Dự thảo 5 tiêu chuẩn, 15 tiêu chí đánh giá giáo viên

13:21 | 30/03/2018

1,696 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT), các tiêu chuẩn và tiêu chí này sẽ là cơ sở đánh giá giáo viên phổ thông.  

Theo dự thảo Thông tư quy định về chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông mà Bộ GD&ĐT vừa đưa ra lấy ý kiến, đây là những yêu cầu cơ bản đối với giáo viên phổ thông về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và ngoại ngữ, tin học; năng lực xây dựng môi trường giáo dục dân chủ và năng lực phát triển quan hệ xã hội.

Cụ thể, chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông bao gồm 5 tiêu chuẩn, với 15 tiêu chí.

5 tieu chuan 15 tieu chi danh gia giao vien
Giáo viên trong một tiết dạy

Tiêu chuẩn 1: “Phẩm chất nghề nghiệp” yêu cầu giáo viên phải yêu thương, tôn trọng, thân thiện với học sinh; giữ gìn đạo đức, uy tín, lương tâm nhà giáo.

Tiêu chí 1. Mẫu mực với học sinh: Lối sống lành mạnh, văn minh, chuẩn mực, tác phong làm việc khoa học, nghiêm túc, ứng xử thân thiện với học sinh.

Tiêu chí 2. Phẩm chất đạo đức nhà giáo: Lập trường, tư tưởng chính trị vững vàng, tâm huyết, trách nhiệm với nghề nghiệp, giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín của nhà giáo.

Tiêu chuẩn 2: “Năng lực chuyên môn, ngoại ngữ và ứng dụng công nghệ thông tin” đòi hỏi giáo viên có kiến thức, kĩ năng về chuyên môn, ngoại ngữ, tin học đáp ứng chuẩn trình độ đào tạo và yêu cầu dạy học, giáo dục.

Tiêu chí 3. Năng lực chuyên môn: Vận dụng và phát triển trình độ chuyên môn được đào tạo trong dạy học và giáo dục.

Tiêu chí 4. Năng lực sử dụng ngoại ngữ: Sử dụng ngoại ngữ (hoặc tiếng dân tộc thiểu số đối với giáo viên công tác ở vùng dân tộc thiểu số) trong hoạt động chuyên môn và giáo dục.

Tiêu chí 5. Năng lực ứng dụng công nghệ thông tin: Ứng dụng được công nghệ thông tin trong hoạt động chuyên môn và giáo dục.

Tiêu chuẩn 3: “Năng lực nghiệp vụ sư phạm”, yêu cầu giáo viên có kiến thức, kĩ năng nghiệp vụ sư phạm đáp ứng yêu cầu của hoạt động dạy học và giáo dục.

Tiêu chí 6. Năng lực lập kế hoạch, tổ chức quá trình dạy học và giáo dục: Vận dụng được các phương pháp và kĩ thuật trong việc lập kế hoạch, tổ chức dạy học và hoạt động giáo dục.

Tiêu chí 7. Năng lực sáng tạo và dạy học hiệu quả: Thiết kế, áp dụng được các phương pháp, khai thác, phát triển học liệu, phương tiện dạy học hiệu quả, phù hợp đối tượng học sinh.

Tiêu chí 8. Năng lực đánh giá học sinh: Thiết kế, sử dụng được các công cụ, phương pháp đánh giá học sinh đúng quy định, hỗ trợ học sinh tiến bộ trong quá trình học tập và rèn luyện.

Tiêu chí 9. Năng lực tư vấn và hỗ trợ học sinh: Am hiểu học sinh, tư vấn, hướng dẫn, chăm sóc, hỗ trợ học sinh trong quá trình học tập và hướng nghiệp.

Tiêu chuẩn 4: “Năng lực xây dựng, thực hiện môi trường giáo dục dân chủ”, giáo viên thực hiện các quyền và nghĩa vụ của bản thân, xây dựng và phát triển môi trường dân chủ trong nhà trường.

Tiêu chí 10. Năng lực thực hiện quy chế dân chủ: Thực hiện đúng vai trò được biết, được bàn, được làm, được kiểm tra của giáo viên trong hoạt động của nhà trường.

Tiêu chí 11. Năng lực phát huy quyền dân chủ của học sinh và đồng nghiệp: Tạo dựng được môi trường học tập dân chủ, thân thiện, bình đẳng, hợp tác, khuyến khích sự sáng tạo.

Tiêu chí 12. Năng lực phát huy quyền dân chủ của cha mẹ học sinh và tổ chức, cá nhân có liên quan: Tạo dựng được môi trường dân chủ, thân thiện, bình đẳng, hợp tác thân thiện với cha mẹ học sinh và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Tiêu chuẩn 5: “Năng lực xây dựng các quan hệ xã hội”, tiêu chuẩn này yêu cầu giáo viên luôn sẵn sàng phục vụ, hợp tác và thân thiện với các bên liên quan trong và ngoài nhà trường.

Tiêu chí 13. Năng lực xây dựng mối quan hệ với học sinh: Hợp tác, hỗ trợ học sinh phát triển, thúc đẩy hoạt động giáo dục và đào tạo.

Tiêu chí 14. Năng lực xây dựng mối quan hệ với đồng nghiệp, cấp trên: Xây dựng mối quan hệ hợp tác, hỗ trợ đồng nghiệp và cấp trên, tạo môi trường văn hóa trong trường học.

Tiêu chí 15. Năng lực xây dựng mối quan hệ với cha mẹ học sinh, tổ chức, cá nhân có liên quan: xây dựng mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với cha mẹ học sinh, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Mỗi giáo viên được đánh giá theo từng tiêu chí và đánh giá chung. Mỗi tiêu chí được đánh giá theo các mức “Đạt”, “Khá”, “Tốt” và “Không đạt”. Căn cứ vào kết quả đánh giá từng tiêu chí, giáo viên sẽ được xếp loại đánh giá chung các mức độ “Đạt”, “Khá”, “Tốt” hoặc “Không đạt”.

Đối với mức “Đạt”, toàn bộ các tiêu chí phải được đánh giá từ mức “Đạt” trở lên. Mức “Khá”, có tất cả các tiêu chí được đánh giá từ mức “Đạt” trở lên, trong đó đảm bảo tối thiểu 12/15 tiêu chí đạt từ mức “Khá” trở lên, trong đó, các tiêu chí ở tiêu chuẩn 2 và tiêu chuẩn 3 được xếp ở mức “Khá” trở lên. Mức “Tốt”, có tất cả các tiêu chí được đánh giá từ mức “Khá”, trong đó, đảm bảo tối thiểu 12/15 tiêu chí đạt từ mức “Tốt”, các tiêu chí ở tiêu chuẩn 2 và tiêu chuẩn 3 được xếp ở mức “Tốt”. Mức “Không đạt”, có từ 1 tiêu chí trở lên không đáp ứng yêu cầu của mức “Đạt”.

Theo định kỳ hằng năm, giáo viên tự rà soát, đánh giá vào cuối năm học để tự xác định mức độ đạt được theo chuẩn, từ đó xây dựng kế hoạch rèn luyện phẩm chất nghề nghiệp và nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Theo định kỳ 3 năm/lần, nhà trường tổ chức đánh giá giáo viên theo chuẩn.

Giai đoạn 2018 - 2020 sẽ sử dụng kết quả đánh giá hằng năm để xây dựng và thực hiện chế độ, chính sách, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ cho giáo viên. Từ năm 2021, ngoài việc sử dụng kết quả đánh giá hằng năm để xây dựng và thực hiện chế độ, chính sách đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ cho giáo viên, kết quả đánh giá theo chuẩn sẽ được sử dụng để thực hiện cả trong việc tuyển dụng, điều động, luân chuyển giáo viên.

Các tiêu chuẩn, tiêu chí là một trong những khung tham chiếu để cơ quan có thẩm quyền đánh giá điều kiện đảm bảo chất lượng của cơ sở đào tạo giáo viên và tham khảo trong xây dựng chế độ, chính sách phát triển nguồn nhân lực, góp phần chuẩn hóa đội ngũ giáo viên.

Dự thảo này được Bộ Giáo dục và Đào tạo tham khảo ý kiến góp ý đến hết ngày 25/5.

Sau khi dự thảo được đưa ra, nhiều ý kiến cho rằng các tiêu chuẩn này sẽ là thước đo đánh giá chất lượng của một giảng viên đúng nhất và hiệu quả nhất. Thông qua kết quả đánh giá, cơ sở đào tạo có thể nhận định chính xác, sàng lọc được những giảng viên có thể đáp ứng được đầy đủ tiêu chuẩn về năng lực, phẩm chất, giúp môi trường đào tạo sư phạm thực sự đạt chất lượng cao.

Có thể nói, bộ chuẩn giảng viên sư phạm có ý nghĩa lớn ở chỗ, một số nhà khoa học ở trường đại học sư phạm trước đây chỉ chú tâm vào nghiên cứu cơ bản, giảng dạy những vấn đề khoa học thuần túy, khi có chuẩn giảng viên, buộc các giảng viên này phải hướng tới nghiên cứu cơ bản, ứng dụng hướng đến nghiệp vụ, hướng đến giáo dục phổ thông, hướng và dẫn dắt các thế hệ trẻ, đó là sứ mạng của người thầy.

Tuy nhiên, để bộ tiêu chuẩn này được thực thi một cách hiệu quả, mỗi cơ sở giáo dục cần cụ thể hóa thành các tiêu chuẩn, tiêu chí phù hợp với đơn vị mình, phù hợp với với giảng viên của các hệ đào tạo, các nhóm ngành đặc thù khác nhau. Bên cạnh đó, rất cần có thêm chế độ chính sách cụ thể, trong đó quy định rõ ràng hơn về việc đánh giá, xử lý kết quả đánh giá của các đơn vị để khuyến khích việc phấn đấu của giảng viên.

Nhã Anh