Diễn giả Phan Đăng

Cần khởi tạo và duy trì những nguồn năng lượng tích cực

06:45 | 29/04/2024

|
(PetroTimes) - Khái niệm năng lượng tích cực không phải là điều gì quá mới mẻ trong đời sống hiện đại. Tuy nhiên, làm thế nào để xây dựng và duy trì những nguồn năng lượng mới, năng lượng tích cực thì không phải ai cũng biết. Chúng ta có thể học hỏi được nhiều điều qua cuộc đối thoại với diễn giả Phan Đăng.

Năng lượng trong mỗi người

PV: Theo anh, bản thân mỗi con người, mỗi vật đều có một trường năng lượng?

Cần khởi tạo và duy trì những nguồn năng lượng tích cực

Diễn giả Phan Đăng: Ở phương Tây từng có một nghiên cứu rất thú vị của Giáo sư Hansen (Đại học Marryland, Mỹ). Ông treo một con lắc xoắn trên đầu của một số người tham gia thí nghiệm. Những người này được “nhốt” vào một căn phòng đóng kín, để bảo đảm chắc chắn rằng không có một ngọn gió nào dù là nhỏ nhất có thể lọt. Trong một khoảng thời gian, ông thấy rằng bỗng nhiên con lắc xoắn có sự dao động.

Điều đó chứng tỏ rằng là ở trên đầu (hay xung quanh) mỗi người tỏa ra một nguồn năng lượng và nguồn năng lượng này thậm chí có thể tạo ra một lực đẩy cơ học. Như vậy, bằng một thí nghiệm có thể nhìn thấy một cách trực quan sinh động thì Giáo sư Hansen kết luận rằng có một nguồn điện trường/nguồn năng lượng (hay còn gọi là một trường sinh học) xung quanh mỗi cá nhân chúng ta.

PV: Ở trong mỗi người, luôn có những nguồn năng lượng tích cực, song cũng có cả năng lượng u tối. Anh có đồng ý với nhận định này?

Diễn giả Phan Đăng: Đúng là như vậy! Trong cuộc sống, khi chúng ta gặp một người nào đó thì có nghĩa là cái trường sinh học của chúng ta sẽ “đụng chạm” với cái trường sinh học của người đó. Nếu đấy là những trường sinh học tươi tắn thì sẽ mang đến cảm giác an lành. Còn là trường sinh học u sầu… thì đôi khi nó lại khiến cho chúng ta trở nên thấy mệt mỏi, ngại ngần.

Do vậy mà việc chúng ta quyết định gặp ai, không gặp ai là điều rất là quan trọng - để tạo ra một đời sống tinh thần tích cực hay là tiêu cực. Xin thú thật là thời gian gần đây, tôi không dám vào facebook của một nhà văn - vốn là người tôi từng chơi rất thân ở ngoài đời. Khi gặp anh, tôi còn nói thẳng rằng tôi chỉ gặp anh ngoài đời, còn facebook của anh thì lâu rồi tôi không dám vào. Bởi vì cứ lướt qua trang facebook đó thì y như rằng lại bắt gặp những nội dung thiếu tích cực với những câu chỉ trích, thóa mạ, bất mãn với cuộc sống.

Anh phân trần rằng, thật ra anh rất yêu cuộc sống nên mới hay bức xúc và chửi bới, chỉ trích như vậy. Bởi vì theo anh thì phải tấn công vào những màn đêm của cuộc sống, phải đấu tranh với những tiêu cực thì mới có một cuộc sống tốt đẹp hơn, tử tế hơn.

Tôi chia sẻ quan điểm này song cho rằng bên cạnh việc tấn công vào những “màn đêm” thì cũng phải có những khoảnh khắc thật là đẹp, thật là rạng rỡ của cuộc sống nữa. Nếu chỉ có những màu đen mà không có những khoảnh khắc đẹp đẽ rung động của đời sống - thì cái nguồn năng lượng mà chúng ta tạo ra cho mình và nguồn năng lượng mà chúng ta tạo ra cho những người xung quanh mình - có thể không phải là nguồn năng lượng tích cực.

Cần khởi tạo và duy trì những nguồn năng lượng tích cực

Cần quy hoạch năng lượng tích cực?

PV: Có những người luôn nói rằng họ không bao giờ có những nguồn năng lượng tích cực, cũng có người cho rằng họ chưa từng cảm thấy hạnh phúc. Theo anh vì sao vậy?

Diễn giả Phan Đăng: Đó là do họ chưa biết “quy hoạch” các nguồn năng lượng ở ba khía cạnh: thân, tâm và trí. Thân ở đây là thân thể, năng lượng của cơ thể. Tại sao có những người luôn ủ dột, lại có những người luôn tươi tắn? Là bởi vì họ biết chăm sóc thân thể của họ. Việc chăm sóc cơ thể là điều rất quan trọng. Có thể chăm sóc bằng dinh dưỡng, chăm sóc bằng việc duy trì thể dục thể thao một cách đều đặn, có phương pháp. Nhiều người bây giờ rất chú ý đến cái “thân” và đấy là một tín hiệu rất là quan trọng. Họ biết điều chỉnh giữa làm việc và nghỉ ngơi, dành thời gian cho tập luyện và giải trí, cho gia đình, các sở thích cá nhân...

Nhưng bên cạnh “thân” thì còn hai yếu tố nữa là “tâm” và “trí”. Tức là những vận động ở bên trong não bộ, bên trong cơ thể mỗi người. Ví dụ khi chúng ta ngồi đây, liệu chúng ta có biết rằng đang có một dòng tâm thức nào đó chạy qua não ta, dòng cảm xúc nào nó chạy qua tim ta? Những dòng tâm thức, dòng cảm xúc đó sẽ đánh thức và đóng một vai trò cốt yếu đến chất lượng cuộc sống của ta.

Từ trước tới giờ, có thể bạn mới chỉ để ý đến cái bên ngoài. Bạn để ý xem đồng nghiệp mình có cái gì, nhà hàng xóm có gì...? Nhưng bạn không biết rằng khi nảy ra mối quan tâm đến cái bên ngoài đó thì sẽ có một dòng tâm thức đang chảy trong não ta. Nếu ta nhìn vào một người bạn của mình, so sánh với người bạn đó để mà thấy được những cái đẹp, những cái hay ho trong một trạng thái tâm trí bên trong thoải mái thì không vấn đề gì. Nhưng khi ta so sánh với bạn mà tự nhiên lại có một ý nghĩ “ước gì mình phải được như cậu ấy, tại sao cậu ấy lại được như thế mà mình không được nhỉ?”. Rồi một lúc nào đó ta thấy bạn gặp thất bại, tự nhiên ta lại thấy... thoải mái?

Trong Phật giáo người ta gọi đó là tâm lý vừa tham vừa sân vừa si. Khi bạn so sánh với một cái tâm tham lam, so sánh với một cái tôi sân hận đố kỵ; và so sánh với cái tâm bị che mờ, tâm u tối thì đồng nghĩa trong não bạn luôn luôn có dòng chảy của ba độc tố tham sân si. Khi đó không bao giờ bạn có được nguồn năng lượng tích cực.

Khi đó năng lượng của bạn là năng lượng u tối, mà năng lượng u tối đó đôi khi nó hiển hiện ngay trên mắt bạn, ngay trên mặt bạn, ngay trên dáng đi đứng, vẻ ăn ngồi của bạn. Đôi khi nó biểu hiện ngay trên ngôn ngữ và nó kéo cái chỉ số hạnh phúc của bạn xuống rất thấp. Mà nó không chỉ ảnh hưởng đến bạn, nó còn ảnh hưởng đến những người sống cùng bạn.

Hãy thử tưởng tượng nếu ta sống cạnh một người vợ mang một năng lượng tham, sân, si quá lớn. Hoặc ta sống cạnh một người chồng mang một năng lượng tham, sân, si quá nặng - thì tự nhiên ta cũng thấy bức bối, khó chịu. Mà ảnh hưởng đến vợ chồng còn đỡ, có thể ảnh hưởng cả đến những đứa con.

Có những nhà lãnh đạo thường xuyên ra những mệnh lệnh cho người khác, nhưng họ có thật sự lãnh đạo được chính mình? Có những nhà lãnh đạo luôn yêu cầu các nhân viên của mình là phải làm thế này, làm thế kia nhưng họ có thật sự lãnh đạo được chính họ không? Cho nên, trước khi đòi lãnh đạo người khác một cách tỉnh thức thì bản thân nhà lãnh đạo đấy cũng phải là một nhà lãnh đạo tỉnh thức.

Có những người đến gặp tôi và chia sẻ trong bữa cơm gia đình, chủ đề chính hai vợ chồng chỉ là tiền, quyền, bất động sản… và những đứa con lớn lên trong một cái “từ trường” toàn những điều đó thì một dòng năng lượng tiêu cực đã chảy vào não. Và chúng lớn lên sẽ rất khó khăn để mà đi kiếm tìm hạnh phúc.

Cho nên khi bạn chăm sóc tâm và trí của bạn, để bạn nhận diện được một dòng cảm xúc nào đang chảy qua tâm. Tức là bạn quay vào bên trong, bạn nhận diện con người bạn thì bạn sẽ có chất lượng cuộc sống cao hơn. Và tôi luôn nhắn nhủ với mọi người rằng, cần khởi tạo và duy trì những nguồn năng lượng mới, năng lượng tích cực.

PV: Vậy thì phải chăng mỗi người cần phải quy hoạch lại tâm - trí?

Diễn giả Phan Đăng: Việc đầu tiên là bạn luôn luôn phải ý thức phía sau một ý nghĩ, phía sau một lời nói và phía sau một hành động cái tâm nào đang vận hành? Bạn thường nói những điều rất tốt đẹp, rất bay bổng, rất lãng mạn nhưng đấy có thể chỉ là để phô diễn cái tôi. Như vậy dòng tâm thức vận hành phía sau lời nói là tâm tham lam, khoe cái tôi.

Hoặc nếu như bạn có một hành động cho người khác vay tiền và đi kể rằng người đó nghèo lắm… và bạn tự hào về điều ấy. Hành vi cho vay tiền đó chắc chắn chưa có một cái tâm đúng đắn.

Bạn luôn phải đặt câu hỏi khi cho người khác vay bằng cái tâm nào? Phải chăng là để ban ơn? mong người đó phải phụ thuộc vào mình, để chi phối họ hay để đi khoe? Khi bạn phát vào không gian bất kỳ hành động nào thì bạn cũng cần quay vào mình hỏi rằng tâm gì vận hành phía sau?

Việc quy hoạch lại tâm - trí đồng nghĩa với năng lực tự quay vào, để mà luôn tự hỏi cái tâm nào ở phía sau? Đa phần con người hiện đại bây giờ chỉ quay ra, nhìn ra - chứ ít khi chịu ngừng lại để nhìn sâu vào trong tâm thức của mình.

Thứ hai bạn phải luôn luôn cho não của bạn được tiếp cận những “vùng xanh”. Não của bạn cần phải được ăn những thức ăn đẹp. Người ta nói là một ngày bộ não người sản sinh ra 50.000-70.000 những ý nghĩ lớn nhỏ khác nhau. Có bao giờ ta tự hỏi trong số hàng vạn ý nghĩ đó thì có bao nhiêu ý nghĩ đẹp, bao nhiêu ý nghĩ không đẹp? bao nhiêu ý nghĩ sân si? có bao nhiêu ý nghĩ đố kỵ?

Vậy thì nếu như cái bộ não của bạn được tập dượt, mỗi một ngày nó được ăn một câu chuyện đẹp thì cái phần đẹp trong nó sẽ được nâng lên. Và tự nhiên cái phần tối cho nó sẽ bị giảm đi. Nhưng cho ăn bằng cách nào?

Thiền chính là một cách. Thiền là lúc cho não nghỉ ngơi, chỉ có hơi thở ngự trị. Lúc đấy não được chăm sóc. Đôi lúc tôi ngồi tập thiền, với một hơi hít vào tôi thấy một câu chuyện vô cùng đẹp, một hơi khác thì tôi thấy biển xanh…

Cần khởi tạo và duy trì những nguồn năng lượng tích cực

Lãnh đạo tỉnh thức

PV: Xin được bàn thêm một chút về khởi tạo và duy trì năng lượng tích cực trong trong các doanh nghiệp. Với cá nhân người đứng đầu thì có lẽ không khó. Nhưng để lan tỏa cho hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn nhân viên từ cấp cao cho đến những cán bộ bình thường thì theo anh cần phương cách gì?

Cần khởi tạo và duy trì những nguồn năng lượng tích cực
Cần khởi tạo và duy trì những nguồn năng lượng tích cực

Diễn giả Phan Đăng: Đề cập đến vấn đề này người ta thường dùng một khái niệm là “văn hóa doanh nghiệp tỉnh thức” và “nhà lãnh đạo tỉnh thức”.

Vậy thì thế nào là một nhà lãnh đạo tỉnh thức? Trước hết họ phải biết tự lãnh đạo mình “một cách tỉnh thức”. Có những nhà lãnh đạo thường xuyên ra những mệnh lệnh cho người khác, nhưng họ có thật sự lãnh đạo được chính mình? Có những nhà lãnh đạo luôn yêu cầu các nhân viên của mình là phải làm thế này, làm thế kia nhưng họ có thật sự lãnh đạo được chính họ không?

Cho nên trước khi đòi lãnh đạo người khác một cách tỉnh thức thì bản thân nhà lãnh đạo đấy cũng phải là một nhà lãnh đạo tỉnh thức.

Trong một cuốn sách của thiền sư Thích Nhất Hạnh có nói rằng, với một nhà lãnh đạo, thứ quyền lực lớn nhất của họ là quyền lực trong việc làm chủ tham sân si của chính họ.

Vậy thì nhà lãnh đạo đó trong mỗi một ý nghĩ của họ, trong mỗi một hành động của họ, trong mỗi một lời nói, trong mỗi một quyết sách thì họ cũng phải quay vào chính mình để hỏi trước rằng cái tâm gì đang vận hành phía sau quyết sách này?

Có những quyết sách về mặt hình thức tưởng là rất vì người khác nhưng nếu họ quay vào bên trong để hỏi thật rõ - thì liệu có đúng là vì người khác không hay là mình, vì cái sân của mình?

Trong một cuốn sách của thiền sư Thích Nhất Hạnh có nói rằng, với một nhà lãnh đạo, thứ quyền lực lớn nhất của họ là quyền lực trong việc làm chủ tham, sân, si của chính họ

Không loại trừ một số trường hợp nhà lãnh đạo thường nhân danh cao cả, nhân danh lý tưởng, nhân danh lòng tốt. “Tôi làm cái này là vì tôi muốn tốt cho anh em” - họ nói vậy. Và có thể là họ muốn tốt thật, nhưng lúc đó rất có thể họ lại rơi vào cạm bẫy rằng chỉ tốt theo cách nghĩ của họ - chứ chưa tốt theo cách nghĩ của phần lớn nhân viên. Dĩ nhiên phần lớn nhân viên trong doanh nghiệp cũng chưa chắc đã là chân lý - nhưng khi đó cần một cuộc đối thoại để tìm ra một giải pháp đúng đắn nhất.

Nếu nhà lãnh đạo không tỉnh thức để nhìn nhận ra vấn đề, mà cứ nhân danh lòng tốt và lý tưởng của mình để thiếu đi một cuộc đối thoại thì rất không nên. Họ cần tự vấn cái mình nghĩ là tốt - và cái tốt thực sự với nhân viên có trùng với nhau không, hay bị vênh?

Và khi mà mỗi quyết sách được xuất phát từ một cái tâm sáng, từ một năng lượng sáng, hay từ một năng lượng tích cực thì cơ hội nó tạo ra những xác suất sâu sắc hơn, hiệu quả hơn.

Trong quá trình đi nói chuyện, tôi gặp những trường hợp nhà lãnh đạo đôi khi có thể tìm ngay ra một giải pháp để giải một bài toán của doanh nghiệp. Song cũng có trường hợp nhà lãnh đạo loay hoay mãi không tìm ra giải pháp nào khả dĩ. Họ càng cố tìm kiếm thì lại càng rơi vào ngõ cụt.

Các thiền sư thường khuyên các nhà lãnh đạo như thế này, bạn càng cố nghĩ đi tìm giải pháp có thể bạn lại càng bế tắc. Lúc đấy hãy gác lại việc kiếm tìm giải pháp. Thay vào đó nên quay vào bên trong bằng cách quan sát hơi thở, cho não được nghỉ ngơi, tạm bỏ vấn đề đó ra một bên. Khi mà não được nghỉ ngơi một cách hợp lý thì lúc đó hãy quay lại kiếm tìm giải pháp. Lúc đó có thể sẽ tìm được phương cách hay...

PV: Trân trọng cảm ơn diễn giả!

Bạn phải luôn luôn cho não của bạn được tiếp cận những “vùng xanh”. Não của bạn cần phải được ăn những thức ăn đẹp. Nếu mỗi một ngày nó được ăn một câu chuyện đẹp thì cái phần đẹp trong nó sẽ được nâng lên. Và tự nhiên cái phần tối cho nó sẽ bị giảm đi.

Minh Tiến