Vì sao VPF cố đấm ăn xôi?

08:16 | 17/02/2012

498 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Không đồng ý với một phần kết luận của Thanh tra Bộ VH, TT và DL, đại diện VPF khẳng định sẽ khiếu nại và theo đuổi vụ việc đến cùng. Vì sao vậy?

Thích Luật thì chơi Luật

Nhìn vào cách lãnh đạo Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp nửa kín nửa hở tung tin, mọi người có thể hiểu rằng VPF khá tự tin khi vin vào những điều khoản đã thành Quy chế bóng đá chuyên nghiệp do chính tay Liên đoàn Bóng đá Việt Nam soạn thảo. Dù gì thì Điều 74.1 Quy chế trên cũng thừa nhận các thành viên của các CLB đồng sở hữu bản quyền truyền hình.

Bản kết luận do Chánh thanh tra Bộ VH, TT và DL đưa ra khiến VPF không phục.

“Bên cạnh đó, Bộ Luật dân sự tại điều 169 và điều 170 còn quy định rõ, các CLB tham gia tạo ra sản phẩm nên có quyền đồng sở hữu bản quyền truyền hình. VFF khi ký hợp đồng (HĐ) căn cứ vào điều 75 mà không có ý kiến của các CLB là không đúng với Quy chế bóng đá chuyên nghiệp”, Phó Chủ tịch HĐQT VPF Nguyễn Đức Kiên cho biết.

Ngoài ra, ở điều 69 Quy chế bóng đá chuyên nghiệp, VFF từng khẳng định sẽ chia sẻ 50 phần trăm nguồn thu thực tế từ bản quyền truyền hình. Khoản 1 điều 64, VFF cũng khẳng định liên đoàn và các CLB sẽ cùng nhau chia sẻ khai thác các quyền thương mại. Nhưng hiện tại chúng tôi chưa nhận thấy dấu hiệu minh bạch trong tất cả động thái LĐBĐ tiến hành xung quanh bản hợp đồng giữa tổ chức này với AVG!”.

Theo tìm hiểu của Petrotimes, điều khoản lớn nhất, gây ầm ĩ nhất trong bản HĐ trên là VFF đã bán bản quyền truyền hình và thương quyền cho AVG cả những lợi ích liên quan đến ĐTQG!? Không cần viện dẫn các Quy định, Quy chế thì chắc mọi người cũng có thể hiểu, tất cả mọi tuyến ĐTQG được hình thành trên cơ sở Luật Thể dục-Thể thao. Các Liên đoàn điều hành (trong đó có VFF) chỉ có trách nhiệm quản lý chứ KHÔNG thể có quyền sở hữu các đội tuyển thể thao quốc gia.

Về việc ký HĐ 20 năm với AVG với nhiều những điều khoản như thế, ông Kiên nhấn mạnh VFF là tổ chức xã hội nghề nghiệp nhưng thiếu công bằng và công khai minh bạch khi không hề thông báo, trao đổi với các đài truyền hình đặc biệt là Đài THVN với nhiều năm song hành, có công trong việc quảng bá Bóng đá Việt Nam.

“Chúng tôi làm vì quyền lợi của BĐVN!”

Mở đầu buổi họp báo do VPF chủ trì, Chủ tịch HĐQT Võ Quốc Thắng khẳng định, hoàn toàn không có thắng thua hay cuộc chiến ở đây. “Cá nhân tôi đã giật mình khi VFF chuyển giao cho VPF các HĐ, trong đó có bản HĐ bán thương quyền 20 năm cho AVG. Với sự phát triển của kinh tế – xã hội, với đầu tư của các đội bóng so với thời hạn và quyền lợi của bản HĐ này thì rõ ràng nó không phải động lực để các doanh nghiệp, những người yêu thích môn thể thao này đầu tư vào bóng đá”, Chủ tịch Võ Quốc Thắng tuyên bố.

Máy quay của AVG xuất hiện đều đặn trong các sự kiện do VPF tổ chức.

Bổ sung ý kiến cho “đồng đội”, Phó Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đức Kiên cho rằng nếu bản hợp đồng giữa VFF và AVG không được mổ xẻ nghiêm túc thì đó sẽ là sự kìm hãm đối với sự phát triển của Bóng đá Việt Nam. Và cái lo cụ thể hơn, khái niệm thương quyền mà VFF bán cho AVG quá rộng, ảnh hưởng lớn đến cả truyền thông lẫn quyền được xem bóng đá của hàng triệu người hâm mộ bóng đá chân chính.

Tất cả mọi vấn đề đều bị lệ thuộc và còn những 19 năm nữa nên chúng tôi thấy phải có trách nhiệm xem xét, kiến nghị đến các cơ quan quản lý, bộ ban ngành liên quan với những cái bất hợp lý để cuối cùng tìm được tiếng nói chung, hài hòa những các bên. Mục tiêu của chúng tôi là làm sao cho Bóng đá Việt Nam phát triển, không có thắng thua ở đây và cũng chẳng có cuộc chiến nào cả. VPF mong muốn các trận đấu được trực tiếp nhiều hơn và các đài truyền hình phải tự quyết định hành vi ứng xử thích hợp của mình trong trường hợp này”, Phó Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đức Kiên tái khẳng định.

Tôi rất bứt rứt khi nghe tin lãnh đạo Bộ Tài chính phải họp gấp để cấp 30 tỉ để thưởng cho thành tích các ĐTQG ở SEA Games. Đó là tiền ngân sách và hoạt động của tất cả các ĐTQG, trong đó có bóng đá, sống nhờ vào ngân sách, tiền thuế của dân. Thế nên chúng tôi mong mỏi, công tác xã hội hóa TDTT phải được thực hiện sâu rộng hơn, với trách nhiệm trực tiếp của VPF, phải tạo ra nguồn thu để giảm gánh nặng cũng như bóng đá có thể nuôi bóng đá, phải làm vì tương lai của Bóng đá Việt Nam cũng như các thế hệ đi sau…”.

Tất cả cho thấy VPF tiếp tục không hài lòng với một phần kết luận của Thanh tra Bộ VH-TT&DL, đồng thời cho biết, khi Phó Chủ tịch HĐQT Đoàn Nguyên Đức từ Singapore về thì sẽ họp, thống nhất các ý kiến cho các trình tự khiếu nại tiếp theo cũng như có văn bản báo cáo Văn phòng Chính phủ.

Hữu Tùng