Tản văn

Chiếc thủ lợn đêm 30

06:30 | 09/02/2024

498 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nếu như kể cho lứa Gen Z về những cái Tết của thế hệ 7x, 8x có lẽ đa phần chúng sẽ cho là... chuyện bịa. Bởi bọn nhóc khó mà tưởng tượng được rằng, cha mẹ của chúng từng chỉ mơ một cái Tết với tấm áo lành, một đôi dép tổ ong mới, hay một miếng giò dày vài centimet để có thể "cắn ngập răng".

Riêng với cá nhân tôi, ký ức về chiếc thủ lợn mà ba mang về trong đêm giao thừa hơn ba mươi năm về trước dường như chỉ đợi lúc hoa đào bật nở là lại len lén chui ra, khiến cho lòng người thổn thức nhớ về một tao đoạn gian khó của cả quốc gia dân tộc - cho đến từng gia đình, cá nhân...

Chiếc thủ lợn đêm 30

Tôi không bao giờ quên hương vị chiếc thủ lợn đêm giao thừa năm ấy! (ảnh Dung Le)

Tôi sinh ra và lớn lên ở một tỉnh trung du miền núi phía Bắc. Tuổi thơ gắn liền với những quả đồi đất, với sim mua, với ao hồ và vũng trâu đầm... Nhà đông con, ba mẹ xoay trần cũng chỉ đủ ngày hai bữa cơm độn ngô, khoai, sắn cho sáu anh chị em.

Tôi vẫn còn nhớ như in buổi chiều ba mươi Tết năm ấy, sau khi bán xong chút nông sản cuối cùng thu hái trong vườn nhà thì mẹ dẫn tôi cùng hai đứa em đi sắm quần áo... Sau khi lựa chọn ướm đi ướm lại chán chê mẹ mới quyết định mua cho tôi một cái áo sơmi, và cho hai đứa em tôi mỗi đứa một đôi dép tổ ong. Mấy anh chị tôi dù không có đồ mới song vẫn vui vẻ vì được mặc những bộ quần áo lành lặn, không bị rách hay những miếng vá to đùng. Số quần áo đó là đồ cũ của con bác tôi ngoài thành phố gửi về.

Hỡi ôi, khi sờ vào cái bị cói để lấy tiền trả cho người ta, mẹ tôi mới phát hiện ra toàn bộ số tiền thu được trong mấy phiên chợ Tết đã mất sạch.

Ba tôi thường ngày rất hiền, song bữa đó khi nghe mẹ tôi kể lại rằng cái bị cói bị người ta rạch, lấy hết tiền dành sắm tết thì lần đầu tiên tôi thấy ông dang tay định tát mẹ tôi và gầm lên: "Tôi đã dặn bao lần, tiền phải đi liền với khúc ruột. Giờ thì còn Tết với nhất gì nữa!". Và đó cũng là lần đầu tiên mẹ tôi rấm rứt khóc.

Sau này tôi mới nghe ba kể lại, rằng mấy tuần trước đã hẹn chú Lạc hàng xóm khi nào mổ lợn thì để lại cho ông cái thủ với giá mềm. Chiều hôm ấy ba chỉ chờ mẹ đi chợ về để lấy tiền trả cho chú. Nhưng tiền đã mất, lại nghĩ cả năm đã phải ăn cơn độn, ngày Tết không có miếng thịt cho con ăn nên ông đã không kiềm chế được cơn giận.

Song ngay trước giao thừa chú Lạc không thấy ba tôi sang nhà thì chú đã tự động sang. Chỉ nhìn vào mắt ba mẹ tôi là chú hiểu ngay. Chú kéo ba tôi ra một chỗ nói nhỏ. Rồi ít phút sau ba tôi bưng về một chiếc thủ lợn nghi ngút khói cùng một khoanh giò kính cẩn đặt lên ban thờ gia tiên. Khỏi phải nói, sáu anh chị em tôi đều cảm thấy phấn khởi, hân hoan, vui như...Tết. Và cứ năm phút một lần lại có đứa chạy vào ngó lên ban thờ xem cái thủ lợn và đĩa giò còn ở đó hay không! Nước miếng đứa nào cũng tứa ra đầy khoang miệng.

Đến giờ tôi vẫn còn nhớ hương vị cái thủ lợn đấy nó mới ngon lành làm sao. Thịt tai giòn giòn làm nem gói với lá sung rồi chấm với tương bần thì tuyệt, phần thịt nửa nạc nửa mỡ thì đem nấu đông ăn dần; óc lợn mang hấp với hành hoa cùng chút tiêu; xương thì đem nấu cháo hoặc ninh nhừ với khoai tây, khoai môn... Thậm chí chỉ cần có bát nước luộc thịt, bỏ chút mì chính cũng khiến chúng tôi tranh nhau chan, húp!

Sau này tôi là đứa trẻ duy nhất trong làng đỗ đại học, và được ra thành phố. Từ khi kiếm được tiền, tết nào tôi cũng đặt nhà chú Lạc một chiếc thủ lợn thật sớm, để tầm 27-28 Tết là chiếc thủ lợn đã nằm sẵn trên bàn thờ gia tiên. Có năm làm ăn tốt, từ rằm tháng Chạp tôi đã mua một con lợn về nhốt trong chuồng để ba tôi yên tâm là kiểu gì cũng có thủ lợn cúng ông bà. Và dù đã được đi Tây đi Tàu, ăn đủ cao lương mỹ vị, song tôi vẫn không bao giờ quên được vị ngon của cái thủ lợn đêm 30 năm ấy.

Giờ ba tôi đã ngoài 90 tuổi, đầu óc có phần nhớ nhớ quên quên song cứ đến ngày 29, 30 tháng Chạp là ông đều không quên hỏi mẹ tôi năm nay đã có thủ lợn chưa. Và lần nào mẹ tôi cũng bảo các con chuẩn bị lâu rồi.

Chỉ cần nhìn thấy nụ cười cùng ánh mắt lấp lánh của ba, mẹ là chúng tôi thấy mùa xuân đang đến rất gần...

Minh Khang

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps