Nhạc sĩ Nguyễn Cường bàn về con gái Hà Nội xưa và nay

09:41 | 23/01/2012

3,368 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chia sẻ về sự khác nhau giữa cô gái Hà Nội xưa và nay, nhạc sĩ Nguyễn Cường cho rằng, nếu nhìn từ mẹ, từ vợ và nhìn đến con gái bây giờ thì anh thấy chất Hà Nội xưa ở mẹ đặc quánh, sang vợ vẫn còn một nửa hoặc hơn chút nữa và đến con đã thấy nó hụt hao đi nhiều. Anh bảo rằng, khi con người cùng ăn pizza, cùng đi máy bay, ôtô thì cách nghĩ phải giống nhau thôi nên hy vọng gì về nét riêng sẽ giữ được khi nền văn hóa sinh ra cốt cách ấy đã mai một đi rồi.

Nhìn thấy ở mẹ trọn vẹn nét đẹp của người phụ nữ Hà thành xưa

PV: Mẹ của anh đã có 5 đời sống ở Hà Nội, anh cho rằng mình được thừa hưởng những điều gì từ sự nuôi dạy của bà?

Nhạc sĩ Nguyễn Cường: Trước tiên tôi muốn nói về tổng thể về người Hà Nội. Hà Nội là một nơi tụ hợp của rất nhiều nơi đến để làm nên một văn hóa Hà Nội, mà để có được cái chất riêng đó thì ba đời anh phải sinh ra ở đây. Và nếu chiểu như thế thì mẹ tôi đích thị được gọi là con gái Hà Nội. Mảnh đất này là tinh hoa hội tụ nên con gái phải đẹp, con trai ý chí phải mạnh mới trụ lại được ở mảnh đất này chứ. Và để trụ lại được người Hà Nội bản thân họ có sự mạnh mẽ, có sự tự tại rất riêng. Người Hà Nội làm gì cũng hướng đến tính bác học, chính vì thế họ giữ được truyền thống. Sự lưu giữ truyền thống, nền nếp ở xã hội nào cũng chủ yếu do người phụ nữ. Đặc trưng của người con gái Hà Nội xưa là sự thủ tiết. Mẹ tôi chồng mất năm bà mới 30 nhưng đã sống vậy nuôi 5 đứa con đến trưởng thành.

Việc giữ nếp nhà đó có từ thời bà tôi, mẹ tôi và giờ tôi vẫn thấy được ở vợ tôi. Nhưng vợ tôi, người đàn bà thế hệ sau của mẹ có sự tận tụy của một người con gái Hà Nội gốc trong việc đảm đang thu vén gia đình nhưng vẫn có cái hiện đại của một người sống ở thời nay. Cô ấy đi làm, có vị trí xã hội nhất định. Vậy nhưng cô ấy không đánh đổi tất cả để lấy địa vị đó, bằng chứng là khi được mời giữ chức vụ cao hơn cô ấy từ chối vì muốn dành thời gian chăm sóc cháu ngoại, chăm sóc gia đình. Đó là bộc lộ sự khác biệt của người phụ nữ phương Đông với phương Tây và theo tôi cô gái Hà Nội mang tất cả những nét đặt trưng đó rõ ràng nhất.

PV: Sách vở ngợi ca rằng cô gái Hà Nội xưa duyên dáng, thanh lịch như một bài thơ. Vậy bản thân anh nhìn thấy sự thanh lịch đó thể hiện cụ thể như thế nào trong việc mẹ anh, vợ anh giữ nếp nhà?

Nhạc sĩ Nguyễn Cường: Đúng là người phụ nữ Hà Nội có sự nhẹ nhàng, thanh lịch. Sự tham gia vào việc nhà của họ rất lớn và có thể nói họ mới chính là người lưu giữ nền nếp, phong tục gia đình nhưng cách họ thể hiện sự tham gia của mình lại là cái phần lắng, phần sâu. Chẳng hạn khi nhà có khách, sau khi bày biện, pha trà cho chồng đủ đồ tiếp khách, người phụ nữ sẽ lui vào bên trong.

PV: Sau khi ông mất, thân mẫu anh đã thể hiện vai trò của mình như thế nào trong gia đình và theo anh cái chất Hà Nội của bà tiếp tục thể hiện trong việc đó như thế nào?

Con gái Hà Nội xưa trong tranh

Nhạc sĩ Nguyễn Cường: Sau khi bố mất, mẹ trở thành trụ cột trong nhà. Mẹ tôi từ một người nội trợ chỉ biết nấu nướng, thêu thùa đã trở thành người đàn ông, gách vác mọi trọng trách. Một người đàn bà lúc trước chỉ biết sống sau chồng giờ một nách nuôi 5 đứa con, đứa lớn là tôi 10 tuổi, em út tôi hơn 1 tuổi. Tôi không hiểu sao mẹ có thể vượt qua chuyện đó.

Và có một điều đặc biệt mà tôi muốn chia sẻ, gia đình bà nội tôi sinh được 3 người con trai. Khi thủ đô được giải phóng năm 1954, chú và bác trai tôi đều di cư vào Nam và đến năm 1975 thì sang Mỹ. Chỉ có duy nhất mẹ, dù một nách 5 con nhưng vẫn lựa chọn ở lại. Năm 1994 cả gia đình chú và bác tôi từ Mỹ về thăm quê, mọi người rất ngạc nhiên khi thím Hộ (tức mẹ tôi) đã nuôi được cả 5 anh em tôi tốt nghiệp đại học và có một thằng nhạc sĩ có tên là tôi. Nhưng điều lớn hơn, cả dòng họ đều tự hào vì mẹ tôi mới chính là người giữ được nề nếp gia phong của họ tộc, là người giữ được “mả tổ” cho dòng họ mình mặc dù chồng đã chết và mặc cho rất nhiều biến cố lịch sử đã xảy ra. Và thực sự tôi rất cảm ơn bà vì quyết định ở lại.

Sự lặng lẽ, thâm trầm của mẹ sau này còn thể hiện cả trong việc bà dạy dỗ đàn con, không bao giờ dùng lời đao to búa lớn nhưng đã dành cả cuộc đời mình là một tấm gương. Những điều mẹ làm đã âm thầm ngấm vào chúng tôi theo thời gian.

PV: Cuộc chuyển xoay của xã hội đã biến người phụ nữ chỉ biết làm việc nhà như mẹ anh trở thành người phụ nữ của xã hội. Anh lý giải thế nào về sự thay đổi kỳ diệu đó?

Nhạc sĩ Nguyễn Cường: Thực ra, trong sự nhẹ nhàng của người phụ nữ có sự mạnh mẽ của nước. Nhiều khi ta cứ lầm tưởng nó không là gì cả song thực tế lại có sự phá vỡ khủng khiếp, có sức bào mòn khủng khiếp.

Cô gái Hà Nội, Sài Gòn và Tây Nguyên giờ chẳng khác nhau nhiều

PV: Nếu để hình dung rõ hơn, anh có thể so sánh sự khác nhau giữa người phụ nữ Hà Nội với các cô gái ở những vùng miền khác anh đã đi qua, chẳng hạn với người phụ nữ Tây Nguyên?

Nhạc sĩ Nguyễn Cường: Tôi là người không đi nhiều nơi nên để nói về sự khác biệt giữ phụ nữ Hà Nội với các vùng khác là rất khó, nhưng nếu so sánh với nơi tôi đến và sống nhiều hơn cả là Tây Nguyên thì cô gái Hà Nội có rất nhiều khác biệt. Thời tôi bắt đầu đến Tây Nguyên, những năm 80 của thế kỷ trước, ở đây vẫn tồn tại sinh hoạt kiểu mẫu hệ, vì vậy người phụ nữ Hà Nội nếu luôn đứng sau chồng, ủng hộ chồng bao nhiêu thì phụ nữ Tây Nguyên lại chủ động, mạnh mẽ trong cuộc sống bấy nhiêu. Người nữ Tây Nguyên có quyền lực nên họ thể hiện sự mạnh mẽ của mình ra bên ngoài, còn người phụ nữ Hà Nội dù vẫn có sức mạnh của nước nhưng lại kín kẽ và sâu lắng.

PV: Và tôi muốn hỏi anh cái phần nhẹ nhàng, tinh tế và sâu lắng ấy của người con gái Hà Nội xưa mà anh đã tìm thấy ở mẹ và phần nào ở vợ mình, giờ anh còn tìm thấy khi nhìn vào con anh hay các cô gái trẻ ở Hà Nội bây giờ?

Nhạc sĩ Nguyễn Cường: Bạn cứ hình dung đi, nếu trong âm nhạc mọi thứ đều đang quy tụ về rap, về hiphop nghĩa là hướng đến cái chung của cả thế giới thì con người làm sao mà còn giữ được nhiều điểm riêng biệt. Tôi biết rằng Ê đê rồi sẽ mai một, Tây Nguyên rồi sẽ mai một và cả Việt Nam này rồi sẽ mai một thì nói gì đến cái chất của người Hà Nội, của một cô gái mỏng manh ấy trong cơn bão đổi thay của xã hội bây giờ. Tức là cái văn hóa ấy nếu cố gắng giữ được chừng nào thì giữ thôi, chứ khi tất cả mọi thứ đều ở trên một mặt phẳng thì nó sẽ bị trôi đi dù muốn dù không.

Khi mọi thứ sẽ bị cào bằng hết, nhân loại này cũng thế, tôi chẳng biết rồi mọi thứ sẽ đi đến đâu, nhưng mà như thế thì buồn. Văn hóa là tâm thế, tâm linh và tâm hồn nhưng khi tâm thế khác rồi thì đành chịu vậy thôi.

Trước kia người con gái Hà Nội ăn nói kín đáo, giữ gìn, còn giờ họ cởi mở thậm chí suồng sã hơn. Bây giờ tôi thấy cô gái Hà Nội với cô gái Tây Nguyên và cô gái Sài Gòn không khác nhau là mấy. Một bộ phận nào đó vẫn cố công gìn giữ đấy nhưng giữ cũng chỉ đến một lúc nào đó chứ đâu thể giữ mãi.

Về câu hỏi của chị, tìm được cái gì là chất Hà Nội xưa trong bà, trong vợ trong con thì tôi nghĩ nếu ngày xưa tôi nhìn thấy chất Hà Nội ở mẹ đặc quánh, sang vợ vẫn còn một nửa hoặc hơn chút nữa thì sang đến con tôi đã thấy nó hụt hao đi nhiều.

PV: Tôi lại tưởng người Hà Nội sẽ trở thành một biến thế khác xưa và khác bây giờ nhưng thể nào họ cũng có cái riêng của mình chứ?

Nhạc sĩ Nguyễn Cường: Cái đó tôi không biết và tôi nghĩ là không thể bàn hết được. Chuyện tương lai dài và xa xôi quá. Nhưng tôi vẫn nghĩ tính cách, hồn cốt của con người là do văn hóa tạo thành. Tất nhiên đến khi cùng ăn pizza, cùng đi máy bay, đi ôtô thì cách nghĩ phải giống nhau chứ.

Tất nhiên là tôi vẫn cứ mong và hy vọng rằng con tôi bây giờ không còn như thời mẹ, thời bà nó nhưng vì có sự chỉ dạy của mẹ thì ít nhiều nó vẫn giữ được chút ít, nó chắc sẽ khác với một người chưa từng có cội rễ ở đây, khác với một người không được chú trọng từ tấm bé việc đó. Nhưng vẫn phải chấp nhận rằng có nhiều cái con nghĩ chưa hề có trong tư duy của bà nó, mẹ nó.

PV: Cảm ơn những chia sẻ của nhạc sĩ Nguyễn Cường!

Nghệ sĩ Lan Hương:
Tôi thấy cái ngày xưa đẹp và cố giữ!

Tôi không nhớ gia đình mình có bao nhiêu đời ở Hà Nội, chỉ nhớ cụ và bà tôi thì sinh ra ở làng Ngọc Hà, còn tôi lớn lên ở ấp Thái Hà. Từ rất nhỏ, chừng năm lên 6 tôi bắt đầu được mẹ dạy các việc may vá, thêu thùa. Sau này lấy chồng tôi vẫn thường tự tay may quần áo cho anh ấy. Từ bé tôi cũng được mẹ chỉ dạy tỉ mỉ phải ăn như thế nào, làm như thế nào và thường nói một câu tôi không bao giờ quên: “Làm như thế về nhà chồng người ta chửi bố cho mà nghe”. Cách ứng xử với gia đình chồng sao có nề nếp và ý tứ cũng là do mẹ dạy tôi từ bé, thế nên khi về nhà chồng tôi được mọi người rất nể phục. Tôi lấy anh Kỷ cũng là gia đình sống ở Hà Nội nhiều năm, anh ấy thích sống trong một gia đình truyền thống với nhiều thế hệ là phải có ông bà, bố mẹ và con cái nên khi bố mẹ chồng mất chúng tôi chuyển về nhà ngoại sống chung.

Nhìn vào bà và mẹ, tôi thấy cốt cách và lối ứng xử ấy rất đáng quý. Cái người ta gọi là chất Hà Nội xưa ấy tôi thấy nó đẹp và muốn giữ. Tôi cũng hơi tiếc vì không có con gái để truyền dạy lại cho con những điều mà mình cho là tốt đẹp, điều mà người phụ nữ nên giữ lại. Nếu so sánh thời của tôi và mẹ đã thấy khác rất nhiều. Tôi vẫn nghĩ nếu không có sự hy sinh và tận tụy của mẹ tôi khó có thể tham gia được các công tác xã hội như bây giờ. Nhưng dù bận rộn tôi vẫn cho rằng việc giữ nền nếp gia phong là quan trọng và dành nhiều thời gian cho việc đó. Nhìn thực tế nếp nhà ngày càng mai một, đôi lúc tôi cũng xót xa.

Hằng Nga (thực hiện)

Những địa điểm check-in thú vị ở Bình Định

Những địa điểm check-in thú vị ở Bình Định

(PetroTimes) - Không chỉ được ưu ái với thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ, Bình Định còn ghi dấu với loạt câu chuyện lịch sử, văn thơ và nền văn hóa độc đáo...