Những khó khăn trong đồ án quy hoạch thủ đô

07:35 | 04/08/2011

564 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Với đồ án quy hoạch chung Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đặt ra những thách thức lớn trong việc triển khai và xác định nguồn vốn đầu tư đến hàng trăm tỉ USD, phân bổ dân cư và hạ tầng kỹ thuật kết nối với 5 khu đô thị vệ tinh... Nếu không có một cái nhìn tổng quan sẽ bị "vấp" về quy hoạch, khó tháo gỡ, thậm chí rất dễ thất bại và quy hoạch sẽ bị vỡ trận.

Sẽ là "chùm đô thị”

Đồ án Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội được xây dựng từ đầu năm 2008, với sự tham gia của nhiều cá nhân, tổ chức kiến trúc, tư vấn xây dựng trong và ngoài nước. Đồ án được trình Thủ tướng Chính phủ xem xét lần đầu vào tháng 11/2008. Ngày 26/7 vừa qua, Thủ tướng đã ký Quyết định số 1259/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đồ án được phê duyệt, phạm vi lập quy hoạch gồm toàn bộ diện tích địa giới hành chính thủ đô Hà Nội rộng khoảng 3.344,6km2. Quy hoạch này được xác định với tính chất tôn thêm “vị trí” của Hà Nội là thủ đô của Việt Nam, trung tâm đầu não chính trị, hành chính của cả nước, đô thị loại đặc biệt. Đồng thời, thủ đô Hà Nội sẽ là trung tâm văn hóa, giáo dục đào tạo và khoa học kỹ thuật quan trọng của cả nước. Một trong những trung tâm kinh tế, du lịch, thương mại, dịch vụ của khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Người dân nô nức xem đồ án quy hoạch thủ đô

Theo quy hoạch, không gian đô thị Hà Nội phát triển theo mô hình chùm đô thị gồm đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh (Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên, Phú Minh và Sóc Sơn) và các thị trấn được kết nối bằng hệ thống giao thông đường vành đai kết hợp các trục hướng tâm, có kết nối với mạng lưới giao thông vùng và quốc gia.Trên cơ sở dự báo dân số Hà Nội đến năm 2020 đạt khoảng 3,7 triệu người, quy hoạch định ra diện tích đất xây dựng đô thị cho Hà Nội khoảng 45.300ha, chỉ tiêu khoảng 70m2/người và đất ngoài dân dụng khoảng 19.300ha. Còn đến năm 2030, dân số thủ đô sẽ đạt khoảng 4,6 triệu người; diện tích đất xây dựng đô thị khoảng 55.200ha; đất dân dụng khoảng 34.900ha; chỉ tiêu đất xây dựng dân dụng khu vực nội đô khoảng 60-65m2/người, khu vực mở rộng phía nam sông Hồng khoảng 90-95m2/người, khu mở rộng phía bắc sông Hồng khoảng 75-90m2/người; đất ngoài dân dụng khoảng 20.300ha.

Liên quan đến quy hoạch trung tâm hành chính – chính trị quốc gia, quy hoạch được duyệt không có thay đổi so với đề xuất và vẫn được đặt tại Ba Đình. Tuy nhiên, một số bộ, ngành sẽ chuyển trụ sở đến khu Mỹ Đình và khu Tây Hồ Tây.

Kết nối đô thị vệ tinh và đô thị trung tâm

Sau khi Hà Nội mở rộng đã có diện tích hơn 3.344km2, trở thành một trong 17 thủ đô có diện tích rộng nhất trên thế giới và là một trong 12 đô thị lịch sử có tuổi hàng ngàn năm. Với bản quy hoạch khẳng định thêm lần nữa sự lựa chọn mô hình cấu trúc mới: chùm đô thị, các nhà quy hoạch muốn tạo điều kiện để Hà Nội có tiềm năng phát triển hạ tầng kỹ thuật và môi trường.

Tuy nhiên, ngay trong sự lựa chọn mô hình chùm đô thị này cũng “tiềm ẩn” đầy rẫy những thách thức rất lớn cho Hà Nội. Đó là hệ thống cơ sở hạ tầng để kết nối giữa đô thị vệ tinh với đô thị trung tâm. Một thách thức nữa là vấn đề về dân số và phân bố dân cư của Hà Nội trong tương lai. Sau khi Hà Nội mở rộng đến nay có khoảng 6,6 triệu dân (số liệu tính đến hết năm 2010), dự kiến đến 2020 có khoảng 7,9 triệu và 2030 là khoảng 9,2 triệu. Với dân số như trên và việc phát triển theo chùm đô thị thì thách thức lớn nhất là việc phân bổ dân số. Bởi vì trong nội thành đô thị trung tâm từ nay đến năm 2030 sẽ là 4,5 triệu dân, còn lại là phát triển dân cư các đô thị vệ tinh. Nhiều đô thị dân số sẽ tăng gấp 10 lần hiện nay vậy thì làm thế nào để kết nối đô thị vệ tinh với trung tâm, làm thế nào để tạo sức hút để tăng dân số ở đô thị vệ tinh và sinh thái chứ không quá tập trung ở đô thị trung tâm?

Một thách thức quan trọng không kém trong quá trình xây dựng quy hoạch chung đó là cho đến năm 2030 Hà Nội chỉ xây dựng 32% diện tích đất, còn khoảng gần 70% là hành lang xanh, vành đai xanh, không gian xanh gồm: đất nông nghiệp, mặt nước và vùng cảnh quan thiên nhiên. Đây là định hướng nhằm để đô thị Hà Nội là thành phố thân thiện, có tỉ trọng cây xanh cao. Vậy thì lại phải tính đến việc làm nông nghiệp như thế nào, lâm nghiệp phát triển theo hướng nào để đảm bảo yếu tố cảnh quan thiên nhiên mà vẫn đạt mục tiêu kinh tế như Thủ tướng vừa phê duyệt, đó là “dịch vụ, công nghiệp, sau đó mới đến nông nghiệp”. Rõ ràng phải có quy hoạch nông thôn rất cụ thể, đó là việc rất khó.

Bài toán khó trong quy hoạch

Về giải pháp cho những thách thức, trở ngại trong việc triển khai đề án xây dựng thủ đô, KTS Đào Ngọc Nghiêm cho biết: “Đây là điều rất khó, vì từ quy hoạch chung này phải triển khai các quy hoạch, các dự án chiến lược, phải rà soát các dự án, phải nhận diện được các di sản, việc bảo tồn các di sản. Ví dụ như khu phố cổ, từ năm 1998 chúng ta đã đặt ra việc di dân khu phố cổ nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. Cũng từ năm 1998, từ vành đai 2 trở vào là khu vực hạn chế phát triển, lúc đó có 96 vạn dân và đặt ra mục tiêu giảm xuống 86 vạn. Nhưng đến nay chúng ta không những không giảm được mà còn để tăng lên gần 1,3 triệu người”.

KTS Đào Ngọc Nghiêm cho biết thêm: “Sắp tới chúng ta phải xem xét dự án chiến lược sau đó chọn các dự án ưu tiên. Để thực hiện cấu trúc đô thị và mô hình không gian như đô thị được duyệt, đòi hỏi nguồn kinh phí cực lớn hiện nay có nhiều tính toán khác nhau người bảo cỡ khoảng 60, 90, 100 tỉ đôla… nhưng theo tính toán của tôi, con số này sẽ cao hơn rất nhiều. Trong quy hoạch này chưa đưa ra các nguồn lực để phát triển, vậy thì đòi hỏi những người thực hiện quy hoạch này tìm ra nguồn kinh phí để thực hiện quy hoạch. Phải lựa chọn cái gì để tạo được tốc độ phát triển cho Hà Nội, cả giai đoạn từ năm 2006 đến nay tốc độ phát triển gần 11%, nhưng quy hoạch phải đảm bảo Hà Nội luôn dẫn đầu cả nước, đạt từ 11-12%, để đạt được mục tiêu đó Hà Nội phải dựa vào kinh tế trí thức, khu công nghệ cao bố trí thế nào… đây là những bài toán khó”.

Theo quy hoạch, dân số Hà Nội trong tương lai sẽ lên đến gần 10 triệu người. Mà với số dân 6,6 triệu người hiện nay, thủ đô nghìn năm đã tồn tại quá nhiều vấn đề nan giải, đặc biệt là nhà ở, dấu hiệu phân cấp giàu – nghèo. Hà Nội hiện nay là chùm đô thị, với đô thị trung tâm có dân số 4,5-5 triệu người, còn lại phân bố ở đô thị vệ tinh và đô thị sinh thái. Bởi vậy, nhà ở luôn là vấn đề rất lớn. Yêu cầu đặt ra cho các nhà quản lý hiện nay là phải tạo ra cơ cấu nhà ở hợp lý, sắp tới phải khuyến khích xây dựng nhà chung cư và hạn chế phát triển biệt thự, nhà vườn. Về sự phân cấp giàu – nghèo, với con số 4 triệu nông dân trong loạt đô thị vệ tinh thì chuyện tồn tại khoảng cách giàu – nghèo, thành thị – nông thôn là chuyện dễ hiểu. Tính về góc độ chuyên môn, đòi hỏi những người làm quy hoạch, những nhà tư vấn phải có sự nhìn nhận sâu sắc để có giải pháp khắc phục.

Đành rằng Hà Nội sẽ mang một diện mạo mới là điều khiến ai nấy đều hứng khởi, nhưng nếu làm không khéo sẽ rất dễ “vỡ trận”. Đó là khả năng khiến nhiều người dân thủ đô và những người yêu Hà Nội lo ngại.

Thiên Minh