Về ý định đổ 36 triệu m3 đất bùn xuống vùng biển đảo Cát Bà: Chớ có làm liều!

16:34 | 25/04/2012

1,289 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Việc nhà Tư vấn JICA vừa đề xuất đổ khoảng 36 triệu m3 bùn nạo vét cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (cảng Lạch Huyện) ra khu vực biển Hải Phòng có thể gây ô nhiễm nặng môi trường, hủy hoại hệ sinh thái biển và ảnh hưởng nhiêm trọng đến kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, khu dự trữ sinh quyển Cát Bà và khu du lịch Đồ Sơn là điều hiển nhiên mà bất kỳ ai cũng có thể nhận thấy, chưa kể đây là việc lãng phí vô cùng lớn tài nguyên dùng để san lấp tôn tạo.

1. Cảng Lạch Huyện sẽ đi vào hoạt động từ quý I/2016 với việc dự kiến hai bến tàu đầu tiên sẽ đi vào khai thác là một tin mừng bởi khả năng đáp ứng 6 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Trong giai đoạn khởi động từ năm 2010-2015, dự án được chia thành hai hợp phần. Trong đó, hợp phần A gồm các hạng mục như luồng vào cảng, đê chắn sóng, đê chắn cát, đường ngoài cảng sẽ được xây dựng bằng nguồn vốn ODA của Nhật Bản và vốn đối ứng có giá trị gần 900 triệu USD bằng hình thức hợp tác công – tư (PPP). Hợp phần B do Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) và các nhà đầu tư của Nhật Bản cùng đầu tư, với quy mô 2 bến đậu tàu, có tổng chiều dài 750m, độ sâu 14m và hệ thống kho bãi container rộng 22ha. Tổng mức đầu tư ở giai đoạn này là 321 triệu USD. Đến năm 2020, cảng Lạch Huyện sẽ được hoàn thiện thành một cảng thương mại quốc tế với quy mô 8 bến tàu, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa 30 triệu tấn/năm.

Danh thắng Cát Bà, ngư trường, hệ sinh thái động thực vật đáy biển và đời sống hàng vạn ngư dân sẽ ra sao?

Tuy nhiên, khoảng 36 triệu m3 đất bùn từ việc nạo vét cảng Lạch Huyện sẽ được đổ đi đâu? Nhà Tư vấn JICA (Nhật Bản) cho rằng có thể đổ thẳng ra biển tiến về phía trước cảng Lạch Huyện 20km, điều này đang gây bức xúc trong dư luận không chỉ ở Hải Phòng và có thể khiến “siêu dự án” này chậm tiến độ. 36 triệu m3 đất bùn là một số lượng cực lớn, có thể rộng từ 500 -1.000ha, tương đương với diện tích một quận hiện nay của Hải Phòng. Với số lượng bùn đất này nếu đổ xuống biển, toàn bộ khu dự trữ sinh quyển Cát Bà, khu du lịch Đồ Sơn và kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Điều này mới chỉ xuất hiện gần đây, thể hiện trong Công văn hỏa tốc số 2272/BGTVT-MT ngày 3/4/2012 do Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Hồng Trường gửi UBND TP Hải Phòng về việc thống nhất vị trí đổ đất nạo vét Dự án đầu tư xây dựng công trình cảng Lạch Huyện. Công văn có đoạn: “Yêu cầu thẩm định, phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án trước ngày 30/5/2012, đoàn nghiên cứu JICA đã nghiên cứu hoàn thiện báo cáo cho cả hai hợp phần A và B. Để có cơ sở kết luận cho việc chọn phương án đổ thải, Tư vấn JICA phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, trong đó có phương án đổ thải ra ngoài biển. Bộ GTVT đề nghị UBND TP Hải Phòng thống nhất về địa điểm đổ đất nạo vét, ngoài vị trí Khu Công nghiệp Nam Đình Vũ có thêm phương án đổ thải ra biển để Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) có đủ điều kiện thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường nêu trên, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định, làm cơ sở để triển khai thực hiện dự án theo đúng yêu cầu tiến độ”.

2. Công văn này gây nên sự ngạc nhiên, bởi lẽ nhiều văn bản trước đó đã thống nhất về cơ bản vị trí đổ đất nạo vét. Ngày 2/12/2011, UBND TP Hải Phòng có Công văn số 7567/UBND-CT gửi Thủ tướng Chính phủ về việc xác định vị trí đổ đất nạo vét để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án đầu tư cảng Lạch Huyện, theo đó, Hải Phòng có ý kiến như sau: “Phương án 1: Đổ đất sau đê chắn sóng của 2 bến khởi động: tại vị trí này phải xây dựng 7,5km đê bao với kinh phí khoảng 700 tỉ đồng; thời gian chuẩn bị đầu tư, đấu thầu, lựa chọn tư vấn nghiên cứu, khảo sát, lập dự án… cho hạng mục này theo quy định có thể kéo dài, khó đảm bảo tiến độ triển khai dự án. Phương án 2: Đổ đất tại Khu Công nghiệp Nam Đình Vũ: Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng đã có quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng tuyến đê biển Nam Đình Vũ với tổng chiều dài tuyến đê khoảng 14,9km và tổng mức đầu tư 998,49 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước (đã được ngân sách bố trí 25,8 tỉ đồng). Hiện tại, Ban Quản lý đang chủ trì thực hiện bước lập thiết kế kỹ thuật, tổng dự toán cho dự án. Như vậy, nếu đổ đất vào Khu Công nghiệp Nam Đình Vũ sẽ tiết kiệm thời gian hơn so với phương án 1”.

Bộ GTVT đã đồng ý với ý kiến này của Hải Phòng thông qua Công văn số 8556/BGTVT-KHĐT ngày16/12/2011, cũng do Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường ký: “1. Về chủ trương, Bộ GTVT thống nhất với đề xuất của UBND TP Hải Phòng về vị trí đổ đất nạo vét dự án cảng Lạch Huyện. 2. Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục Hàng hải Việt Nam, Ban QLDA Hàng hải II phối hợp, hỗ trợ tư vấn thiết kế chi tiết dự án, làm việc với các cơ quan liên quan của thành phố Hải Phòng, chủ đầu tư Khu Kinh tế Nam Đình Vũ trước ngày 15/12/2011 để xác định các thông số kỹ thuật liên quan như phạm vi, trữ lượng đổ đất, tiến độ xây dựng đê bao, yêu cầu kỹ thuật, biện pháp thi công phù hợp… để triển khai cập nhật vào thiết kế chi tiết. Xác định vị trí đổ đất nạo vét tại Khu Kinh tế Nam Đình Vũ là vị trí ưu tiên số một. 3. Do tiến độ dự án là rất khẩn trương, trong đó, công tác nạo vét là công tác thi công xuyên suốt thời gian thực hiện dự án, có vai trò quyết định tiến độ của dự án, bắt đầu từ năm 2013 nên sau khi có kết quả nghiên cứu, nếu khẳng định vị trí đổ đất nạo vét tại Nam Đình Vũ thì tiến độ thi công đê bao cần hoàn thành trong năm 2013. Do vậy Bộ GTVT kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo việc bố trí vốn đầy đủ, kịp thời và yêu cầu UBND TP Hải Phòng tích cực triển khai hạng mục đê bao khu vực Nam Đình Vũ, đáp ứng tiến độ dự án Cảng Lạch Huyện”.

Và Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có Công văn 215/TTg-KTN ngày 17/2/2012, giao UBND TP Hải Phòng và Bộ GTVT thực hiện một số nội dung công việc sau: “Xác định rõ khối lượng bùn, đất nạo vét của dự án cảng Lạch Huyện đổ vào khu công nghiệp Nam Đình Vũ. Xác định vốn đầu tư cũng như kinh phí của việc đổ bùn, đất cát tính vào dự án Cảng; thống nhất tiến độ để đảm bảo đồng bộ Dự án Cảng và Dự án đê biển Nam Đình Vũ”.

Ý định đổ 36 triệu m3 đất bùn mới chỉ xuất hiện trong khoảng thời gian rất gần đây. Trước đó, các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam không ai đặt ra vấn đề như vậy.

3. Theo tìm hiểu của chúng tôi, 36 triệu m3 bùn đất nạo vét nếu dùng để tôn tạo thì sẽ là một số lượng rất lớn, vì vậy nếu đổ ra biển thì sẽ là một sự lãng phí khủng khiếp tài nguyên thiên nhiên, trong khi Hải Phòng hiện đang cần rất nhiều vật liệu san lấp, tôn tạo. Chỉ riêng Khu Kinh tế Đình Vũ – Cát Hải đã cần đến khoảng 600 triệu m3 vật liệu san lấp để tôn tạo mặt bằng, trong khi đó mỏ đất cát có thể dùng để san lấp chỉ đáp ứng chưa được 10% số lượng. Về chất lượng đất nạo vét lên từ cảng Lạch Huyện nếu sử dụng để làm mặt bằng ngay thì chi phí xử lý, cải tạo có thể bằng hoặc cao hơn một chút so với san lấp bằng cát đen; còn nếu san lấp trên diện tích lớn và phơi nén tự nhiên trong thời gian khoảng từ 5-7 năm thì chi phí xử lý, cải tạo chỉ bằng 40-50% so với san lấp bằng cát đen.

Khu vực cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, huyện đảo Cát Hải và Khu Công nghiệp nam Đình Vũ

Nếu đổ ra biển, cách cảng Lạch Huyện 20km thì cần phải đánh giá tác động môi trường chiến lược và đánh giá tác động môi trường chi tiết, tuy nhiên sơ bộ cũng có thể thấy rằng việc đổ ra biển một khối lượng bùn lớn chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến môi trường tự nhiên. Bùn đất nạo vét cảng Lạch Huyện phần lớn là bùn lỏng, hạt nhỏ, sức liên kết yếu nên rất dễ phát tán trong nước, vì vậy nếu không có tuyến đê bao thì môi trường xung quanh đương nhiên bị tác động xấu, các khu du lịch biển xung quanh như Đồ Sơn, Cát Bà hay Vịnh Hạ Long về lâu dài sẽ bị ô nhiễm, hệ sinh thái động thực vật đáy biển khu vực đổ thải sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực, ngư trường chịu tác động xấu, đời sống của hàng vạn người dân sẽ bị ảnh hưởng. Chưa kể việc đổ khối lượng lớn sẽ làm thay đổi dòng chảy, thay đổi chế độ sóng và thủy triều của khu vực biển Hải Phòng. Và ai dám chắc ít năm sau chính núi bùn này làm bồi lắng trở lại cảng Lạch Huyện? Nếu đổ đất tại khu vực Cát Hải thì phương án này cần phải xây dựng một tuyến đê bao khoảng 8km, với tổng kinh phí có thể lên đến 3.500 tỉ đồng dành cho xây dựng và đền bù giải phóng mặt bằng và thời gian thực hiện có thể kéo dài hơn 4 năm. Nếu vừa đổ đất vào Nam Đình Vũ và vừa đổ ra biển, về bản chất thì phương án này chính là phương án đổ đất ra biển, vì đã đổ ra biển thì cho dù đổ 36 triệu m3 hay 1 triệu m3 cũng đều phải đánh giá các tác động môi trường. Bùn đất của 1 triệu m3 đó cũng sẽ vẫn phát tán tiêu cực đến môi trường xung quanh; đổ ra biển 1 triệu m3 cũng đồng nghĩa với việc mất đi 1 triệu m3 tài nguyên.

4. Mặc dù các các cơ quan chức năng đã khẳng định như vậy, nhưng phía Tư vấn JICA vẫn một mực cho rằng ảnh hưởng không nhiều. JICA còn đưa ra con số tính toán: nếu đổ bùn ra biển thì chi phí hết 6.000 tỉ đồng, còn nếu đổ bùn vào vị trí bị quy hoạch trong đất liền thì hết 13.000 tỉ đồng. JICA đưa ra con số 13.000 tỉ không biết dựa trên cơ sở nào, đã có cơ quan nào thẩm định kết quả đó hay chưa? Trong trường hợp nếu dùng phương pháp tàu xáng cạp múc lên tàu xả đáy, chạy đổ vào vị trí rồi từ đó phun lên bãi thì chi phí cũng chưa đến con số đó. Cụ thể: theo định mức 1776/BXD-VP ngày 16/8/2007 của Bộ Xây dựng, áp dụng đơn giá trên địa bàn TP Hải Phòng thì kết quả tương ứng của vị trí phía nam Cát Hải là 5.443 tỉ, khu Nam Đình Vũ là 6.693 tỉ, khu Nam Tràng Cát là 7.690 tỉ. Như vậy số tiền chênh lệch 7.000 tỉ JICA tính toán dùng vào việc gì? Thêm nữa, đối với phương án đổ thải vào đất liền: ở đây JICA đề xuất phương án dùng tàu hút bụng, xả đáy vận chuyển bùn đất từ cảng Lạch Huyện qua luồng công vụ rồi đổ vào hố trung chuyển, bùn đất từ hố trung chuyển được bơm lên bãi. Phương pháp này hoàn toàn phù hợp với những địa điểm đổ thải có mực nước thủy triều thấp, cự ly vận chuyển xa, nhưng với những vị trí quy hoạch chấp thuận đổ đất nạo vét đã được UBND TP Hải Phòng đề xuất (cự ly đến phía nam đảo Cát Hải khoảng 6km, đến dự án Nam Đình Vũ khoảng 11km hoặc đến dự án Nam Tràng Cát khoảng 15km) thì hoàn toàn có thể thi công bằng phương pháp bơm đẩy trực tiếp có kết hợp tăng áp. Phương pháp này vừa tiết kiệm chi phí trung chuyển, trong quá trình thi công một lượng bùn đất hòa tan vào nước không ảnh hưởng đến môi trường và chủ đầu tư hoàn toàn kiểm soát được khối lượng nạo vét và cự ly vận chuyển.

Một tiến sĩ kinh tế bày tỏ với chúng tôi rằng, nếu đổ ra biển bằng tàu xả đáy như đề xuất của JICA thì rất khó kiểm soát về khối lượng đổ (khối lượng nạo vét) và vị trí đổ thải, điều này sẽ “vẽ đường cho hươu chạy” cho nhà thầu thi công cắt bớt khối lượng nạo vét, cắt bớt cự ly đổ thải, bởi tầu xả đáy vừa chạy vừa xả, chưa ra đến vị trí đổ thải có thể đã xả hết trên đường chạy. Theo chúng tôi tìm hiểu, thường thì các dự án vay theo diện ODA đều có các nhà thầu của các quốc gia tài trợ vốn được giao tổng thầu hoặc trúng thầu thi công, mà phương án JICA đề xuất lại “vô tình” rất có lợi cho đơn vị thi công. Thêm nữa, nhằm gây thêm sức ép, JICA khẳng định nếu đổ đất vào trong khu vực đất liền thì phần chi phí chênh lệch là 7.000 tỉ phía Nhật Bản sẽ không tài trợ. Vị Tiến sĩ kinh tế than trời với chúng tôi rằng, quả là một đòn hiểm trong đàm phán tài trợ vốn!

Hiện nay vấn đề môi trường và tài nguyên thiên nhiên hiện đang được cả thế giới quan tâm, theo tính toán của Deutsche Bank (Ngân hàng Đức) được công bố tại hội nghị bảo vệ đa dạng sinh học diễn ra tại Born, phí tổn để xây dựng và và bảo trì một hệ thống bảo vệ tất cả các hệ sinh thái trên toàn thế giới là tròn 45 tỉ USD hàng năm. Ở Việt Nam, hằng năm Chính phủ cũng phải chi ra hàng ngàn tỉ đồng (cũng đi vay từ các tổ chức quốc tế) để khắc phục và bảo vệ môi trường. Trong một nỗ lực khác, hiện nay UBND TP Hải Phòng cũng như nhiều tỉnh thành khác trong cả nước cũng đều yêu cầu trước khi triển khai các gói thầu nạo vét luồng lạch, các dự án có đổ chất thải đều phải có thỏa thuận về vị trí đổ thải được quy định thì mới chấp thuận cho dự án triển khai. Nếu đổ ra biển thì hậu quả của nó sẽ như thế nào, nhiều năm sau nữa có khắc phục được hậu quả hay không? Số tiền để bỏ ra khắc phục hậu quả là bao nhiêu? Liệu đã có cơ quan nào tính toán đến điều đó? Hiện nay tư vấn JICA đang lập báo cáo đánh giá tác động môi trường để trình Hội đồng thẩm định củaViệt Nam xem xét mức độ ảnh hưởng, cho dù đánh giá tới đây của Hội đồng thẩm định thế nào đi chăng nữa thì những câu hỏi trên vẫn là quá lớn.

Chúng tôi mong rằng các cơ quan quản lý và những người có trách nhiệm hết sức thận trọng trong vấn đề này.

Nguyễn Huy Minh

Báo Năng lượng Mới số 114 ra ngày 24/4/2012