Thị trường hàng hóa mùng 5 Tết Quý Mão: Chợ dân sinh sôi động, tăng kiểm soát thị trường xăng dầu
Thị trường phong phú, sức mua tốt, giá cả nhích nhẹ
Ngày mùng 5 Tết, hầu hết các hệ thống phân phối, chợ truyền thống đều hoạt động bình thường; giá hàng hoá tại các siêu thị không đổi so với trước Tết, giá các mặt hàng thực phẩm tại chợ tăng giá hơn so với ngày thường.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương, tại một số chợ đầu mối lớn của Hà Nội, các mặt hàng cá chép, cá trắm, cá trôi to... là những mặt hàng bán chạy nhất. Bên cạnh đó, mặt hàng đậu phụ cũng được nhiều người ưa chuộng. Giá các loại cá tươi sống tăng khoảng 5.000-10.000 đồng/kg so với ngày thường, đậu phụ đã tăng gần gấp đôi khi có giá 4.000 đồng/bìa. Riêng giá rau xanh vẫn ở mức cao do thời tiết giá lạnh, rau chậm phát triển. Tuy nhiên, do là phiên chợ đầu năm nên không khí khá khẩn trương và người đi mua hàng chấp nhận trả giá cao hơn so với ngày thường.
Không khí tại các siêu thị có vắng hơn, hàng hóa vẫn được đảm bảo. Chị Nguyễn Loan (An Khánh – Hoài Đức) cho biết: "Mọi năm tôi có thói quen trữ các loại rau, củ, thịt cá, giò... trong nhà vì sợ hàng hóa đầu năm tăng giá. Do trữ lâu nên rau các loại cũng héo, phải bỏ đi rất nhiều. Từ mấy Tết nay tôi không trữ nữa mà yên tâm mua vừa đủ, còn lại ra Tết đến siêu thị mua, vừa rẻ, vừa không sợ bị đội giá”.
Mặt hàng rau xanh đắt khách. |
Theo ghi nhận tại một số siêu thị Co.opmart, Winmart... người dân đã bắt đầu mua sắm ngay trong những ngày đầu của năm mới, nhưng sức mua bắt đầu tăng từ mùng 5 Tết. So với mặt bằng giá ở chợ, giá rau củ, thực phẩm ở các siêu thị không biến động nhiều.
Theo Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công thương, thị trường các mặt hàng phục vụ Tết năm nay khá đa dạng, phong phú, tuy nhiên, người dân, người lao động có xu hướng chi tiêu cẩn trọng hơn, tiết giảm những chi phí không cần thiết. Sức mua trong các tháng cuối năm và dịp Tết tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước và chủ yếu tập trung vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng hàng ngày và trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Trong vài tuần cận Tết, nhiều chương trình khuyến mại giảm giá liên tục được các doanh nghiệp áp dụng để cạnh tranh và thu hút nhu cầu mua sắm cuối năm. Mặt bằng giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống, thủy hải sản, rau củ quả... trong những ngày cận Tết tăng theo quy luật thị trường, mức tăng không quá cao và giá nhiều mặt hàng vẫn ở mức tương đương hoặc thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường cam kết bán giá ổn định, hoặc thấp hơn thị trường 5-10%, giá bán được giữ ổn định trong thời gian trước, trong và sau Tết.
Với sự phát triển của hệ thống phân phối hiện đại, tại các thành phố lớn, xu hướng mua sắm Tết của người dân đến các trung tâm thương mại, siêu thị ngày càng nhiều do mặt hàng đa dạng, chất lượng tốt, giá cả ổn định nhiều sự lựa chọn. Tại các chợ dân sinh, hoạt động mua bán cũng khá tấp nập, chủ yếu tập trung vào các mặt hàng thực phẩm tươi sống, hoa, trái cây, đồ thờ cúng.
Ngoài ra, trong dịp Tết Nguyên đán, tại hầu hết các địa phương đều tổ chức các chợ hoa Tết, Hội chợ Xuân... cũng là các địa điểm thu hút đông người tiêu dùng đến tham quan và mua sắm. Hàng hóa tại đây cũng rất đa dạng, hình thức đẹp và được tổ chức vào những ngày cận Tết (từ ngày 25 đến sáng ngày 30 Tết) nên cũng giảm tải cho các chợ truyền thống. Bên cạnh đó, xu hướng mua sắm qua các sàn thương mại điện tử vẫn được nhiều người lựa chọn nhờ vào sự tiện lợi của loại hình này cùng với việc nhà cung cấp tung ra nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn.
Cùng với việc chuẩn bị nguồn hàng, các địa phương cũng luôn quan tâm tới việc tổ chức tốt hệ thống phân phối để đưa hàng Tết đến tay người tiêu dùng, đặc biệt là hàng bình ổn thông qua việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tổ chức các điểm bán hàng Tết, các Hội chợ, phiên chợ Tết, kết hợp Chương trình bình ổn thị trường với các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, khu công nghiệp... Ngoài ra, các địa phương cũng đã tổ chức các hoạt động đưa hàng hóa phục vụ bà con đón Tết tại các xã huyện vùng sâu, vùng xa, các xã đảo cách xa đất liền. Trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão, một số địa phương như Kiên Giang, Đà Nẵng, Cần Thơ, Đồng Nai... đã có nhiều chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc đưa hàng về phục vụ bà con tại các xã đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều khó khăn, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
Nhìn chung, thị trường Tết năm nay khá bình ổn, nguồn cung hàng hóa dồi dào, công tác phục vụ Tết của nhiều siêu thị, chợ được kéo dài đến chiều ngày 30 Tết và bắt đầu phục vụ trở lại từ ngày 1-2 Tết, một số siêu thị có vốn đầu tư nước ngoài đã không nghỉ Tết nên đã hạn chế tâm lý mua tích trữ của người dân.
Thị trường các mặt thực phẩm những ngày từ 26-30 Tết khá sôi động, sức mua đối với các mặt hàng thực phẩm tươi sống tăng mạnh hơn nhưng do nguồn cung dồi dào, mặt bằng giá các mặt hàng này chỉ tương đương so với Tết năm trước. Tại các siêu thị, trung tâm thương mại nhất là các đơn vị tham gia chương trình bình ổn, giá hàng hóa tương đối ổn định. Trên thị trường, hàng Việt Nam ngày càng chiếm ưu thế với chất lượng khá tốt và giá cả hợp lý, được người tiêu dùng ưu tiên lực chọn. Các mặt hàng bánh mứt kẹo, đồ uống, giá tăng khoảng 5-7% so với cùng kỳ năm trước do chi phí sản xuất tăng, nguồn cung đa dạng, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân.
Năm nay, các mặt hàng nông sản, đồ khô đa dạng, nhiều mẫu mã lạ, đặc sản địa phương vẫn tiếp tục thu hút người tiêu dùng, nhất là người dân tại các thành phố lớn. Ngoài các mặt hàng nông sản trong nước, có thêm nhiều loại đặc sản nhập khẩu như hạt thông, các loại hạt khô nhập từ Châu Âu, thêm nhiều sự lựa chọn cho người tiêu dùng. Các loại nông sản khô như đỗ xanh, nấm hương, mộc nhĩ, lạc, măng khô,... giá tương đối ổn định hoặc chỉ tăng nhẹ khoảng 2%-3% so với ngày thường.
Riêng mặt hàng hoa, cây cảnh, năm nay, nguồn cung các loại hoa, cây cảnh như đào, mai, quất... cho thị trường dịp Tết rất dồi dào, đa dạng do thời tiết thuận lợi cho sự tăng trưởng của cây trồng. Giá bán hoa cây cảnh thấp hơn so với năm trước do nhu cầu giảm, một phần ảnh hưởng do thu nhập của người dân giảm. Giá bán hoa đào, quất tại các tỉnh phía Bắc giảm so với năm ngoái 5% - 10%. Tại các tỉnh phía Nam, nguồn cung hoa cây cảnh nhìn chung tương đương như năm ngoái, nhưng mức giá giảm nhẹ do nhu cầu giảm và khó khăn nên nhiều nhà vườn giảm quy mô. Các loại hoa, cây cảnh phổ biến khác như hoa ly, lay ơn, hoa cúc, hồng... giá giảm 5-10% với cùng kỳ năm trước.
Tăng cường quản lý mặt hàng xăng dầu
Về công tác điều hành giá xăng dầu, tại kỳ điều hành trước Tết ngày 11 tháng 01 năm 2023, để hài hoà lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, ổn định nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong giai đoạn trước, trong và sau Tết Nguyên đán, tuân thủ quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, Nghị định số 95/2021/NĐ-CP, Liên Bộ Công Thương - Bộ Tài chính quyết định không thực hiện trích lập Quỹ Bình ổn giá đối với hai mặt hàng xăng, giữ nguyên mức trích lập Quỹ Bình ổn giá với dầu diesel (605 đồng/lít) và tăng mức trích lập Quỹ Bình ổn giá với dầu dầu hỏa và dầu madút (ở mức 605 đồng/lít và 300 đồng/kg). Thực hiện chi Quỹ Bình ổn giá đối với mặt hàng Xăng E5RON92 ở mức 121 đồng/lít, Xăng RON95 ở mức 103 đồng/lít; Dầu diesel, dầu hỏa và dầu mazut không chi sử dụng Quỹ BOG.
Sau khi thực hiện việc điều chỉnh mức trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường được giữ ổn định ở mức Xăng E5RON92 không cao hơn 21.352 đồng/lít, Xăng RON95-III không cao hơn 22.154 đồng/lít, Dầu diesel 0.05S không cao hơn 21.634 đồng/lít, Dầu hỏa không cao hơn 21.809 đồng/lít, Dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 13.366 đồng/kg.
Bên cạnh đó, nhằm đảm bảo cung - cầu xăng dầu trong nước, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Bộ Công Thương đã có các văn bản chỉ đạo nhà máy lọc dầu nâng cao trách nhiệm trong việc đảm bảo nguồn hàng giao cho khách hàng theo các hợp đồng đã ký kết; chỉ đạo các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, thương nhân phân phối xăng dầu chủ động nguồn hàng, có phương án bù đắp nguồn hàng trong trường hợp xảy ra thiếu hụt, không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống, duy trì hoạt động bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu của doanh nghiệp, đặc biệt trong dịp trước, trong và sau Tết… Nguồn cung xăng dầu trong nước trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão vẫn luôn được bảo đảm.
Tuy nhiên, trước Tết, có hiện tượng một số cửa hàng xăng dầu tại một số địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội thông báo tạm nghỉ do nhân viên về quê nghỉ Tết, lực lượng Quản lý thị trường tại địa phương đã kịp thời kiểm tra, động viên doanh nghiệp khắc phục ngay hiện tượng thiếu nhân viên do nghỉ Tết, các cửa hàng sau đó đã mở cửa bán hàng bình thường trở lại. Bên cạnh đó, lực lượng Quản lý thị trường phối hợp với Sở Công Thương các địa phương tiếp tục giám sát chặt chẽ việc cung ứng xăng dầu trên địa bàn, kịp thời làm rõ nguyên nhân, xử lý theo quy định nếu có hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Tại Hà Nội, ngày 24/1 (mùng 3 Tết), Đội Quản lý thị trường số 23 – Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra, phát hiện một cơ sở kinh doanh xăng dầu trên phố Ba Thá, xã Viên An, huyện Ứng Hoà, Hà Nội có hành vi niêm yết giá bán lẻ xăng dầu không đúng với giá quy định. Đội Quản lý thị trường số 23 đã tiến hành kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính 7.500.000 đồng đối với hành vi vi phạm của cơ sở kinh doanh xăng dầu trên.
Ngày 25/1 (mùng 4 Tết), Đội Quản lý thị trường số 2 - Cục Quản lý thị trường Hà Nam xử phạt 15.000.000 đồng đối với Công ty TNHH Chiến Dưỡng về hành vi giảm thời gian bán hàng so với thời gian niêm yết mà không có lý do chính đáng.
Cũng trong ngày 25/1 (tức mùng 4 Tết), đoàn công tác của Tổng cục Quản lý thị trường do ông Hoàng Ánh Dương làm trưởng đoàn đã trực tiếp kiểm tra tình hình cung ứng xăng dầu ở một số cửa hàng kinh doanh xăng dầu ở các tỉnh Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng để đảm bảo nguồn cung xăng dầu được thông suốt.
Với mặt hàng khí hóa lỏng (LPG), giá bán lẻ mặt hàng LPG được điều chỉnh giảm khoảng 14.000-23.000 đồng/bình 12 kg từ ngày 01 tháng 01 năm 2023 (tùy thương hiệu và nhà cung cấp) do giá LPG thế giới tháng 1 năm 2023 ở mức 597,5 USD/tấn, giảm 52,5 USD/tấn so với tháng 12 năm 2022. Hiện giá bán lẻ LPG trong nước dao động ở quanh mức 415.000-440.000 đồng/kg bình 12kg, tùy thương hiệu và nhà cung cấp.
Theo Báo Công thương
-
Gần 2.400 vé tàu, vé máy bay miễn phí cho người lao động về quê đón Tết Ất Tỵ
-
Sau bão số 3: Hải Phòng còn nhiều khó khăn, giá cả thị trường tăng đột biến
-
Bộ Công Thương: Nghiêm trị lợi dụng mưa bão đầu cơ trục lợi nhu yếu phẩm
-
Thị trường các tỉnh, thành miền Bắc cơ bản được đảm bảo sau bão số 3
-
Bí quyết giúp VegGieg nhanh chóng chinh phục thị trường Việt Nam
-
Tin tức kinh tế ngày 8/10: Giá thép xây dựng tăng liên tiếp
-
Bà Rịa - Vũng Tàu: GRDP 9 tháng đầu năm tăng trưởng mạnh
-
ADB: Ngành công nghiệp sáng tạo kỹ thuật số sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở châu Á và Thái Bình Dương
-
Giá dầu hôm nay (8/10): Dầu thô giảm trong phiên
-
Giá vàng hôm nay (8/10): Thị trường trong nước và thế giới trái chiều