Lần đầu tiên nắn trượt cột sống bằng robot tại Việt Nam

10:00 | 27/01/2017

2,515 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức vừa phẫu thuật thành công cho bệnh nhân người Anh bằng phương pháp nắn trượt cột sống với sự định vị chính xác của robot. Đây là lần đầu tiên kỹ thuật này được thực hiện tại Việt Nam. Trong khi phương pháp này mới chỉ thực hiện tại một số ít quốc gia trên thế giới.  

Trượt đốt sống đau không đi nổi

Ngày cuối năm 2016, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã tiếp nhận nam bệnh nhân tên là Jonathan L, 54 tuổi, quốc tịch Anh, thường trú tại Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Ông Jonathan L bị đau buốt vùng thắt lưng suốt nhiều năm nay. Mỗi khi vận động như đi lại, cúi, ưỡn, mang xách vật nặng… thì các cơn đau của ông càng tăng hơn. Cơn đau đó xuất hiện ngày càng dày ảnh hưởng đến sức khỏe và hoạt động sinh hoạt của bệnh nhân. Ông kể, chỉ đi bộ khoảng 200m đã phải dừng lại nghỉ ngơi, do đau lưng và buốt chân không thể chịu được, ông chỉ đứng được 10 phút là phải ngồi xuống.

Tại Bệnh viện Việt Đức, sau khi chụp X-quang và hình ảnh trên phim cho thấy, có sự chèn ép rễ thần kinh 15, trượt đốt sống L4-L5 độ 2. Cột sống thoái hóa nghiêm trọng, xẹp toàn bộ chiều cao đĩa đệm L4L5. Trên phim cộng hưởng từ còn thể hiện cả hình ảnh thoái hóa độ 5 đĩa đệm L4L5, thoát vị đĩa đệm L4L5 chèn ép rễ thần kinh 15 bên trái.

lan dau tien nan truot cot song bang robot tai viet nam
Phẫu thuật cột sống tại Bệnh viện Việt Đức

Để xử lý, các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức chỉ định phẫu thuật bằng phương pháp mới nắn trượt cột sống dưới sự định vị của robot. Êkíp bác sĩ thực hiện phẫu thuật gồm có PGS.TS Nguyễn Văn Thạch, Chủ tịch Hội Chấn thương chỉnh hình Việt Nam; TS Nguyễn Lê Bảo Tiến, Viện trưởng Viện Chấn thương chỉnh hình Việt Đức; Bác sĩ Đỗ Mạnh Hùng, Khoa Phẫu thuật cột sống. Cuộc phẫu thuật được bắt đầu bằng việc gây mê nội khí quản. Sau đó, bác sĩ định vị đốt sống L4-L5 dưới hệ thống C - arm. Khảo sát toàn bộ cột sống và đệm đồng bộ hóa với máy tính với dữ liệu đã được chụp trước bằng CT scanner. Tiếp tục lên kế hoạch bắt vít, hướng vít, góc của vít, tính các lực cơ học trên máy tính để đảm bảo nắn trượt được đốt sống, khôi phục lại sự cân bằng cấu trúc cơ học, đảm bảo an toàn cho người bệnh.

Sau khi các phương án đã chi tiết hóa, các thông tin được truyền tải tới hệ thống robot. Hệ thống robot này sẽ được cố định vào người bệnh nhân. Dưới sự định vị của robot, cánh tay của robot sẽ chuyển động theo đúng hướng vít đã được lên kế hoạch từ trước. Từ đó, bác sĩ chỉ phải rạch da với chiều dài 1cm cho mỗi vít và có tổng cộng 4 vít. Qua cánh tay robot hướng dẫn, bác sĩ định vị đường vào rồi bắt 4 vít vào cột sống L4-L5. Đây là kỹ thuật bắt vít ít xâm lấn, không mổ mở, không tàn phá tổ chức, giúp bệnh nhân giảm đau sau mổ, hồi phục nhanh.

Sau đó, các bác sĩ tiếp tục rạch 1 đường nhỏ khoảng 2cm bên trái phần ngang với đĩa đệm L4L5, sử dụng hệ thống ống nong, lấy hết đĩa đệm L4L5, đồng thời lấy các mảnh thoát vị đĩa đệm chèn ép rễ thần kinh bên trái. Rồi đặt một miếng ghép nhân tạo thay cho đĩa đệm L4L5, để hàn cứng 2 đốt sống này với nhau. Đây cũng là kỹ thuật hàn xương được đánh giá ít xâm lấn qua các hệ thống ống nong. Tuy nhiên, đòi hỏi phải có đầy đủ trang bị kỹ thuật như kính vi phẫu, hệ thống mổ ít xâm lấn. Qua đó có thể lấy được đĩa đệm thoát vị qua đường rạch da rất nhỏ và hàn xương L4L5. Cuối cùng, các bác sĩ đặt 2 thanh rod kết nối 2 vít L4L5 mối bên đã được bắt từ trước. Qua hệ thống vít và 2 thanh rod này, bác sĩ sẽ từ từ nắn trượt đốt sống cho bệnh nhân bằng dụng cụ kết nối bên ngoài. Như vậy cột sống đã được nắn lại cấu trúc giải phẫu, trả lại hình dáng ban đầu. Các vết mổ nhỏ sẽ được khâu thẩm mỹ trong da, gần như không để lại sẹo.

Kỹ thuật hiện đại nhất thế giới

Được biết, trước khi thực hiện phẫu thuật này tại Bệnh viện Việt Đức, bệnh nhân Jonathan L đã từng sang Singapore và cũng được chẩn đoán tương tự như Bệnh viện Việt Đức. Bệnh viện Singapore khuyến cáo ông nên thực hiện phẫu thuật tại đó. Tuy nhiên, đã tìm hiểu về kỹ thuật tiên tiến rất an toàn nắn trượt cột sống bằng robot nên khi Jonathan đề nghị phẫu thuật bằng phương pháp này, Bệnh viện Singapore đã trả lời chưa thực hiện được. Bởi vậy ông Jonathan L đã quyết định về Khoa Phẫu thuật cột sống của Bệnh viện Việt Đức để thực hiện sau khi tìm hiểu rất kỹ qua người thân và website của ngành y.

Theo thống kê của ngành y, hiện nay trên thế giới, kỹ thuật mổ nắn trượt cột sống với định vị chính xác robot chỉ được áp dụng ở Anh, Pháp, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và bây giờ là Việt Nam. Nguyên nhân là do hệ thống máy robot tương đối đắt tiền và người phẫu thuật phải dày dặn kinh nghiệm về ngoại khoa, xương khớp, có thể thao tác mổ trong những hệ thống ống nong rất bé.

Giới y khoa đánh giá đây là phương pháp mổ cột sống hiện đại nhất thế giới, ít xâm lấn, với sự định vị chính xác gần như tuyệt đối, an toàn khi bắt vít, giảm thiểu các tai biến trong khi mổ. Đồng thời thể hiện rõ ưu điểm là thiết kế được vị trí của vít, hướng vít, cân bằng lực trước mổ để đảm bảo cấu trúc vững vàng của cột sống. Ngoài ra về thẩm mỹ có đường mổ nhỏ, ít tàn phá tổ chức, ít mất máu, phục hồi nhanh, giảm đau sau mổ cho người bệnh, đỡ mất sức, không phải nằm viện lâu chỉ 2 ngày sau phẫu thuật là có thể xuất viện.

Sau khi phẫu thuật bệnh nhân Jonathan đã hoàn toàn hết đau chân, đau lưng, có thể ngồi dậy đi lại nhẹ nhàng, dễ dàng. Vết mổ liền tốt.

Với tiến bộ này, nền y học của Việt Nam đã đánh dấu bước tiến ngoạn mục về áp dụng kỹ thuật tiên tiến. Đặc biệt là Bệnh viện Việt Đức, bệnh viện đầu ngành về ngoại khoa đã nghiên cứu, tìm tòi, áp dụng sáng tạo nhiều phương pháp để chữa trị, cứu sống bệnh nhân và nâng cao chất lượng sống cho họ.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: Trong lĩnh vực y tế, các kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán và điều trị đã được nghiên cứu, ứng dụng thành công, nhiều loại bệnh đã được chẩn đoán và điều trị với tỷ lệ thành công cao, giá thành rẻ, tiết kiệm cho xã hội hàng trăm tỉ đồng, tiết kiệm ngoại tệ hàng tỉ đôla/năm do không phải ra nước ngoài điều trị. Ngoài ra, các ứng dụng khoa học còn giúp chữa trị và tiến hành thành công việc ghép tạng, phát hiện và điều trị các bệnh hiểm nghèo.

Nguyễn Bách

Năng lượng Mới 592