơn 1.000 trang giấy in. Với khoảng thời gian ít ỏi như vậy, diễn viên còn chưa kịp thấm kịch bản, nói gì đến việc tư duy chăm chút sáng tạo cho từng phân cảnh. Mà bây giờ diễn viên không chuyên tham gia nhiều, họ là ca sĩ, người mẫu lấn sân sang điện ảnh…”.

Rõ ràng việc làm phim kiểu marathon như vậy khiến đoàn làm phim phải căng ra, dốc hết sức, chắc chắn có ảnh hưởng tới chất lượng phim. Nên nhiều khi chỉ cần ổn là đạt, không đòi hỏi phải quay đi quay lại tốn kém. Hơn nữa phần đông các hãng phim không có cơ sở vật chất làm hậu kỳ nên phải chờ quay xong phim mới đưa vào phòng dựng.

Nhiều khi phát hiện sai sót nhưng khi đó thì đoàn làm phim đã “tan đàn xẻ nghé”, khó lòng tập hợp để quay lại hay chỉnh sửa. Đạo diễn biết sai mà vẫn không thể làm gì được và kết quả là người xem lại phải chứng kiến những hạt sạn đáng tiếc này.

Nền điện ảnh của chúng ta mới phát triển, còn nhiều thiếu sót về mặt kỹ thuật, công nghệ và cả những con người giỏi nghề, thế nhưng điều đó hoàn toàn không đồng nghĩa với việc xuất hiện những bộ phim dở tệ chỉ vì đạo diễn làm cẩu thả. Khán giả Việt hiện nay chỉ cần một bộ phim có logic hợp lý, các tình huống dàn dựng chỉn chu, tôn trọng khán giả, thế nhưng với cái cách mà các nhà làm phim sản xuất theo kiểu ăn xổi như hiện nay thì mong muốn đó cũng chưa thể thỏa mãn được!

Thanh Huyền

Năng lượng Mới