Đại biểu Quốc hội: Không thể “quản lý kém” mà cấm dạy thêm, học thêm
![]() |
Đại biểu Thái Thu Xương, Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang |
Phát biểu thảo luận tại Tổ, đại biểu Thái Thu Xương, Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang nhấn mạnh, vấn đề dạy thêm học thêm là nhu cầu thiết thực của người dân, phụ huynh, học sinh. Vấn đề đặt ra là quản lý như thế nào cho chặt, chứ không phải không quản lý được là cấm, “nếu cấm là quản lý kém”.
Đại biểu cũng bày tỏ lo ngại về mô hình chính quyền địa phương hai cấp khi được triển khai, trong đó cấp huyện - bao gồm Phòng Giáo dục có thể bị xóa bỏ. Trong bối cảnh địa bàn sau sáp nhập ngày càng rộng, việc quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm sẽ trở nên khó khăn hơn nếu không có giải pháp phù hợp.
Đồng quan điểm, Đại biểu Nguyễn Thị Hà (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh) cho rằng sự phát triển mạnh mẽ của các trung tâm dạy thêm là điều tất yếu khi nhu cầu học thêm ngày càng cao. “Học thêm để củng cố kiến thức, nâng cao điểm số là nhu cầu chính đáng. Vấn đề là chất lượng đào tạo ra sao, trung tâm có đáp ứng đúng quy định không, và có được quản lý một cách minh bạch hay không?”, đại biểu đặt câu hỏi.
![]() |
Đại biểu Nguyễn Thị Hà (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh) |
Đại biểu Hà cho biết, Thông tư 29 của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quy định rõ về việc cấp phép, công khai thông tin và giới hạn thời gian, nội dung giảng dạy tại các cơ sở dạy thêm ngoài nhà trường. Tuy nhiên, thực tế triển khai tại địa phương còn thiếu đồng bộ. Đặc biệt, điều 6 của Thông tư chưa quy định rõ về yêu cầu cơ sở vật chất và chương trình giảng dạy, gây khó khăn cho công tác thanh tra, kiểm tra.
Nhiều trung tâm hiện nay cung cấp chương trình học chất lượng, có kiểm định và đội ngũ giảng viên chuyên môn, hỗ trợ tích cực cho học sinh yếu, học sinh ôn thi và phát triển tư duy. Tuy nhiên, không phải cơ sở nào cũng có đội ngũ giáo viên đạt chuẩn hoặc có kinh nghiệm sư phạm, dẫn đến lo ngại về chất lượng giảng dạy và nguy cơ “thương mại hóa” hoạt động giáo dục.
Để chấn chỉnh tình trạng này, Đại biểu Nguyễn Thị Hà kiến nghị các cơ quan chức năng cần: Tăng cường giám sát và thanh tra định kỳ, đột xuất các trung tâm dạy thêm, đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật; Công khai thông tin các cơ sở được cấp phép trên cổng thông tin điện tử của Bộ hoặc Sở Giáo dục, bao gồm tên trung tâm, địa chỉ, danh sách giáo viên, môn học, học phí, thời gian hoạt động; Công khai danh sách các trung tâm vi phạm trên phương tiện truyền thông để răn đe và giúp phụ huynh dễ dàng lựa chọn nơi học uy tín cho con em mình.
Các đại biểu nhấn mạnh, thay vì cấm đoán, cần có cơ chế quản lý hiệu quả để phát huy mặt tích cực, đồng thời ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực trong hoạt động dạy thêm, học thêm - một lĩnh vực có ảnh hưởng sâu rộng đến chất lượng giáo dục và sự phát triển của thế hệ trẻ.
Huy Tùng
-
Tập trung ba đột phá chiến lược để tăng trưởng nhanh, hiệu quả và bền vững
-
Nới cơ chế cho bất động sản để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
-
Miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp: Cần đúng đối tượng, đúng mục đích để tránh lãng phí nguồn lực
-
Đại biểu Quốc hội: Miễn học phí nhưng phải làm rõ cơ chế, tránh phát sinh khoản thu khác
-
Đại biểu Quốc hội: Không thể “quản lý kém” mà cấm dạy thêm, học thêm
-
Vì sao Telegram bị chặn ở Việt Nam?
-
Yêu cầu đọc rõ ràng nội dung tên sản phẩm khi quảng cáo mỹ phẩm
-
Đại biểu Quốc hội: Miễn học phí nhưng phải làm rõ cơ chế, tránh phát sinh khoản thu khác
-
Đề xuất miễn học phí trường công, hỗ trợ học sinh trường tư