Chương trình giáo dục phổ thông mới

Không biến học sinh thành “chuột bạch”

10:05 | 09/11/2017

1,739 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chiều 2-11, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra về việc lùi thời điểm triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới. Lý do Bộ Giáo dục và Đào tạo xin lùi thời gian triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới là bởi chưa thể yên tâm khi áp dụng. 

Cần có lộ trình

Báo cáo thẩm tra số 893 về việc điều chỉnh thời gian áp dụng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (GDPT) mới theo Nghị quyết 88 của Quốc hội nêu rõ, bên cạnh những kết quả tích cực thì thực tế qua 3 năm triển khai thực hiện nghị quyết cho thấy, việc chuẩn bị cho đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT còn nhiều hạn chế, chưa bảo đảm đúng lộ trình và tiến độ.

khong bien hoc sinh thanh chuot bach
Khai giảng năm học mới tại Trường THCS Trưng Vương (Hà Nội)

Cụ thể, khoản 4 điều 2 Nghị quyết 88 quy định: “Về lộ trình thực hiện: Từ năm học 2018-2019, bắt đầu triển khai áp dụng chương trình GDPT và sách giáo khoa mới theo hình thức cuốn chiếu đối với mỗi cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông”. Tuy nhiên cho đến nay, việc triển khai chương trình tổng thể đã chậm hơn 1 năm so với kế hoạch và dự kiến không thể triển khai theo đúng kế hoạch. Bên cạnh đó, chương trình các môn học vẫn chưa hoàn thiện, chưa thẩm định, thực nghiệm sách giáo khoa và bồi dưỡng, tập huấn cho giáo viên. Đặc biệt, việc chuẩn bị các điều kiện về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới, mặc dù các nội dung này đã được xác định rất rõ trong Nghị quyết 88.

Do vậy, Chính phủ đề nghị lộ trình thực hiện chương trình, sách giáo khoa GDPT mới sẽ bắt đầu triển khai từ năm học 2019-2020, chậm một năm so với lộ trình quy định tại Nghị quyết 88. Chương trình cũng sẽ áp dụng theo phương thức cuốn chiếu ở mỗi cấp học trên phạm vi toàn quốc đối với cấp tiểu học từ năm học 2019-2020, đối với cấp trung học cơ sở từ năm học 2020-2021 và đối với cấp trung học phổ thông từ năm học 2021-2022, không triển khai đồng thời ở lớp đầu của cả ba cấp học.

Không thể “thí nghiệm” học sinh

Trong Dự thảo chương trình GDPT tổng thể mà Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) công bố, mục đích chính của chương trình là hướng tới phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực của người học, là sự tiếp nối truyền thống xây dựng con người toàn diện có đức có tài, vừa hồng vừa chuyên của Việt Nam. Tuy nhiên trên thực tế, việc xây dựng chương trình GDPT và sách giáo khoa mới còn nhiều bất cập, nhiều điểm chưa khả thi.

Nhiều địa phương đã đề xuất Bộ GD&ĐT lùi thời hạn triển khai chương trình giáo dục phổ thông tổng thể thay vì áp dụng ngay từ năm học 2018-2019 theo kế hoạch. Sau đó, Bộ GD&ĐT đã có văn bản báo cáo Chính phủ xin giãn tiến độ thực hiện chương trình giáo dục phổ thông tổng thể một năm để chuẩn bị kỹ hơn.

Trong một cuộc hội thảo bàn về Dự thảo chương trình GDPT tổng thể, các chuyên gia cho rằng, chương trình được xây dựng theo hướng mở nhưng việc thực hiện được nêu trong dự thảo chưa đảm bảo được tính mở này. Về phẩm chất năng lực, ở đây mới chỉ liệt kê được những năng lực gì và biểu hiện của nó ra sao. Biểu hiện chỉ là cơ sở để đánh giá phẩm chất năng lực chứ chưa phải là điều cần đạt về năng lực.

Tại Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ năm học mới 2017-2018 do Bộ GD&ĐT tổ chức ngày 12/8, nhiều địa phương đã đề xuất Bộ GD&ĐT lùi thời hạn triển khai chương trình giáo dục phổ thông tổng thể thay vì áp dụng ngay từ năm học 2018-2019 theo kế hoạch. Sau đó, Bộ GD&ĐT đã có văn bản báo cáo Chính phủ xin giãn tiến độ thực hiện chương trình giáo dục phổ thông tổng thể một năm để chuẩn bị kỹ hơn.

Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 diễn ra ngày 3-10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhất trí với đề xuất của Bộ GD&ĐT về việc lùi thời gian 1 năm cho việc thực hiện chương trình và sách giáo khoa mới, đồng thời đề nghị tăng cường truyền thông, mở rộng đối thoại, tạo đồng thuận xã hội về đổi mới giáo dục.

Bàn về việc lùi thời gian áp dụng chương trình GDPT và sách giáo khoa mới, đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng: “Cá nhân tôi khi thảo luận còn đặt vấn đề sao không đề nghị lùi hẳn 2 năm, làm cho thật chu đáo. Bởi vì chúng ta không nên mang các cháu ra thí nghiệm. Cứ làm hết các khâu thử nghiệm, chắc chắn đi rồi chúng ta làm tiếp. Chúng ta phải thừa nhận giáo dục của chúng ta ngưng đọng quá lâu, quá lạc hậu, từ chương trình cho tới phương pháp giáo dục. Cho nên lần này theo chương trình của Trung ương là chúng ta thay đổi một cách rất căn bản và toàn diện, đòi hỏi theo kịp nhu cầu phát triển của đất nước đang hội nhập với nền giáo dục quốc tế”.

Kinh phí thực hiện dự án đổi mới giáo dục phổ thông

Tổng kinh phí thực hiện dự án đổi mới giáo dục phổ thông là 80 triệu USD, gồm 77 triệu USD vốn ODA vay ưu đãi và 3 triệu USD vốn đối ứng. Dự án chia làm 4 thành phần: Thành phần 1 là hỗ trợ phát triển chương trình với tổng kinh phí 16,4 triệu USD. Trong đó xây dựng chương trình (gồm chương trình tổng thể và các chương trình môn học) là 6,4 triệu USD, thực hiện chương trình là 10 triệu USD.

Thành phần 2 gồm hỗ trợ biên soạn và thực hiện sách giáo khoa theo chương trình với tổng kinh phí 20,5 triệu USD. Trong đó biên soạn một bộ sách giáo khoa do Bộ GD&ĐT tổ chức thực hiện là 16 triệu USD, kể cả việc biên soạn sách song ngữ (tiếng Việt - tiếng một số dân tộc thiểu số có chữ viết) của một số môn học ở tiểu học, biên soạn và thử nghiệm sách giáo khoa điện tử..., cấp sách giáo khoa cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn là 4,5 triệu USD. Hơn 37,5 triệu USD nhằm hỗ trợ đánh giá và phân tích kết quả học tập để liên tục cải tiến chương trình và chính sách giáo dục phổ thông.

Hai thành phần còn lại là “Hỗ trợ phát triển chương trình” và “Quản lý dự án”.

K.An