Chuyện từ chiếc áo vỏ cây

06:40 | 14/04/2024

1,655 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Để giữ lấy nét văn hóa truyền thống của người Cơtu dưới sự che chở của rừng, ở tuổi gần bát thập, già Clâu Blao (làng Voòng, xã Tr’hy, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam) vẫn miệt mài làm áo vỏ cây. Nhưng cuộc sống đang dần thay đổi, nền văn minh mới lại mang đến nỗi niềm lo lắng cho già.
Chuyện từ chiếc áo vỏ cây
Già làng Clâu Blao mặc thử chiếc áo vỏ cây vừa được hoàn thiện

Chiếc áo vỏ cây

Già Clâu Blao đi sâu vào rừng, những bước chân vẫn thoăn thoắt băng qua từng ngọn dây leo như đang muốn níu lại. Già về rừng như thể người con xa xứ trở về nhà. Vừa đi già vừa kể, để làm được áo vỏ cây, các loại thân dây như đhin, đhul, đhi zi lang, đzi abâm, hay các loại dây leo như zi lang, cơ lơm… sẽ là lựa chọn tốt nhất. Áo còn có thể làm từ những loại cây có thân gỗ như ta coỏng, a mớt, đha my, ta đuh, chơr za giang…

“Loại nào là thân dây thường bóc ra chỉ được một mảnh nhỏ, phải ghép nhiều mảnh với nhau mới đủ dùng. Còn với những cây thân gỗ, phải nướng cây, rồi dùng một đoạn gỗ gõ xung quanh thân cây để vỏ bong ra thành sợi mới lấy được. Sau đó đem vỏ ngâm dưới nước suối, rửa qua rồi phơi khô mới làm thành áo được”, già Clâu Blao kể.

Sau khi được ngâm dưới suối để bớt đi chất nhựa, những phần vỏ cây này sẽ được nấu qua với các loại như lá quế, cây sả, củ riềng núi… để có mùi thơm, tránh côn trùng cắn phá và tăng độ bền. Áo có hai loại để mang vào mùa lạnh và mùa nóng. Phía trong áo thường được mài nhẵn để không gây ngứa ngáy, tổn hại đến da, phần ngoài thường được để sần sùi. Vì qua nhiều công đoạn, nên những người thợ giỏi nhất một ngày cũng chỉ có thể làm 2-3 chiếc áo. Không chỉ làm áo, vỏ cây còn được đồng bào Cơtu nơi đây làm thành váy, khố, mũ…

Áo vỏ cây thường sử dụng vào những dịp lễ hội, nơi nam nữ đồng bào Cơtu sẽ cùng nhau nhảy múa điệu tung tung - da dá truyền thống. Hiện nay, áo vỏ cây được rao bán dao động 100-500 nghìn đồng, để làm vật kỷ niệm về chuyến đi đến dãy Trường Sơn bạt ngàn.

Tay già Clâu Blao vẫn đập những nhát thật mạnh vào vỏ cây, tách từng mảng vỏ một cách thuần thục, dù từ lâu, áo vỏ cây chỉ còn là một vật phẩm để nhớ về những điều đã cũ. Tự hỏi, tại sao đã quá lâu rồi chẳng ai còn sử dụng chiếc áo này nữa, nhưng già vẫn miệt mài lặn lội đi tìm vỏ cây, làm áo? Rồi già Clâu Blao dừng tay, kể về thời nghèo khó cách đây hơn nửa thế kỷ - những ký ức mà già từng muốn giữ cho riêng mình.

Già Clâu Blao say sưa kể về chiếc áo vỏ cây và cũng để luôn nhớ rằng, những năm tháng nhọc nhằn, từ cái ăn đến cái mặc của người Cơtu đều được đại ngàn bao bọc, chở che. Từ chiếc áo vỏ cây của nhiều lớp người Cơtu đến hành trình đất nước tự do và cái ăn cái mặc được đủ đầy, áo vỏ cây không chỉ là một vật kỷ niệm mà còn là một vật chứng lịch sử.

“Áo là gốc, là cội của đồng bào đó. Con trẻ sau này phải biết cha ông chúng đã từng sống dựa rừng như thế nào. Không có rừng, làm sao sống được, làm sao có làng. Lớp trẻ nên biết và phải biết trân trọng những nét văn hóa của đồng bào mình”, già làng Clâu Blao nói.

Chiếc áo vỏ cây của người Cơtu không đơn thuần chỉ là vật dùng che chở cho thân thể mà còn thể hiện một nếp sống dưới sự bao bọc của rừng, sống bám rừng của đồng bào nơi đây. Từng sớ vỏ cây được phơi khô, bện thành áo, đã che chắn, bao bọc cho nhiều lớp người Cơtu. Rồi tự bao giờ, áo vỏ cây trở thành món đồ độc đáo, chứng kiến nhiều giai đoạn lịch sử, sự đổi thay từng ngày của núi rừng Quảng Nam và của đồng bào Cơtu.

Chuyện từ chiếc áo vỏ cây

Nặng lòng với rừng

Tỉnh Quảng Nam có khoảng 50 nghìn người dân tộc Cơtu, sinh sống thành từng làng, thôn trải dài dọc các miền núi cao. Với họ, rừng núi Quảng Nam như người mẹ thiên nhiên vĩ đại.

Trở về ngôi nhà gỗ thân thuộc với đầy những đồ vật đặc trưng của người Cơtu như tượng gỗ, chum, ché…, già làng Clâu Blao lấy ra những mảnh vỏ cây đã được phơi khô. Đôi tay nhăn nheo của già thuần thục đan từng mảnh vỏ cây lại với nhau thành một chiếc áo. Rồi già tự hào mặc áo vào người. Niềm tự hào không chỉ bởi đó là “thành phẩm” của bản thân, mà đó là nét văn hóa của người Cơtu từ bao đời.

Già Clâu Blao vừa làm áo vỏ cây vừa kể chuyện. Câu chuyện đầy những mảng chắp vá, không đầu, không cuối nhưng nhuốm màu ký ức. Già dừng tay, nhìn xa xăm…, đôi mắt hướng về phía rừng, như muốn thổ lộ những tâm tư, tình cảm chất chứa trong mình. Rồi lại trầm giọng kể về chiếc áo vỏ cây, về những đôi chim tring, những điệu hát lý, nói lý…, những nét văn hóa đặc trưng của đồng bào Cơtu.

Với sự phát triển của xã hội, từng lớp người miền núi xứ Quảng dần tìm đường về phố, họ đi học, đi làm… để xây dựng cho mình một cuộc sống mới. Phía đại ngàn xanh thẳm vẫn dang tay ôm lấy từng lớp người, nhưng những vội vã, bon chen của xã hội vẫn chưa để họ có thể “đẫm mình với mẹ thiên nhiên” mà ở lại.

Chuyện từ chiếc áo vỏ cây

Đây cũng là điều khiến một cụ già đã gần 80 tuổi lo lắng. Già Clâu Blao vẫn muốn đồng bào mình thoát nghèo, thoát khổ…, muốn những lứa trẻ sẽ đi thật xa, học thật nhiều điều mới và trở về với làng. Nhưng rồi, già thấy lạc lõng khi những người con của mình không biết đẽo tượng, không giỏi hát lý, chơi đàn... Hay khi những bộ đồ cưới dân tộc dần được thay bằng những bộ vest, váy cưới lung linh, những câu hát mừng đám cưới của đồng bào Cơtu được thay thế bằng những tiếng nhạc xập xình…

Để rồi, giữa đại ngàn thẳm xanh, già Clâu Blao chất chứa bao nỗi niềm, như thêm nặng lòng với rừng, với những hoài niệm và khao khát giữ lấy nếp văn hóa người Cơtu sống dọc dãy Trường Sơn đầy kiêu hùng.

Tay già Clâu Blao vẫn đập những nhát thật mạnh vào vỏ cây, tách từng mảng vỏ một cách thuần thục, dù từ lâu, áo vỏ cây chỉ còn là một vật phẩm để nhớ về những điều đã cũ. Tự hỏi, tại sao đã quá lâu rồi chẳng ai còn sử dụng chiếc áo này nữa, nhưng già vẫn miệt mài lặn lội đi tìm vỏ cây, làm áo?

Phúc Nguyên

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps