Chuyện buồn ở miền di sản

16:00 | 05/07/2015

3,549 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Khi đôi má ửng hồng, ngực nhu nhú chũm cau, sơn nữ người Ma Coong ở xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình đã có bạn tình. Sau những cuộc tình chớp nhoáng, nhiều sơn nữ mang bầu. “Đối tác” bỏ của chạy lấy người, những thiếu nữ người Ma Coong nhẹ dạ cả tin đã lỡ trao thân gửi phận nhầm chỗ, trở thành người mẹ đơn thân, nuôi con một mình.  
"Kỷ lục" buồn về đẻ ở Tây Bắc

Năng lượng Mới số 436

Chưa kịp yêu đã làm mẹ

Cung đường 20 giờ đã được trải bê tông phằng lì băng qua vùng lõi của vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng. Ở cuối của con đường đó là đất của người Ma Coong. Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt tôi là những thiếu nữ Ma Coong trẻ măng, lầm lũi ngược núi, địu con sau lưng để tuốt lúa trên nương, giữa cái màu đơn sắc xanh thăm thẳm của rừng già. Bóng những sơn nữ lọt thỏm giữa nương lúa tựa như một dấu chấm than buồn ở miền di sản.

Chuyện buồn ở miền di sản
Y Phích giờ nuôi con một mình

Nhà Y Doan ở tít trên bản Me Ly. Y Doan vừa sinh con. Nom Y Doan còn mệt mỏi. Đứa con gái của Y Doan bé tẹo. Nó nằm trên tay của người mẹ trẻ. Ôm con tựa cột nhìn về con đường dẫn xuống trung tâm xã, cái chân của Y Doan như muốn bước đi, cô bé bảo, em chưa muốn xa trường, xa lớp và thầy cô giáo đâu. Mùa trăng năm ngoái, Y Doan còn tung tăng cắp sách tới trường, dự khai giảng cùng các bạn. Vậy mà năm nay con đường đèn sách đó đứt gánh khi Y Doan phát hiện mình có thai. “Cái bụng em tự nhiên sưng to lên. Em tưởng mình có bệnh nên mới nói cho mẹ biết. Mẹ bảo, mày đã sắp làm mẹ rồi”, Y Doan kể.

Có thai nên Y Doan ngại không đến lớp nữa, em ở lại bản đi làm và đợi ngày sinh con. Bố mẹ có hỏi Y Doan: “Bố của đứa bé trong bụng là ai?”. Y Doan lắc đầu chịu không biết ai là “tác giả” của đứa con trong bụng. Nhiều lúc Y Doan cũng muốn tìm người cha để có tên trong giấy khai sinh của con mà không xác định được ai. Y Doan kể, cô yêu sớm và yêu nhiều người, cũng đã dâng hiến cho nhiều người nên không xác định được rõ ràng con của chàng trai nào. Y Doan cũng chẳng lấy làm buồn vì điều đó. Ở bản cũng có nhiều người sinh con không cần có chồng, có sao đâu. Nhiều người còn có 2-3 đứa.

Chuyện buồn ở miền di sản
Bản Cờ Đỏ nằm lọt thỏm giữa rừng già

Nhà Y Doan cũng nghèo khó như bao gia đình khác ở miệt rừng này. Nhà ở thì do Nhà nước hỗ trợ xây dựng, đến vụ giáp hạt đói thì đã có gạo hỗ trợ của nhà nước. Mẹ con Y Doan ở cùng ông bà ngoại, no, đói có nhau nên cô bình thản trước mọi việc. Cách đây gần 1 năm, Y Doan còn học Trường phổ thông Dân tộc nội trú Thượng Trạch. Nét gây thơ của người thiếu nữ Ma Coong còn vương trên khuôn mặt trẻ. Giờ đây thay vì dùi mài đèn sách, Y Doan lại cất tiếng ru con. Giọng ru con bằng tiếng Ma Coong nghe nó mênh mang, buồn thẳm tựa như tiếng gọi của đại ngàn vậy.

Bản Cờ Đỏ nằm lọt thỏm giữa rừng thẳm, là nơi trú ngụ của 37 hộ dân người Ma Coong. Mặt trời vừa khuất núi, tiếng giã gạo thình thịch vang lên đều đặn. Nhà Y Phích (SN 1996) ở ngay đầu bản. Y Phích đang vung chày giã gạo đều đều. Năm nay mới 18 tuổi nhưng Y Phích đã có một đứa con trai 2 tuổi. Hỏi đến chồng, Y Phích hồn nhiên bảo: “Chỉ có con trai ở nhà thôi. Chồng chưa kiếm được”. Y Phích đang vung chày giã gạo. Nhà Y Phích nghèo lắm, cái bếp trông hơ, trống hoác. Mẹ Y Phích đang gọt sắn để chuẩn bị bữa tối.

Nhà Y Phích có 8 anh em, Y Phích là con cả. Bố Y Phích vừa mất. Cách đây mấy năm, Y Phích còn đi học ở trường nội trú. Ở trường, Y Phích có người yêu. Y Phích đã trao trọn trái tim cho người đó. Năm lên lớp 9, phát hiện mình có thai, Y Phích đành chia tay trường lớp. Đinh Dây - con trai của Y Phích đã biết gọi mẹ. “Em sinh con, người kia không đến thăm lần nào. Nó đi “bỏ của” nhà khác rồi”, Y Phích buồn rầu nói.

Bao năm qua, nhà Y Phích luẩn quẩn với kiếp nghèo. No, đói phụ thuộc nhiều vào khoản cứu trợ gạo của Nhà nước. Những đứa em của Y Phích đều còn nhỏ, chưa giúp được gì nhiều cho gia đình.

Thượng Trạch có 18 bản đều là người Ma Coong. Ở bản nào cũng có những sơn nữ phải nuôi con một mình như Y Phích. Sau những cuộc tình chớp nhoáng, các sơn nữ là người chịu nhiều thiệt thòi. Y Thu (SN 1990) ở bản Nịu còn khổ hơn Y Phích vì Y Thu có tới 2 đứa con. Giờ Y Thu vẫn nuôi con một mình. Đứa con gái lớn của Y Thu là Y Bây đã học lớp 3, con gái thứ hai học mẫu giáo. Ở xứ miệt rừng này, nhà nào kiếm được 3 bữa ăn no, không phải đụng đến gạo cứu đói của Nhà nước là thuộc diện khá rồi. Nhà Y Thu nghèo xác xơ, mẹ con chị sống “giật gấu vá vai” cho qua ngày. Y Thu kể, người ta bảo thương mình, mình ưng người ta. Lúc mình có con, họ không nhận. Mình phải nuôi thôi. Nuôi 2 đứa cực thân. Ốm, đau chẳng có tiền thuốc lo cho con. Cái ăn, cái mặc thiếu thốn lắm!

Chưa có “xèng” nên chưa cưới

Buổi chiều miền sơn cước xuống nhanh khi màn sương mờ bao phủ. Sống giữa miền di sản nhưng cuộc sống của bà con nơi đây còn vô vàn khó khăn. Lợn chạy tung tăng khắp bản. Chúng ủi tung chân cột nhà, tạo hố giữa gầm sàn để tìm cái ăn. Chiếc máng gỗ vứt đầu bản mà chúng gặm sồn sột. Đứa con gái bé bỏng của Y Lạt (SN 1995) ở bản Cờ Đỏ khóc ngặt nghẹo trên đôi tay của người mẹ trẻ. Y Lạt dỗ dành mãi đứa trẻ mới chịu nín. Y Lạt bảo: “Con gái em mới được mấy tháng tuổi. Giờ mẹ con em đang đợi bố của đứa trẻ đến “bỏ của” để đón mẹ con em về”.

Bố của đứa trẻ là người cùng bản, năm nay mới 17 tuổi, chưa đủ tuổi kết hôn. Nhà người yêu của Y Lạt nghèo quá, chưa có tiền “bỏ của” nên Y Lạt chưa tổ chức đám cưới được. Người Ma Coong ở đây chỉ thành vợ chồng khi nhà trai đến nhà gái “bỏ của” - tựa như lễ ăn hỏi ở dưới xuôi. Lễ “bỏ của” phải có gà, có lợn, có rượu. Tùy theo gia cảnh của nhà trai mà lễ “bỏ của” nhiều hay ít. Nhưng tối thiểu một lễ “bỏ của” cũng hết hơn 2 triệu đồng. “Hôm rồi em có giục chồng tương lai của em. Anh ấy bảo đợi đàn lợn đã rồi mới “bỏ của” được”, Y lạng buồn rầu nói.

Tuy chưa thành vợ chồng nhưng Y Lạt vẫn sẵn sàng sinh con cho người yêu. “Nếu nhà trai không đến “bỏ của” Y Lạt tính sao?”, nghe tôi hỏi vậy, Y Lạt cũng chẳng lấy làm buồn: “Hắn sẽ không bỏ mẹ con em mô. Mấy ngày vừa rồi hắn sang chơi suốt. Hắn bảo, cứ từ từ rồi tính. Hắn bế con còn ngượng ngùng lắm”.

Em trai của Y Phích là Đinh Câu (17 tuổi) cũng đã yêu một cô gái cùng bản. Cô gái này đã sinh con với Câu. Do nhà Câu chưa có tiền “bỏ của” nên gia đình chưa đón được cô gái kia về. Nhà Y Phích không có giường, tối đến cả nhà trải chiếu lên sàn ngủ. 11 con người ở trong cái gian nhà bé xíu, không biết sắp tới, nhà Y Phích đón vợ con của đứa em trai về, họ sẽ ở đâu?(!).

Chuyện thường tình ở bản

Trai gái ở miệt rừng này chưa đến tuổi trưởng thành đã lấy nhau đã không còn là chuyện lạ. Chính quyền biết cả nhưng để khuyên răn con em mình, thực hiện việc kết hôn đúng độ tuổi, dường như vẫn là một việc xa vời. Bởi lẽ nhiều cán bộ xã vẫn vô tư “dựng vợ gả chồng” cho con, khi chúng chưa đủ tuổi kết hôn. Theo lý giải của ông Nguyễn Diệu, Phó chủ tịch HĐND xã kiêm Chủ tịch Hội khuyến học xã Thượng Trạch, cái tục ở đây nó thế. Bao năm nay vẫn chưa thay đổi được. Lớp trước đến lớp sau vẫn cứ theo cái nếp của ông bà mình ngày trước mà làm.

Trai, gái người Ma Coong lớn lên được tự do yêu đương và tìm hiểu nhau. Đôi trẻ nào ưng nhau, người con trai chỉ cần báo cho bố mẹ sang nhà gái “bỏ của” (giống như lễ ăn hỏi ở dưới xuôi) để đợi ngày cưới. Nhà gái đã nhận lễ này rồi là đôi trai gái đã là con một nhà. Qua những trường hợp mà chúng tôi tiếp xúc, sơn nữ nơi đây đến tuổi dậy thì là được tự do tìm người bạn tình của mình. Sơn nữ nào ưng ai là sẵn sàng hiến dâng tất cả.

Trai, gái đến với nhau là hoàn toàn tự nguyện nên các em gái đang ở cái độ tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” đã phải làm mẹ là một cú sốc lớn. Một cán bộ xã Thượng Trạch lý giải về nguyên do vì sao nơi này lại có nhiều sơn nữ bị lừa tình nhiều đến vậy, ngày 16/1 (âm lịch) ở Thượng Trạch có lễ hội Đập trống. Đêm tháng Giêng, trăng sáng vằng vặc, từ già đến trẻ có một đêm tự do tìm bạn tình của mình. Người có vợ hay chưa có vợ cũng đến lễ hội, họ ưng ai là có thể dẫn nhau ra rừng, ra bờ suối tâm sự và yêu.

Sau mùa lễ hội, nhiều đứa trẻ ra đời. Đây cũng là lý do giải thích vì sao nhiều sơn nữ sinh con mà không thể biết đích xác được bố đẻ đứa bé là ai. Tình trạng trai, gái lấy nhau quá sớm khiến Trường Dân tộc nội trú Thượng Trạch năm nào cũng “mất” vài học sinh bỏ học theo chồng.

Thầy Phạm Trường Thọ, Hiệu trưởng Trường phổ thông Dân tộc nội trú Thượng Trạch cho biết: “Năm nào chúng tôi cũng phải tổ chức hàng chục lần lên bản “bắt” học sinh quay lại trường. Bản ở xa, mỗi lần về bản các thầy phải ở lại bản vài ngày mới thuyết phục được học sinh đến trường. Nhiều học sinh ở nhà giúp bố mẹ, có em ở nhà chơi và không ít em cái bụng đã lùm lùm lên rồi. Đây cũng là tình trạng chung đã diễn ra từ nhiều năm nay. Nhà trường đang cố gắng kết hợp cùng chính quyền, gia đình để dạy dỗ các em, tránh tình trạng chưa kịp lớn đã làm mẹ”.

Linh Nhi

Năng lượng Mới