Xin đừng để “Tết” thành một cái cớ

18:02 | 09/02/2024

|
(PetroTimes) - Những ngày giáp Tết, người người bận rộn “chạy” việc, lo tiền, sắm sửa trang hoàng nhà cửa đón Xuân. Áp lực về "cơm, áo, gạo, tiền", quan hệ xã hội, gia đình trong cả năm trời, như cùng lúc ập xuống đè nặng lên vai khiến ai nấy trở nên nóng nảy, dễ cáu hơn… ngày thường.

Ngày 25 Tết, hòa vào dòng người chạy việc cuối năm, tôi nhích từng mét trên mọi nẻo đường để kịp đưa tin, bài về tòa soạn. Trong đầu thì vẫn ong ong một “lệnh” của “lãnh đạo nhà” là tranh thủ mua quà Tết gửi vào miền Nam. Từ sáng sớm đến trưa cũng hoàn thành nhiệm vụ của cả cơ quan lẫn gia đình, ấy vậy nhưng cầm 3kg bột sắn đến bưu điện thì nhận được câu trả lời: “Hết hành trình vì… cận Tết nên các đơn vị vận chuyển đều nghỉ. Muốn chuyển đồ thì phải sau Tết mới nhận được”.

Xin đừng để “Tết” thành một cái cớ
Tết là khoảng thời gian đáng quý để tận hưởng.

Nghe người quen mách, tầm này chỉ có những đơn vị chuyển phát tư nhân còn làm việc. Tôi vội chạy đến điểm nhận hàng trên đường Vũ Phạm Hàm – Quận Cầu Giấy của Công ty T. Ấy vậy, người tiếp nhận lại bảo: “Bột sắn nhìn giống hàng quốc cấm, Công ty không nhận vận chuyển”. Tôi ngạc nhiên quá nên hỏi kỹ là hàng quốc cấm gì mà lại giống bột sắn thì cô nhân viên tên H thản nhiên: “Ma túy chứ cái gì!”. Mặc cho tôi ngơ ngẩn, chưng ra hóa đơn mua hàng, lôi từng bọc bột còn nguyên đai nguyên kiện.

Cô nhân viên có vẻ “ngại” với sự kiên trì của tôi nên bảo để cô ấy “hỏi” quản lý. Sau khoảng 5 phút “trao đổi”, cô nhân viên cũng bảo là sẽ nhận chuyển hàng với “điều kiện” là gói hàng của tôi phải đóng theo “quy cách” gói hàng 5kg với giá vận chuyển là 560 ngàn đồng.

Ngày 27 Tết, đường phố Hà Nội đông đúc hơn vì dòng người mua sắm Tết. Khu vực đường Lạc Long Quân và Nguyễn Hoàng Tôn – Quận Tây Hồ có hơn chục năm, là nơi" tụ tập" bán cây hoa cảnh Tết thì không còn mét vuông vỉa hè trống. Đưa cậu con trai mới được nghỉ Tết đi tìm hàng quán ăn sáng, người viết bài phải lượn vài vòng, mất tới hơn 30 phút. Ấy vậy mà đã kịp chứng kiến 02 vụ gây gổ to tiếng, "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay" hộc cả máu mũi máu mồm.

Vụ thứ nhất, chỉ vì một bán bún cá, người ăn trước, kẻ được ăn sau. Chỉ vì phải chờ đợi vài phút mà ông anh xuống tay dạy cho thằng em một bài học. Hai thanh niên “trong cuộc”, người thì gọi “anh em” tới hỗ trợ, nhóm thì gọi công an đến giải cứu. Tiểu thương buôn quất, bán đào chung quanh thì nháo nhào sơ tán cây, hoa để tránh thiệt hại…

Vụ thứ hai, chỉ vì đỗ một chiếc xe máy vào mua chiếc váy cho trẻ con. Ấy thế thôi mà chủ quán sấn sổ "chửi cha mắng mẹ" người ta. Rồi mặc kệ đường phố đông đúc, kẹt xe, tắc đường, hai người đàn ông "như hai con gà chọi" xông vào nhau quyết ăn thua đủ trước hàng chục đứa trẻ cứ mắt tròn mắt dẹt.

Bởi vậy, các cụ thường nói 'thấy bánh chưng là thấy Tết', trong nhà không có bánh chưng, bánh tét là thiếu đi hương vị Tết cổ truyền của dân tộc - Ảnh: VGP/Lê Hoàng
Tết là để tình người Việt được lan tỏa.

Chiều 30 Tết, đi chợ cuối năm theo phong tục tập quán thì nhà nào thiếu hoa mua hoa, thiếu quả bày mâm cúng 30 thì mua quả. Đã thành lệ, nhà tôi tìm mua ít là mùi để xông nhà, tắm cho lũ trẻ với mong muốn gột rửa những xui rủi của năm cũ, đón năm mới trong cái sự thơm tho, khoan khoái. Tìm đến hàng bán thuốc nam quen thuộc trong chợ Bưởi, vừa tươi cười chào bà chủ quán, chưa kịp hỏi mua thì một chị dáng người đẫy đà, xức nước hoa thơm nức nửa cái chợ đã “chen ngang” nói mà như quát vào mặt bà bán hàng: “Cho trăm nghìn lá mùi đi bà già!”. Bà bán hàng dường như đã quá quen với chị gái nên nhìn tôi với vẻ ái ngại nhưng tay vẫn thoăn thoắt xắn hai mớ mùi già cho chị gái .

Tôi vừa thầm nhủ “một sự nhịn, chín sự lành”, vừa mỉm cười bảo bà bán hàng, “Cho cháu hai mớ mùi già đi bà ơi!”. Bà cụ chọn cho tôi hai mớ mùi sạch sẽ, gói gém cẩn thận rồi cười bảo: “Của con 2 chục nhé!”.

Chìm trong hương mùi già - mùi Tết, ấm nồng đang sôi liu riu trên bếp, tôi ngồi viết lại những dòng suy ngẫm này với mong muốn rằng người Việt mình ngày càng văn minh, thì Tết cũng phải vui hơn, đẹp hơn. Muốn được thế, thiết nghĩ trước tiên đừng lấy Tết làm cớ để mà bức xúc, để gây gổ, để “vặt tiền” những người gặp cảnh khó... Hãy để câu nói thân thương “Tết mà!” đem đến những niềm vui nho nhỏ, để tình người Việt chúng ta được lan tỏa đến từng người, dù thân, dù sơ.

Thành Công

Gìn giữ Tết cổ truyền của người Việt ở nước ngoàiGìn giữ Tết cổ truyền của người Việt ở nước ngoài
Chiếc thủ lợn đêm 30Chiếc thủ lợn đêm 30
Hà Nội đón TếtHà Nội đón Tết