TP HCM: Hết lo Zika lại đến sốt xuất huyết

08:41 | 21/04/2016

581 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Không phát hiện thêm ca nhiễm Zika mới, Sở Y tế dự kiến sẽ gửi công văn đến UBND TP HCM để công bố hết dịch Zika quy mô cấp phường. Trong khi đó, dịch sốt xuất huyết tại thành phố lại bùng phát, tăng 88% so với cùng kỳ năm 2015.

Ngày 20/4, tại cuộc họp của Sở Y tế TP HCM, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM – Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng cho biết: Sau khi phát hiện 1 trường hợp nhiễm Zika tại phường Thạnh Mỹ Lợi (quận 2), Sở Y tế đã công bố dịch Zika cấp phường tại điểm bùng phát dịch. Tuy nhiên, đến nay thành phố vẫn chưa ghi nhận thêm ca bệnh mới. Vì vậy Sở Y tế dự kiến sẽ gửi công văn đến UBND thành phố để công bố hết dịch Zika quy mô cấp phường.

Trong khi đó, theo thống kê từ Sở Y tế, 3 tháng đầu năm 2016 thành phố có đến 6.116 ca sốt xuất huyết nhập viện, tăng 88% so với cùng kỳ năm 2015; trung bình có 250 ca/tuần và đã có 1 trường hợp tử vong. Số ca nhập viện cao hơn năm ngoái được nhận định là do đỉnh dịch sốt xuất huyết năm 2015 đến muộn. 

tp hcm het lo zika lai den sot xuat huyet
Bệnh nhi nằm điều trị SXH ở hành lang bệnh viện (Ảnh: Nguyên Mi)

Thống kê cũng chỉ ra: Trong cả năm 2003, TPHCM có gần 6.000 người mắc bệnh sốt xuất huyết, tử vong 16 người, tăng 3 lần so với năm 2002. Đến năm 2011, chỉ trong ba tháng đầu năm, thành phố có trên 2.800 ca sốt xuất huyết, tăng gần 50% so với cùng kỳ năm 2010. Đến 3 tháng đầu năm 2015, toàn TP HCM ghi nhận có 3.895 ca theo dõi sốt xuất huyết nhập viện, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2014 (có 2.727 ca). Các số liệu này cho thấy tình hình sốt xuất huyết đang lan tràn với tốc độ gia tăng cao và dần phổ biến đến cả người lớn chứ không chỉ ở trẻ em như trước đây.

Ứng phó với dịch bệnh theo mùa trong 3 tháng đầu năm 2016, Sở Y tế TP HCM đã chỉ đạo các đơn vị chức năng, cơ sở y tế luôn duy trì thường xuyên các hoạt động phòng, chống dịch bệnh theo mùa bằng các biện pháp thông thường như vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường để phòng bệnh tay chân miệng ở trẻ, sốt xuất huyết và những dịch bệnh nguy hiểm khác. 

Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM và Trung tâm GIS (Sở Khoa học - công nghệ) cũng đã phối hợp thực hiện Dự án GIS - là dự án ứng dụng hệ thống định vị toàn cầu nhằm thể hiện các ca bệnh truyền nhiễm trên bản đồ, giúp nhanh chóng khoanh vùng ổ dịch, góp phần lập kế hoạch chống dịch kịp thời, chính xác. Hiện dự án GIS đã được triển khai thí điểm tại 6 trạm y tế phường của 3 quận Thủ Đức, quận 8 và quận Tân Phú.

Nguyên Phương