Phim “bom tấn” Việt Nam: Xịt trước khi nổ?

08:31 | 18/11/2015

2,125 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sau những bộ phim như “Huyền sử thiên đô”, “Thái sư Trần Thủ Độ” hay gần đây là “Sống cùng lịch sử” sẽ khiến dư luận đặt câu hỏi về tính hấp dẫn của những bộ phim “bom tấn” Việt Nam liệu có xịt trước khi nổ. 

Bom tấn thành “bom xịt”

Vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch đã phê duyệt dự án sản xuất phim truyền hình “Ý chí độc lập” với độ dài 19 tập do Nhà nước đặt hàng, tổng kinh phí bộ phim lên tới 28,484 tỉ đồng. Với kinh phí khủng như thế, mỗi tập phim “Ý chí độc lập” ngốn gần 1,5 tỉ đồng. Đây thực sự được gọi là phim bom tấn vì thực tế phim truyền hình hiện nay chỉ có giá từ 120 triệu đến 160 triệu đồng/tập, hiếm lắm mới có phim trên 200 triệu/tập, còn phim 400 - 500 triệu/tập được xem là quá ít ỏi.

Trả lời báo chí, Giám đốc Hãng phim Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Xuân Hưng, đơn vị chịu trách nhiệm sản xuất, phát hành bộ phim cho biết dự án phim “Ý chí độc lập” vẫn còn… ở trên giấy, dù việc chuẩn bị thì hãng đã chủ động bỏ tiền ra làm. Khi được hỏi “Ý chí độc lập” có kịch bản như thế nào mà cần đến kinh phí 28,484 tỉ đồng, ông Hưng cho biết không trả lời cụ thể được, phải đợi kinh phí thực tế thì hãng và ê-kíp sản xuất mới tính toán chi tiết được.

Được biết, “Ý chí độc lập” là bộ phim có bối cảnh lịch sử những năm 1941-1945, diễn biến câu chuyện phim bao gồm các sự kiện lớn của cách mạng Việt Nam, từ khởi nghĩa Bắc Sơn cho đến đêm trước của Cách mạng Tháng Tám. Bên cạnh phim truyền hình “Ý chí độc lập”, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch còn đặt hàng các phim truyện 90-100 phút như “Không ai bị lãng quên”, “Người yêu ơi”, “Địa đạo”, “Xã tắc”…

tin nhap 20151117160806
Cảnh trong phim Thái tổ Lý Công Uẩn - Đường tới Thăng Long

Tuy nhiên, thông tin phim truyền hình “Ý chí độc lập” sắp được lên sóng khiến dư luận đặt câu hỏi về con đường đến với khán giả của bộ phim này. Rất nhiều bộ phim do Nhà nước bỏ tiền đầu tư, từ vài tỉ đến cả chục tỉ đồng, bị lãng phí theo nhiều cách khác nhau. Mỗi năm, nhiều bộ phim nhựa được Nhà nước đầu tư lớn sản xuất đã âm thầm ra rạp rồi nhanh chóng bị các chủ rạp đẩy khỏi lịch chiếu vì không có khán giả, càng không nói đến chuyện chạm được tới trái tim và trí nhớ của họ. Có thể nhắc tới một số bộ phim được đầu tư đặc biệt hướng tới đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội như “Thái tổ Lý Công Uẩn - Đường tới Thăng Long” (19 tập, kinh phí dự kiến 200 tỉ đồng, sau rút xuống còn 100 tỉ), “Thái sư Trần Thủ Độ” (30 tập, dự kiến 51 tỉ, cuối cùng là 57 tỉ), “Huyền sử thiên đô” (dự kiến 72 tập, 42 tập đầu sản xuất hết 60 tỉ)…

Ngoài ra, các bộ phim được đầu tư hàng chục tỉ đồng, thậm chí đoạt giải cao trong các kỳ liên hoan phim như “Tâm hồn mẹ” (đạo diễn Nhuệ Giang); “Đam mê” (đạo diễn Phi Tiến Sơn); “Cát nóng” (đạo diễn Lê Hoàng)… cũng không đến được với khán giả Việt Nam. Sau đó, câu chuyện bộ phim “Sống cùng lịch sử” mặc dù được rót kinh phí 21 tỉ nhưng khi ra rạp liên tục phải hủy suất chiếu, thậm chí phải về kho sớm vì không bán được vé. Xưa nay các bộ phim được gọi là “cúng cụ” đa phần đều có chung số phận bi đát như vậy, nhưng có lẽ chưa bao giờ rơi vào thảm cảnh như “Sống cùng lịch sử”.

khong the bat chuoc de lam phim ve lich su

Không thể bắt chước để làm phim về lịch sử

Rất nhiều phim lịch sử ở nước ta bừa bãi về phục trang, như để cho vua quan mặc đồ nhung, rồi những chi tiết trên long bào, hoàng bào của vua chúa thì bừa bãi, bắt chước hàng Tàu… Câu chuyện này đã diễn ra cách đây rất lâu nhưng hầu như không có biện pháp khắc phục. Phóng viên Báo Năng lượng Mới đã có cuộc trò chuyện với đạo diễn Đinh Thái Thụy về đề tài trang phục trong phim lịch sử.

cu tat gia 21 ti dong

“Cú tát” giá… 21 tỉ đồng!

“Sống cùng lịch sử” - bộ phim ca ngợi chiến dịch Điện Biên Phủ, ca ngợi đại tướng Võ Nguyên Giáp đã “chết ngay trong rạp” khi hơn 2 tuần công chiếu mà chỉ bán được vài chục vé. Vậy là 21 tỉ đồng bỏ ra làm phim đã thành công cốc khi ý nghĩa tuyên truyền đến người dân Việt về chiến thắng Điện Biên không thành. Một lần nữa phim tiền tỉ lại về… “đắp chiếu”. PV Petrotimes đã có cuộc trao đổi với các đạo diễn để làm rõ câu chuyện này.

phim lich su la khuc xuong kho nhan

Phim lịch sử là “khúc xương”… khó nhằn!

Điệp khúc “phim tiền tỷ lưu kho”, “phim tiền tỷ đắp chiếu” rồi lại “phim tiền tỷ khó bán”… dường như đã là cái “dớp” đối với phim lịch sử của điện ảnh Việt.

Bao giờ xuất kho?

Trong chiến lược điện ảnh Việt Nam tầm nhìn 2030, phim truyện truyền thống với đề tài lịch sử dân tộc, lịch sử cách mạng, lãnh tụ… vẫn tiếp tục là một dòng mạch chủ lưu với sự hỗ trợ của Nhà nước về kinh phí sản xuất. Tuy nhiên, báo cáo tổng kết nhiệm kỳ VII của Ban Chấp hành Hội Điện ảnh Việt Nam lại thẳng thắn thừa nhận: “Thiếu vắng những phim về đề tài đương đại, có sức lay động xã hội. Ở một số phim về đề tài chiến tranh cách mạng, các tác giả vẫn bị ảnh hưởng cách làm cũ nặng tính “tuyên truyền” mà chưa khắc họa sâu sắc bối cảnh lịch sử, nội tâm nhân vật… khiến hình tượng nghệ thuật còn đơn giản, ít sức lôi cuốn khán giả, nhất là khán giả trẻ”.

Cụ thể, cách làm cũ khiến ngôn ngữ điện ảnh quá cổ lỗ, không mang hơi thở thời đại và vì thế, không chạm tới được trái tim khán giả. Lý giải cho cách thức làm phim cũ, một phần nằm ở chính thói quen từ thời bao cấp đã khiến những nhà làm phim đề tài truyền thống quen một kiểu làm phim “cúng cụ”, làm xong chiếu kỷ niệm cất kho mà không quan tâm tới tính hấp dẫn khán giả.

Bà Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh cho biết, hầu hết các bộ phim mang tính chất lịch sử hiện nay đang được thực hiện theo đặt hàng của Nhà nước, mà cụ thể là Đề án 844 (đề án khuyến khích sáng tác và công bố các tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, phản ánh 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, thống nhất đất nước giai đoạn 1930 - 1975). Điều này có nghĩa là hiện tại Nhà nước vẫn đặt hàng và rót kinh phí cho hầu hết các phim có nội dung tuyên truyền, lịch sử tùy theo từng giai đoạn hay từng dịp kỷ niệm nhất định.

tin nhap 20151117160806
Cảnh trong phim Sống cùng lịch sử

Khi “bầu sữa” vẫn còn, tất nhiên các “đứa con” (hãng phim Nhà nước) sẽ được chia đều, trong đó ba “đứa con” lớn nhất là Hãng phim truyện Việt Nam, Hãng phim truyện 1, Hãng phim Giải Phóng. Trung bình hằng năm, mỗi hãng được đặt hàng từ 1 đến 2 phim. Với số tiền thu được từ những bộ phim này, các hãng phim Nhà nước thường không quá quan tâm tới việc tuyên truyền, quảng bá phim như những hãng phim tư nhân. Và vì thế, không ít bộ phim lịch sử có giá trị sau khi hoàn thành nhiệm vụ tuyên truyền thì ngay lập tức bị đưa vào… nhà kho để đắp chiếu bên cạnh những bộ phim tiền tỉ khác. Như vậy, không phải khán giả không thích phim lịch sử của Nhà nước, mà bởi vì họ không có đủ thông tin, cũng thiếu cơ hội tiếp cận với những bộ phim giá trị ấy.

Phim nào cũng phải có khán giả

Đứng trên góc độ làm nghệ thuật, ông Nguyễn Danh Dương, Giám đốc Trung tâm Chiếu phim Quốc gia phân tích: “Thực tế, có những phim lịch sử nếu được làm bài bản, nội dung hay thì cũng không nhất thiết phải chiếu vào các dịp lễ, tết. Phải nhận thức rằng, phim nào cũng cần kinh phí để xây dựng, do đó để phim lịch sử cạnh tranh sòng phẳng với phim thương mại thì trước hết nó cũng phải bán được vé đã. Làm phim thật hay, PR cho phim thật tốt thay vì kiểu "đem con bỏ chợ" thì sẽ kéo được khán giả, ngay cả những người trẻ tuổi. Bởi ban đầu người xem sẽ đến vì tò mò, sau đó thấy hay họ sẽ giới thiệu người khác, cứ như vậy chúng ta sẽ tái đầu tư cho những phim sau hay hơn và người xem sẽ không quay lưng như hiện nay”.

Nhà văn Phạm Ngọc Tiến, tác giả của hàng loạt bộ phim truyền hình ăn khách như: “Ma làng”, “Đất và Người”, “Gió làng Kình”, “Chuyện làng Nhô” cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến dẫn đến cái chết của nhiều bộ phim lịch sử chính là sự vô trách nhiệm của hãng phim khi tiêu tiền Nhà nước mà không được giám sát như kiểu tư nhân.

Trước đó, đã có nhiều trường hợp tự tìm cách vận động quảng bá cho phim, hay tự bỏ tiền túi ra để PR cho phim như trường hợp của đạo diễn Bùi Tuấn Dũng (“Những người viết huyền thoại”) hay nhà sản xuất Hồng Ngát (phim “Gương trời”, “Những người con của làng”). Vì thế, đã đến lúc các hãng phim Nhà nước nên dừng chuyện kêu ca phim tiền tỷ, phim chất lượng thiếu khán giả mà cần “xốc lại mình” để vạch ra kế hoạch quảng bá hợp lý cho bộ phim. Một tác phẩm hay, nếu thiếu khâu quảng cáo, quảng bá thì rất khó đến được với khán giả, bởi phim ảnh cũng như âm nhạc, đừng nên chờ đợi “hữu xạ tự nhiên hương”.

Khánh An

Những địa điểm check-in thú vị ở Bình Định

Những địa điểm check-in thú vị ở Bình Định

(PetroTimes) - Không chỉ được ưu ái với thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ, Bình Định còn ghi dấu với loạt câu chuyện lịch sử, văn thơ và nền văn hóa độc đáo...