'Cơn khát' vắc-xin Pentaxim

07:30 | 08/08/2016

1,784 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chưa bao giờ việc đăng ký tiêm chủng “5 trong 1” bằng vắc-xin pentaxim lại “nóng” như trong thời điểm này. Mỗi khi có thông báo “Đăng ký vắc-xin Pentaxim 5 trong 1 đợt…” là hàng ngàn, hàng vạn ông bố bà mẹ ở Hà Nội lại nháo nhào tìm mọi cách để kiếm được một “slot” cho con. Cơn sốt này thậm chí còn lây sang cả các tỉnh, thành phố lân cận như Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Ninh…  
con sot vac xin pentaxim

Tháng 2-2016, anh Hoàng Văn Tú (quận Long Biên, Hà Nội) vui mừng đón bé gái đầu lòng. Thế là không chỉ lo chăm sóc bà đẻ, lo bú mớm, giặt tã cho con… anh Tú thêm một gánh nặng là phải đăng ký bằng được cho con tiêm vắc-xin Pentaxim.

Pentaxim là loại vắc-xin “5 trong 1” (phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt và phòng nhiễm khuẩn xâm lấn Hib) do Hãng Sanofi Pasteur (Pháp) sản xuất. Từ cuối năm 2015, Hà Nội đã “lên cơn sốt” về loại vắc-xin này.

Thực ra, theo chương trình “Tiêm chủng mở rộng” (TCMR), trẻ em từ 2 tháng tuổi trở lên có thể tiêm “5 trong 1” (còn gọi là vắc-xin Quinvaxem, được sản xuất tại Hàn Quốc) tại các trung tâm y tế dự phòng cũng như trạm y tế ở các phường, xã. Vắc-xin này được tiêm miễn phí (so với Pentaxim là loại vắc-xin “dịch vụ”, có giá hơn 700 ngàn đồng cho một mũi tiêm).

Tuy nhiên, những “sự cố” liên tiếp về việc trẻ bị tử vong do sốc phản vệ đã khiến cho nhiều ông bố, bà mẹ đứng ngồi không yên. Đỉnh điểm sáng 25-12-2015 điểm đăng ký tiêm chủng trực tiếp tại Phòng Tiêm chủng và Dịch vụ Polyvac (thuộc Bệnh viện Đại học Quốc gia Hà Nội) số 182 Lương Thế Vinh (Thanh Xuân, Hà Nội) hàng trăm người đã tranh nhau đăng ký gây hỗn loạn. Ban lãnh đạo trung tâm đành phải tuyên bố… hoãn vì không thể đảm bảo được trật tự. Mọi người đành ra về, chờ đợt đăng ký qua mạng.

Vợ chồng anh Tú quyết định sẽ “săn” bằng được vắc-xin Pentaxim cho con. Hai vợ chồng ngày nào cũng vào website của trung tâm y tế dự phòng vài lần, rồi hỏi thông tin bạn bè làm ở bệnh viện, Bộ Y tế… rình rập xem ngày nào có đợt đăng ký.

con sot vac xin pentaxim
Nhiều bậc phụ huynh phải lao tâm khổ tứ mới có thể kiếm được một suất tiêm vắc-xin Pentaxim cho con

MỘT SỐ “KỶ LỤC” ĐĂNG KÝ TIÊM PENTAXIM

Ngày 29-12-2015, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội mở đợt đăng tiêm vắc-xin Pentaxim trực tuyến tại website http://www.ytdphanoi.gov.vn/

Đúng 9 giờ 00 phút gần 80 ngàn lượt truy cập vào website này. Đến 9 giờ 3 phút, đã có tới hơn 87 ngàn lượt truy cập. Và 3.200 liều vắc-xin đã hết veo chỉ trong 3 phút đăng ký qua mạng.

Ngày 7-4-2016 Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương mở đợt đăng ký tiêm vắc-xin Pentaxim với số lượng 3.000 liều. Chỉ chưa đầy 3 phút số lượng vắc-xin này cũng đã được đăng ký hết veo.

Chờ mãi, cháu bé đã gần 2 tháng tuổi mà chưa thấy có thông tin gì, cả nhà sốt sình sịch. Ngày 28-3-2016 tại website của Trung tâm Dịch vụ Khoa học kỹ thuật và Y tế dự phòng - Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (131 Lò Đúc, Hai Bà Trưng, Hà Nội) thông báo 9 giờ sáng mai sẽ mở đợt đăng ký hơn 2.000 liều vắc-xin dịch vụ Pentaxim. Vợ chồng Tú vội vàng hỏi bạn bè kinh nghiệm làm sao để có thể đăng ký được. Vì trên trang fanpage của trung tâm, mỗi thread đều có hàng trăm, hàng ngàn comment than phiền là không thể đăng ký nổi.

“29-3 có một đợt đăng ký đấy, chuẩn bị tinh thần đi nhé” - tin nhắn từ một người bạn của vợ Tú khiến hai vợ chồng mừng quýnh. Nếu đăng ký được đợt này thì cháu bé cũng vừa đúng tròn 2 tháng.

Theo bí quyết của nhiều người đã đăng ký trước, Tú gõ trước các thông tin gồm họ tên, ngày tháng năm sinh của con gái; họ tên bố, số điện thoại, số CMND và địa chỉ email ra sẵn một file văn bản để sau đó thực hiện lệnh “sao chép” và “dán” cho tiết kiệm thời gian. Tất cả lịch làm việc, họp hành vào sáng ngày 29-3 Tú đều từ chối tham gia, tập trung 100% sinh lực để bước vào… trận chiến.

8 giờ 30 phút Tú đã ngồi bên cạnh chiếc máy tính, mắt dán vào màn hình. Nút F5 (làm mới trang web) liên tục được thực hiện. 9 giờ kém 10 phút, có một cuộc gọi từ sếp, nhưng Tú không dám nghe máy. 9 giờ kém 3 phút, bất ngờ màn hình trang web của trung tâm y tế dự phòng “mở cửa” cho phép đăng ký. Tú vội vã vừa gõ, vừa sao chép thông tin, dán vào các ô trống của trang đăng ký. Xong bước 1, Tú vội vã chuyển sang bước 2 là chọn ngày. Sợ ngày đầu bị người khác nhanh tay đăng ký, Tú kéo xuống gần ngày cuối cùng của đợt tiêm rồi bấm chọn, sau đó gõ dòng “capcha” (hình ảnh chứa đoạn mã xác nhận, có tác dụng phân biệt đối tượng đang truy cập là người hay máy) rồi bấm “hoàn tất”.

con sot vac xin pentaxim
Người dân đến đăng ký tiêm chủng

Vài giây chờ đợi mà cảm thấy thật dài. Phải đến khi màn hình hiện lên dòng chữ: “Chúc mừng bạn đã đăng ký thành công” Tú mới thở phào nhẹ nhõm. Cậu vội bấm điện thoại gọi cho vợ. Vừa bắt máy vợ Tú đã hỏi dồn: “Chồng đăng ký được không? Em toạch rồi!”. “Dĩ nhiên là được chứ. Đúng ngày luôn”! “Chồng number one (chồng là số 1) ”- vợ Tú hét lên trong điện thoại.

Chị Vũ Thanh Hằng (trú tại Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội) có cô cháu gái sinh vào tháng 4-2016. Nghe mọi người bảo rằng việc đăng ký trực tuyến rất khó, nếu không có kinh nghiệm thì “toạch” là bình thường, chị Hằng đã huy động “đại gia đình” gồm 10 người cùng tham gia đăng ký cho một cháu bé. 9 giờ sáng ngày 22-6-2016, cả chục người trong gia đình mỗi người một máy tính đua nhau cóp cóp dán dán. “Ấy thế mà cuối cùng cũng chỉ một cháu trai nhanh nhẹn đăng ký được, 9 người còn lại đều toạch” - chị Hằng chia sẻ với chúng tôi.

Nhưng không phải ai cũng may mắn như Tú hay chị Hằng. Lan Hương (26 tuổi, hiện đang công tác tại một doanh nghiệp Viễn thông) tỏ ra bức xúc: “Em cũng tham đăng ký tiêm vắc-xin trực tuyến trên website của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương vào đúng 9 giờ sáng ngày 29-3-2016. Em bấm thời gian, điền đủ thông tin chỉ trong khoảng 15 giây mà trang lại báo về: “Đã hết phiếu đăng ký”. Xem lại danh sách những người đăng ký thành công có người đăng ký xong trong có… 1 giây. Làm gì có chuyện điền thông tin nhanh như thế? Rõ ràng là có điều gì mờ ám ở đây!?”.

Chuyện của gia đình ông Phạm Văn Cường (trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) còn bi hài hơn. Ông có chàng rể (tên Hưng) là kỹ sư công nghệ thông tin, nên rất tự tin trong việc đăng ký qua mạng. Dù con gái ông Cường đã “cảnh báo” là việc đăng ký không phải dễ dàng, song chàng rể chỉ cười nhạt, bảo: “Đàn bà thì biết gì, việc bằng con… muỗi mà cứ quan trọng hóa”.

Tháng 5-2016, Trung tâm Polyvac (Vĩnh Hưng, Hoàng Mai) cũng tổ chức đăng ký tiêm vắc-xin Pentaxim trực tuyến trên trang web. Hưng nhẩn nha ăn sáng, uống cà phê đến 9 giờ kém 5 phút thì vào trang. Nhưng ôi thôi, trình duyệt liên tục báo: “Không tìm thấy trang web này” (do quá tải lượng người truy cập). Hưng liên tục bấm F5 để vào lại thì phải đến 10 phút sau mới truy cập được. Vội vàng gõ thông tin rồi gửi đi, song website cứ báo “đang xử lý” đến 30 phút chưa xong. Và cho đến khi xử lý xong thì màn hình hiện lên dòng chữ: “Đã hết phiếu đăng ký”.

con sot vac xin pentaxim

Thế là Hưng bị vợ đay nghiến: “Tại sao người khác đăng ký được mà anh lại không? Rõ là kỹ sư công nghệ thông tin cơ đấy!”. Cháu bé sau đó được đi tiêm vắc-xin 5 trong 1 của Hàn Quốc, đêm về sốt cao phải mất mấy hôm mới khỏi. Vợ Hưng được thể suốt ngày ca cẩm rên rỉ là “thiếu hiểu biết”, “chủ quan kinh địch”. Sau vụ này, uy tín của chàng rể sụt giảm thê thảm.

Cũng vì việc đăng ký trực tuyến rất khó, gần như mang tính chất “hên - xui” nên các gia đình có cháu bé đến tuổi phải tiêm đều rất lo lắng. Chính vì thế mà họ phải huy động nhiều người cùng đăng ký cho yên tâm. Nhưng nhiều người cũng chưa chắc đã ăn thua. Như gia đình bà Hoàng Thị Mai (Gia Lâm, Hà Nội) là một ví dụ.

Người viết bài cũng có một con nhỏ sinh vào tháng 2-2016 và cũng phải rất vất vả mới có thể đăng ký đủ 3 mũi tiêm cho cháu. Mũi đầu tôi đăng ký vào ngày 29-3 tại website của Trung tâm Dịch vụ Khoa học kỹ thuật và Y tế dự phòng - Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương. Dù thời gian công bố là 9 giờ sáng sẽ mở cửa để đăng ký, song tôi phát hiện 9 giờ kém 3 phút đã có thể đăng ký. Cũng chính vì vậy mà mới có những trường hợp đăng ký thành công chỉ trong vài giây đầu. Lần thứ hai tôi tham gia đăng ký tại website của Trung tâm Polyvac Vĩnh Hưng, Hoàng Mai thì cũng bị “toạch” vì không tải được trang web đó. Tiếp tục đăng ký bên Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội thì thành công, nhưng thời gian tiêm lại sớm hơn nhiều ngày so với lịch (theo quy định mũi thứ hai sau mũi một ít nhất 30 ngày) nên phải mang hồ sơ đổi lại ngày.

Khi đưa trẻ đi tiêm vắc-xin tại một số trung tâm y tế dự phòng, tôi cũng gặp nhiều ông bố bà mẹ lặn lội từ TP Hải Dương, Hải Phòng… đưa con đi tiêm ở Hà Nội. Hầu hết những vị phụ huynh này đều phải… mua suất với giá 1 triệu đồng/suất!

Còn nhớ cuối năm 2015, đầu năm 2016, việc đăng ký được một mũi Pentaxim hết sức khó khăn. Ở Hà Nội chủ yếu có 4 trung tâm có hệ thống đăng ký tiêm chủng trực tuyến là Trung tâm Dịch vụ Khoa học kỹ thuật và Y tế dự phòng (131 Lò Đúc, Hai Bà Trưng); Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội (70 Nguyễn Chí Thanh, Đống Đa); Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vắc-xin và sinh phẩm y tế (418 Vĩnh Hưng, Hoàng Mai) và Phòng Tiêm chủng và Dịch vụ Polyvac (thuộc Bệnh viện Đại học Quốc gia Hà Nội ở 182 Lương Thế Vinh, Thanh Xuân). Mỗi đợt đăng ký tại các trung tâm trên có khoảng 2-4 ngàn liều vắc-xin, so với hàng chục ngàn trẻ em đến lịch tiêm thì chỉ như muối bỏ bể. Chính vì cung không đủ cầu nên đã xảy ra tình trạng tranh nhau, thậm chí… mua suất.

Từ cuối năm 2015 trên một số diễn đàn như web…, lam…com đã xuất hiện một số lời rao: “Nhượng lại suất tiêm Pentaxim…”. Chúng tôi đã liên hệ với người có nickname small_hc… trên diễn đàn lam…com. Người này cho biết họ đang thừa một suất vào đầu tháng 7-2016, nếu cần thì họ nhượng lại với giá 1 triệu đồng. “Có sợ cán bộ y tế phát hiện không?” - Tôi hỏi. “Anh yên tâm, khi nào tiêm xong mới lấy tiền. Cũng không phải lần đầu em nhượng lại suất như thế này”- small_hc trả lời.

Là “người trong cuộc” nên tôi thấy việc sang nhượng (hay đúng hơn là mua bán) suất tiêm pentaxim là hoàn toàn có khả năng xảy ra. Mặc dù các trung tâm y tế dự phòng có quy trình khá chặt là khi đưa bé đi phải có giấy khai sinh, sổ tiêm chủng, CMND của phụ huynh… để đối chiếu. Tuy nhiên, trên thực tế một người có thể mang hồ sơ tiêm phòng của một bé này để đăng ký tiêm cho một bé khác mà gần như không bị phát hiện.

Chúng tôi còn được nghe những thông tin “kinh khủng hơn”. Có những nơi “rao” bán vắc-xin Pentaxim với giá 6 triệu đồng/mũi, 3 mũi là 18 triệu đồng. Thậm chí có thời điểm, vắc-xin Pentaxim còn được đẩy lên tới 30 triệu đồng cho gói 3 mũi.

Được biết, từ tháng 6-2010, vắc-xin 5 trong 1 Quinvaxem được đưa vào danh mục tiêm chủng miễn phí cho trẻ dưới 1 tuổi (TCMR). Nhưng ngành y tế cũng từng quyết định dừng tiêm vắc-xin Quinvaxem sau 9 trường hợp trẻ tử vong sau khi sử dụng vắc-xin. Mặc dù Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhiều lần khẳng định, vắc-xin Quinvaxem an toàn, song trên thực tế, nhiều người dân vẫn không thể an tâm khi nhìn thấy cảnh một số trẻ sơ sinh tử vong sau một mũi tiêm. Bất an hơn khi trong số những trẻ kia, nhiều trẻ không hề phát hiện có bệnh lý.

Mỗi đứa trẻ sinh ra là niềm vui, niềm hạnh phúc lớn của cha mẹ, ông bà. Thế nên, trước những thông tin trẻ bị tử vong do sốc phản vệ với vắc-xin Quinvaxem, ít người dám “đánh cược” tính mạng của con mình là điều dễ hiểu. Cũng chính vì vậy mà cơn sốt vắc xin Pentaxim được dịp “bùng phát”.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến xác nhận thực tế một bộ phận người dân không tin tưởng vào vắc-xin Quinvaxem trong TCMR. Bộ Y tế đã chỉ đạo Cục Quản lý Dược trực tiếp sang các nước, làm việc với nhà phân phối vắc-xin Pentaxim. Sau nhiều lần đàm phán, gây áp lực, công ty sản xuất mới lấy một lượng nhỏ từ các nơi họ phân phối để có số lượng vắc-xin (Pentaxim) cho Việt Nam trong thời gian qua. Bà Tiến nói: “Năm 2014, chúng tôi đã bàn đến việc thay Quinvaxem nhưng làm không nổi. Bản thân tôi đã sang Genève (Thụy Sĩ) mấy lần, làm việc với các chuyên gia Viện Nhi nhưng cũng chưa thể thay được vì nhiều lý do. Các chuyên gia độc lập, chuyên gia của WHO cho rằng, nếu thay vắc-xin dịch vụ (loại 5 trong 1) đối với một đất nước có đông trẻ em như Việt Nam phải cân nhắc. Thay thế vắc-xin Quinvaxem bằng vắc-xin dịch vụ rất khó do tiền mua vắc-xin dịch vụ cao gấp mấy lần Quinvaxem.

Sở dĩ Bộ Y tế không thay vắc-xin Quinvaxem là do nếu thay bằng vắc-xin dịch vụ thì dịch ho gà có nguy cơ quay trở lại vì hiệu quả bảo vệ của vắc-xin vô bào không bằng Quinvaxem. Ngoài ra, khi tiêm chủng vắc-xin dịch vụ với số lượng lớn thì nguy cơ tai biến và tử vong sau tiêm cũng sẽ như tiêm Quinvaxem chứ không kém hơn. Khi đó lại đổ cho vắc-xin dịch vụ 5 trong 1, 6 trong 1…”.

“Nữ quái” lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua việc bán suất tiêm vắc-xin Pentaxim

Tháng 3-2016 Công an quận Hai Bà Trưng, (TP Hà Nội) đã bắt được một

con sot vac xin pentaxim
Topic rao bán suất tiêm Pentaxim trên một diễn đàn

đối tượng chuyên lừa đảo tiêm vắc-xin 5 trong 1. Đối tượng là Nguyễn Thị Nụ (SN 1988, trú tại Mê Linh, TP Hà Nội).

Tại Cơ quan Công an, Nụ khai khoảng tháng 10-2015, thấy vắc-xin Pentaxim “5 trong 1” trên địa bàn Hà Nội khan hiếm, Nụ đã nảy sinh ý định lừa đảo. Nụ lên mạng, lấy tên giả là Nguyễn Thu Hương, giới thiệu đang công tác tại một đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng rồi khoe có khả năng mua được các suất tiêm phòng loại vắc-xin trên.

Nụ để lại số điện thoại và hướng dẫn người có nhu cầu chuyển tiền đặt cọc vào tài khoản cá nhân của mình mở tại một ngân hàng, chi nhánh Ba Đình, Hà Nội. Đầu tháng 1-2016, nhiều người tưởng thật nên đã liên hệ đặt tiền mua suất tiêm phòng vắc-xin thông qua số điện thoại của Nụ cho. Nụ yêu cầu mỗi một mũi tiêm, người có nhu cầu phải chuyển cho Nụ số tiền thấp nhất là 2,3 triệu đồng, nếu đặt tiêm hai mũi phải chuyển 4,2 triệu đồng.

Trong vòng nửa tháng, Nụ đã nhận của 16 bị hại với tổng số tiền 88,5 triệu đồng. Do không mua được suất tiêm vắc-xin, Nụ nhiều lần tìm cách hẹn lùi ngày tiêm với các bị hại. Tuy nhiên, nghi ngờ bị lừa đảo, các bị hại đã tố cáo và đưa Nụ đến Công an phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng. Tại đây, Nụ thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình.

Yên Chi

Năng lượng Mới số 546