Ngành y tế chưa coi trọng bệnh viện tư?

08:00 | 16/03/2016

930 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
“Bị nhà nước coi như con ghẻ” là ý kiến bức xúc của những người đang làm công tác y tế tư nhân. So với bệnh viện công lập được bao cấp “từ đầu đến chân” thì bệnh viện tư nhân hoàn toàn tự thân vận động, lại gặp nhiều khó khăn “từ chân đến đầu” cả về nhân lực, nguồn lực lẫn các chính sách do nhà nước ban hành.

Sau 15 năm thực hiện xã hội hóa y tế, y tế tư nhân có những bước phát triển rõ rệt. Cả nước hiện có hơn 170 bệnh viện (BV) tư và 30.000 phòng khám, cơ sở y tế tư nhân. Riêng tại TP.HCM hiện có 44 Bệnh viện tư đang hoạt động. Hầu hết các BV tư đều có điểm chung là cơ sở vật chất tốt, trang thiết bị hiện đại, chất lượng dịch vụ “tiêu chuẩn 5 sao”.

Tuy phát triển mạnh là vậy, nhưng trong hệ thống cơ sở khám chữa bệnh BV tư lại chỉ chiếm khoảng 15% số giường bệnh nói chung, người dân vào khám chữa bệnh chỉ khoảng 6-7%. Trong khi công suất sử dụng giường bệnh của đa số BV tư chỉ đạt 40-50% thì các BV công lại thường xuyên quá tải.

nganh y te coi benh vien tu nhu con ghe
Tình trạng quá tải thường thấy ở các bệnh viện công tuyến trên

Theo Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam, hầu hết BV tư ở Việt Nam ra đời sau năm 2000 nên thương hiệu còn mới, chưa khẳng định được vị thế trong lĩnh vực y tế, không thể so bì các BV công đã có tiếng hàng chục năm qua.

So với BV công lập được bao cấp đủ thứ, từ đất, nhà, thiết bị y tế, lương cán bộ, hỗ trợ đào tạo... thì BV tư nhân hoàn toàn tự thân vận động, và còn gặp khó khăn cả về nhân lực, nguồn lực lẫn các chính sách hỗ trợ. Điều này khiến hàng loạt các nhà đầu tư y tế không chỉ “tủi thân” mà còn  lâm vào tình trạng “đứng ngồi trên đống lửa” trong vài năm trở lại đây.

Tại Hội nghị khám, chữa bệnh BHYT hệ thống y tế tư nhân khu vực phía Nam do Hiệp hội BV tư nhân Việt Nam tổ chức tại TP.HCM ngày 14/3 vừa qua, rất nhiều ý kiến của lãnh đạo các bệnh viện và phòng khám tư nhân phản ánh những bất cập về sự chồng chéo giữa Luật BHXH với các thông tư do Bộ Y tế ban hành, khiến khối y tế tư nhân khi thực hiện rất khó khăn.

nganh y te coi benh vien tu nhu con ghe
Các bệnh viện tư được đầu tư hiện đại, không kém phần chuyên nghiệp lại thường xuyên vắng khách

Đơn cử, BV công được phân hạng nhưng BV tư thì không, hoặc có được phân hạng thì đa số chỉ là hạng 2-3, điều đó có nghĩa là việc bảo hiểm y tế (BHYT) hầu như không được chi trả phí khám chữa bệnh, hoặc nếu có chi trả thì phần lớn chỉ ở mức tương đương BV tuyến huyện.

Cuối năm 2014 Chính phủ đã ban hành một số cơ chế, chính sách phát triển y tế nhằm thúc đẩy hợp tác, phát triển các cơ sở khám chữa bệnh theo mô hình công – tư. Nhưng thực hiện chủ trương này không hề đơn giản. Chỉ có bệnh nhân thu nhập cao mới có tiền chi trả phần chênh lệch không được bảo hiểm y tế thanh toán.

Hay về tài chính, BV công được vay ưu đãi vốn ODA với lãi suất thấp, được Nhà nước đứng ra bảo lãnh, còn BV tư thì không được, phải vay vốn thương mại với lãi suất cao hơn nhiều, điều kiện vay cũng khó hơn.

Về khám chữa bệnh cho người nghèo, nhà nước chỉ quy định hỗ trợ chi phí đi lại, ăn khi bệnh nhân nghèo điều trị nội trú tại các BV công lập,  BV tư lại không được nằm trong diện hỗ trợ tương tự,

Đặc biệt, chính sách BV tư hạng 2 không được thanh toán BHYT trái tuyến ngoại trú do nhà nước ban hành năm 2015 được ví như đòn “chí mạng” giáng vào các BV tư. Trước đó khi đi khám, chữa bệnh trái tuyến, người bệnh được chi trả ở các mức 30%, 50% và 70% chi phí tương đương với hạng xếp loại bệnh viện, nay người bệnh đi khám, kê đơn, điều trị ngoại trú sẽ không được thanh toán, đồng nghĩa với việc các BV tư mất đi gần nửa số bệnh nhân đến điều trị.

Tiếp đó, năm 2016 nhà nước tiếp tục ra quy định BV tư hạng 2 không được thông tuyến, còn BV công hạng 2 thì được. Trong khi BV nhà nước quá tải, thông tuyến càng quá tải, BV tư nhân lại không có việc để làm.

Cũng cần nói thêm là tham dự hội nghị ngày 14/3 nêu trên, có hơn 120 bệnh viện (BV) tư từ Huế trở vào, lãnh đạo của Bảo hiểm xã hội (BHXH) VN và BHXH hơn 10 tỉnh thành, nhưng lại không có đại diện Bộ Y tế. Việc này được ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội BV tư nhân Việt Nam giải thích là do giữa Bộ Y tế và Hiệp hội chưa có sự hợp tác khi làm việc ?!.

Ông Nguyễn Văn Đệ cho biết thêm, có những kiến nghị của Hiệp hội đưa lên không được Bộ Y tế quan tâm trả lời. Trong việc điều chỉnh giá viện phí mới đây, mãi đến khi ban hành Hiệp hội mới biết được rồi kiến nghị lên thì BV tư mới được thực hiện thu viện phí mới từ 1/3/2016, còn nếu không kiến nghị thì hiển nhiên các BV tư sẽ phải gánh chịu thiệt thòi không nhỏ.

Ông Nguyễn Văn Đệ bày tỏ bức xúc: “Chính sách ra đời thường chủ yếu dành cho BV công; còn liên quan đến BV tư thì có những văn bản tìm cách ngăn chặn, kìm hãm... Một số Bộ quản lý BV tư nhân mang tiềm thức BV công là con đẻ, còn BV tư nhân là con ghẻ...”.

Ông Nguyễn Đình Khương, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội VN cũng công nhận hệ thống y tế tư nhân hiện nay còn tồn tại nhiều nghịch lý. Cùng một hệ thống y tế nhưng BV nhà nước lại cạnh tranh với BV tư nhân, đặc biệt là ở đô thị. Trong khi, đáng lý ra nhà nước phải tập trung đầu tư cho vùng sâu, vùng xa, cho y tế dự phòng,... thực hiện những gì y tế tư nhân không làm được.

Bên cạnh đó, ông Khương cũng khẳng định, là cơ quan bảo vệ quyền lợi của người có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), BHXH không phân biệt công tư, nếu “chăm sóc khách hàng của chúng tôi tốt thì chúng tôi bảo vệ”. Y tế công và tư đều là khách hàng của BHYT thì không có lý do gì xem trọng bên này, xem nhẹ bên kia. 

Cũng là nhiệm vụ phục vụ cộng đồng xã hội, cũng chịu sự quản lý của cơ quan nhà nước, nghĩa vụ thuế má vẫn phải chu toàn, trách nhiệm chuyên môn như nhau, vậy mà chính sách ưu đãi, hỗ trợ lại “nhất bên trọng, nhất bên khinh”, tình trạng “con yêu, con ghét” cứ kéo dài từ năm này đến năm khác!

“Đứa con bị ghẻ lạnh” không oán trách ngành Y tế mới là lạ!

Nguyên Phương