Khi truyền thông thành lò nuôi ca sĩ

08:53 | 22/07/2011

559 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hầu hết những bầu sô, quản lý ca sĩ trẻ đều có chung nhận định rằng, nếu không nhờ truyền thông, ủng hộ một cách rất nhiệt tình thì ca sĩ của họ không thể nào “bước ra ánh sáng” nhanh chóng được. Vậy té ra hiện nay, không phải chỉ có các công ty, trung tâm đào tạo và lăngxê ca sĩ mới là nơi xuất thân của ca sĩ mà chính truyền thông cũng là cái “lò” nuôi ca sĩ, đôi khi còn hiệu quả hơn cả công ty!

Muốn lên à, dễ lắm, tiền đây!

Thời gian qua báo chí nhắc nhiều đến cái gọi là “công nghệ PR” trong giới giải trí, nhất là ca sĩ. “Công nghệ PR” hiện nay không chỉ còn là những chiến lược xây dựng hình tượng và quảng bá mang tính chuyên nghiệp bằng những chương trình, những sản phẩm có đầu tư nghiêm túc, chất lượng. Nó được một bộ phận ca sĩ trẻ dễ dãi hóa bằng cách hiểu và làm đơn giản nhất là được lên báo để làm sao mang lại hiệu ứng thu hút sự chú ý tốt nhất. Hiện nay, một phần truyền thông, nhất là báo mạng trở thành công cụ để ca sĩ thỏa sức tự lăng-xê mình tới đỉnh.

Nhưng truyền thông không phải vô tình thành công cụ PR cho ca sĩ mà đó là một sự thỏa hiệp mang tính chất đôi bên cùng có lợi: bên được tiếng, bên được tiền. Và từ đó những tin bài nhảm nhí nhất như kiểu Long Nhật lên báo Z kể lể chuyện đồng tính nhảm nhí của mình suốt mấy tháng trời hay những ca khúc thảm họa kiểu “Da nâu”, “Nói dối”… lần lượt kéo nhau lên báo. Đặc biệt nhất là các trang báo mạng, luôn nhan nhản những thông tin “lá cải” và những ca khúc thảm họa nằm trên trang chủ, danh mục ca khúc “hot”. Dẫu biết “lá cải” cũng là xu hướng và “tiêu chí” của không ít những trang báo mạng trong thời kỳ bùng nổ thông tin hiện nay. Tuy nhiên, sự quá đà của nó và sự dễ dãi của truyền thông đã biến thị trường âm nhạc hiện nay trở nên bát nháo, nhiều thảm họa.

Hình ảnh buổi chung kết cuộc thi Việt Nam Idol

Có thể nói, nhiều báo mạng đã trở thành bậc thầy của PR khi “lăng-xê” thành công hàng loạt những “hot girl” từ việc khoe nhũ, lộ hàng, thả rông ngực… Có thể kể hàng loạt những cái tên mà khi hỏi đến người ta nhớ đến nhờ “lộ hàng” chứ không phải nhờ vào những sản phẩm điện ảnh hay âm nhạc nào. Có lẽ chưa bao giờ trong lịch sử âm nhạc Việt Nam lại rộ lên cụm từ “thảm họa” như hiện nay. Ai tạo nên thảm họa ấy? Đương nhiên chính những ca sĩ, nhạc sĩ là chủ nhân của những thảm họa ấy. Nhưng như thế chưa đủ, vì xét cho cùng thì truyền thông cũng là công cụ tiếp tay. Nếu thảm họa của họ không được các hãng thu âm và được giới truyền thông hết mình ủng hộ thì nó sẽ không trở thành thảm họa. Hay nói cách khác rằng, truyền thông hiện nay của chúng ta thuộc hàng bao dung và rộng lượng nhất bởi chẳng có một cuộc tẩy chay thảm họa nào tới nới tới chốn. Chúng ta bài trừ thảm họa thế nào được khi mà hôm nay chúng ta lên án, tẩy chay thì ngày mai chúng ta lại động viên, an ủi kiểu “đứng dậy sau scandal”. Vô hình trung chính kiểu tẩy chay thảm họa ấy đã trở thành “chiêu bài” quan trọng của rất đông ca sĩ trẻ để tạo dư luận, độ nóng trước thềm album hay kế hoạch nào đó. Thế là ngày càng có đông ca sĩ trẻ chăm bẵm chuyện tạo thảm họa như một phần không thể thiếu trong chiến lược PR.

Phi Thanh Vân

Không những “vô tình” góp phần truyền đi nhanh những thảm họa, báo mạng còn nhanh chóng góp phần đẩy một tên tuổi mới thành “sao”, cho dù tên tuổi ấy có sản phẩm và giọng hát không xứng là một ca sĩ. Nhưng vì sao những gương mặt như thế cứ liên tiếp xuất hiện nhan nhản trên các trang báo mạng, thậm chí báo in, truyền hình? Người ta không khỏi thấy lạ khi mà thảm họa Phương My lại cứ được lên báo mạng lớn nhỏ liên tục với những bài phòng vấn kể về niềm tự hào thảm họa của mình(!?).

Có thể nói, không một ca sĩ trẻ nào hiện nay không biết rằng, “muốn lên báo ư, dễ lắm, chỉ cần tiền”. Đó là câu quen thuộc mà chúng ta có thể dễ dàng nghe được từ các ca sĩ trẻ nói về chuyện lên báo. Lên bài báo đó bao nhiêu tiền, lên bài hát trên “top hot” bao nhiêu tiền, lên trên chương trình ca nhạc, truyền hình ấy bao nhiêu tiền… Tất cả đều được một số báo mạng, vài tạp chí, truyền hình đã “ngầm” lên khung giá. Quảng cáo là chuyện bình thường của báo chí, xong chuyện lăng xê cho những giọng ca không phải là ca sĩ ấy không nằm trong mục “quảng cáo” và không có bất kỳ quy chuẩn chất lượng nào, ngoài tiền.

Thần tượng hại giới trẻ

Giới trẻ thời nào cũng cần có thần tượng. Xong thật không bình thường khi mà thần tượng của hầu hết giới trẻ hiện nay chỉ là những nhân vật trong giới giải trí. Chúng ta biết thần tượng chính là bức tranh phản ánh tâm trạng của xã hội thời đó. Vậy với những thần tượng giải trí hiện nay của giới trẻ thì chúng ta nên nghĩ gì về tâm trạng xã hội trong thời đại này? Phải chăng lý tưởng của giới trẻ giờ đây chỉ đơn giản là sự nổi tiếng, những hào quang trong giới giải trí và để vươn đến giá trị đó, họ sẵn sàng làm đủ mọi chiêu trò, sẵn sàng tạo ra những scandal, thảm họa nhằm được biết đến! Nguy hiểm hơn khi những người được xem là thần tượng, họ không biết xấu hổ bởi sự chỉ trích, lên án, thậm chí phỉ báng của dư luận lại là sự hãnh diện của họ như những Phi Thanh Vân, Phương My, Lê Kiều Như… Sự thật là như vậy! Và trong suy nghĩ làm gì để thể hiện bản thân, để được “nổi tiếng” đã góp phần tạo ra hành vi bạo lực trong những clip nữ sinh đánh nhau gây xôn xao, bất bình dư luận thời gian qua.

Lê Kiều Như

Tuy nhiên, thực tế không hoàn toàn đáng buồn như thế. Vẫn có đó nhiều gương tốt được nêu trên báo chí để làm gương cho giới trẻ như những tấm gương vượt khó hiếu học, những sự hy sinh cao cả cho đời hay những hành động dũng cảm cứu người… Vẫn có rất nhiều những lời kêu gọi, ủng hộ của các bạn trẻ hướng về miền Trung thân thương phải gánh chịu những hậu quả đau thương trong những cơn bão lũ hay những bạn trẻ ủng hộ cho những mảnh đời bất hạnh hơn mình… Nhưng từ đó chúng ta cũng nên nhìn nhận một thực tế đáng buồn khác là những câu chuyện nhân văn, những tấm gương tốt hiện nay đang ngày dần chìm khuất trong vô vàn những sự kiện giải trí vô bổ, những tin giật gân hay những sự kiện nhảm nhí, những trò scandal trong giới giải trí. Những câu chuyện nhân văn ấy sẽ không thể được nhớ bằng những “hot girl” “khoe hàng” hay “thả rông ngực”… trên các trang báo mạng hay những “thảm họa” được báo mạng ưu ái nhắc đi, nhắc lại. Và những câu chuyện cảm động về những thanh thiếu niên dũng cảm thường chỉ xuất hiện thoáng qua một vài bài báo và nhanh chóng chìm vào quên lãng. Và nếu những hành động đó được tôn vinh thì cũng khó thu hút được giới truyền thông vì… không có nhà tài trợ!

Vì sao thời nay giới trẻ chỉ thần tượng những nhân vật giải trí trong các gameshow truyền hình mà ít có bóng dáng của một vĩ nhân nào trong mắt họ? Nếu ca sĩ không được các hãng thu âm thực hiện và không được giới truyền thông ủng hộ hết mình thì họ sẽ không phải là thần tượng. Vậy nếu như giới trẻ bây giờ chỉ biết đến và chạy theo những thần tượng trong giới giải trí thì cũng không phải lỗi hoàn toàn ở họ, lỗi lớn nhất là ở truyền thông đã mải miết chạy theo những mục đích tiêu dùng của các nhà tài trợ và ngày càng quá dễ dãi trong chuyện lăng-xê ca sĩ trẻ. Truyền thông đã dần biến thành lò nuôi ca sĩ và từ đó “vô tình” dung túng cho những thảm họa được phép lên ngôi.

Lê Trúc

Những địa điểm check-in thú vị ở Bình Định

Những địa điểm check-in thú vị ở Bình Định

(PetroTimes) - Không chỉ được ưu ái với thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ, Bình Định còn ghi dấu với loạt câu chuyện lịch sử, văn thơ và nền văn hóa độc đáo...