Bảo hiểm y tế “buông” người nghèo?

07:00 | 19/01/2015

1,747 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Bắt đầu từ ngày 1/1/2015, Luật Bảo hiểm Y tế (BHYT) sửa đổi đã có hiệu lực. Tuy nhiên, xung quanh việc thực hiện luật vẫn còn một số vướng mắc mà dường như phương án giải quyết chưa kịp “đồng hành” cùng luật đi vào cuộc sống.

Năng lượng Mới số 391

Chưa sát thực tế

Luật BHYT sửa đổi có nhiều điểm mới, nhưng trong đó nổi bật có 2 điểm được đánh giá dễ dẫn đến thiệt thòi cho người bệnh là: Cắt chi trả đối với những bệnh nhân khám vượt tuyến ngoại trú (30%), giảm chi trả từ 100% xuống 50% 9 loại thuốc, đặc biệt trong đó có 4 loại thuốc điều trị ung thư được sử dụng cho nhiều bệnh nhân ở giai đoạn cuối như: Doxorubicin, Erlotinib, Gefitinib, Sorafenib.

Sau khi có hiệu lực từ ngày đầu tiên của năm mới thì chính những điểm “nổi bật” này đã thành “vấn đề” của Luật BHYT mới.

Sáng những ngày đầu năm, các bệnh viện vẫn đông bệnh nhân đến khám chữa bệnh như cũ, đặc biệt tại khu vực dành cho bệnh nhân có thẻ BHYT. Như Bệnh viện Xanh Pôn, khu vực ngồi chờ dành cho bệnh nhân bảo hiểm không trống ghế nào, người ngồi san sát đến nỗi có ghế ngồi đến 2 người. Phần lớn trong số họ, kể cả những bệnh nhân khám vượt tuyến không hề biết rằng từ ngày 1/1/2015, nếu khám vượt tuyến ngoại trú, sẽ không được BHYT chi trả như trước.

Bảo hiểm Y tế đang là “phao cứu sinh“ của bệnh nhân nghèo

Bà Nguyễn Thị Phú, 71 tuổi bị huyết áp cao, tiểu đường, tim mạch đang ngồi chờ đến lượt vào khám. Bà bảo, hơn một năm nay, kể từ ngày từ Thanh Hóa ra đây để chăm cháu nội, bà vẫn đến Bệnh viện Xanh Pôn để khám bệnh, lấy thuốc và được hưởng 30% chi trả của BHYT. Trong khi thẻ BHYT của bà đăng ký tại một bệnh viện tuyến huyện ở Thanh Hóa. Nhưng ngày 8/1/2015, đi khám, đến lúc xuất trình thẻ bảo hiểm và chứng minh nhân dân để được thanh toán như mọi khi bà mới biết, từ ngày đầu năm, bà sẽ không được hưởng chi trả đó nữa.

Bà ta thán: “Không lẽ tháng nào tôi cũng phải về Thanh Hóa khám chữa bệnh, lấy thuốc rồi mới ra Hà Nội trông cháu, nhất là với bệnh huyết áp, luôn cần uống thuốc đều đặn. Trong khi sức khỏe không cho phép tôi đi nhiều như vậy. Chưa kể chi phí đi lại, có khi “một tiền gà bằng ba tiền thóc”. Cho nên tôi nghĩ, đã là luật phải áp dụng được một cách toàn diện và thấu đáo với mọi đối tượng”.

Chấp nhận mất tiền để vượt tuyến

Bệnh nhân Nguyễn Văn Khôi, ở Hoài Đức, Hà Nội, bị hẹp van tim hai lá, cao huyết áp… cho rằng, thẻ BHYT của ông đăng ký ở Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức. Nhưng từ ngày xảy ra chuyện nhân bản kết quả xét nghiệm ở đây ông không còn niềm tin để điều trị tại bệnh viện. Lần nào khám ông cũng chịu khó bắt xe buýt hoặc nhờ con cháu đưa ra Bệnh viện Xanh Pôn để khám chữa bệnh.

Ông xác định: “Hôm nào đi khám chữa bệnh coi như mất cả ngày. Nhưng cũng không sao vì Bệnh viện Xanh Pôn còn hơn Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức, ít nhất là chưa bao giờ xảy ra “scandal” động trời”.

Ông cũng so sánh chất lượng khám chữa bệnh ở bệnh viện tuyến huyện và ở Trung ương. Ông quan niệm, những gì “tinh hoa nhất” bao giờ cũng tập trung nhiều ở thành phố nên so với bệnh viện tuyến huyện, các bệnh viện ở đây thường hơn về chất lượng khám chữa bệnh.

 “Như cái chân tôi chẳng hạn, chẳng hiểu sao bị xuất huyết và “nặng” (phù) như thế này. Nhưng đi khám ở một bệnh viện tuyến huyện chẳng tìm ra nguyên nhân vì sao. Cứ kê đơn cho tôi hết loại thuốc này đến thuốc khác mà chẳng đỡ. Đến khi đến đây, bác sĩ bảo do tôi không hợp với một loại thuốc huyết áp nên mới bị như vậy. Do đó, tôi phải đổi thuốc và quả thực khi đổi thuốc theo tư vấn của bác sĩ, tôi đỡ hẳn. Hôm nay đến đây kiểm tra lại, tôi được biết BHYT không thanh toán nữa mà phải bỏ tiền túi ra trả”.

Như vậy, đối với  những bệnh nhân như ông Khôi, nếu theo Luật BHYT mới, sẽ không được khám chữa bệnh vượt tuyến nếu muốn BHYT chi trả 30%. Thế nhưng luật cũng chưa tính đến chất lượng khám chữa bệnh ở các bệnh viện tuyến trên và dưới chưa đồng đều, tuyến dưới bao giờ cũng yếu hơn không những về chất lượng mà cả về trang thiết bị kỹ thuật. Bởi vậy, việc khám vượt tuyến là chuyện đương nhiên xảy ra do chất lượng khám chữa bệnh là ưu tiên số 1 đối với các bệnh nhân, đặc biệt là ở tuyến dưới.

Ở thời điểm này, rõ ràng là chưa có giải pháp nào giải quyết vấn đề này. Giả sử cứ cho là có như Bộ Y tế nói là nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, dịch vụ y tế… Nhưng Luật BHYT sửa đổi đã có hiệu lực, người dân đã phải thực hiện thì những quyền lợi thiết thực của người bệnh đáng ra cũng phải được bảo đảm “song hành”. Đằng này, luật và thực tế khám chữa bệnh hiện vẫn là một khoảng cách không gần dẫn đến thiệt thòi vẫn thuộc về người bệnh. Và nếu vậy, ngay cả mục đích của Bộ Y tế là giảm tải thông qua Luật BHYT sửa đổi cũng khó đạt mục đích do người bệnh chấp nhận mất tiền, vẫn khám vượt tuyến để đảm bảo chất lượng điều trị bệnh. Thực tế trong những ngày đầu thực hiện Luật BHYT sửa đổi, đã có rất nhiều bệnh nhân quyết định như vậy.

Đẩy khó cho bệnh nhân?

Theo Luật BHYT sửa đổi, có 4 loại thuốc ung thư (như đã nói trên) phải cắt giảm chi trả từ 100% xuống còn 30-50%, mặc dù quỹ còn kết dư 20 nghìn tỉ đồng.

Ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam giải thích: “Nguồn quỹ của chúng ta hiện nay theo Luật phải bảo đảm có dự phòng tối thiểu cho chi phí khám chữa bệnh của hai quý, tối đa là chi phí khám chữa bệnh của 2 năm. Mặc dù còn kết dư hơn 20 nghìn tỉ đồng nhưng số tiền đó chưa đủ chi phí khám chữa bệnh của hai quý do năm 2014 chi phí khám chữa bệnh cả năm lên tới hơn 45 nghìn tỉ đồng. Mà chi phí khám chữa bệnh năm nào cũng tăng lên”.

 Thế nhưng có ý kiến cho rằng, tổng nợ BHYT, BHXH trong năm qua lên tới 11 nghìn tỉ đồng. Như vậy, Quỹ BHYT phần nào khó khăn từ nguồn nợ này. Vậy tại sao cơ quan BHXH không lo chống vỡ quỹ lại “nhường” trách nhiệm này cho người bệnh bằng cách cắt giảm chi trả 9 loại thuốc điều trị.

Còn ông Nguyễn Minh Thảo, Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho rằng: “Mỗi năm nước ta phát hiện khoảng 125.000 bệnh nhân mới mắc ung thư. Nếu chi phí điều trị bình quân một bệnh nhân 10 triệu đồng thì sẽ cần hơn 1.200 tỉ đồng/năm. Nhưng nếu chi phí bình quân 100 triệu đồng/bệnh nhân ung thư sẽ phải cần tới 12.000 tỉ đồng/năm. Như vậy, nếu Quỹ BHYT gánh hết sẽ rất khó khăn để dành cho các chuyên khoa khác như lao, suy thận… Trong khi, tới đây cả thuốc ARV (điều trị HIV) cũng sẽ được thanh toán từ Quỹ BHYT. Như thế, việc chi trả 100% các loại thuốc này sẽ vượt quá khả năng chi trả của Quỹ BHYT”.

Trước vấn đề này, để thấy việc cắt giảm chi trả 9 loại thuốc, đặc biệt là thuốc ung thư có hợp tình, hợp lý hay không, xin được nêu ý kiến của bà Nguyễn Thị Hoài thu, nguyên chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội: “Việc BHYT cắt giảm trợ giá thuốc đối với những danh mục thuốc điều trị cho người mang bệnh hiểm nghèo là một sự thiếu công bằng. Bởi với giá thuốc cao như thuốc ung thư chẳng hạn, một viên lên tới hàng triệu đồng thì chỉ những gia đình có điều kiện mới có khả năng chi trả tiền thuốc. Còn với người bị ung thư gia cảnh nghèo thì coi như phần chết nhiều hơn. Cũng xin chia sẻ thêm, hiện còn rất nhiều người mang bệnh hiểm nghèo nhưng hoàn cảnh nghèo khó nên không dám bước chân vào bệnh viện thăm khám, lấy thuốc. Vậy tại sao ngành y tế không tạo điều kiện cho họ được duy trì sự sống như hỗ trợ họ thuốc chữa bệnh, giá cả hợp lý. Đừng để khi họ bị sốc tâm lý rồi tự tử để kết thúc gánh nặng hoặc buông xuôi chờ chết. Đó là nỗi đau của cả cộng đồng”.

Tú Anh

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc