GS.TS Nguyễn Thuyết Phong: Đất dụng võ ở ngay trong bản thân

11:38 | 23/01/2013

1,398 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Tự đặt lên vai mình trách nhiệm làm sáng tỏ một nền âm nhạc hùng vĩ của dân tộc nhưng còn ít nhiều lờ mờ đối với nhiều bè bạn năm châu, sau 40 năm xa xứ, trong lòng ông, vẫn luôn canh cánh nỗi quốc gia hưng thịnh, với đầy đủ tinh hoa văn hóa được phát tiết hết mọi vẻ đẹp tiềm ẩn của nó. Ông là GS.TS Nguyễn Thuyết Phong. Đầu xuân, phóng viên đã có cuộc trò chuyện thú vị với nhà khoa học có tên trong cuốn Từ điển danh nhân âm nhạc thế giới này…

- Tính ra đến nay ông đã đón bao nhiêu cái Tết ở Việt Nam? Ngày Tết đối với ông có ý nghĩa như thế nào?

- Trong 40 năm xa xứ, rất tiếc, tôi ăn tết nơi đất khách quê người nhiều hơn là ở Việt Nam. Nhưng với tôi, Tết ở đâu cũng là Tết, cũng là một phong tục đẹp đẽ của dân tộc mà mình phải góp phần gìn giữ! Dù mình đang sống ở đâu, đất nước nào. Tuy nhiên, nếu được về ăn Tết ở quê nhà thì còn gì bằng. Tôi hãnh diện vì mình là người gốc Việt đã và đang được trở về nguồn cội. Để thưởng thức tiếng chuông chùa vang vọng. Để nhận những lời chúc phúc và chúc phúc cho người thân. Để cảm thấy Tết thực sự là điểm khởi đầu của mọi hy vọng…

- Nếu nhìn nhận dưới góc độ của một nhà giáo dục học, dân tộc học, Tết ta và tây khác nhau như thế nào, thưa giáo sư?

- Khác nhau đầu tiên là khí hậu. Tết ở Việt Nam mát mẻ chứ không quá giá lạnh như Tết ở Mỹ hay châu Âu. Khí hậu cũng ảnh hướng lớn đến tập tục đón Tết. Ở Việt Nam, người ta nói Xuân cũng có nghĩa là Tết. Trong khi đó ở Mỹ và châu Âu, mùa xuân đến sau Tết tây lịch hơn hai tháng. Tết đến, chúng ta có một cách chào đón năm mới đầy màu sắc văn hóa, rực rỡ, thiêng liêng, biểu diễn âm nhạc, sân khấu và dân ca, nghi lễ đa dạng theo phong tục của từng vùng miền từ Bắc chí Nam. Những nét riêng đậm đà ấy tạo cho ngày Tết ở Việt Nam có tính văn hóa cao và hình thức đón năm mới “giàu” hơn.

GS.TS Nguyễn Thuyết Phong

- Tết thường là dịp để Việt kiều bốn phương về lại Việt Nam. Đây cũng là cơ hội thu hút đầu tư từ nguồn kiều hối cũng như tận dụng chất xám của trí thức hải ngoại. Chính phủ cũng đã có nhiều chính sách đãi ngộ cầu hiền, nhưng có vẻ như chủ trương thì đúng đắn nhưng cơ chế không theo kịp hoặc chưa thật hiệu quả? Nên luợng kiều hối đầu tư vào Việt Nam chưa nhiều. Việt kiều về nuớc có nhưng ít người ở lại lâu. Có ở lại thì cũng chưa thật sự có đất dụng võ? Theo giáo sư, nguyên nhân của thực trạng này là gì? Và cần tháo gỡ từ đâu?

- Theo thiển ý của tôi, vấn đề nằm ở chỗ sự khác biệt xã hội khó lấp đầy. Không nên bức xúc bởi nguyên do chậm hay nhanh. Thành ý không chỉ đến từ một phía. Nhưng nhất thiết phải có thành ý thì điều tốt sẽ đến. Xã hội càng ngày càng thông thái, nhưng lại phức tạp hơn. Trong nhóm người gốc Việt sống ở nước ngoài có đủ thành phần, nhiều tài năng, nhiều chính kiến, tuy nhiên phải nhớ một điều là chúng ta chỉ có một tổ quốc. Như tôi phát biểu một lần ở Nhà Trắng (năm 1997), “nếu vin vào một nơi khác, chúng ta sẽ đánh mất nguồn cội và không thể thành đạt”. Về mặt thực tiễn sống, điều hay nhất có thể là chọn sự trung dung thông minh để rút ra đáp số hay nhất, có lợi cho mình đồng thời có lợi cho gia đình mình, và quê hương mình. “Đất dụng võ” nằm ngay trong chính bản thân.

- Sau nhiều năm đi đi về về làm việc giảng dạy ở Việt Nam, ông rút ra kinh nghiệm gì cho bản thân, để "nhập gia tùy tục" ngay chính trên cố hương? Dẫu sao mặc lòng, môi trường làm việc ở Việt Nam vẫn có nhiều sự khác biệt với những nơi ông đã đi qua, và trải nghiệm...

- Nói một cách chân thành nhất là không dễ gì áp dụng câu “nhập gia tùy tục”. Xã hội có quá nhiều khác biệt đã tạo ra sự chênh lệch. Khi thực hiện các dự án nghiên cứu cho cơ quan và bản thân mình ở Mỹ thì tôi thực hiện một cách rất khách quan. Điều này khác hẳn so với chính tôi khi đảm nhiệm dạy các lớp Cao học tại các nhạc viện ở Việt Nam, nhất là đối với việc tôi thành lập ngành học mới (Ethnomusicology hay Dân tộc nhạc học thế giới). Từ việc soạn giáo trình, giáo án sang tiếng Việt, giảng bằng tiếng Việt (mà chưa từng giảng), cung cấp sách và tài liệu đa phương tiện giáo khoa cho đến sự tiếp thu chậm, nhanh, hay tắc nghẽn của học viên ở một điểm nào đó đều là phản ứng rất thực tiễn đối với tôi, làm gia tăng sự thách thức (challenge) trong kinh nghiệm của một nhà giáo đang đứng trước bối cảnh khác. Trong ngành Nhân học và Âm nhạc học, tôi lấy những khó khăn đó làm kinh nghiệm cần thiết để thích nghi, phân tích và hiểu sâu hơn giá trị xã hội và hành hoạt tư duy, cơ hội hiểu rõ hơn về nền giáo dục Việt Nam khác với các nước khác như thế nào và cần bổ sung gì.

- Cho dù còn nhiều khác biệt, nhiều vấn đề như ông nói, nhưng ông vẫn đã và đang ở lại cho đến lúc này. Điều gì đã níu giữ lòng ông? Một vài kế hoạch trong năm 2013 và xa hơn của cá nhân ông là gì

- Tôi nhìn lên khuôn mặt và ánh mắt của con mình, trong đó chứa đựng cả bầu trời Việt Nam mà tôi yêu quí. Đó là sự níu kéo ở lại quê hương từ sâu trong tâm thức. Tôi có một cuộc sống khác với nhiều người, phải đi và đi mãi trên trái đất này, sống và sống mãi với mọi người dù ở bất cứ bản địa nào. Nhưng những chuyến đi ấy đều có một mục đích duy nhất là giới thiệu đến thế giới nét đẹp của văn hóa Việt Nam, dù trong thầm lặng hay được người ngoài hưởng ứng, cổ vũ, chào đón. Một nền âm nhạc hùng vĩ với chính mình nhưng còn lờ mờ đối với nhiều bè bạn năm châu, mình phải có trách nhiệm làm sáng tỏ. Trách nhiệm đó có thể nâng tầm như một sứ mạng không phải nhờ đến ai nhắc nhở. Năm 2013 và 2014, ngoài các kế hoạch khác cho riêng mình, tôi sẽ đồng hành với các nhà nghiên cứu, các nghệ sĩ thực hiện tiếp chương trình Soundful Vietnam tại Mỹ.

- Xin cám ơn ông, xin chúc ông và gia đình sang năm mới nhiều niềm vui và sự ấm áp. 

Lê Chi (thực hiện)