Ăn trái cây cũng cần đúng cách

13:49 | 10/10/2012

3,849 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Ai cũng biết rằng, trái cây mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe và sắc đẹp. Tuy nhiên, không phải cứ cho rằng tốt thì ăn lúc nào cũng được, cần phải chú ý đến thời gian, có như vậy mới vừa đảm bảo hấp thụ đầy đủ các chất dinh dưỡng của nó lại không gây ảnh hưởng xấu cho sức khỏe.

Ăn lúc nào tốt nhất

Trái cây có thể dùng làm bữa ăn phụ hoặc thức ăn tráng miệng sau bữa ăn, vì sau khi ăn ta thường có cảm giác răng rất sạch. Tuy nhiên, theo nhiều nghiên cứu, việc ăn trái cây ngay sau bữa ăn chính có thể làm tăng lượng đường hấp thụ, đường huyết sẽ tăng cao và nhanh. Bạn nên ăn nhiều trái cây một giờ trước bữa ăn hoặc hai giờ sau khi ăn, nếu bạn có bệnh tiểu đường hoặc bất kỳ vấn đề tiêu hóa khác như nồng độ axít.

Buổi sáng: Nên ăn những loại trái cây như táo, lê, nho… để giúp tiêu hóa và hấp thụ, lại nhuận tràng. Sau một đêm dài, các chức năng tiêu hóa “ngủ yên” cần được kích hoạt lại. Những loại trái cây này nếu ăn vào buổi sáng sẽ rất phù hợp vì lượng axít trong các loại quả này không quá mạnh, chúng lại không quá chát. Hương vị chua ngọt của chúng cũng có thể giúp bạn tỉnh táo ngay lập tức.

Trước khi ăn: Trước bữa ăn hay khi bụng đang đói không nên ăn cà chua, anh đào, cam, táo gai, chuối, trái cây hồng. Lúc này dạ dày đang trống rỗng, mức độ axít đang cao nên nếu ăn các loại quả này sẽ khiến bụng đầy hơi, khó tiêu.

Chuối chứa nhiều kali, magiê. Ăn chuối lúc đói sẽ làm cho lượng magie trong máu tăng lên, ức chế sản xuất, ảnh hưởng đến tim mạch. Quả hồng cũng nhiều axít, khi ăn vào hòa lẫn với axít trong dạ dày dễ kết sỏi, gây buồn nôn, ói mửa và các triệu chứng khác.

Sau khi ăn: Nên ăn dứa, đu đủ, kiwi, cam... vì chúng có chứa bromelain giúp tiêu hóa protein, bổ sung sự thiếu hụt các enzym tiêu hóa của cơ thể để tăng cường chức năng tiêu hóa.

Nếu dứa là giải pháp hỗ trợ tiêu hóa hữu ích thì một lượng nhỏ đu đủ cũng giúp cơ thể phá vỡ protein trong bữa ăn, hiệu quả trong công tác phòng chống viêm loét dạ dày, viêm dạ dày ruột và một số hiệu ứng khó tiêu.

Trong khi đó, kiwi, cam chứa lượng phong phú các axít hữu cơ, có thể làm tăng hoạt động của các enzym tiêu hóa để thúc đẩy lipolysis, giúp tiêu hóa tốt hơn.

Trước khi ngủ: Ăn những loại quả có hàm lượng chất xơ cao không những ảnh hưởng đến giấc ngủ mà còn tác động đến chức năng tiêu hóa nên có hại cho sức khỏe. Nếu bạn ngủ không tốt, bạn có thể ăn một vài quả nhãn khô có tác dụng làm dịu thần kinh, giúp bạn ngủ ngon hơn.

Không nên gọt sẵn

Các chất dinh dưỡng có trong trái cây như vitamin C, folat… cũng có thể bị mất dần dưới tác dụng của ánh sáng, nhiệt độ, không khí… Quá trình mất chất này sẽ càng diễn ra nhanh hơn khi mất đi lớp vỏ hoặc mặt tiếp xúc của trái cây với không khí tăng lên khi bị cắt nhỏ. Do đó, khi đã cắt trái cây nên ăn ngay để cơ thể nhận được giá trị dinh dưỡng cao nhất. Ngoài ra, việc gọt vỏ, cắt miếng còn khiến trái cây dễ bị nhiễm khuẩn và ôxy hóa.

Chọn trái cây phù hợp

Vào những ngày hè nóng nực, mồ hôi ra nhiều mang theo một lượng nước và chất khoáng đáng kể thì nên ăn loại trái cây nào vừa có tác dụng bù đắp các chất dinh dưỡng mất đi, vừa có tác dụng giải khát là tốt nhất.

Khi ăn trái cây nên ăn cả quả thay vì vắt hay ép nước, vì như vậy sẽ cung cấp một lượng lớn chất xơ cho cơ thể. Chất xơ một phần sẽ được hấp thụ vào máu, phần không được hấp thụ sẽ có tác dụng giúp hệ thống tiêu hóa của bạn làm việc tốt hơn. Ngoài ra, chất xơ còn tạo nên môi trường thuận lợi cho vi sinh vật có lợi phát triển, hạn chế vi khuẩn gây hại, loại bỏ những cholesterol thừa trong ống tiêu hóa, làm giảm nguy cơ rối loạn mỡ máu và bệnh tim mạch.

Người mắc bệnh đái tháo đường nên ăn những trái cây ít ngọt như thanh long, bưởi, cam, quýt, táo… Người bệnh hen cần tăng cường các chất dinh dưỡng có tính chống ôxy hóa bao gồm glutathione, vitamin C, vitamin E, beta-caroten là tiền chất vitamin A... những chất này có nhiều trong các loại trái cây như nho, bưởi, mận, dâu, cam, dứa…

Thanh Huyền (st)