Giải pháp nào cho phát triển giao thông xanh tại Việt Nam?

08:43 | 05/04/2025

12 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Giao thông xanh đang trở thành một xu hướng toàn cầu, đặc biệt là tại các quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Trong bối cảnh ô nhiễm môi trường và ùn tắc giao thông ngày càng gia tăng, phát triển giao thông xanh trở thành một trong những giải pháp quan trọng giúp cải thiện chất lượng không khí và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Thực trạng giao thông xanh tại Việt Nam

Giao thông có nguồn phát thải lớn, hiện chiếm khoảng 15-20% tổng lượng khí nhà kính toàn cầu. Những nguồn gây ô nhiễm không khí chính, với lượng khí thải CO2, NOx và bụi mịn từ ở các phương tiện dùng nhiên liệu hóa thạch: ô tô cá nhân, xe tải, hàng không, hàng hải…

Một trong những vấn đề nổi bật trong thực trạng giao thông xanh tại Việt Nam là ô nhiễm không khí và ùn tắc giao thông.

Các phương tiện giao thông cá nhân, đặc biệt là xe máy và ô tô chạy bằng xăng, vẫn chiếm phần lớn trong giao thông đô thị và gây ra lượng khí thải lớn.

Giải pháp nào cho phát triển giao thông xanh tại Việt Nam?
Hiện nay, chỉ một số tuyến xe buýt ở TP HCM và Hà Nội đang thử nghiệm sử dụng xe buýt điện/Ảnh minh họa

Mặc dù một số thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM đã triển khai các phương tiện giao thông công cộng như xe buýt điện và metro Hà Nội, metro số 1 (TP HCM) nhưng hệ thống giao thông công cộng tại Việt Nam vẫn chưa phát triển đồng bộ và rộng khắp. Các phương tiện giao thông công cộng hiện tại chủ yếu vẫn chạy bằng xăng hoặc diesel, tạo ra lượng khí thải lớn, đặc biệt là xe buýt và xe tải công cộng.

Hiện nay, việc sử dụng xe buýt điện và tàu điện ngầm vẫn còn khá hạn chế. Chỉ một số tuyến xe buýt ở TP HCM và Hà Nội đang thử nghiệm sử dụng xe buýt điện, nhưng số lượng vẫn chưa đủ để tạo ra sự thay đổi rõ rệt trong toàn bộ hệ thống giao thông công cộng.

Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông xanh cũng chưa đồng bộ, đặc biệt là cho xe điện và xe đạp, vẫn chưa được phát triển đầy đủ. Các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM và một số tỉnh đã triển khai các trạm sạc xe điện, nhưng số lượng còn rất ít và không đồng đều, điều này tạo ra những khó khăn cho người sử dụng xe điện.

Các tuyến đường dành riêng cho xe đạp cũng rất hạn chế, mặc dù xe đạp là một phương tiện giao thông xanh lý tưởng. Các thành phố chưa xây dựng đủ các làn đường dành riêng cho xe đạp, khiến việc di chuyển bằng xe đạp trở nên nguy hiểm và không thuận tiện.

Mặc dù xe điện và các phương tiện giao thông cá nhân xanh đang dần được chú ý, nhưng việc sử dụng những phương tiện này còn gặp phải một số rào cản. Xe điện vẫn chưa phổ biến rộng rãi do giá thành cao, trong khi đó hạ tầng sạc điện và các dịch vụ hỗ trợ vẫn còn hạn chế.

Ngoài ra, ý thức sử dụng các phương tiện này vẫn chưa cao ở nhiều người dân, đặc biệt là tại các khu vực nông thôn hoặc thành phố nhỏ.

Mặc dù vậy, trong những năm gần đây, Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong việc khuyến khích phát triển giao thông xanh. Chính phủ và các thành phố lớn đang nỗ lực cải thiện tình hình thông qua các chính sách và dự án phát triển giao thông bền vững.

Chẳng hạn, TP HCM đã triển khai thí điểm các tuyến xe buýt điện, trong khi Hà Nội cũng thử nghiệm mô hình xe buýt điện và đặt mục tiêu phát triển giao thông công cộng hiện đại và thân thiện với môi trường. Chính phủ cũng đang xem xét các chính sách ưu đãi thuế và hỗ trợ cho việc phát triển xe điện, xe buýt điện, và các phương tiện giao thông công cộng thân thiện với môi trường.

Thách thức và giải pháp phát triển giao thông xanh tại Việt Nam

Về vấn đề này, trao đổi với phóng viên PetroTimes, Chuyên gia kinh tế, PGS. TS Ngô Trí Long cho rằng, mặc dù đã có những chuyển biến tích cực trong việc phát triển giao thông xanh tại Việt Nam, tuy nhiên, lĩnh vực này vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức, đòi hỏi những giải pháp cụ thể và hiệu quả để thúc đẩy sự phát triển bền vững.

Giải pháp nào cho phát triển giao thông xanh tại Việt Nam?
Chuyên gia kinh tế, PGS. TS Ngô Trí Long

Về thách thức, theo PGS.TS Ngô Trí Long, việc phát triển cơ sở hạ tầng giao thông xanh như trạm sạc xe điện, xe buýt điện hay tàu điện ngầm đòi hỏi một khoản đầu tư lớn. Điều này cần sự hỗ trợ từ chính phủ và các doanh nghiệp trong nước và quốc tế.

Cùng với đó, một số người dân vẫn chưa quen với việc sử dụng phương tiện giao thông xanh, đặc biệt là trong các thành phố nhỏ và vùng sâu, vùng xa. Cần có các chiến lược tuyên truyền và giáo dục để nâng cao nhận thức của cộng đồng về lợi ích của giao thông xanh.

Ngoài ra, việc nâng cấp và hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông hiện tại để tương thích với các phương tiện xanh còn gặp không ít khó khăn, đặc biệt là ở các khu vực chưa phát triển đồng bộ.

Do vậy, để phát triển giao thông xanh, Việt Nam cần phải triển khai các giải pháp đồng bộ, kết hợp giữa chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng.

Theo chuyên gia Long, một trong những giải pháp quan trọng là phát triển phương tiện giao thông sử dụng năng lượng sạch, đặc biệt là xe điện và xe buýt điện. Các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM cần tăng cường đầu tư vào xe buýt điện và tàu điện ngầm, giúp người dân dễ dàng tiếp cận phương tiện công cộng ít ô nhiễm.

Đồng thời, việc phát triển cơ sở hạ tầng cho xe điện như các trạm sạc điện cũng rất quan trọng. Chính phủ và các doanh nghiệp cần phối hợp để xây dựng mạng lưới trạm sạc điện phủ rộng khắp các đô thị, đặc biệt là tại các khu vực trung tâm và các điểm giao thông trọng yếu.

Cùng với đó, tăng cường hệ thống giao thông công cộng thân thiện với môi trường. Theo PGS. TS Ngô Trí Long, giao thông công cộng đóng vai trò quan trọng trong việc giảm lượng phương tiện cá nhân và giảm thiểu tắc nghẽn giao thông. Việt Nam cần đầu tư mạnh vào phát triển hệ thống giao thông công cộng như xe buýt điện, tàu điện, và các phương tiện vận chuyển công cộng thân thiện với môi trường.

Để thu hút người dân sử dụng giao thông công cộng, chính phủ cần tăng cường chất lượng dịch vụ, đảm bảo phương tiện công cộng sạch sẽ, an toàn và tiện lợi. Hệ thống thanh toán điện tử và ứng dụng di động thông minh giúp người dân dễ dàng tra cứu thông tin và thanh toán, đồng thời giảm thiểu thời gian chờ đợi và tăng hiệu quả vận hành.

Thứ hai, phát triển hạ tầng cho xe đạp và phương tiện di chuyển cá nhân. Xe đạp là một phương tiện giao thông xanh hiệu quả, đặc biệt đối với các quãng đường ngắn. Các thành phố cần đầu tư vào hệ thống đường dành riêng cho xe đạp, giúp người dân di chuyển thuận tiện và an toàn. Bên cạnh đó, các dịch vụ cho thuê xe đạp công cộng cũng cần được phát triển, như mô hình chia sẻ xe đạp điện đã thành công ở nhiều thành phố lớn trên thế giới.

Các phương tiện di chuyển cá nhân khác như xe điện mini, xe scooter cũng có thể trở thành lựa chọn giao thông xanh thay thế xe máy và ô tô, giúp giảm thiểu ùn tắc và ô nhiễm không khí.

Thứ ba, Ứng dụng công nghệ thông minh trong quản lý giao thông. Sử dụng công nghệ thông minh là một trong những giải pháp hiệu quả để quản lý giao thông và tối ưu hóa các phương tiện giao thông xanh. Các hệ thống giao thông thông minh (ITS) có thể giúp điều tiết lưu lượng giao thông, giảm ùn tắc và tiết kiệm năng lượng. Việc sử dụng dữ liệu lớn (Big Data) và trí tuệ nhân tạo (AI) giúp dự báo tình hình giao thông, từ đó đưa ra các giải pháp tối ưu.

Các ứng dụng di động và nền tảng trực tuyến cũng giúp người dân dễ dàng tìm kiếm thông tin về các tuyến giao thông công cộng, tình trạng giao thông và dự báo thời gian di chuyển, từ đó giúp giảm lượng phương tiện cá nhân tham gia giao thông.

Cuối cùng là, chính sách hỗ trợ và khuyến khích. Theo PGS.TS Ngô Trí Long, để thúc đẩy phát triển giao thông xanh, chính phủ cần có những chính sách hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp và người dân tham gia vào quá trình chuyển đổi. Các ưu đãi thuế, hỗ trợ đầu tư cho các công ty sản xuất xe điện, phát triển cơ sở hạ tầng cho xe điện, cũng như các chương trình khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng và giao thông xanh là rất cần thiết.

“Phát triển giao thông xanh tại Việt Nam là một thách thức lớn nhưng cũng là cơ hội để cải thiện chất lượng không khí, giảm thiểu ô nhiễm và xây dựng một môi trường sống lành mạnh hơn cho người dân. Các giải pháp công nghệ và hạ tầng, cùng với sự hợp tác giữa chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng, sẽ là yếu tố quyết định giúp Việt Nam xây dựng một hệ thống giao thông xanh bền vững trong tương lai. Thực hiện các giải pháp này không chỉ giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống và góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước” - chuyên gia kinh tế, PGS. TS Ngô Trí Long nhận định.

Huy Tùng