SGK Lịch sử sau năm 2015 sẽ kết hợp lý thuyết và thực hành

16:20 | 07/11/2012

1,018 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) – Vừa qua, Bộ GD-ĐT vừa công bố kết quả của buổi hội thảo khoa học về dạy học lịch sử ở trường phổ thông, được tổ chức tại Đà Nẵng tháng 8/2012 và công bố bộ Kỷ yếu hội thảo khoa học quốc gia về dạy học lịch sử ở trường phổ thông Việt Nam.

Vì sao học sinh “chán” học Sử?

Với 99 báo cáo gồm phát biểu khai mạc của lãnh đạo Bộ GD-ĐT, báo cáo đề dẫn và các báo cáo tham luận của các đơn vị, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu lịch sử, các giảng viên và giáo viên, cuốn Kỷ yếu hội thảo khoa học quốc gia về dạy học lịch sử ở trường phổ thông Việt Nam đã chỉ ra được nhiều hạn chế của việc dạy và học lịch sử trong nhà trường.

Các báo cáo đều cho rằng nội dung những phần đồng tâm của chương trình chưa thể hiện rõ về mức độ khác nhau, yêu cầu cần đạt giữa các cấp, lớp khác nhau. Cấu trúc chương trình chưa thật cân đối giữa nội dung giáo dục của các cấp học; giữa lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới; giữa các nội dung về chính trị với kinh tế, xã hội, văn hóa; giữa lịch sử cổ trung với lịch sử hiện đại…

Bên cạnh đó, nội dung sách giáo khoa nặng về lịch sử chiến tranh chống xâm lược, nội dung về tình hình kinh tế, xã hội, văn hóa được lặp lại ở các cấp học. Nhiều thành tựu nghiên cứu mới về lịch sử chưa được cập nhật.

 

Việc đọc - chép thông thường khiến nhiều học sinh "ngại" lịch sử

Một số bài trong sách giáo khoa, đặc biệt là phần lịch sử Việt Nam còn “nặng’’, mang tính hàn lâm, dung lượng bài chưa phù hợp với thời lượng dạy học. Cách trình bày của sách giáo khoa còn ít kênh hình, tư liệu lịch sử...

Về phương pháp dạy học, hiện chưa có nhiều biện pháp để phát huy tính tích cực học tập của học sinh. Một bộ phận giáo viên chưa chú trọng rèn luyện cho học sinh năng lực tư duy độc lập. Việc kiểm tra, đánh giá vẫn yêu cầu học thuộc lòng nhiều hơn là các mức độ hiểu.

Trong khi đó, một bộ phận giáo viên môn lịch sử ở trường phổ thông còn hạn chế về năng lực chuyên môn. Mô hình đào tạo giáo viên sư phạm nói chung, giáo viên dạy lịch sử nói riêng vẫn còn chậm chuyển đổi sang hệ thống đào tạo mở, đào tạo theo tín chỉ, ít hội nhập quốc tế.

Từ những hạn chế trên, báo cáo đã nêu được nguyên nhân cốt lõi của việc học sinh “chán” học Lịch sử. Đó là tư duy về giáo dục chậm đổi mới, chưa theo kịp yêu cầu đổi mới, phát triển đất nước trong bối cảnh kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Xã hội nhìn chung chưa nhận thức đúng vị trí, vai trò của môn lịch sử, vẫn còn tư tưởng coi trọng các môn tự nhiên, xem nhẹ các môn xã hội, trong đó có môn lịch sử.

Thêm vào đó, các chế độ, chính sách chưa thực sự tạo động lực cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; khoa học giáo dục chưa được quan tâm đúng mức, chậm đổi mới và phát triển, còn nhiều bất cập.

Thay đổi để phát triển năng lực người học

Từ những hạn chế và nguyên nhân được xác định, báo cáo cũng đã chỉ ra những phương hướng giải quyết, mà trong đó, việc nâng cao nhận thức, ý thức của người dạy và người học đối với vai trò và vị trí môn Lịch sử là quan trọng bậc nhất.

Bởi theo các chuyên gia, dạy học lịch sử không chỉ trang bị kiến thức mà còn có ưu thế trong việc giáo dục lòng yêu nước, trân trọng giá trị lịch sử truyền thống của dân tộc, giáo dục nhân cách, tư duy độc lập sáng tạo cho học sinh.

Đối với Việt Nam, lịch sử càng giữ vai trò quan trọng, gắn liền với sự phát triển và tồn vong của quốc gia - dân tộc. Việc dạy học lịch sử cần quán triệt các mục tiêu này đối với tất cả học sinh phổ thông, mặt khác phải đóng góp nhiều định hướng ngành nghề của học sinh sau giáo dục phổ thông.

Đối với chương trình sách giáo khoa Lịch sử, các ý kiến đều đồng thuận việc cần có sự thay đổi theo theo các nguyên tắc: Quán triệt quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục nói chung và giáo dục phổ thông nói riêng; đảm bảo kế thừa những thành tựu của Việt Nam và vận dụng hợp lý kinh nghiệm quốc tế về phát triển chương trình giáo dục phổ thông; đảm bảo tính thống nhất toàn quốc, linh hoạt vùng miền, phù hợp với đối tượng và tính khả thi của chương trình, sách giáo khoa; đảm bảo tính thống nhất giữa mục tiêu, nội dung, phương pháp dạy học và phương thức đánh giá kết quả học tập.

Những buổi học thực tế giúp học sinh hiểu hơn về Lịch sử

 

Thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa môn lịch sử từ sau năm 2015 theo các định hướng cơ bản: Phát triển năng lực người học; đảm bảo tính hài hòa, cân đối giữa “dạy chữ”, “dạy người” và định hướng nghề nghiệp; cấu trúc, nội dung chương trình và sách giáo khoa đảm bảo tính chỉnh thể, linh hoạt, thống nhất.

Đổi mới phương pháp dạy học lịch sử theo hướng kết hợp hợp lí các phương pháp dạy học truyền thống và hiện đại để tạo hứng thú học tập cho HS; chú trọng rèn luyện năng tự học với sách giáo khoa và các tư liệu lịch sử khác, nghe giảng - tự ghi chép, ghi nhớ, hiểu, vận dụng kiến thức lịch sử và trình bày các vấn đề lịch sử; đa dạng các hình thức tổ chức dạy học, tăng cường khai thác các tư liệu bảo tàng.

Hoạt động kiểm tra, đánh giá phải có tác dụng hỗ trợ thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy học, đề kiểm tra, thi theo hướng mở; kết hợp giữa hình thức ra đề tự luận và trắc nghiệm khách quan; kết hợp đánh giá trên lớp và đánh giá đầu ra; kết hợp đánh giá của giáo viên với tự đánh giá của học sinh.

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết, những ý kiến đóng góp này cũng là kênh để các Sở GD-ĐT, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng GV phổ thông và các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ GD-ĐT tiếp tục nghiên cứu vận dụng trong triển khai tổ chức thực hiện nhiệm vụ GD-ĐT hàng năm.

 

V.T