Lấp nhanh khoảng trống lễ hội!

06:00 | 20/03/2013

863 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Dự định, chuẩn bị suốt mấy năm, vừa qua, dự thảo quy hoạch tổng thể lễ hội toàn quốc giai đoạn 2012-2020, định hướng đến năm 2030 đã hoàn thành và đang đón nhận những ý kiến bổ sung, phản biện từ dư luận.

Chẩn trị lễ hội

Trước sự phục hồi, phát triển mạnh mẽ của các lễ hội trong những năm qua với những biểu hiện đa dạng của các yếu tố tích cực lẫn hạn chế, ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch chủ trương xây dựng quy hoạch lễ hội nhằm tổ chức, quản lý tốt hơn hoạt động văn hóa - tâm linh, tín ngưỡng này, phát huy mặt tốt đẹp, đẩy lùi những tiêu cực.

Đánh giá hiệu quả, ý nghĩa văn hóa, xã hội, kinh tế, du lịch… đạt được qua nhiều lễ hội. Đồng thời cũng chỉ ra không ít những nguyên nhân làm hỏng, làm xấu đi hình ảnh lễ hội, cũng như những nguy cơ, thực trạng đáng buồn của lễ hội hiện nay. Trong đó có nhận thức sai lệch về mục đích tổ chức lễ hội; tổ chức lễ hội vì lợi ích kinh tế; ít chú trọng giá trị văn hóa làm giảm giá trị truyền thống và phai nhạt bản sắc lễ hội; cơ sở vật chất, hệ thống hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu, mật độ đông của du khách; công tác quản lý tài chính từ lễ hội còn buông lỏng; không gian hội đang bị thu hẹp do đô thị hóa; có xu hướng mở hội nhiều, tần xuất cao, lãng phí, ganh đua, phô trương…

Hội Lim 2013

Đặc biệt, dự thảo cũng lên tiếng cảnh báo khi vạch ra một số địa phương có xu hướng tự nâng cấp và đề nghị nâng cấp lễ hội, tự xưng danh là lễ hội cấp quốc gia, quốc tế thiếu cơ sở khoa học và thực tiễn. Bên cạnh đó, một số nơi tổ chức những ngày kỷ niệm của địa phương, ngày truyền thống của ngành còn có biểu hiện phô trương, lãng phí nặng về hình thức… Vấn đề năng lực cán bộ vốn được dư luận góp ý, phê phán nhiều thời gian qua cũng được nêu lên trong dự thảo: “Trình độ quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức hoạt động lễ hội của cán bộ văn hóa cơ sở và những người trực tiếp quản lý di tích và điều hành lễ hội còn hạn chế”.

Dự thảo đưa ra những giải pháp cho việc thực hiện quy hoạch này, liên quan đến nguồn vốn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của lễ hội, bố trí nhu cầu sử dụng đất cho lễ hội, tăng cường công tác quản lý Nhà nước…

Theo dự thảo, từ 2012 đến 2015 sẽ quy hoạch các lễ hội dân gian tiêu biểu với 10 lễ hội cấp vùng, 300 lễ hội cấp tỉnh, thành. Trong đó, mỗi tỉnh chọn, đề xuất 5 lễ hội tiêu biểu trên địa bàn. Mật độ lễ hội giữa các tỉnh thành vốn khác nhau, quy mô cũng khác, không nên “chốt” đều “chằn chặn” mỗi tỉnh 5 lễ hội dân gian tiêu biểu. Điều này dễ dẫn đến việc “co kéo” sao cho đủ cũng như tìm cách nâng tầm lễ hội lên cấp tỉnh mà chính dự thảo cũng đã phản đối.

Thêm nữa, mỗi tỉnh có thể có những lễ hội tiêu biểu nhưng không nhất thiết phải bằng nhau về số lượng cũng như phải là lễ hội dân gian. Vì trong đời sống đương đại, có những địa phương tổ chức được một số sự kiện, hoạt động văn hóa nghệ thuật lớn theo định kỳ, đã trở nên nổi tiếng và gần như trở nên thương hiệu. Ví dụ như Festival Huế của Thừa Thiên - Huế, lễ hội pháo hoa quốc tế của Đà Nẵng, lễ hội hoa Đà Lạt…

Trả lễ hội cho cộng đồng

Những năm qua, các lễ hội dân gian được tổ chức với tinh thần trả lễ hội về cho dân; lấy người dân làm trung tâm, chủ thể của lễ hội; để người dân là lực lượng chính, cơ bản trong tổ chức các hoạt động lễ hội, còn các cơ quan Nhà nước thì tham gia định hướng, chỉ đạo, hỗ trợ người dân trong tổ chức, vận hành, duy trì các hoạt động lễ hội. Trong dự thảo cũng có những phần nhắc đến yếu tố cộng đồng, hoặc ở vai trò là đối tượng khai thác những ký ức dân gian để phục hồi lễ hội, hoặc ở khía cạnh khả năng tiếp nhận chuyển giao công nghệ tại chỗ, hoặc ở việc thực hiện các nội dung lễ tiết, tham gia vào các hoạt động hội.

Đặc biệt là “tiếp tục huấn luyện, đào tạo và bồi dưỡng kiến thức lễ hội cho những người làm công tác quản lý, chuyên gia nghiên cứu và cộng đồng dân cư”. Việc quan tâm nâng cao năng lực, vai trò của cộng đồng dân cư trong tổ chức, điều hành lễ hội là rất cần thiết. Dự thảo đã chạm đến, tuy nhiên vẫn còn quá sơ lược, trong khi đã đưa ra vấn đề xây dựng, bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ, đào tạo chuyên gia nghiên cứu, tổ chức và tổng kết lễ hội…

Chính cộng đồng, mà quan trọng nhất là cộng đồng dân cư cơ sở, nơi diễn ra lễ hội, cũng rất cần được hỗ trợ về nhiều mặt trong việc tổ chức, vận hành, giám sát lễ hội. Ở không ít nơi, những tiêu cực lễ hội tồn tại dai dẳng cũng một phần bắt nguồn từ sự vô ý thức, thiếu hiểu biết, thương mại hóa, vụ lợi… của chính người dân sở tại. Nhiều cảnh chướng tai, gai mắt ở lễ hội chùa Hương, ở hội Lim, hội đền Trần - Nam Định… cũng là những tiêu biểu cho tình trạng này. Đề cao vai trò phải luôn đi cùng với thường xuyên bồi dưỡng, hỗ trợ cho người dân sở tại, chính là một cách làm bền vững để các lễ hội giữ gìn được giá trị truyền thống, được lành mạnh, thanh lịch và văn minh hơn.

Nhiều nội dung khác của dự thảo quy hoạch tổng thể lễ hội toàn quốc giai đoạn 2012-2020, định hướng đến năm 2030, cũng cần tiếp tục được bàn thảo, góp ý. Hy vọng những phản biện thẳng thắn, kín kẽ của các chuyên gia cùng dư luận sẽ được ngành văn hóa đón nhận nhiệt tình, điều chỉnh trong văn bản, và quan trọng nhất là biến thành hành động trong công tác quy hoạch, định hướng, tổ chức và vận hành lẽ hội.

Xuyên Sơn

Những địa điểm check-in thú vị ở Bình Định

Những địa điểm check-in thú vị ở Bình Định

(PetroTimes) - Không chỉ được ưu ái với thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ, Bình Định còn ghi dấu với loạt câu chuyện lịch sử, văn thơ và nền văn hóa độc đáo...