Điện ảnh Nga: Thời oanh liệt nay còn đâu?

08:12 | 22/02/2012

523 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Khác với thời kỳ Xôviết, phim được công chiếu tại các rạp ở Nga hiện nay chủ yếu là phim Hollywood chứ không phải do điện ảnh Nga sản xuất. Tuy nhiên, trong khi tưởng chừng nghệ thuật thứ bảy tại Nga sẽ "chết" trước sự tấn công của phim ngoại thì một tia hy vọng đã lóe lên với các nhà làm điện ảnh xứ bạch dương sau sự thành công chưa từng thấy của bộ phim nói về cuộc đời của diễn viên kiêm thi sĩ Nga nổi tiếng Vladimir Vysotsky.

Những năm tháng hào hùng

Dịp cuối năm vừa rồi ở Nga, hàng triệu người đã đến rạp chiếu phim trong những ngày nghỉ lễ nhưng những bộ phim khán giả lựa chọn đều là phim bom tấn của Hollywood. 20 năm sau ngày Liên bang Xôviết tan rã, một trong những trường quay tốt nhất của nước này đang phải đấu tranh để tồn tại. Trong phòng biên tập âm thanh tại trường quay Lenfilm, Saint Petersburg, các nhà làm phim đang biên tập âm thanh cho một bộ phim, công việc mà họ đã làm ở đây hơn một thế kỷ. Từ hành lang treo những tấm áp phích lớn hình những diễn viên điện ảnh nổi tiếng và các bộ phim, ký ức về những năm tháng hoàng kim hiện diện ở khắp mọi nơi.

Tại Nga, hiện có quá ít rạp chiếu phim vì khoảng 80% các rạp đóng cửa sau khi Liên bang Xôviết tan rã

Ông Alexander Pozdnyakov, một người nghiên cứu lịch sử điện ảnh, lật giở lại những bức ảnh đen trắng từ thời kỳ vàng của điện ảnh Nga, khi những ngôi sao lớn nhất của Hollywood như Ava Gardner và thậm chí Elizabeth Taylor cũng đóng phim ở đây.

Dưới thời Xôviết, phim xuất xưởng của Lenfilm đều là huyền thoại, từ bộ phim nổi tiếng “Sherlock Holmes” do Nga dàn dựng tới tác phẩm kinh điển “Hamlet” của Shakespeare. Nhìn từ hiện tại, xưởng phim này đã trải qua những ngày tháng tươi đẹp. Vữa trên bức tường gần những chiếc cột ấn tượng ở lối vào đã bong tróc, sơn đã ngả màu. Tất cả đã trở nên cũ kỹ. Nơi trước đây từng làm 20 bộ phim thường niên nhưng năm 2011 chỉ còn sản xuất được hai phim. Ông Vladimir Shaidakov, Tổng giám đốc Lenfilm, cho biết xưởng từng sản xuất 1.500 bộ phim, trong đó có khoảng 50 phim nổi tiếng thế giới. Giờ đây, xưởng phim đang gặp khó khăn về tài chính.

Đấu tranh để tồn tại

Không chỉ riêng Lenfilm phải vật lộn để tồn tại kể từ khi Liên bang Xôviết tan rã, phim Nga cũng phải đấu tranh giành vị trí trong rạp với các phim bom tấn của Hollywood. Và Hollywood đã chiến thắng. Ông Mikhail Trofimenkov, một nhà phê bình phim cho tờ Kommersant uy tín, nhận xét việc phân phối phim là độc quyền của một số nhóm người có mối liên hệ mật thiết với Hollywood. Điều tồi tệ hơn là có quá ít rạp chiếu phim khi khoảng 80% các rạp đóng cửa sau năm 1989. Ông Trofimenkov cho rằng tương lai ngành điện ảnh Nga còn rất mờ mịt.

Trên sân khấu lớn của một trong những xưởng phim, người ta dùng xe đẩy cũ kỹ để chở đạo cụ. Nếu không có sự hỗ trợ của chính phủ, sân khấu này có lẽ sẽ mãi vắng bóng diễn viên và máy quay. Nơi sản sinh nền điện ảnh Nga có thể chìm trong bóng tối mãi mãi.

Thành công chưa từng thấy của bộ phim nói về cuộc đời của diễn viên kiêm thi sĩ Nga nổi tiếng Vladimir Vysotsky đang mở ra tia hy vọng cho điện ảnh Nga

Tuy nhiên, trong cơn bĩ cực này, điện ảnh Nga đang lóe lên tia hy vọng. Năm 2012, hàng loạt nhà điện ảnh Nga sẽ làm phim nói về các anh hùng dân tộc. Xét theo sự thành công chưa từng thấy của những khuôn hình nói về cuộc đời của diễn viên kiêm thi sĩ Nga nổi tiếng Vladimir Vysotsky, bộ phim được chiếu trên màn ảnh trước thềm năm 2012, thì chính những tác phẩm như vậy có sức mạnh lôi cuốn sự quan tâm của cộng đồng xã hội Nga đến điện ảnh nước nhà trong cuộc cạnh tranh khốc liệt với các sản phẩm Hollywood.

Trong số các tác giả đang phấn đấu và trông đợi thành công, có những người làm bộ phim “Gagarin: Đầu tiên trong vũ trụ”. Điều lạ lùng là từ xưa đến nay chưa có bộ phim nào với hình ảnh nghệ thuật nói về tiểu sử phi hành gia đầu tiên của nhân loại. Mà cuộc đời của Gagarin thì quá thích hợp với màn ảnh bởi trong đó chứa đựng biết bao sự kiện thú vị. Ít ai biết được rằng Gagarin suýt nữa thì bị đuổi khỏi trường dạy lái máy bay, còn sau đó trong thời gian chuyến bay vào không gian đã ba lần mấp mé bờ vực tử thần. Nhà làm phim Oleg Kapanets kể rằng: “Chúng tôi đã nhất trí với gia đình Yuri Gagarin về những hình ảnh trong bộ phim tương lai lúc còn ở dạng kịch bản.

Trước chúng tôi, không một ai trong giới điện ảnh nhận được sự đồng ý của các thân nhân để làm bộ phim về Gagarin. Về bản thân chuyến bay của Gagarin, kéo dài 108 phút, thì có vẻ là mọi người đã biết tất cả mọi thứ. Thế nhưng không ai biết rằng chuyến bay này đã kịch tính đến chừng nào. Niềm tin vào sự thành công của chuyến bay phần nhiều mang tính đạo đức – tâm lý hơn là về mặt kỹ thuật. Khi Gagarin bay lên, ông chấp nhận rằng trong không gian có thể xảy ra các tình huống bất thường – và quả thật đã xảy ra sự cố. Chúng tôi thể hiện tất cả những cái đó trong phim. Tôi cho rằng khán giả sẽ thú vị khi được thu hút vào bầu không khí thi đua trong đội ngũ phi công để được quyền là người đầu tiên lên vũ trụ”.

Ngoài Gagarin, một anh hùng thể thao của nước Nga trong thế kỷ XX cũng sẽ được thể hiện trong bộ phim với nhan đề “Huyền thoại số 17”. Tổng giám đốc phim trường “3T” Leonid Vereshchagin cho biết: “Bộ phim của chúng tôi nói về đội khúc côn cầu Xôviết nổi tiếng. Về những thách thức mà cuộc sống đặt ra trước chúng ta, về những gì mà mỗi người cần tìm thấy trong cuộc đời đã được số phận định đoạt của mình. Tiêu đề “Huyền thoại số 17” liên quan trực tiếp đến một cầu thủ hockey Liên Xô lừng danh là Valery Kharlamov: cả thế giới biết rằng Kharlamov đã chơi trong đội hình với sắc áo mang số 17”.

Sở dĩ những thước phim phức tạp và đắt giá như vậy đã có thể xuất hiện trên màn ảnh, là bởi ở Nga hệ thống hỗ trợ của Nhà nước dành cho điện ảnh đã thay đổi về nguyên tắc. Sự hỗ trợ đó trước hết hướng tới những bộ phim có khả năng thu hút quan tâm của công chúng. Khoảng 20 đề án điện ảnh quy mô lớn sẽ được phát hành trong năm nay. Đắt giá nhất, với ngân sách 50 triệu USD, là bộ phim “Bản ballad Ulansk” trùng vào dịp kỷ niệm 200 năm cuộc Chiến tranh Vệ quốc năm 1812 chống Napoleon. 10 triệu USD được cấp cho bộ phim “Metro”, trong đó cho thấy cảnh thành phố Moskva gần như bị giết chết bởi tai nạn khủng khiếp trong đường tàu điện ngầm.

Nhìn chung, các nhà điện ảnh Nga không chỉ trông đợi nhận được sự công nhận quốc tế và mùa gặt hái giải thưởng qua những kỳ liên hoan thế giới, như đã từng có trong năm qua. Điều tâm niệm của giới nghệ thuật thứ bảy ở Nga là trở về chiếm lĩnh những khán phòng trong nước chật ních đồng bào đến xem phim, và tiếp đó là thành quả kinh doanh từ lao động sáng tạo của họ.

Giang Khuê