Ba kịch bản điều hành giá từ nay đến cuối năm 2024

11:30 | 25/04/2024

240 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Bộ Tài chính dự báo ba kịch bản điều hành giá từ nay đến cuối năm. Ở kịch bản cao nhất, CPI bình quân năm 2024 dự báo tăng khoảng 4,5% so với năm 2023. Ngược lại, kịch bản thấp nhất dự báo CPI bình quân tăng khoảng 3,64%.
Ba kịch bản điều hành giá từ nay đến cuối năm 2024
Bộ Tài chính dự báo CPI bình quân năm 2024 tăng trong khoảng 3,64 - 4,5%.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá xem xét công tác quản lý, điều hành giá quý I và định hướng công tác điều hành giá những tháng còn lại của năm 2024, Bộ Tài chính cho biết, từ đầu năm đến nay, thị trường hàng hóa tương đối ổn định. Bình quân quý I/2024, CPI tăng 3,77% so với cùng kỳ năm 2023.

Thị trường bán lẻ vẫn được kỳ vọng trên đà phục hồi. Tính chung quý I/2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt hơn 1.537 nghìn tỷ đồng, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu du lịch lữ hành tăng 46,3%...

Trên cơ sở tổng hợp thông tin và cập nhật dự báo xu hướng giá các mặt hàng quan trọng thiết yếu là trọng tâm của công tác quản lý, điều hành giá trong năm 2024, Bộ Tài chính dự báo ba kịch bản điều hành giá từ nay đến cuối năm.

Theo đó, ở kịch bản thấp, dự báo CPI bình quân năm 2024 tăng khoảng 3,64% so với năm 2023. Kịch bản thứ hai, dự báo CPI bình quân năm 2024 tăng khoảng 4,05% so với năm 2023. Kịch bản dự báo mức cao nhất, CPI bình quân năm 2024 tăng khoảng 4,5% so với năm 2023.

Với các kịch bản trên, Bộ Tài chính cập nhật kịch bản CPI bình quân năm 2024 tăng trong khoảng 3,64 - 4,5%.

Bộ Tài chính giả định CPI các tháng còn lại tăng đều một tỷ lệ như nhau so với tháng trước thì trong 9 tháng còn lại của năm 2024, CPI mỗi tháng còn dư địa tăng khoảng 0,26% - 0,39% để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát bình quân năm 2024 trong khoảng 4,0% - 4,5%.

Theo Bộ Tài chính, trong quý II/2024, một số yếu tố dự kiến có thể gây áp lực lên mặt bằng giá, như: Thời tiết bắt đầu chuyển sang mùa nắng nóng cùng với việc có kỳ nghỉ lễ dài ngày nên theo quy luật hàng năm giá các dịch vụ đi lại, lưu trú, ăn uống ngoài gia đình, dịch vụ cá nhân... có thể tăng.

Giá một số nguyên vật liệu xây dựng có xu hướng tăng do vào mùa xây dựng hoặc do chi phí đầu vào tăng. Nhu cầu sử dụng điện, nước tăng cao hơn làm tăng hóa đơn chi trả theo bảng giá lũy tiến…

Kiến nghị biện pháp quản lý, điều hành giá, Bộ Tài chính cho rằng, công tác quản lý, điều hành giá cần bảo đảm thực hiện kiểm soát tốt lạm phát, tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân.

Tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu, thị trường, giá cả các mặt hàng thiết yếu để có giải pháp bình ổn thị trường phù hợp, nhất là đối với xăng dầu và các mặt hàng chiến lược có khả năng bị ảnh hưởng từ sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và xung đột căng thẳng địa chính trị gia tăng.

Đồng thời, tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường các dịch vụ công và hàng hóa do Nhà nước quản lý với mức độ và liều lượng phù hợp; đẩy mạnh công tác hoàn thiện hệ thống pháp luật về giá, triển khai thi hành Luật Giá có hiệu lực từ ngày 1/7/2024.

Định hướng công tác quản lý, điều hành giá những tháng cuối năm 2023

Định hướng công tác quản lý, điều hành giá những tháng cuối năm 2023

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 419/TB-VPCP ngày 16/10/2023 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá về kết quả công tác quản lý, điều hành giá 9 tháng đầu năm 2023 và định hướng công tác quản lý, điều hành giá những tháng cuối năm 2023

P.V