Hoài niệm về một “Mùa xuân vĩnh cửu”

07:55 | 15/04/2012

13,277 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Họa sĩ Nguyễn Văn Phương có phong cách vẽ tranh rất riêng, thể hiện sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa những yếu tố hội họa cổ điển và nguồn cảm hứng từ quá khứ của dân tộc. Thế giới tranh của ông là những giá trị văn hóa Việt Nam, hoài niệm về cảnh sinh hoạt, lễ hội…

Các nhân vật trong tranh của ông đều mặc trang phục truyền thống với nữ mặc áo tứ thân, nam mặc áo dài khăn đóng. Cảnh phố phường tái hiện những kiến trúc rất cổ xưa, khơi dậy những tình cảm lãng mạn về quá khứ xa xôi, làm sống dậy hồi ức về “một thời vàng son”, được diễn tả bằng những hình tượng sống động và màu sắc rực rỡ.

Màu sắc chính là một trong những đặc trưng nổi bật trong tranh Nguyễn Văn Phương. Ông sử dụng rất thuần thục năm màu sắc cơ bản mà triết học phương Đông gọi là ngũ sắc (gồm màu trắng, xanh, đỏ, đen, vàng) gắn liền một khái niệm rất gần gũi với triết lý về ngũ hành (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ).

Tác phẩm "chợ hoa ngày tết"

Các yếu tố của ngũ hành có mối quan hệ tương hỗ và biện chứng với nhau và mỗi yếu tố không ngừng biến đổi. Cơ chế của sự biến chuyển này chính là sự “tương sinh” và “tương khắc”. Chính “tương sinh” và “tương khắc” hình thành nên quá trình sinh diệt, bản chất của vũ trụ. Vì vậy, ngũ hành có thể giải thích nguồn gốc cũng như các dạng thức của mọi hiện tượng trong tự nhiên. Chỉ khi nắm vững triết lý này, ta mới khám phá được thế giới màu sắc của Nguyễn Văn Phương.

Những tác phẩm của Nguyễn Văn Phương đều thể hiện cuộc sống tưng bừng và tươi sáng, cho dù ông diễn tả lễ hội náo nhiệt hay cảnh lao động cực nhọc. Đó là lý do khiến thế giới tranh của ông sôi nổi, cởi mở và ngập tràn niềm vui với hai màu chủ đạo vàng cam và đỏ son kết hợp đường viền đen, trong tranh thể hiện sự đông vui của nhiều người.

Xuất hiện đâu đó những bức tranh với lối vẽ hiền hòa như những nét chạm đình làng hay tranh khắc gỗ truyền thống Việt Nam, ta bắt gặp nét vẽ của Nguyễn Văn Phương. Ông tự tìm cho mình một con đường mới, con đường khó để đi và để làm nền hội họa thêm phần phong phú.

Biện chứng trong nghệ thuật Nguyễn Văn Phương là biện chứng của sự cô đơn, cho dù không khí lễ hội như ngập tràn niềm vui, hạnh phúc. Ông luôn hoài nhớ xa xăm về một nơi chốn thân yêu là Hà Nội, nhưng là một nghệ sĩ cho dù ông đang sống ở quê hương thì ông vẫn đau đáu một nỗi nhớ để mang nó vào trong tranh, vào những mùa lễ hội…

Tranh sơn dầu trên bố "Lễ hội đền Hùng"

Trong tận sâu thẳm con người Nguyễn Văn Phương, dường như không có hiện tại và thực tại. Ông sống trong cái “ngày xưa”, cái “ngày xưa” đã trở thành “mùa xuân vĩnh cửu” đối với ông. Ông mơ mộng tìm về quá khứ, suốt chặng đường tìm kiếm của mình ông đánh rơi vào tranh và cố định hóa một diện mạo nghệ thuật.

Mỗi nét vẽ tạo nên những tác phẩm của Nguyễn Văn Phương dường như đều có chuyện, có tích với cơ cấu hình ảnh được chắt lọc từ trong thực tế mà ông tỏ ra thông thuộc, đắm lòng. Trong tranh ông, tính tự sự của tác phẩm quyết định bố cục người, vật và cảnh được sắp xếp theo quan hệ “đối đáp” để làm sáng tỏ ý tứ. Tranh ông Phương không sâu xa nhưng duyên dáng, gợi cảm, gợi tình và có khi dí dỏm. Tất cả đều toát lên một tinh thần chân chất mà yêu đời…

Họa sĩ Nguyễn Văn Phương sinh năm 1930 tại Hà Nội. Ông bắt đầu triển lãm cá nhân vào năm 1950 và thường xuyên tham gia triển lãm đến 1999. Vào năm 2006, ông vĩnh viễn ra đi tại Đà lạt, để lại một Nguyễn Văn Phương kín đáo, hiếm người biết về đời tư của ông và có cá tính lạ đời cùng một khối lượng lớn tranh đang được trưng bày ở Gallery Tự Do (Hồ Tùng Mậu, Quận 1, TP. HCM) với chủ đề “Mùa xuân vĩnh cửu”.

"Nhập thiên thai"

Tranh sơn dầu "Tấm lụa đào"

"Hội Lim"

"Chiều vàng Diên Hựu"

"Lễ rước dâu"

"Đi chợ tết"

"Chiều Tây hồ"

Nguyễn Hiển

Những địa điểm check-in thú vị ở Bình Định

Những địa điểm check-in thú vị ở Bình Định

(PetroTimes) - Không chỉ được ưu ái với thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ, Bình Định còn ghi dấu với loạt câu chuyện lịch sử, văn thơ và nền văn hóa độc đáo...