Hai ngày ở Sư Tử Vàng

07:00 | 28/05/2025

4,262 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Trong những năm tháng làm ở Báo An ninh thế giới và Báo Năng lượng Mới, tôi đã hàng chục lần ra các giàn khoan, giàn khai thác, giàn công nghệ trung tâm, nhưng đây là lần thứ hai tôi được ở lại giàn lâu như thế.
Hai ngày ở Sư Tử Vàng
Hai ngày ở Sư Tử Vàng

Sáng ngày 19-5-2025, tôi đến thăm ông Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Thủ tướng Chính phủ. Ông hỏi tôi:

- Em mới đi đâu về à?

- Dạ em vừa đi giàn Sư Tử Vàng về rạng sáng nay.

Ông hơi nhíu mày:

- Nếu anh nhớ không nhầm thì giàn Sư Tử Vàng là của Liên doanh Cửu Long JOC. Và khai thác ở Lô 15-1.

- Vâng ạ. Liên doanh này cai quản tới 4 “con sư tử” Vàng, Trắng, Đen, Nâu…

Quái lạ, sao ông lại biết Sư Tử Vàng đang khai thác ở Lô 15-1 nhỉ? Vẫn biết ông là người có trí nhớ rất mẫn tiệp và tài hùng biện. Nhưng việc ông còn nhớ đến tên liên doanh và khai thác ở lô nào thì quả là kỳ lạ. Tôi nhớ năm 2012, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, nay là Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) tổ chức tổng kết năm và mời ông tới. Trong phát biểu chỉ đạo của mình, ông nói vanh vách hoạt động của một số công ty thành viên, nói không hề nhầm lẫn các lô thăm dò khai thác, về các con số tài chính… và điều ngạc nhiên nữa là ông nói vo, không có giấy tờ gì cả.

Tôi tò mò hỏi lại:

- Mà sao anh biết là ở Lô 15-1?

Ông cười sảng khoái:

- Thì khi làm Phó Thủ tướng Thường trực, tháng 9-1998, anh ký cho thành lập liên doanh này mà. Nghe nói liên doanh này làm ăn khá lắm, chỉ đứng sau Vietsovpetro? Em ra đó, có gì vui, kể anh nghe nào!

May mà trí nhớ của tôi chưa đến nỗi nào, nên tôi kể rất thuộc bài cho ông nghe những thông tin cơ bản nhất mà mới 2 ngày trước, anh Lê Đắc Hóa, Tổng Giám đốc Công ty Liên doanh Điều hành Cửu Long (CLJOC) mới báo cáo với Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn.

Rằng CLJOC đang khai thác trên vùng biển có diện tích hơn 800 cây số vuông và dòng dầu thương mại đầu tiên là được lấy lên từ mỏ Sư Tử Đen vào năm 2003. Tính từ năm 2013 đến tháng 4-2025, CLJOC đã khai thác 428 triệu thùng dầu, tổng doanh thu là hơn 31 tỉ USD và đã nộp ngân sách xấp xỉ 15 tỉ USD…

Rằng chỉ còn 4 tháng nữa là CLJOC hết hạn giấy phép và từ tháng 12 năm ngoái, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có ý kiến chỉ đạo là cho phép ký hợp đồng dầu khí mới và theo hợp đồng mới Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) sẽ chiếm 59% cổ phần và sẽ là nhà điều hành chính. Và nếu hợp đồng dầu khí mới được ký kết, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ đầu tư ngay để khai thác ở Sư Tử Trắng 2B. Theo Tổng Giám đốc PVEP Nguyễn Thiện Bảo, cụm mỏ 4 con sư tử này sẽ khai thác được 70-80 triệu thùng dầu nữa và trữ lượng toàn cụm mỏ là khoảng 300 triệu thùng.

Còn anh Lê Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Petrovietnam khẳng định, việc ký hợp đồng mới là tạo động lực mới cho Petrovietnam và hoàn toàn tin tưởng với tâm thế tự tin và tinh thần tự lực, CLJOC chắc chắn sẽ giữ vững ngôi vị thứ 2 sau Vietsovpetro về khai thác dầu khí ở Việt Nam. Trước mắt cần tập trung phát triển mỏ Sư Tử Trắng pha 2B. Đây là nhiệm vụ trọng tâm cốt lõi trong chiến lược phát triển CLJOC trung và dài hạn. Việc phát triển Sư Tử Trắng pha 2B không chỉ giúp CLJOC nâng cao sản lượng khai thác cả dầu, khí mà còn giải quyết bài toán thiếu hụt khí trong tương lai gần; tạo ra chuỗi giá trị cho các công ty khâu sau về khí - điện - đạm cũng như các công ty dịch vụ trong ngành của Petrovietnam.

Rằng tại buổi làm việc ở giàn Sư Tử Vàng, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn cũng đã khẳng định, CLJOC là liên doanh với nước ngoài làm ăn hiệu quả nhất Việt Nam, vì tổng doanh thu hơn 31 tỉ USD mà nộp ngân sách gần 15 tỉ USD thì rõ ràng là chưa thấy ai nộp cao như thế. Phó Thủ tướng yêu cầu đại diện lãnh đạo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính trong đoàn công tác phải khẩn trương hoàn thiện thủ tục để trình Thủ tướng ký trong tháng 6.

Rồi tôi cũng nói với ông là lãnh đạo Petrovietnam, PVEP và CLJOC hơn 2 năm nay phải làm một “núi” công việc, phải “chạy” như vận động viên để giải trình, giải thích, thuyết phục với đủ các cấp, các ngành về việc vì sao nên ký hợp đồng dầu khí mới cho Lô 15-1.

Và ông hào hứng kể cho tôi về tình cảm của ông đối với Petrovietnam trong những năm ông làm Thủ tướng.

(Đó là câu chuyện dài, tôi sẽ kể với bạn đọc vào dịp tới).

Hai ngày ở Sư Tử Vàng
Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn thăm hỏi cán bộ, người lao động trên giàn

***

Đối với một người làm báo, được ở 3 ngày 2 đêm trên một giàn công nghệ trung tâm quả là một sự may mắn.

Trong những năm tháng làm ở Báo An ninh thế giới và Báo Năng lượng Mới, tôi đã hàng chục lần ra các giàn khoan, giàn khai thác, giàn công nghệ trung tâm, nhưng đây là lần thứ hai tôi được ở lại giàn lâu như thế. Cách đây 4 năm, tôi cũng một lần được ra ngoài giàn Biển Đông 01 khai thác khí và dầu condensate ở mỏ Hải Thạch - Mộc Tinh 2 ngày. Còn hầu hết là đi công tác ra giàn như kiểu người “đi xin lửa” - nghĩa là ra giàn, nghe báo cáo, đi thăm giàn, ăn bữa cơm rồi lại lên máy bay trực thăng về - tất cả chỉ khoảng tiếng rưỡi.

Đi kiểu ấy thì viết cái gì cũng nhờ nhờ nước hến, trơn như lươn và véo von như sáo hót… Chả có tí hơi dầu, tí mồ hôi của anh em trong từng con chữ.

Giàn Sư Tử Vàng là giàn khai thác, đồng thời cũng là giàn công nghệ, xử lý dầu và khí từ các mỏ khác đưa về. Sư Tử Vàng có 6 đầu giếng và hiện nay, mặc dù sản lượng suy giảm nhiều nhưng vẫn “kẽo kẹt” bơm lên một ngày gần 8 nghìn thùng dầu, mỗi thùng là 159 lít, các bạn thử nhân lên xem là bao nhiêu…

Gọi đây là giàn Công nghệ Trung tâm (CPP) vì dầu khai thác ở mỏ Sư Tử Đen, Sư Tử Trắng và Sư Tử Nâu được đưa hết về đây để xử lý tách nước, tách khí rồi bơm ra con tàu chứa dầu mang tên Thái Bình neo cách đó khoảng 4km.

CPP được ví như bộ não của toàn mỏ. Toàn khu mỏ có vài giàn khai thác không có người vận hành, tất cả được điều khiển từ CPP.

Giàn trưởng Phan Thanh Bình kể với tôi: Để vận hành giàn CPP, luôn có từ 120 người chia 2 ca. Mỗi ca làm việc kéo dài 21 ngày. Từ 5 năm nay, toàn bộ công việc trên giàn đều do người Việt đảm nhiệm. Khi các giàn mới đưa vào khai thác, giàn trưởng là người nước ngoài và hầu hết trưởng các bộ phận chuyên môn cũng là người nước ngoài. Nhưng anh em người Việt trưởng thành rất nhanh và dần dần chiếm lĩnh các vị trí chủ chốt. Từ năm 2020, người Việt đã làm tất, năm thì mười họa mới có một “ông Tây” ra giàn và chủ yếu là vào dịp tổng kết, họ ra cho đỡ… quên giàn. Mà đâu phải chỉ riêng CLJOC mới có chuyện anh em người Việt ta vận hành các giàn khai thác, giàn công nghệ… Hiện nay, ở các giàn khoan, gần như tất cả vị trí đều do người Việt đảm nhiệm. Khái niệm “chuyên gia” ở các giàn khai thác dầu khí gần như biến mất từ cách đây hơn chục năm. Điều đó đã minh chứng cho ý chí, nội lực và tinh thần vươn lên không ngừng nghỉ của những người làm nghề “tìm dầu”.

Ở trên giàn, anh em làm việc chia 2 ca một ngày - mỗi ca 12 tiếng. Trong 12 giờ ấy, họ được nghỉ giữa ca 30 phút, ăn nhẹ hoa quả hoặc bánh ngọt và thế nào cũng có nồi cháo đậu xanh… Một ca làm việc ngoài giàn là 21 ngày, sau đó về bờ nghỉ 21 ngày… Trong 21 ngày làm việc ngoài giàn, ngày cũng như đêm, mưa cũng như nắng, bất kể đó là ngày lễ tết, họ không được lơ là với công việc được giao. Như vậy, nếu tính theo giờ làm việc, người lao động trên giàn khoan làm gấp rưỡi người làm trên đất liền, nghĩa là họ làm 21 ngày, bằng người ở đất liền làm 1 tháng.

“Khi về bờ nghỉ, anh em làm gì?” - Trong một bữa cơm, tôi đặt câu hỏi như vậy với mấy anh em ngồi cùng bàn. Mọi người cười ồ lên và hóa ra khi về bờ, công việc mà các “bà xã” giao cho chủ yếu là đưa đón con đi học, chơi với bọn trẻ… Hay nói cách khác là làm “ô sin”. Muốn đi ăn nhậu bây giờ cũng khó vì bạn bè thân thiết cùng đơn vị thì lại đi ra giàn hoặc bận công việc khác. Hơn nữa, lấy đâu ra tiền đi bù khú vì lương trả qua thẻ, thường do vợ cầm, làm gì có nàng nào sẵn lòng đưa tiền cho chồng đi nhậu.

Ở ngoài giàn, có một nhu cầu bắt buộc mọi người phải tự vươn lên, đó chính là ngoại ngữ - mà chủ yếu là tiếng Anh. Tôi được dự một buổi kiểm điểm về công tác an toàn, thú thật là chẳng hiểu gì, vì anh em trao đổi bằng tiếng Việt nhưng tất cả các thuật ngữ liên quan đến thiết bị, đến kỹ thuật đều là tiếng Anh. Rồi ở trên giàn, các báo cáo, các biểu mẫu, các bản giao việc, lịch công tác… cũng đều được ghi bằng tiếng Anh tất… Cho nên, muốn tồn tại trên giàn khoan, ngoài chuyện phải có sức khỏe cực tốt thì giỏi tiếng Anh là yếu tố đầu tiên.

Công nhân làm ngoài giàn, nếu không có sức khỏe tốt thì chỉ riêng chuyện đi đôi giày bảo hộ đã khó lê nổi. Lao động trên giàn khoan, hễ đi ra ngoài khu phòng ở bắt buộc phải đi giày, mặc bộ bảo hộ áo liền quần màu đỏ như lửa… Bộ áo liền quần làm bằng một loại vải chống cháy, chống dầu mỡ công nghiệp. Và sở dĩ phải là áo liền quần vì như thế, khi làm việc không sợ để hở da thịt. Còn đôi giày mới thực khủng khiếp… Giày nặng trung bình từ 1,8kg, còn ủng bảo hộ phải 2,2kg. Loại giày này có mũi bằng thép, chịu được một cục sắt nặng khoảng 20kg, rơi từ độ cao 80cm xuống mà không hề hấn gì cho các ngón chân.

Anh Nguyễn Văn Phú, là Giám sát An toàn, Sức khỏe và Môi trường ở Sư Tử Vàng giảng giải thế này, khi học về an toàn: “Nếu bạn không đi giày bảo hộ, rủi có cục sắt rơi vào làm giập ngón chân thì hậu quả sẽ là: Bạn bị thương, phải nghỉ việc. Mà nghỉ việc nghĩa là không có lương. Rồi có khi phải thuê trực thăng y tế đưa bạn về bờ. Giá thuê một chuyến trực thăng trung bình 20-27 nghìn USD, tùy theo thời gian, thời tiết và có nhân viên y tế đi cùng”.

Giàn CPP Sư Tử Vàng nặng gần 15 nghìn tấn và đứng chân ở khu vực biển chỉ sâu có hơn 40m. Trên giàn có 2 tổ máy phát điện, mỗi tổ hơn 4 MW, chạy bằng khí đồng hành lấy từ các giếng. Có hệ thống lọc nước biển ra nước ngọt tinh khiết hiện đại, mỗi giờ cho ra 700 lít, uống luôn được tại vòi. Ngoài giàn có ngọn đuốc lúc nào cũng cháy rừng rực, đứng cách xa đến 300m mà vẫn thấy rát mặt. Rất nhiều người không biết đã cho rằng, tại sao không thu lấy khí mà phải đốt bỏ, phí phạm quá? Thật ra, trên hầu hết các giàn khai thác, phải đốt bỏ khí hạ áp, vì loại khí này không có giá trị thương mại và nếu xả ra thì làm ô nhiễm môi trường, cho nên phải đốt.

Hai ngày ở Sư Tử Vàng
Anh Nguyễn Văn Phú, Giám sát An toàn, Sức khỏe và Môi trường trên giàn đang kiểm tra an toàn

***

Sáng Chủ nhật, ngày 18-5-2025, tôi được dự buổi họp kiểm điểm công tác an toàn trong tuần. Trước khi vào họp, là các tiết mục văn nghệ do tốp ca của giàn biểu diễn. Đúng là lính ở biển nên hát rất khỏe và cực kỳ nhiệt tình. Cách họp kiểm điểm cũng rất lạ. Anh Nguyễn Văn Phú, Giám sát An toàn, Sức khỏe và Môi trường điều hành buổi kiểm điểm.

Và cách làm cũng rất hay. Ngoài việc báo cáo đánh giá công tác an toàn trong tuần, anh Phú còn kiểm tra luôn kiến thức của anh em bằng cách nêu ra câu hỏi và yêu cầu phải trả lời. Rồi bỗng nhiên, anh quay ngoắt sang hỏi tôi:

- Xin hỏi nhà báo, khi giàn gặp sự cố, nếu có lệnh tập trung, thì nhà báo sẽ đến đâu?

- Hi, quá dễ, phải đến ngay phòng họp này.

- Quá đúng. Vậy nếu có lệnh ra chỗ tập trung để xuống canô, nhà báo ra canô số mấy?

- Tôi phải ra canô số 2 - Tôi đáp ngay. Bởi vì hôm trước khi vừa xuống máy bay trực thăng, anh Phú đã hướng dẫn cho tôi mất 30 phút về quy tắc an toàn.

Anh Phú lại hỏi tiếp:

- Nếu có lệnh tập trung ra bè cứu sinh, anh ra bè nào?

- À, tôi phải đến bè ở hướng đông. Vì mùa này, gió Tây Nam thổi mạnh, nên bè đặt ở hướng đông?

- Vỗ tay! Hoan hô nhà báo!

Ở với Sư Tử Vàng mà vui thế đấy!

Nguyễn Như Phong