Điện ảnh Việt: Lượng nhiều, chất chẳng bao nhiêu!

08:48 | 19/03/2015

939 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong số 17 phim điện ảnh tham gia giải Cánh Diều Vàng năm nay có đến 70-80% là phim thương mại giải trí; trong đó có những phim được đánh giá là chất lượng từ kém đến rất kém. Đây đúng là một tín hiệu buồn, không chỉ của giải Cánh Diều Vàng mà còn của nền điện ảnh Việt. NSƯT - Đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn, thành viên Ban Giám khảo Cánh Diều Vàng 2014 và NSND Huy Thành đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Năng lượng Mới về điện ảnh Việt nhìn từ giải thưởng Cánh Diều!

Năng lượng Mới số 405

Không có phim nổi trội!

PV: Thưa đạo diễn, ông nhận xét gì về các phim điện ảnh tham gia Cánh Diều Vàng năm nay?

NSƯT - ĐD Nguyễn Vinh Sơn: Năm nay, Cánh Diều Vàng có số lượng phim điện ảnh tham gia đông kỷ lục, 17 phim. Các bộ phim này rất đa dạng với đủ các dòng phim từ nghệ thuật đến thương mại, nguồn sản xuất phim thì dàn trải từ phim Nhà nước và phim tư nhân cũng khá nhiều. Trong số này, không có những phim quá kém, chỉ có một vài phim chất lượng tạm đạt. Năm nay, các phim có chất lượng tương đối đồng đều nhau về mặt kĩ thuật cũng như nghệ thuật, tay nghề. Quay phim, âm thanh, diễn xuất, đạo diễn thì càng ngày càng được đầu tư, kể cả phim Nhà nước.

NSƯT - Đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn

PV: Nhưng năm nay không có “vàng” trao cho tác phẩm điện ảnh nào, có nghĩa là cả năm qua, với hàng chục phim được làm ra nhưng không phim nào đạt chất lượng cao, thưa ông?

NSƯT - ĐD Nguyễn Vinh Sơn: Đúng là có hơi buồn rằng, trong 17 phim tham dự chưa có phim nào nổi trội hẳn, chưa có bộ phim nào làm cho người xem và Ban Giám khảo thỏa mãn. Do chưa có bộ phim nào thực sự là hoàn hảo, nên ban giám khảo thống nhất là không chấm cho phim đạt Cánh Diều Vàng.

Tuy nhiên, số lượng phim đạt Cánh Diều Bạc nhiều hơn, trong số đó có phim do Nhà nước tài trợ như “Những đứa con của làng”, phim tư nhân làm với mục đích tương đối nghệ thuật như “Lạc giới” và phim tư nhân làm với mục đích thương mại là “Hương Ga”. Những bộ phim đó có chất lượng tương đối đồng đều nhau, nhưng không có một phim nào đủ chuẩn Cánh Diều Vàng.

Như “Hương Ga”, tuy là một phim thương mại nhưng cũng nêu được vấn đề gai góc trong xã hội, có lý có tình, phim cũng nêu ra được chính kiến của người làm phim. Còn “Những đứa con của làng” là một bộ phim có đề tài hậu chiến tương đối khô khan, nhưng cũng tròn trịa. Với một bộ phim khô khan như vậy, nhưng cũng thu hút và tạo cảm xúc được cho người xem thì tôi cho rằng đó là điều đáng khen ngợi…

PV: Có ý kiến cho rằng, phim năm nay đạt kỷ lục về lượng, nhưng chất thì giảm sút! Đạo diễn nhận xét thế nào?

NSƯT - ĐD Nguyễn Vinh Sơn: Tôi nghĩ chất lượng không giảm sút đâu. Ví dụ như “Quả tim máu” của đạo diễn Victor Vũ chẳng hạn, bộ phim này hoàn toàn không thua kém gì so với những phim trước của anh ta như “Scandal” về tay nghề quay phim… Nhưng đáng tiếc là nó chưa có gì vượt qua được những phim này!

Năm ngoái, bộ phim “Thần tượng” của Quang Huy được trao giải cao nhất và rất nhiều giải cá nhân. Năm nay, phim “Chàng trai năm ấy” cũng là một phim hay, độc đáo, gây xúc động và không hề thua kém phim “Thần tượng”. Song, phim cũng không đạt giải vì nó vẫn nằm ngang vị trí so với phim năm trước.

Nhìn chung những bộ phim hiện nay có sự đầu tư khá lớn và sự đóng góp của nhiều chuyên gia từ nước ngoài. Chất lượng phim năm nay không hề giảm đi so với năm trước mà là do Ban Giám khảo Cánh Diều Vàng mong chờ có sự đột phá, mới lạ nhưng không làm được mà thôi!

Theo tiêu chí của ban giám khảo, bộ phim được trao giải cao nhất phải đạt chuẩn nhất định về cả nội dung lẫn nghệ thuật, đó là phải độc đáo, mới lạ.

Bạo lực, tình dục… cần được ẩn dụ hơn!

PV: Nếu làm thống kê đơn giản thì thấy trong số 17 phim tham gia giải Cánh diều vàng năm nay có đến 70-80 % là phim mang tính thương mại và giải trí, phim có chất lượng nghệ thuật ít, hời hợt. Đó có là điều đáng buồn không, thưa đạo diễn?

NSƯT - ĐD Nguyễn Vinh Sơn: Với người làm phim tư nhân, mục đích quan trọng nhất của họ là phù hợp với thị hiếu của người xem để có thể mang lại doanh thu tốt. Theo tiêu chí đó, những phim tư nhân đều đạt được mục đích, tức là người xem ngày càng cao lên. Ví dụ như “Quả tim máu”, “Để mai tính 2” có doanh thu và số lượng người xem rất cao, cao hơn so với các phim năm trước. Điều đó chứng tỏ là những nhà sản xuất phim tư nhân đã theo sát thị trường, đáp ứng được nhu cầu của người xem.

NSND Ngô Mạnh Lân và NSND Nguyễn Thế Anh được vinh danh thành tựu Vì sự nghiệp phát triển điện ảnh Việt Nam

Đó là tiêu chí của nhà sản xuất phim tư nhân, chúng ta không thể phản bác được vì họ bỏ tiền ra với mục đích như vậy. Điều chúng ta cần quan tâm là làm sao nâng cao được thị hiếu thưởng ngoạn của người xem. Những nhà làm phim tư nhân, các đạo diễn nắm bắt thị trường rất giỏi và làm đúng nhu cầu khán giả nên số lượng người xem tăng. Sau đó, dần dần nhà sản xuất và đạo diễn cũng cần phải nâng cao chất lượng bộ phim lên.

Còn với phim nghệ thuật, với một phim được đánh giá cao như “Đập cánh giữa không trung”, chất lượng phim đã được bảo chứng bằng rất nhiều giải thưởng quốc tế nhưng khi vào rạp xem thì chỉ có 7, 8 khán giả. Điều này thật đáng buồn! Rõ ràng là sức hút, nhu cầu của người xem về thể loại phim đó không nhiều, khiến cho những hãng phim tư nhân không dám mạo hiểm với đồng tiền của mình. Dòng phim thương mại vì vậy vẫn chiếm tỷ lệ lớn.

Với bộ phim “Lạc giới”, đạo diễn và ê-kíp đã có sự tìm tòi, khai phá những câu chuyện mới, con người mới, đề tài mới, tuy nhiên vẫn còn hơi rụt rè. Điều đó cũng không thể trách những người làm phim được, bởi nó quá xa với mục đích của họ. Trừ những phim Nhà nước không màng đến doanh thu vì được Nhà nước cấp tiền sản xuất, còn với những bộ phim tư nhân thì phải đem lại doanh thu bằng những câu chuyện giật gân, câu khách là điều hoàn toàn dễ hiểu.

Thị hiếu của người xem cũng có một phần trách nhiệm của người làm phim, nhưng phần lớn là của những vấn đề lớn hơn, như của xã hội, giáo dục, văn hóa. Nói chung, muốn nâng cao thị hiếu, nâng cao chất lượng phim thì cần có sự đóng góp của nhiều người chứ không thể bắt tư nhân làm phim nghệ thuật, trong khi khoảng cách giữa khán giả phim thương mại và khán giả phim nghệ thuật còn chênh lệch quá lớn!

PV: Hiện nay trên sóng truyền hình hay trong rạp chiếu phim thì lượng phim “bom tấn” nước ngoài quá nhiều. Điều này cũng đang góp phần làm phim Việt bị lấn át ngay trên “sân nhà”! Đạo diễn nghĩ gì về điều này?

NSƯT - ĐD Nguyễn Vinh Sơn: Thật sự mà nói phim Việt khó có thể so sánh được với phim nước ngoài vì đẳng cấp làm phim của họ quá cao so với mình. Phim Việt Nam chỉ có lợi thế lớn hơn phim ngoại là “phim trong nước”; với một cốt truyện Việt Nam, diễn viên Việt Nam, khán giả tới rạp xem phim thấy được nhân vật gần gũi với mình, vui, buồn giống như mình. Đó là sự gần gũi, thân quen của văn hóa, con người và lối sống. Hiện giờ, chúng ta đang phải nương nhờ vào điều đó để chiếm lĩnh rạp so với phim nước ngoài.

Ở nước ngoài, nền điện ảnh có chế độ bảo hộ, với tỷ lệ nội địa - nước ngoài nhất định. Còn ở Việt Nam, chưa có quy định nào về tỉ lệ này. Chúng ta chỉ trông mong vào tình cảm của người xem Việt Nam đối với cốt truyện và nhân vật Việt Nam.

Mai Thu Huyền (nhận thay DV Trung Dũng) và Trương Ngọc Ánh nhận giải Nam, Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất

Song, cũng có một tín hiệu đáng mừng là hiện giờ chúng ta đã bắt đầu có những yếu tố thu hút như các diễn viên ngôi sao, đạo diễn ngôi sao... Chúng ta đang từng bước tiếp cận với thị hiếu điện ảnh của các nước. Theo tôi, chúng ta không nên quá tự ti vì phim nước ngoài có thế mạnh nhưng phim Việt Nam cũng có những thế mạnh riêng. Cách đây 10 năm, kỹ thuật của chúng ta thua hoàn toàn nước ngoài, nhưng bây giờ thì chúng ta đã dần tiếp cận được về mọi mặt.

Vấn đề quan trọng còn lại là để có thể sánh ngang với phim nước ngoài thì phim Việt phải tìm ra được những câu chuyện có chất riêng của con người Việt. Tất nhiên, chúng ta cũng cần có sự thay đổi trong vấn đề quản lý của Nhà nước.

PV: Dễ dàng nhận thấy rằng, một số bộ phim vừa qua đã khai thác quá sâu những mảng tối của xã hội về bạo lực, tình dục... để câu khách. Tuy nhiên, điều đó không mang lại cảm xúc, ý thức lành mạnh cho người thưởng thức. Đạo diễn nghĩ sao về điều này?

NSƯT - ĐD Nguyễn Vinh Sơn: Đúng là hiện nay các nhà làm phim khai thác những câu chuyện hấp dẫn dựa trên những câu chuyện bản năng của con người như chuyện tình lâm ly, sướt mướt, những cảnh bạo lực, tình dục... Tất nhiên, đó là đề tài muôn thuở của điện ảnh, nhưng cách khai thác, cách giải nghĩa phải càng được ngụ ý hơn, ẩn dụ hơn. Với tình dục và bạo lực, hiện nay chúng ta đang khai thác theo hướng trực diện, trực tiếp, không có hậu ý để người xem suy nghĩ hay rút ra những bài học. Đó là điều còn rất hạn chế.

Nhưng tôi cũng lạc quan và tin rằng, đến ngày nào đó, cả người làm phim và khán giả đều cảm thấy đủ rồi với những vấn đề đó. Người làm phim sẽ cảm thấy mình phải thay đổi đề tài, thay đổi thể loại và hướng khai thác. Khán giả khi no nê với những vấn đề bản năng đó rồi, sẽ khao khát những điều cao hơn, khác biệt hơn, sẽ thấy có những hướng hấp dẫn khác so với tình dục, bạo lực đơn thuần...!

PV: Xin cảm ơn đạo diễn!

Lê Trúc (thực hiện)

 

NSND Huy Thành: Phải ưu tiên cho phim Việt!

PV: Thưa ông, ông có nhận xét gì về phim điện ảnh Việt năm vừa qua, nhìn từ các phim tham gia Cánh Diều Vàng 2014?

NSND Huy Thành

NSND Huy Thành: Dạo này sức khỏe tôi không tốt nên cũng không thường xuyên theo dõi tình hình phim ảnh trong nước một cách sát sao như ngày trước. Nhưng nhìn từ các phim tham gia tranh giải Cánh Diều Vàng 2014 thì tôi thấy rằng, rõ ràng là điện ảnh Việt đang trong tình trạng thừa phim thương mại, giải trí bình dân mà thiếu những tác phẩm đạt giá trị nghệ thuật thật sự. Đa phần là những phim mang nặng tính giải trí, giật gân, câu khách còn những câu chuyện bức thiết của cuộc sống, những giá trị nhân văn sâu sắc thì không hoặc được đề cập một cách khá hời hợt trong những phim này!

PV: Có một thực tế đang diễn ra là phim giải trí bình dân thì rất dễ và thường bán vé rất tốt, doanh thu cao. Còn những phim nghệ thuật thì ra rạp lại không bán nổi vé! Ông chia sẻ gì về điều này?

NSND Huy Thành: Đó cũng là một lý do khiến tôi luôn có những cảm thông dành cho các nhà sản xuất phim tư nhân làm phim bình dân, giải trí. Bởi họ bỏ tiền túi ra làm phim mà không bán được vé, lỗ vốn thì thật khó để họ làm.

Năm qua, vấn đề phim nghệ thuật, phim lịch sử có kinh phí sản xuất hàng chục tỉ nhưng không bán được vé đã được bàn đến rất nhiều, từ phim “Sống cùng lịch sử”, cũng là một phim tranh giải Cánh Diều Vàng năm nay. Nhiều ý kiến, giải pháp đã được đề ra nhưng theo tôi không phải dễ dàng thực hiện. Nó đòi hỏi phải có sự quyết tâm cao, phải có giải pháp đồng bộ từ các khâu như kịch bản, sản xuất, quảng bá, phát hành…

PV: Như vậy, theo ông thì giải pháp cho điện ảnh Việt trong vấn đề ranh giới giữa tính nghệ thuật - thương mại trong phim là thế nào, thưa ông?

Sơn Tùng, Bình An, Ngọc Thanh Tâm nhận giải Diễn viên triển vọng

NSND Huy Thành: Theo tôi, quan trọng nhất vẫn là cái tâm của nhà làm phim. Khi nhà làm phim không chỉ nghĩ đến điều duy nhất là đầu tư bao nhiêu và thu lãi bao nhiêu, khi nhà làm phim trăn trở về thông điệp, về giá trị nghệ thuật của bộ phim mình làm ra thì khi đó, chất lượng phim ảnh Việt sẽ dần dần được cải thiện!

Có một vấn đề nữa là hiện nay trên sóng truyền hình cũng như tại các rạp chiếu phim, phim ngoại xuất hiện quá dày đặc. Điều này có ảnh hưởng nhất định đối với phim nội địa, đó là chưa kể đến sự ảnh hưởng đến yếu tố văn hóa. Ở nhiều nước trên thế giới, người ta đã chú ý đến điểm này và hạn chế đến mức có thể việc chiếu phim ngoại, thay vào đó họ đẩy mạnh tác phẩm nội địa.

Còn ở nước ta, phim Việt, nhất là các tác phẩm phim nghệ thuật không được chào đón rộng rãi tại các rạp lớn. Chính vì vậy mà phim nghệ thuật đến giờ vẫn còn là món ăn xa lạ với nhiều công chúng. Chúng ta phải làm sao dành ưu tiên cho phim Việt, cho những tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao thì khi đó mới mong điện ảnh khởi sắc lên được.

PV: Xin cảm ơn ông!

Lê Trúc(thực hiện)


  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.