Tháo gỡ điểm nghẽn trong phát triển, quản lý hóa chất: Hướng tới phát triển bền vững và chuyển đổi xanh
Thể chế hóa chủ trương lớn, đẩy mạnh chuyển đổi xanh
Trình bày báo cáo trước Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, quá trình chỉnh lý dự thảo đã được thực hiện nghiêm túc, trên cơ sở quán triệt tinh thần đổi mới trong công tác xây dựng pháp luật, kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của đại biểu Quốc hội nhằm hoàn thiện văn bản dưới luật và nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện.
![]() |
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy. |
Dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) sau khi chỉnh lý gồm 8 chương, 52 điều - giảm 37 điều so với dự thảo ban đầu, thể hiện sự tinh gọn và hướng tới cải cách hành chính mạnh mẽ.
Nhiều nội dung trong dự thảo đã thể chế hóa các chủ trương lớn của Đảng như: cấm sử dụng hóa chất độc hại gây ô nhiễm nguồn nước, thúc đẩy chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng công bằng; thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, cùng Nghị quyết 18-NQ/TW về tinh gọn tổ chức bộ máy và phân cấp, phân quyền hiệu quả.
Cụ thể, Điều 37 của dự thảo đã quy định rõ việc quản lý hoạt động hóa chất và khoảng cách an toàn giữa khu vực sản xuất, tồn trữ hóa chất với nguồn nước sinh hoạt. Đồng thời, việc áp dụng nguyên tắc "hóa học xanh" cũng được quy định tại Điều 7 nhằm lựa chọn công nghệ, thiết bị an toàn, thân thiện với môi trường.
Một điểm mới đáng chú ý là dự thảo luật đã thúc đẩy mạnh mẽ việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác quản lý hóa chất, thông qua các quy định tại Điều 17, 19, 31 và 34. Việc hình thành cơ sở dữ liệu lớn về hóa chất sẽ giúp Nhà nước quản lý hiệu quả hơn, đồng thời tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận thông tin một cách minh bạch.
Trong quá trình soạn thảo, cơ quan chủ trì cũng đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, lấy ý kiến rộng rãi từ cộng đồng doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học và người dân. Qua đó, các điểm nghẽn trong quản lý hóa chất đã được nhận diện và đề xuất giải pháp xử lý như: kiểm soát hóa chất trong toàn bộ vòng đời, quản lý hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm và hàng hóa.
Các thủ tục hành chính cũng được rà soát, đơn giản hóa theo hướng tăng cường phân cấp, ứng dụng hệ thống Một cửa quốc gia và dịch vụ công trực tuyến. Điều này giúp giảm tối đa thời gian, chi phí thực hiện thủ tục cho doanh nghiệp.
Chỉnh lý quy định theo hướng bảo vệ tài nguyên, thống nhất pháp luật
Về lĩnh vực công nghiệp hóa chất trọng điểm (Điều 8), một số đại biểu đề nghị loại bỏ quy định ưu đãi với “hóa dược là nguyên liệu” nhằm tránh chồng chéo với chính sách ưu đãi trong Luật Dược. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, dự thảo đã được rà soát, chỉnh lý khái niệm "sản phẩm hóa dược" để bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Đầu tư và Luật Dược.
Đối với quy định về kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất, các đại biểu đề nghị tích hợp với kế hoạch ứng phó sự cố môi trường để đồng bộ và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, theo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc tích hợp là khó khả thi do sự khác biệt về nội dung và phạm vi điều chỉnh của hai loại kế hoạch. Do đó, dự thảo Luật vẫn giữ nguyên nội dung như đã trình, đồng thời bảo đảm thống nhất với Luật Phòng thủ dân sự, Luật Bảo vệ môi trường và các luật liên quan.
Dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) là kết quả của quá trình làm việc nghiêm túc, khoa học và thực tiễn của các cơ quan lập pháp, hành pháp và nhiều chủ thể liên quan. Với nhiều điều chỉnh theo hướng bảo vệ tài nguyên, thúc đẩy phát triển bền vững, chuyển đổi xanh và giảm gánh nặng thủ tục hành chính, dự thảo Luật kỳ vọng sẽ trở thành nền tảng pháp lý quan trọng, góp phần đưa ngành công nghiệp hóa chất phát triển hiện đại, an toàn và thân thiện với môi trường.
Huy Tùng
-
Tháo gỡ điểm nghẽn trong phát triển, quản lý hóa chất: Hướng tới phát triển bền vững và chuyển đổi xanh
-
[Infographic] Trái đất sẽ ra sao nếu tăng thêm 2 độ C?
-
Dự báo thời tiết 3 miền trên cả nước dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5
-
Phó Thủ tướng chỉ đạo khắc phục hậu quả cháy rừng tại Quảng Ninh
-
Kon Tum: 6 trận động đất liên tiếp trong một giờ