Đạo diễn Đinh Thái Thụy:

Không thể bắt chước để làm phim về lịch sử

09:11 | 11/11/2015

927 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Rất nhiều phim lịch sử ở nước ta bừa bãi về phục trang, như để cho vua quan mặc đồ nhung, rồi những chi tiết trên long bào, hoàng bào của vua chúa thì bừa bãi, bắt chước hàng Tàu… Câu chuyện này đã diễn ra cách đây rất lâu nhưng hầu như không có biện pháp khắc phục. Phóng viên Báo Năng lượng Mới đã có cuộc trò chuyện với đạo diễn Đinh Thái Thụy về đề tài trang phục trong phim lịch sử. 

Mấy ngày nay trên các phương tiện truyền thông bàn tán xôn xao về trang phục của phim “Mỹ nhân” ở giây 42 đã xuất hiện một vị quan (do Châu Thế Tâm đóng) mặc quan phục với hình ảnh Lion King trên ngực áo. Anh có thể nói gì về điều này?

Về con sư tử có trên ngực áo của diễn viên là không sai, nó đúng với phẩm hàm được quy định trên Bổ Tử trang phục của quan lại thời Chúa Nguyễn, thế kỷ 17. Nếu có sai sót thì vấn đề ở đây là hình mẫu con sư tử mà người nghệ nhân thêu của tổ phục trang đã làm sai hoặc làm ẩu. Chúng tôi đang xem xét lại và tìm cách khắc phục.

Thực sự chúng tôi không thể để những lỗi cơ bản như thế này làm ảnh hưởng đến công sức và tâm huyết của cả ê kíp và niềm tin của nhà đầu tư.

khong the bat chuoc de lam phim ve lich su
Đạo diễn Đinh Thái Thụy

Dù là sự cố, tuy nhiên tại sao phim đã qua nhiều cửa nhưng không ai phát hiện ra, thưa anh?

Trong quá trình chuẩn bị tiền kỳ, ngoài việc ra Huế khảo sát, chúng tôi đã thảo luận kỹ các nguồn sử liệu có được. Tác giả Văn Lê đã cung cấp cho phục trang một cuốn sách có nhiều hình vẽ về trang phục. Bản thân tôi cũng cung cấp thêm cuốn sách “Ngàn Năm Áo Mũ”, một cuốn sách của tác giả Trần Quang Đức có uy tín về phục trang thời phong kiến, để họ tham khảo. Sau đó chúng tôi đều lao vào công việc chuyên môn của mình. Tôi đã tin tưởng tuyệt đối vào người phụ trách phục trang, mải mê tập trung vào vấn đề nghệ thuật của phim nên đã thiếu kiểm soát hình mẫu sử tử trên áo. Thực không ngờ lại có những nét tương đồng với phim hoạt hình đến vậy.

Thực ra, câu chuyện trang phục phim lịch sử là chuyện mà hầu như bộ phim nào cũng vấp. Nhưng điều đáng tiếc là chúng ta đã bàn mãi, nói mãi nhưng chưa bao giờ khắc phục được, theo anh, vì sao lại xảy ra tình trạng này?

Vô vàn điều để trả lời vì sao lắm. Ngoài những khó khăn về nguồn sử liệu hạn hẹp, bối cảnh, phục trang, đạo cụ đã mai một nhiều. Tỷ lệ phim được làm về đề tài lịch sử là quá ít ỏi, dẫn đến công nghệ làm phim cổ trang nghèo nàn. Các nhà làm phim thường phải liệu cơm gắp mắm với những đề tài như thế này. Tuy nhiên, điều cốt lõi ở đây vẫn là con người. Chuyên gia lớn về dòng phim này ở ta không nhiều, những sơ xuất là điều không ai muốn nhưng vẫn không thể tránh khỏi. Trong câu chuyện của “Mỹ nhân” để xảy ra việc này là lỗi ở tôi, người chịu trách nhiệm tổng thể về bộ phim.

khong the bat chuoc de lam phim ve lich su
Cảnh trong phim "Mỹ nhân"

Rõ ràng để tìm một tinh thần thuần Việt cho trang phục rất khó, cái khó bắt nguồn từ việc đến giờ vẫn còn chưa có nhiều nghiên cứu sâu về trang phục cổ. Nhưng liệu đó có phải lý do để chúng ta khi thì bắt chước Trung Quốc, hoặc lai căng, chắp vá không đúng với từng thời điểm lịch sử không, thưa anh?

- Tinh thần thuần Việt cho tổng thể bộ phim là tiêu chí mà chúng tôi đặt ra ngay từ đầu. Tôi tin rằng tất cả các đạo diễn khi làm phim lịch sử đều muốn chuyển tải được tinh thần, hào khí… của người Việt.

Thực tế thì chúng ta không thể bắt chước ai để chuyển tải những vấn đề đã thuộc về lịch sử và văn hóa trường tồn của dân tộc. Riêng câu chuyện trang phục thì rất khó nói, bởi thực tế chúng ta cũng không có nhiều những tài liệu, hình ảnh để mà tìm hiểu, phục dựng…    

Không ít người cho rằng, lý do là kinh phí, bởi hầu hết nhà sản xuất, đều xem trang phục là thứ yếu, anh có thấy thế không?

- Kinh phí thì rõ rồi. Dòng phim chính sử của chúng ta rất kén khán giả tới rạp. Nhà nước bỏ ra khoảng trên dưới 20 tỉ để làm một bộ phim, không thu hồi được vốn đã bị lên án kịch liệt. Nếu bỏ ra cả trăm tỉ như nước ngoài, không biết sẽ ra sao? Trong khi điều kiện làm phim về đề tài lịch sử ở Việt Nam gần như phải tái dựng 100%. Khi làm phim lịch sử thiên về chính sử không có khâu nào là thứ yếu cả, phục trang cũng vậy. Bạn thấy dấy chỉ cần có sai sót, chi tiết lớn hay nhỏ đều được xem là đại họa. 

Vậy nếu phải chọn, thì anh sẽ chọn vẻ đẹp phục trang hay là sự phục dựng đúng tuyệt đối?

Điều này còn tùy thuộc vào đề tài và chủ đề phim, làm thiên về chính sử hay giã sử. Mỗi dòng phim đã được mặc định những phản ứng khác nhau. Các nhà làm phim khi đụng đến đề tài lịch sử đều hiểu rõ điều này.

- Thực tế không ít nhà nghiên cứu lại có quan điểm rất thoáng, họ cho rằng “các nhà làm phim cứ việc làm phục trang thoải mái một chút, đừng quá quan tâm đến các nhà sử học nói gì, miễn sao mục đích của phim lịch sử là chuyển khối tư liệu lịch sử cho người xem”, anh thì sao?

Phim truyện lịch sử khác với phim tài liệu sử ở chỗ phim truyện có thể hư cấu ở những chừng mực nào đó, nhằm tạo sự hấp dẫn về cách kể, kịch tính về nội dung cốt truyện, níu giữ người xem.

Khán giả tới rạp xem phim truyện không phải chỉ để tìm hiểu về lịch sử mà là để xem những sự kiện của lịch sử được kể bằng một câu chuyện như thế nào. Nếu thực sự chỉ có nhu cầu tìm hiểu về lịch sử hẳn là họ sẽ đến thư viện đọc sách của các nhà sử học chứ không tới rạp phim. Đây chính là bài toán khó mà các nhà làm phim ở ta đang đau đầu, cũng là lý do mà không một nhà sản xuất tư nhân nào nghĩ tới việc sản xuất một bộ phim về đề tài chính sử để chiếu rạp. Họ chẳng dại gì mất của mà không khéo còn bị ném đá hội đồng cho sứt đầu mẻ trán.

Nói một cách công bằng thì không chỉ phim lịch sử mà cả phim truyền hình, phim nhựa.. khán giả Việt đã không ít lần “dở khóc dở cười” khi phải chứng kiến những trang phục lạ lẫm, không hợp lý với bối cảnh phim. Anh thấy hiện tượng này phản ánh điều gì?

Tùy vào việc bộ phim ấy được sản xuất theo chiều hướng nào và ai sản xuất. Với một nhà sản xuất phim mang tính chất kinh doanh, bất kề phim phi thực tế như thế nào, còn có người xem và đem lại lợi nhuận cao thì họ còn làm. Miễn là không phạm pháp. Đó là quy luật phát triển của công nghiệp giải trí. Ở mỗi một góc nhìn khác nhau sẽ có một chính kiến khác nhau về hiện tượng này. 

khong the bat chuoc de lam phim ve lich su
Cảnh trong phim "Mỹ nhân"

Thực tế thì không chỉ câu chuyện trang phục phim lịch sử mà cả cách truyền tải những câu chuyện lịch sử vào phim của chúng ta cũng đang có nhiều vấn đề, cho dù số tiền bỏ ra làm phim lịch sử cũng không phải ít. Theo anh thì muốn thay đổi được cách làm, cách xem phim lịch sử chúng ta phải làm gì?

“Vấn đề” này vĩ mô lắm. Theo cảm nhận của tôi đó thì có một yếu tố góp phần đó là những rào cản vô hình đã thành mặc định. Một tác giả viết kịch bản về đề tài lịch sử thì ngay khi xây dựng ý tưởng đã phải tự ý thức lựa chọn cho mình, hoặc là theo chiều hướng chính sử, hai là giã sử, không thể dung hòa hai hướng này. Còn với nhà sản xuất họ cũng phải lựa chọn như thế, hoặc là đúng + hay = hên xui trong vấn đề hoàn vốn, hoặc là phi thực tế + hấp dẫn = thành công.

Làm phim lịch sử thực sự rất áp lực, vì mình đang dấn thân vào một đề tài khó, chỉ một chút sơ xảy là sẽ phải đối mặt với những trăn trở. Nhưng cái trăn trở lớn hơn tất cả với tôi đó là làm sao để có thể kết nối được đông đảo khán giả tới rạp xem phim với đề tài này. Ngoài cái đúng còn phải hấp dẫn mà vẫn nằm trong quỹ đạo an toàn. Tôi hiều, điều này là vô vàn khó khăn.

Tôi thực sự rất thích được tiếp tục làm phim về đề tài lịch sử, tôi đã và đang ấp ủ một số ý tưởng. Có một nhà sản xuất tư nhân khuyên tôi: để an toàn và thành công, thì cần phải đi theo hướng giã sử, cứ để cho nhân vật trở nên phi thường, có thể bay trên lưng ngựa, nhảy qua mái nhà hoặc đạp mặt nước băng qua sông Hồng… giống như các phim “Mỹ nhân kế” hay “Thiên mệnh anh hùng” đã thành công.

Trên thực tế thì dù phim giã sử thành công, các nhà sản xuất tư nhân cũng không hẳn đã an toàn và mạo hiểm nhiều với đề tài này. Có lẽ, sự đấu thầu và hợp tác sản xuất giữa tư nhân và nhà nước như bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” vừa rồi là phương cách mở ra những hi vọng lớn cho phim lịch sử. 

Thanh Huyền (thực hiện)