Chuẩn bị trao Giải thưởng VHNT và danh hiệu nghệ sĩ: Cần nghĩ sớm cho những lần sau

10:20 | 18/05/2012

562 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Việc xét chọn Giải thưởng về văn học nghệ thuật và danh hiệu nghệ sĩ vốn tạo nên nhiều thấp thỏm và kéo dài sự chờ đợi thời gian qua sắp kết thúc. Những ngày tới đây, tại nhiều tỉnh thành, bộ, ngành, đơn vị nghệ thuật trong cả nước sẽ là cả chuỗi vinh danh, chúc mừng các tác phẩm, cụm tác phẩm, tác giả, nghệ sĩ được giải, được nhận danh hiệu. Sẽ chủ yếu là những nụ cười và niềm vui.

Nhưng nhìn lại sẽ thấy một quá trình dài với nhiều chuyện không mấy vui vẻ. Làm thế nào để những đợt xét chọn tiếp theo không tiếp tục tái diễn những chuyện tương tự?

Chuỗi vinh danh

Cuối cùng danh sách các tác phẩm, cụm tác phẩm, nghệ sĩ được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước, danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND), Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) đã được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) chính thức công bố vào chiều ngày 15/5 vừa qua, sau khi được Chủ tịch nước ký các quyết định phong tặng.

Đồng chí Trương Tấn Sang cùng các nghệ sĩ trong ngày Kỷ niệm 50 năm Hội nghệ sĩ sân khấu Việt nam

Tác giả của 12 tác phẩm, cụm tác phẩm được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh: Âm nhạc: Nhạc sĩ Mai Văn Chung (đã mất) và Phạm Tuyên; Sân khấu: NSND đạo diễn Nguyễn Đình Nghi, NSND đạo diễn Dương Ngọc Đức, NSND Nguyễn Xuân Kim (đều đã mất); Văn học: Nhà thơ Phạm Tiến Duật (đã mất), nhà thơ Hữu Thỉnh, nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ, các nhà văn Ma Văn Kháng, Hồ Phương, Đỗ Chu, Lê Văn Thảo.

Theo đó, Giải thưởng Hồ Chí Minh được trao cho 12 tác phẩm, cụm tác phẩm. Con số này với Giải thưởng Nhà nước là 12.873 NSƯT được lên NSND và 356 nghệ sĩ trở thành NSƯT. Để thể hiện sự trân trọng, tôn vinh đối với những tác phẩm và con người có nhiều đóng góp cho xã hội, ông Nguyễn Hải Anh – Vụ trưởng Vụ Thi đua Khen thưởng – Bộ VH-TT&DL cho biết: Sáng ngày 19/5, đúng 122 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lễ trao Giải thưởng mang tên Người và danh hiệu NSND sẽ diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội với sự hiện diện và trực tiếp trao thưởng của Chủ tịch nước. Tiếp đó, ngày 27/5, cũng tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Bộ VH – TT&DL sẽ tổ chức lễ trao Giải thưởng Nhà nước và danh hiệu NSƯT cho các tác giả, nghệ sĩ các cơ quan, đơn vị nghệ thuật trực thuộc Bộ. Các bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ tổ chức Lễ trao Giải thưởng Nhà nước và danh hiệu NSƯT cho các tác giả, nghệ sĩ của đơn vị, địa phương mình.

Những ngày qua, báo chí rất quan tâm đến việc tìm hiểu, kiểm chứng đối với 3 trường hợp: NSƯT Đặng Xuân Hải – Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, nhà nghiên cứu tuồng Vũ Ngọc Liễn và danh họa Nguyễn Gia Trí do vào những ngày cuối cùng của việc xét chọn, xuất hiện một số ý kiến, quan điểm chưa đồng thuận, không đồng ý với những lý do về thực chất thành quả nghệ thuật và mức độ cống hiến, thậm chí có cả lý do liên quan đến chính trị. Theo ông Nguyễn Hải Anh thì về cơ bản, qua xác minh, chưa có dấu hiệu nào cho thấy sự non kém, hạn chế hay khuất tất trong lao động nghề nghiệp cũng như nhân thân của các nghệ sĩ, tác giả trên. Được biết, việc kiểm tra, xác minh đối với hồ sơ của ba nghệ sĩ, tác giả trên đang được làm tích cực, Bộ đã có ý kiến trình Ban Thi đua Khen thưởng Trung ương để hy vọng sớm có những ý kiến cuối cùng trước ngày 27/5.

Lần này nghĩ đến lần sau

Cũng lại giống như nhiều đợt xét phong tặng trước, đợt xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh lần thứ IV, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật lần thứ III, danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ VII này lại tiếp tục có nhiều sóng gió. Và dường như theo thời gian, mức độ phức tạp, sự ồn ào xung quanh các vụ việc lại càng gia tăng. Đợt xét tặng giải thưởng và danh hiệu này lại đặt ra một cách cấp bách về yêu cầu trong việc xây dựng bộ tiêu chí xét chọn, quy trình, cách thức thời gian xét chọn… sao cho đạt được mục tiêu cao nhất là tôn vinh đúng người, đúng tác phẩm, tránh để các tác giả, nghệ sĩ phải chịu thiệt thòi cũng như sốt ruột chờ đợi hay lúng túng, mệt mỏi vì phải thực hiện nhiều thủ tục mang tính hành chính, giấy tờ.

Phần thưởng lớn nhất của nghệ sĩ là tình yêu của công chúng

Số NSND mới được trao tặng lần thứ VII trên các lĩnh vực: Âm nhạc: 9; Điện ảnh: 20; Múa: 8; Phát thanh truyền hình: 2; Sân khấu: 34. Số NSƯT được trao tặng lần thứ VII trên các lĩnh vực: Âm nhạc: 97; Điện ảnh: 30; Múa: 25; Phát thanh truyền hình: 47; Sân khấu: 157.

Về những hạn chế trên, thời gian qua đã có khá nhiều nghệ sĩ phải lên tiếng, dư luận, báo chí cũng phản ánh thường xuyên như một mảng đề tài nóng hổi. Trong đó, nhiều đối tượng chịu thiệt thòi đã được đề cập đến như các nghệ sĩ đã về hưu, các nghệ sĩ tự do, các nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc trong các dàn nhạc… vốn ít có điều kiện được tham dự các kỳ cuộc liên hoan để thi thố hoặc thành tích thường tính vào tập thể chung.

Theo ông Nguyễn Hải Anh, ngay trong quá trình xét chọn, Bộ VH-TT&DL đã liên tục ghi nhận thực tế để rút kinh nghiệm. Ông Hải Anh cho rằng, tiêu chí xét danh hiệu và giải thưởng không thể vĩnh viễn cố định mà cần phải điều chỉnh, thay đổi theo thời cuộc, theo đòi hỏi của xã hội và bản thân nghệ sĩ trong việc tạo ra ngày càng nhiều tác phẩm tốt hơn. Ông Hải Anh nhấn mạnh: Những lần xét tặng sau, tiêu chí sẽ phải tiếp tục có sự điều chỉnh. Thứ trưởng Lê Khánh Hải cho rằng, do hoàn cảnh đất nước, đã có nhiều nghệ sĩ có nhiều đóng góp nay đã qua đời, nhiều nghệ sĩ có thiệt thòi. Ngành VH-TT&DL sẽ thay đổi, điều chỉnh với yêu cầu càng chặt hơn, đảm bảo đúng chất lượng và công lao nghệ sĩ.

Từ kỳ vọng của xã hội và những người trong cuộc, hy vọng sớm có những nghiên cứu để đưa ra những định mức, tiêu chuẩn vừa phù hợp hoàn cảnh xã hội và mức độ phát triển nghệ thuật, vừa có sự thấu đáo để không bỏ qua những thành quả cống hiến của các tác giả, nghệ sĩ. Cũng như về mặt tổ chức, quy trình thực hiện, các cơ quan chức năng, các hội đồng cần hướng tới sự đồng thuận, nhất trí cao của tập thể các đơn vị nghệ thuật cũng như xã hội đối với các nghệ sĩ, tác giả được xét chọn. Kẻo vào những thời điểm “nhạy cảm”, những lá đơn, ý kiến phản đối, những cuộc tranh luận lại nổ ra, vừa gây thiệt thòi cho nghệ sĩ, tác giả, gây mệt mỏi cho những người liên quan, vừa khiến cho vẻ đẹp hình ảnh những sứ giả của văn học nghệ thuật trong công chúng có chiều hướng giảm sút.

Thái Linh