Robot phẫu thuật khớp gối, bệnh nhân đi lại ngay sau mổ

07:07 | 08/03/2017

796 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chỉ sau 2 giờ được robot phẫu thuật thay khớp gối bán phần, bệnh nhân đã có thể tự đi lại nhờ độ chính xác cao hơn rất nhiều so với việc phẫu thuật bằng tay. Đây là lần đầu tiên ngành Y tế Việt Nam thực hiện kỹ thuật này, đánh dấu một bước phát triển mới trong áp dụng kỹ thuật cao vào điều trị, chăm sóc người bệnh và nâng cao chất lượng của ngành y tế.

Ít đau, phục hồi nhanh

Bà Lại Thị Mai, 50 tuổi, Hà Nội là một trong 3 bệnh nhân đầu tiên được phẫu thuật miễn phí bằng robot thay khớp gối bán phần. Ca mổ được thực hiện vào ngày 27-2 và chỉ sau 2 giờ bà đã có thể tự đi lại, cân bằng rất nhanh. Trước đó 2 năm bà đã thay khớp gối bán phần bằng phương pháp cũ nhưng vẫn khó chịu khi đi lại. Bà Mai nói: “Giờ được phẫu thuật bằng phương pháp mới, chỉ 2 tiếng sau khi mổ tôi đã có thể tự đi lại được, cân bằng rất nhanh. Trước đây khó chịu 10 phần thì giờ chỉ 2 phần thôi, thật sự rất khác biệt!”.

Hệ thống robot phẫu thuật cho bà Mai thuộc loại hiện đại nhất hiện nay, có tên gọi là Mako và Rosa, được sản xuất tại Mỹ. Hệ thống robot này cho phép các bác sĩ tiến hành phẫu thuật với sự xâm lấn tối thiểu và độ chính xác cao, hiệu quả, an toàn vượt trội, giúp bệnh nhân ít mất máu, ít đau, giảm nguy cơ tai biến và mau hồi phục chỉ vài tiếng sau khi mổ. Bộ Y tế đã cấp phép điều trị cho người lớn tại Bệnh viện Bạch Mai nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh của bệnh viện.

robot phau thuat khop goi benh nhan di lai ngay sau mo
Bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai giới thiệu về robot Rosa phẫu thuật thần kinh

TS Đào Xuân Thành, Phó trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình và cột sống, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Điểm nổi bật nhất của phương pháp phẫu thuật bằng Robot là độ chính xác rất cao trong vị trí phẫu thuật, không gây tổn thương phần mềm xung quanh. Với đường mổ nhỏ, không cần đặt dẫn lưu nên bệnh nhân ít đau, ít mất máu… Phẫu thuật bằng robot giúp thay khớp gối đúng vùng tổn thương, những vùng không tổn thương được bảo toàn. Nếu trước đây, khi bệnh nhân “hỏng” một nửa khớp thì phải thay cả toàn bộ khớp, nay thì “hỏng đâu thay đấy” và điều đặc biệt là tỷ lệ phải mổ lại do biến chứng lỏng, trật khớp rất thấp”.

TS Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Bạch Mai thì cho rằng, phẫu thuật viên dù giỏi đến đâu cũng không thể chính xác bằng robot. Bởi vậy, trong phẫu thuật bệnh lý khớp gối thì phẫu thuật bằng robot sẽ cho chất lượng khác biệt, đặc biệt với trường hợp phải thay khớp. Ông nhấn mạnh: “Vì cho độ chính xác cực cao so với tay người thao tác nên nội soi bằng robot trong phẫu thuật thần kinh là rất lý tưởng”.

Cũng theo các chuyên gia về chấn thương chỉnh hình, các đối tượng được chỉ định áp dụng phẫu thuật thay khớp gối bán phần bằng robot gồm: Thoái hóa khớp gối tiên phát, khớp tổn thương phần sụn không thể hồi phục, tổn thương một phần khớp gối… TS Thành lưu ý, khi bước qua tuổi 50, cơ thể con người chuyển sang giai đoạn thoái hóa (trong đó có thoái hóa khớp), với những người tăng cân (trong đó có tăng cân đột ngột), béo phì, trọng lượng cơ thể nặng càng gây áp lực cho khớp gối nên khớp dễ tổn thương. Trên thực tế số bệnh nhân đến điều trị, nữ giới thường mắc các bệnh lý về khớp gối nhiều hơn nam.

Chính xác nhất, biến chứng thấp nhất

Bên cạnh việc thay khớp gối, Bệnh viện Bạch Mai cũng đã thành công ứng dụng robot trong phẫu thuật thần kinh sọ não cho bệnh nhân. Với chuyên ngành phẫu thuật thần kinh ở Việt Nam, đây là hệ thống robot đầu tiên được sử dụng. 2 bệnh nhân đầu tiên đã được phẫu thuật miễn phí, trong đó có bệnh nhân Cao Minh Thuận, 63 tuổi, Nghệ An bị giãn não thất, đã được phẫu thuật thành công tại Khoa Phẫu thuật thần kinh. Theo các bác sĩ chuyên khoa, phương pháp này được chỉ định cho các bệnh nhân có tổn thương bệnh lý não thất, đặt điện cực trong não để điều trị các rối loạn thần kinh chức năng (như Parkinson), mắc bệnh lý u nền sọ, can thiệp sinh thiết khối u sâu để chẩn đoán bệnh...

TS Nguyễn Thế Hào, Trưởng khoa Phẫu thuật thần kinh, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, những can thiệp về thần kinh sọ não đòi hỏi sự chính xác đến từng milimét. Vì thế hệ thống robot giúp bác sĩ định vị tổn thương chính xác nhất, giảm thiểu thấp nhất những biến chứng sau phẫu thuật, giúp phẫu thuật viên xử lý tổn thương ở những vị trí hiểm trong não thất.

Ông khẳng định: “Robot phẫu thuật thần kinh Rosa (tên gọi của robot) có tác dụng ít xâm lấn, định vị chính xác tổn thương. Robot còn có chức năng lập trình cuộc mổ, tham gia mổ bằng cánh tay robot. So với mổ thông thường như phẫu thuật vi phẫu, nội soi... thì phẫu thuật bằng robot có ưu điểm vượt trội là ít gây sang chấn, ít gây thương tổn não, rút ngắn thời gian phẫu thuật và bệnh nhân hồi phục nhanh”.

Tuy nhiên, theo TS Hào, không phải ai cũng áp dụng được phương pháp phẫu thuật thần kinh bằng hệ thống robot Rosa mà phải tiến hành sàng lọc bệnh lý. Nếu phù hợp, có chỉ định mổ thì mới được dùng phương pháp này. TS Hào cũng cho biết thêm: “Hiện Bệnh viện Bạch Mai đang xây dựng quy trình, trình các cấp phê duyệt giá, mục tiêu quan trọng là làm thế nào để bệnh nhân được hưởng bảo hiểm y tế”.

Đánh giá về 2 hệ thống robot phẫu thuật thay khớp gối và thần kinh, PGS.TS Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai khẳng định: “Việc ứng dụng hệ thống robot mới về thần kinh và khớp gối với độ chính xác gấp 3 lần so với phương pháp cũ (thay khớp gối bằng tay chẳng hạn) mang lại cơ hội tiếp cận phương pháp điều trị kỹ thuật cao cho người bệnh ngay tại Việt Nam với mức chi phí thấp hơn nhiều lần so với phải ra nước ngoài điều trị. Đó cũng là một phần thể hiện quyết tâm của ngành y tế: người bệnh Việt Nam không phải ra nước ngoài chữa bệnh tốn kém chi phí”.

Phát biểu tại lễ khai trương hai hệ thống robot, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh khẳng định, việc đưa vào sử dụng 2 hệ thống robot phẫu thuật khớp và thần kinh giúp người dân Việt Nam được hưởng những thành tựu kỹ thuật tiên tiến của thế giới, đáp ứng sự mong đợi ngày càng cao của người bệnh, đồng thời hướng tới mục tiêu đảm bảo an toàn và hài lòng của người bệnh. PGS.TS Lương Ngọc Khuê cũng đề nghị các cán bộ y tế của 2 khoa Phẫu thuật khớp và Phẫu thuật thần kinh phát huy và sử dụng hiệu quả hệ thống máy giúp đem lại những lợi ích thiết thực cho người bệnh.

Hiện nay, phẫu thuật robot đã phổ biến tại các trung tâm phẫu thuật lớn ở Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, trong đó có Việt Nam... để điều trị các loại phẫu thuật lớn, phức tạp. Phẫu thuật robot đã phát triển đến thế hệ thứ tư với 4 cánh tay phẫu thuật, đầu camera thông minh, góc phẫu thuật rộng 540 độ, hình ảnh 3D.

Với góc phẫu thuật này, không cánh tay người bác sĩ nào có thể thực hiện được, nhờ đó nó có khả năng phẫu thuật ở những vị trí khó và có thể di chuyển tự do ở 6 góc độ với vận động tinh vi. Kỹ thuật này đã khắc phục được những hạn chế của phẫu thuật mổ hở cũng như của phẫu thuật nội soi, đưa ngành phẫu thuật đến một đỉnh cao mới, thành công mỹ mãn tại các trung tâm chuyên khoa lớn trên thế giới.

Nguyễn Bách