Đề xuất tăng chế tài xử lý vi phạm, công khai danh sách doanh nghiệp vi phạm dán nhãn năng lượng
Thảo luận tại hội trường, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) cho rằng, quy định về dán nhãn năng lượng là công cụ quan trọng giúp người tiêu dùng nhận biết, lựa chọn các sản phẩm tiêu thụ điện hiệu quả. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy việc kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm trong lĩnh vực này còn nhiều hạn chế, nhất là trong môi trường thương mại điện tử đang phát triển nhanh chóng.
![]() |
Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) |
Đại biểu đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm của cơ quan quản lý trong việc kiểm tra định kỳ, xử lý vi phạm đối với các doanh nghiệp không tuân thủ quy định dán nhãn năng lượng. Đặc biệt, cần có quy định cụ thể về việc công khai danh sách doanh nghiệp vi phạm để tăng tính minh bạch và bảo vệ người tiêu dùng. “Không thể để các sản phẩm kém chất lượng tồn tại âm thầm trên thị trường, gây thiệt hại về kinh tế và ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng”, ông Thịnh nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng kiến nghị làm rõ cơ chế vận hành của Quỹ thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đặc biệt là tiêu chí phân bổ vốn, cơ chế giám sát và trách nhiệm của các cơ quan liên quan nhằm tránh tình trạng lãng phí, sử dụng không đúng mục tiêu.
Chia sẻ mối quan ngại về mức tiêu thụ năng lượng của ngành xây dựng - một trong những lĩnh vực tiêu hao năng lượng lớn nhất hiện nay, đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) kiến nghị cần có lộ trình bắt buộc dán nhãn năng lượng đối với một số vật liệu xây dựng, như kính, vật liệu cách nhiệt, gạch xây dựng...
Đại biểu dẫn chứng: "Ở Việt Nam, hơn 60% điện năng trong công trình được sử dụng cho điều hòa và chiếu sáng. Nếu sử dụng vật liệu có hiệu suất năng lượng cao, đặc biệt là kính cách nhiệt đạt chuẩn dán nhãn, có thể tiết kiệm đáng kể điện năng cũng như ngân sách đầu tư".
Tuy nhiên, đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra những thách thức trong triển khai như: thiếu tiêu chí quốc gia cho một số vật liệu, thiếu phòng thử nghiệm đạt chuẩn, chi phí thử nghiệm cao và cơ chế hậu kiểm còn yếu. Đại biểu đề xuất cần xã hội hóa hoạt động thử nghiệm, cấp chứng nhận; đồng thời xây dựng hệ thống tiêu chuẩn Việt Nam đồng bộ với quốc tế, ứng dụng mã QR để truy xuất thông tin nhãn năng lượng, giúp người tiêu dùng dễ dàng đánh giá chất lượng sản phẩm.
"Doanh nghiệp không thể bị bỏ mặc trên con đường đổi mới mà thiếu đi dây thừng hỗ trợ", ông Tuấn ví von.
![]() |
Đại biểu Lê Minh Nam (Hậu Giang) |
Trong khi đó, đại biểu Lê Minh Nam (Hậu Giang) nhấn mạnh, Luật cần mở rộng phạm vi điều chỉnh, không chỉ dừng ở quản lý sử dụng năng lượng mà còn phải kiểm soát nguồn cung ứng đầu vào, bao gồm khai thác, sản xuất và đầu tư xây dựng các công trình năng lượng.
Đại biểu cho rằng, kiểm soát đầu vào là bước đi quan trọng để điều tiết hiệu quả thị trường năng lượng, hướng đến mục tiêu sử dụng tiết kiệm, bền vững và chủ động thích ứng với những thay đổi nhanh chóng của khoa học - công nghệ và trí tuệ nhân tạo.
Từ những góp ý tại hội trường, có thể thấy, các đại biểu Quốc hội đều thống nhất rằng việc sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là cần thiết, nhằm cụ thể hóa cam kết giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và thúc đẩy tăng trưởng xanh.
Đề xuất công khai các doanh nghiệp vi phạm dán nhãn năng lượng không chỉ là biện pháp răn đe mà còn góp phần minh bạch hóa thị trường, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh và tạo động lực cho các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng - hướng đến một nền kinh tế tiết kiệm, xanh và phát triển bền vững.
Huy Tùng
-
Đại biểu đề xuất bổ sung vai trò cấp xã trong hệ thống quy hoạch
-
Tăng phân cấp, phân quyền để ứng phó linh hoạt, hiệu quả với các tình huống
-
Hà Nội: "Gỡ vướng" thể chế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhà nước bứt phá
-
[VIDEO] BSR và VPI ký thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số
-
BRICS cảnh báo rủi ro năng lượng từ các lệnh trừng phạt kinh tế
-
Quảng Trị đẩy mạnh thu hút đầu tư năng lượng tái tạo
-
Tin Thị trường: Động lực nào giúp giá dầu thế giới duy trì sắc xanh?
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 29/5: OPEC+ nhất trí thiết lập mức sản lượng cơ sở
-
Đề xuất tăng chế tài xử lý vi phạm, công khai danh sách doanh nghiệp vi phạm dán nhãn năng lượng
-
Động thái bất ngờ của Ả Rập Xê Út đối với thị trường dầu châu Á