Bộ Y tế

Đã biến điều không thể thành có thể

09:20 | 05/04/2016

826 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Là một ngành thiết thực với đời sống dân sinh, nên tất cả những vấn đề của y tế luôn được coi là “nóng”. Thế nhưng 5 năm qua, trước những tồn dư trước đó vốn vẫn được coi là bùng nhùng, là khó khăn, ngành y tế đã giải quyết để dần thay đổi toàn diện, một việc làm tưởng chừng không thể, nhất là trong khoảng thời gian như vậy.

Không còn là đề án

Có thể nói khó khăn nhất và cũng là thách thức lớn nhất đặt ra cho ngành y tế là vấn đề giảm tải bệnh viện. Bao nhiêu năm, nhiều giải pháp được đặt ra thế nhưng tình trạng này vẫn “dậm chân tại chỗ” với “nạn” 3-4 người nằm chung một giường. Nào là tăng giờ khám bệnh, tăng giường nằm v.v… song trớ trêu thay dường như càng thực hiện các biện pháp đó một cách “đơn thương độc mã” thì bệnh nhân càng… quá tải. Chỉ đến khi thực hiện Đề án 1816, là đề án đưa bác sĩ tuyến Trung ương, tuyến trên về tuyến dưới làm việc trong hạn định theo quy định nhằm chuyển giao công nghệ, cầm tay chỉ việc… kết hợp với các biện pháp song song như nâng cao, mở rộng cơ sở hạ tầng thì giảm tải mới có dấu hiệu chuyển mình.

da bien dieu khong the thanh co the
Mỗi trẻ đã được nằm một giường tại khoa truyền nhiễm Viện Nhi Trung ương

Thực ra, Đề án 1816 đã có từ thời gian trước 5 năm đó, từ thời kỳ người tiền nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế là ông Nguyễn Quốc Triệu. Lúc đó, Đề án cũng đã đạt được những thành công nhất định đặc biệt vào năm 2010. Tiếp tục kế thừa và phát huy, người đứng đầu ngành y tế hiện nay là Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã chỉ đạo, quyết liệt thực hiện coi đây như giải pháp then chốt, “bí quyết” giảm tải cho nên Đề án 1816 không chỉ còn là “trên giấy tờ” mà có hiệu quả thực sự. Theo thống kê của ngành y tế đã có 119 bệnh viện được xây mới, 2000 khoa phòng điều trị được cải tạo. Số phòng khám, bàn khám tăng gấp đôi, số giường bệnh trên 1 vạn dân tăng từ 24,7 lên 31,4. Thời gian chờ đợi khám cũng giảm trung bình 49 phút, các thủ tục hành chính giảm từ 9 chữ ký xuống còn 4-6 chữ ký. Đã có 46 bệnh viện vệ tinh ở 38 tỉnh thành, tình trạng nằm ghép đã kiểm soát được 40%... Nói chung triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, tình trạng quá tải đã giảm trông thấy.

Đã xuất hiện những nụ cười

Cùng với giảm tải, Bộ Y tế đã chỉ đạo quyết liệt đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của các cán bộ y tế, một vấn đề trong suốt những năm qua gây nhức nhối dư luận, làm ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh vẫn được coi là “lương y như từ mẫu” của ngành y.

Thông qua các chương trình tập huấn nâng cao kỹ năng giao tiếp cho cán bộ y tế, hướng dẫn các cơ sở khám chữa bệnh thành lập các đơn vị chăm sóc người bệnh, quy định trang phục của cán bộ y tế, xây dựng phong cách, thái độ, phục vụ văn minh, thân thiện, không có tiêu cực… Bộ Y tế đã dần thay đổi được phong cách, thái độ phục vụ của các nhân viên y tế, một việc tưởng chừng rất khó xoay chuyển tình thế. Minh chứng là vào các bệnh viện, đặc biệt là các bệnh viện tuyến trên, tuyến Trung ương hiện nay, nơi được cho là tồn tại thái độ phục vụ ban ơn rõ nhất đối với bệnh nhân, đã không còn những gương mặt cau có, lời nói nhấm nhẳng hay cáu gắt… mà thay vào đó là nụ cười thường trực, ánh mắt thân thiện, tận tình hướng dẫn bệnh nhân. Đặc biệt là cách xử lý dứt điểm, nghiêm khắc đối những cán bộ y tế vi phạm trong công tác phục vụ bệnh nhân của Bộ Y tế đã rất được “lòng dân”.

Dám nghĩ dám làm

Điều chỉnh giá dịch vụ y tế, một hành động mà theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Văn Tiên tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII đánh giá là một trong những hành động dũng cảm cũng đã được Bộ Y tế thực hiện. Bởi đây là mức giá được thực hiện từ năm 1995, chỉ tính một phần chi phí cho người khám chữa bệnh. Đến năm 2012 và đầu tháng 3 vừa rồi, viện phí mới tăng từng bước theo lộ trình, nghĩa là trong gần 20 năm, khi giá các mặt hàng thiết yếu như xăng, dầu, vật tư tiêu hao đều đã tăng 5-6 lần, lương tối thiểu tăng 6,9 lần (tính đến năm 2011) thì giá dịch vụ y tế vẫn nguyên như cũ.

da bien dieu khong the thanh co the
Xếp hàng làm thủ tục tại Bệnh viện Việt Đức

Trong khi nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng đòi hỏi chất lượng cao hơn, ngân sách Nhà nước lại không đủ đầu tư, cơ sở vật chất xuống cấp, thu nhập của cán bộ nhân viên y tế không xứng với công sức lao động, ngành y tế không có nguồn tài chính để tái đầu tư… Chính vì vậy, thực hiện nghị quyết của đại hội 11, nghị quyết 36 Bộ Chính Trị, Ban cán sự Đảng của Bộ Y tế đã quyết định đổi mới toàn diện cơ chế tài chính theo hướng giá dịch vụ y tế phải tính đúng, tính đủ, đồng thời thực hiện BHYT toàn dân.

Tuy nhiên, ở quyết định này, có thể thấy Bộ Y tế đã dũng cảm đúng như Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội khẳng định ở chỗ dám nghĩ, dám làm và dám thay đổi cả nếp nghĩ bao cấp vốn thường trực trong người dân.

Về BHYT, cũng là một thành tựu đáng kể trong 5 năm qua của ngành y tế. Bởi Đề án thực hiện lộ trình BHYT toàn dân giai đoạn 2012-2015 và 2020 đã cho thấy hiệu quả khi tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế tăng từ 66,4% năm 2012 lên 71,4% năm 2014. Tính đến 6 tháng đầu năm 2015, tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 72,58%, riêng nhóm tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình là 7,7 triệu người, đạt 31,5%; ước tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế cuối năm 2015 đạt 75,4%. Như vậy, Bộ Y tế đã vượt chỉ tiêu Quốc hội giao là 20% về tỷ lệ tham gia bảo hiểm.

Trước những kết quả đạt được trên, thực sự là Bộ Y tế đã biến được những điều tưởng chừng không thể thành có thể để đạt mục tiêu tối thượng vì người bệnh. Những thành tích này, hy vọng thời gian tới sẽ tiếp được hiện thực hóa nhiều hơn nữa để mong mỏi của người bệnh đối với một ngành được vinh danh “lương y như từ mẫu” không chỉ là giấc mơ…

Xuân Bách