Cần hướng tới hỗ trợ doanh nghiệp có khả năng phát triển trong tương lai

10:01 | 16/10/2020

103 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Việt Nam cần hướng tới sự hỗ trợ cho những doanh nghiệp có khả năng phát triển trong tương lai. Bởi đây là lúc rất cần tái cơ cấu không phải chỉ có nền kinh tế mà cả các doanh nghiệp.

Đây là chia sẻ của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan tại Hội thảo khoa học “Chính sách vượt qua tác động của COVID-19 để phục hồi và phát triển kinh tế”, do Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức.

Hội thảo khoa học “Chính sách vượt qua tác động của COVID-19 để phục hồi và phát triển kinh tế”. Ảnh: Nguyễn Việt
Hội thảo khoa học “Chính sách vượt qua tác động của COVID-19 để phục hồi và phát triển kinh tế”. Ảnh: Nguyễn Việt

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nêu vấn đề, tại sao vẫn có một số doanh nghiệp vẫn tồn tại được vào thời điểm này? Họ đứng được là nhờ nhân tố nào? Đại dịch COVID-19 đã loại rất nhiều doanh nghiệp ra ngoài thị trường, nhưng vẫn có một tỉ lệ doanh nghiệp đứng vững, như vậy cần phải rút ra bài học các doanh nghiệp còn tồn tại là do nhân tố nào, bởi một số doanh nghiệp vẫn đứng vững đã góp cho nền kinh tế Việt Nam đứng vững trong thời gian vừa qua.

Theo cảm nhận của bà Lan và qua theo dõi từ các doanh nghiệp, một số doanh nghiệp đứng được là do đã có sự chuẩn bị trước đó. Tức là từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, các doanh nghiệp này đã có ý thức chuẩn bị với các tình huống khó khăn hơn.

Doanh nghiệp nào đã biết cố gắng đầu tư để tự thay đổi mình để vượt lên, có cấu trúc định hướng thị trường hợp lý, đa dạng hóa kinh tế tốt hơn, hoặc chuyển mạnh sang công nghệ cao thì có khả năng đứng vững hơn.

Qua điều tra của OECD và WB công bố vào tháng 8 vừa qua đã cho thấy, ở Việt Nam trong các doanh nghiệp nhỏ đã cho thấy một con số rất vui, đó là có tới 50% doanh nghiệp nhỏ đã chuyển bán hàng trực tiếp sang bán hàng online, với mức độ 25% doanh số trở lên.

“Đây là tín hiệu tích cực vì họ đã làm được một việc cần thiết để tự cứu mình, từ đó đóng góp được một phần nào đó vào việc đứng vững của nền kinh tế trong thời gian vừa qua”, bà Lan chia sẻ.

Vẫn theo bà Lan, cần làm rõ hơn tác động qua lại giữa các chính sách của chính phủ đưa ra để hỗ trợ cho sự phục hồi của doanh nghiệp. Ví dụ, với con số 12.000 tỷ đồng được giải ngân trong 62.000 tỷ đồng mà nhà nước đưa ra hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng 12.000 tỷ đồng này đã tác động vào những khu vực nào, và có tác động trực tiếp cho sự phục hồi của doanh nghiệp hay không.

Bà Lan đánh giá, tỷ lệ doanh nghiệp được thụ hưởng từ số tiền này không cao, những đối tượng doanh nghiệp cần và có khả năng phục hồi, hoặc những ngành có tương lai thì lại chưa tiếp nhận được nhiều.

“Do đó, rất cần hướng tới sự hỗ trợ cho những doanh nghiệp có khả năng phát triển trong tương lai. Bởi vì đây là lúc rất cần tái cơ cấu không phải chỉ có nền kinh tế mà còn có các doanh nghiệp. Những ngành, doanh nghiệp có tương lai, đang cố gắng đi vào công nghệ có khả năng phát triển thì cần hỗ trợ nhiều hơn”, bà Lan bày tỏ.

Còn theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, kinh tế Việt Nam có một phần quan trọng là nông nghiệp và kinh tế phi hình thức, tức là 5 triệu hộ gia đình, cùng với hộ nông dân. Trong đó, kinh tế phi hình thức đã giúp nền kinh tế chống chọi với tác động như thế nào? Hiện tại gói cứu trợ vẫn chưa hướng đến khu vực phi hình thức này.

Ngoài ra, cần đánh giá thêm về tác động xuất nhập khẩu, bởi vì xuất nhập khẩu của Việt Nam lên tới 210% GDP, trong đó lại phụ thuộc rất nhiều vào xuất nhập khẩu, đặc biệt chịu tác động rất lớn từ thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, COVID-19 đã làm thay đổi vị thế của Trung Quốc trên thị trường thế giới cũng như thay đổi vị thế của Trung Quốc trong xuất nhập khẩu.

Việt Nam cần hướng tới sự hỗ trợ cho những doanh nghiệp có khả năng phát triển trong tương lai. Ảnh: Nguyễn Việt
Việt Nam cần hướng tới sự hỗ trợ cho những doanh nghiệp có khả năng phát triển trong tương lai. Ảnh: Nguyễn Việt

Vậy tác động này đối với Việt Nam như thế nào? Tác động đó đối với chính sách thời gian tới ra sao? Vì kinh tế Trung Quốc chắc chắn vẫn là một nền kinh tế lớn, nhưng đã có rất nhiều tập đoàn lớn trên thế giới đã đầu tư vào Trung Quốc đang tiến tới đa dạng hóa bằng hình thức rút một phần sang Việt Nam, Ấn Độ…

Chính vì vậy Việt Nam cần phải đa dạng hóa, đa phương hóa thị trường. Việt Nam đang có giao thương với Trung Quốc với tỉ trọng quá lớn, do đó phải đa dạng hóa trong thời gian tới. Bài học lớn nhất là tránh phụ thuộc quá nhiều vào một đối tác để đến khi đối tác “lâm bệnh” thì sẽ vô cùng khó khăn.

Và giải pháp ông Doanh đưa ra là phải chuyển mạnh sang chính phủ điện tử và nền kinh tế số. Bởi chính đại dịch COVID-19 đã làm cho số hóa và kinh tế số phát triển mạnh mẽ, do không cần giao dịch trực tiếp. Minh chứng là trong khi tất cả các lĩnh vực đều có sự sụt giảm thì công nghệ thống tin, kinh tế số đang có xu hướng phát triển.

Do đó chính sách cần có sự thay đổi và đánh giá lại. Từ trước đến nay chúng ta chỉ quan tâm và đánh giá công nhân làm việc bằng máy móc, nhưng ngày nay đã có rất nhiều người làm việc tại nhà. Ví dụ, nhiều người Việt Nam tuy ở trong nước nhưng vẫn có thể làm việc cho Singapore, Mỹ qua máy tính, giao các sản phẩm và nhận lương từ ngân hàng.

“Như vậy, chúng ta cần nhìn nhận đây là thế hệ công nhân kiểu mới, mà không phải chỉ có những người làm việc bằng máy móc mới là công nhân. Chúng ta cần nghiêm cứu sâu thêm phương thức này để đưa ra những chính sách thích hợp”, ông Doanh đề xuất.

PGS-TS. Phạm Hồng Chương cho rằng, diễn diễn phức tạp trở lại của đại dịch trên nhiều địa phương trong cả nước đã tác động toàn diện và nặng nề đến nền kinh tế, đòi hỏi Chính phủ cần có những giải pháp quyết liệt hơn để tăng cường sức đề kháng của nền kinh tế.

“Đồng thời chuẩn bị đủ năng lực ứng phó khi dịch bệnh kéo dài, từ đó tăng cường tiềm lực để phục hồi kinh tế nhanh chóng ngay khi dịch bệnh được khống chế, không để nền kinh tế rơi vào suy thoái”, ông Chương nói.

Theo Diễn đàn doanh nghiệp

Phản đối mạnh mẽ hoạt động của doanh nghiệp Trung Quốc tại đảo Phú LâmPhản đối mạnh mẽ hoạt động của doanh nghiệp Trung Quốc tại đảo Phú Lâm
Doanh nghiệp bà Thanh Phượng “gây sốt” bất chấp làn sóng chốt lờiDoanh nghiệp bà Thanh Phượng “gây sốt” bất chấp làn sóng chốt lời
Chuyên gia kinh tế lo doanh nghiệp Việt Chuyên gia kinh tế lo doanh nghiệp Việt "bán mình" cho nước ngoài!

Giá vàng

Tỉ giá