Vì sao "ông trùm" Lee Soo Man bị khinh bỉ?

19:00 | 11/08/2013

27,962,800 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Là fan của K-pop thì không ai không biết Lee Soo Man, một trong ba "ông trùm" lớn nhất thị trường ca nhạc Hàn Quốc, người được coi là đã đi đầu trong việc tạo nên xu hướng Hàn Quốc trên toàn châu Á.

Lee Soo Man là người sáng lập nên công ty giải trí S.M.Entertainment, là công ty quản lý hàng loạt các nghệ sỹ bậc nhất Hàn Quốc kể từ nửa cuối những năm 90 đến nay như HOT, SES, Shinhwa, Super Junior, BoA, TVXQ, Super Junior, Girls 'Generation, SHINee…

Lee Soo Man bắt đầu sự nghiệp âm nhạc đình đám của mình với vai trò là ca sĩ tại một quán cà phê, từ năm 1971. Nhưng phải 5 năm sau, bằng những ca khúc nổi tiếng như “Happiness”, “One piece of Dream”, Lee Soo Man mới được chú ý. Năm tiếp theo, ông nhận được giải thưởng đầu tiên “MBC TOP 10 Singer”.

Lee Soo Man

Là ca sĩ thành công, nhưng dường như với Lee Soo Man chừng ấy vẫn chưa đủ. Nhóm nhạc Lee Soo Man và 365 ngày do ông thành lập năm 1980 được xem là nhóm rock metal đầu tiên của ngành công nghiệp âm nhạc Hàn Quốc. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, chính sách kiểm duyệt truyền thông nghiêm ngặt của Hàn Quốc đã khiến cho nhóm nhạc của Lee Soo Man nói riêng, ngành giải trí Hàn Quốc nói chung khó có thể làm nên chuyện gì lớn.

Có thể nói, chuyến du học tại Đại học bang Califonia để thực hiện ước mơ trở thành một kỹ sư hàng đầu của Lee Soo Man là bước đệm đáng kể nhất để Lee Soo Man hạ quyết tâm “sao chép lại làng giải trí Mỹ tại Hàn Quốc”, sau khi chứng kiến sự bùng nổ của nhiều ngôi sao qua MTV.

Tham vọng và có đủ quyết tâm để biến tham vọng thành hiện thực, ngay sau khi quay về Hàn Quốc năm 1985, Lee Soo Man bắt tay vào việc đặt những viên gạch đầu tiên cho nền công nghiệp giải trí Hàn Quốc. Lee Soo Man tự mình xây dựng nên một hình tượng nghệ sĩ đa năng, khi tham gia nhiều lĩnh vực: ca hát, dẫn chương trình TV, và cả các kênh sóng phát thanh, DJ bán thời gian và ngoài ra, còn làm quản lý tại một nhà hàng.

Bốn năm sau, với số vốn ban đầu 200 triệu won, SM Entertainment được thành lập, và trở thành thương hiệu giải trí thành công nhất Hàn Quốc, góp phần to lớn trong việc quảng bá hình ảnh quốc gia ra nước ngoài.

Nhóm Super Junior

Tuy nhiên, Lee Soo Man cũng là nhân vật gây nhiều tranh cãi nhất trong cộng đồng fan nhạc Hàn Quốc. Người ta biết đến ông, không chỉ bởi tài năng trên nhiều lĩnh vực, trong đó có vai trò nhà sản xuất âm nhạc hàng đầu K-pop, mà còn bởi cách hành xử đáng kinh ngạc.

Lạnh đến không thể nào lạnh hơn, quân phiệt đến không thể nào quân phiệt hơn, Lee Soo Man và SM đã tạo nên rất nhiều huyền thoại, đổ vào đó rất nhiều tiền bạc lẫn công sức. Nhưng cũng sẵn sàng “bóp chết” họ không chút thương tiếc.

H.O.T - nhóm nhạc đã vực dậy và mở ra “thời đại hoàng kim” cho nền công nghiệp Hàn Quốc, bỗng nhiên một ngày, ra đi không một lý do. Bằng nhát kéo quyết đoán đến mức tàn nhẫn, Lee Soo Man chứng tỏ quan điểm của mình, rằng: không cô thì chợ vẫn đông, không có H.O.T, SM vẫn là số 1. Và với việc “khai sinh” ra Shinhwa, Lee Soo Man khiến cộng đồng fan của H.O.T nhanh chóng quên đi chính huyền thoại của mình, quên cả việc họ đã từng nguyền rủa, la ó Lee Soo Man vì đã đối xử thậm tệ với thần tượng H.O.T.

Chưa hết, Công ty SM còn nổi tiếng bởi kiểu đối xử rất… xã hội đen với “gà”: đánh đập, bỏ đói, hợp đồng nô lệ. Andy (thành viên của Shinhwa) có một giai đoạn phải đeo mặt nạ lên sân khấu biểu diễn. Jun Jin bị gãy xương không rõ nguyên nhân. Yoochun, Junsu, Jaejoong của DBSK bất ngờ gửi đơn kiện SM, đồng thời cũng hé lộ về bản hợp đồng cùng việc chia lợi nhuận rất bất bình đẳng mà SM đã áp dụng cho DBSK vv… khiến nhiều người ngã ngửa trước sự thật đen tối đằng sau ánh hào quang mang tên SM.

BoA

Điều đáng nói là, bất chấp tất cả, các nghệ sĩ trẻ vẫn lao vào SM như con thiêu thân. Bởi lẽ, việc giao cuộc đời, sự tự do của mình cho “thầy phù thủy” Lee Soon Man gần như là tấm bằng đảm bảo cho sự nổi tiếng trong tương lai của chính họ. Sự bành trướng của SM sang thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ với những cái tên như Zhang Ri Lin, Super Junior M, BoA... đã thắp lên trong lòng họ một giấc mơ, giấc mơ nghệ sĩ lớn, giấc mơ trở thành huyền thoại…

Khó có thể chỉ dùng vài nét bút chấm phá mà tạo nên được chân dung ông trùm Lee Soo Man. Ông là người đầu tiên trong ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc thành lập hẳn một hệ thống quản lý nghệ sĩ cực kỳ khoa học và logic. Bằng việc tìm kiếm các tài năng và nâng họ lên tầm ngôi sao với một bản hợp đồng kéo dài hàng chục năm, SM được xem như là một ngôi trường đào tạo tài năng âm nhạc xuất sắc.

Là người kỹ tính đến mức khắc nghiệt? “Không làm thì thôi, đã làm thì phải làm một cách tốt nhất”, Lee Soo Man không bao giờ vội vàng mà luôn suy xét mọi việc một cách thật cẩn thận và kĩ lưỡng. Ông cũng là người vung tiền không tiếc, dù là số tiền lên tới hàng triệu đô la để tạo ra những ngôi sao đích thực.

Lee Soo Man bị khinh bỉ vì quá yêu!

Là người lắm tham vọng và dám đi đến kỳ cùng tham vọng đó? Trong khi những người khác luôn coi Mỹ là thị trường cần hướng tới, thì Lee Soo Man lại có giấc mơ buộc  Hollywood phải dời về châu Á.

Đó là một giấc mơ tưởng chừng không tưởng, nhưng nếu là Lee Soo Man thì không có nghĩa là không thể. Với những gì ông đã làm được, cống hiến cho ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc trong quá khứ, hiện tại và cả tương lại, Lee Soo Man khiến cộng đồng fan nhạc của K-pop gần như phát điên.

Người ta còn lập cả một hội mang tên: Hội những người khinh bỉ Lee Soo Man.

Khinh bỉ vì quá yêu!

Ha Ny