Giảm tải bệnh viện: Lực bất tòng tâm

11:12 | 09/08/2015

1,433 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Để giảm tải bệnh viện, Bộ Y tế đã thực hiện những giải pháp gì và những giải pháp đó có thực sự hiệu quả hay không?

Thực ra tình trạng quá tải ở các bệnh viện, Bộ Y tế rất biết và đã đưa ra nhiều giải pháp để giải quyết như Đề án 1816 là một ví dụ. Đây là một đề án cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

Giảm tải bệnh viện: Lực bất tòng tâm
Ở BV Lao Phổi Trung ương, phải ghép 2 giường để nằm được nhiều bệnh nhân

Nhìn về chủ trương thì đây là một đề án đúng. Nhưng dưới góc độ thực tế trên cơ sở nhân lực, trang thiết bị y tế… đang có tại các bệnh viện tuyến dưới thì có lẽ đề án lại chưa phù hợp bởi đang có một sự chênh lệch quá lớn giữa bệnh viện tuyến trên và tuyến dưới về tất cả những vấn đề này. Chẳng hạn cán bộ y tế ở tuyến trên có thể về đào tạo, nâng cao chất lượng nhân lực ở bệnh viện tuyến dưới nhưng bệnh viện tuyến dưới lại không có trang thiết bị y tế, công nghệ tương ứng để với những gì học được, nhân viên y tế tuyến dưới có thể thực hiện.

Hay có bệnh viện tuyến dưới đầu tư trang thiết bị hiện đại, nhưng năng lực của nhân viên làm việc tại đó lại không đủ để có thể tiếp thu kiến thức đào tạo… Chính vì vậy, đề án này mặc dù đã triển khai từ năm 2008, mặc dù theo đánh giá bước đầu của Bộ Y tế là đạt kết quả khả quan nhưng đến nay vẫn chưa phát huy hết hiệu quả một cách thực sự và minh chứng là từ đó đến giờ vẫn tiếp diễn tình trạng quá tải.

Để giải quyết tình trạng này quyết liệt, lần này, Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo trước hết phải coi chống quá tải là nhiệm vụ hàng đầu trong giai đoạn
2011 - 2016 cùng với việc đưa ra nhiều giải pháp đồng bộ theo chủ trương là: “Yếu đâu thì “bồi” đấy”. Và những mặt yếu ở đây được cho là cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế, chuyển giao kỹ thuật công nghệ… ở cả tuyến trên và tuyến dưới.

Giảm tải bệnh viện: Lực bất tòng tâm
Bệnh nhân ở Khoa Tiêu hóa, BV Bạch Mai phải "trở đầu đuôi" mới nằm được

Để khắc phục những điểm yếu trên, Bộ Y tế đã tăng thêm 5.000 giường bệnh; mở thêm cơ sở 2 một số bệnh viện tuyến cuối như Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức (ở Hà Nam); triển khai các bệnh viện vệ tinh của 14 bệnh viện trung tâm ở 38 tỉnh, thành phố để chuyển giao kỹ thuật thuộc 5 chuyên khoa: Tim mạch, chấn thương chỉnh hình, sản, nhi, ung bướu; phát triển mô hình dịch vụ bác sĩ gia đình…

Sau 2 năm thực hiện, đặc biệt đối với đề án bệnh viện vệ tinh, Bộ Y tế đánh giá cho thấy kết quả tốt khi 37,5% số bệnh viện vệ tinh có bệnh nhân chuyển tuyến giảm. Cụ thể như Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Thuận tỷ lệ chuyển tuyến chấn thương sọ não nếu năm 2013 là 104 ca thì năm 2014 còn 12 ca, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, sau khi được tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật ung bướu, số lượt người bệnh được xạ trị và phẫu thuật ung bướu tại bệnh viện tăng từ gần 2.900 ca năm 2013 lên hơn 5.500 ca vào năm 2014…

Thế nhưng thực tế cho thấy, tình trạng quá tải đang diễn ra tại hầu hết các bệnh viện tuyến cuối ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vẫn còn đang rất căng. Bộ Y tế cũng thừa nhận điều này. Vậy nguyên nhân vì sao?

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, đó là vì chất lượng chuyên môn của bệnh viện tuyến dưới chưa đáp ứng được kỳ vọng của người bệnh, bệnh viện vệ tinh không đủ nhân lực, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị để tiếp nhận chuyển giao…

Với những nguyên nhân trên đây cho thấy việc giảm tải ở các bệnh viện dường như để đạt được như mong muốn vẫn là điều còn khó khăn ngay cả khi Bộ Y tế đề ra giải pháp tiếp theo là tăng cường bệnh viện trung tâm, xây dựng bệnh viện vệ tinh tuyến cơ sở, phải thống nhất kế hoạch đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, đặc biệt phải đầu tư, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng hệ thống y tế từ xa trong việc hội chẩn, đào tạo, chuyển giao kỹ thuật…

Vì để thực hiện những giải pháp ấy, hoàn toàn không đơn giản do phụ thuộc vào kinh phí, nhân lực của các tỉnh, thành…

Thôi thì đành chờ giảm tải theo phương châm “được đến đâu hay đến đấy” vậy!

Bảo hiểm y tế “buông” người nghèo?

Bảo hiểm y tế “buông” người nghèo?

Bắt đầu từ ngày 1/1/2015, Luật Bảo hiểm Y tế (BHYT) sửa đổi đã có hiệu lực. Tuy nhiên, xung quanh việc thực hiện luật vẫn còn một số vướng mắc mà dường như phương án giải quyết chưa kịp “đồng hành” cùng luật đi vào cuộc sống.

Xuân Bách

Năng lượng Mới