Hướng đến kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ:

Bài 2: Bộ đội về làng

06:15 | 02/05/2024

329 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - “Trận đánh trên đồi Độc Lập và diễn biến toàn bộ chiến dịch Điện Biên Phủ đã được sử sách ghi lại chi tiết, vẻ vang lắm nhưng cũng mất mát, hy sinh nhiều lắm. Các thế hệ sau nên tìm hiểu thêm để biết, để tự hào, để trân trọng những hy sinh, mất mát của cha ông...” - cựu chiến binh Nguyễn Viết Điếm nhắn nhủ.
Bài 1: Người lính già và ký ức đêm đánh chiếm đồi Độc LậpBài 1: Người lính già và ký ức đêm đánh chiếm đồi Độc Lập
Bài 2: Bộ đội về làng
Chiếc áo với đầy huân, huy chương của người cựu binh Nguyễn Viết Điếm.

- Sau chiều 7/5/1954, chiều hè đã đi vào lịch sử ông ở đâu và làm gì? - chúng tôi hỏi tiếp.

- "Chúng tớ" làm nhiệm vụ dẫn giải tù binh từ Điện Biên Phủ về Tuyên Quang để giao cho các đơn vị phụ trách quản lý tù binh. Khi Thủ đô Hà Nội được giải phóng, tớ được tham gia lễ duyệt binh lần đầu được tổ chức ở đây.

- Nếu để nói về những ngày tháng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ ông nhớ đến điều gì nhất?

- Các cậu có thuộc bài thơ “Đồng chí” của Chính Hữu không? Có câu “áo anh rách vai/quần tôi có vài mảnh vá” ấy! Viết về những người lính đánh Pháp chúng tớ đấy! Gian khổ nhưng tình đồng chí, đồng đội, tình quân dân thì thắm thiết, nghĩa tình lắm!”.

Năm 1964, từ nơi đóng quân ở miền Bắc, ông Nguyễn Viết Điếm lại cùng đồng đội ở Trung đoàn 165-Sư đoàn 312 vào Nam đánh Mỹ. Như lời ông, F312 là đội quân chính quy, chủ lực, cơ động nên kể từ khi được thành lập vào năm 1946 đơn vị luôn có mặt ở những điểm nóng. “Gắn bó cả đời với Sư đoàn nên tớ đi nhiều lắm, “đâu có giặc là ta cứ đi” mà, hết ở chiến trường miền Đông Nam Bộ, lại sang Lào, Camphuchia; đánh trận Mậu Thân ở Huế, tham gia giải phóng Sài Gòn, rồi lại ra bảo vệ biên giới phía Bắc, cuối cùng là may mắn trở về!”, ông trải lòng.

Bài 2: Bộ đội về làng
Ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị tổ chức cuộc họp dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh để nghe Tổng Quân ủy báo cáo và duyệt lần cuối kế hoạch tác chiến Đông-Xuân 1953-1954; đồng thời quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ với quyết tâm tiêu diệt bằng được tập đoàn cứ điểm này.

Năm 1986, sau 34 năm ở trong quân đội ông Nguyễn Viết Điếm xuất ngũ, về làng, về lại chính ngôi nhà xưa ông đã sinh ra. “Trước khi vào bộ đội tớ đã lấy vợ. Bà Hơn kém tớ 2 tuổi, người cùng làng, lấy nhau do bà thím mai mối. Cưới nhau lúc cả hai còn nhỏ, cưới xong tớ đi bộ đội, đi biền biệt nên mãi đến năm 1960, sau chiến dịch Điện Biên Phủ, tớ được về phép mới sinh được con đầu lòng”, ông Điếm bộc bạch về gia cảnh.

“Bà nhà tớ giỏi lắm. Tớ đi vắng, bà ấy cùng mẹ chồng làm lụng lo cho các em chồng. Sau này còn làm cán bộ phụ nữ rồi làm đến Chủ tịch UBND xã Liêm Hải này. Ngôi nhà này do bà ấy cùng mẹ tớ xây cất trong những năm tớ ở chiến trường. Khi nghỉ hưu tớ mới sửa lại, cũng chỉ là nâng cao tường thêm 3 hàng gạch, thay mấy cái cột đỡ bằng hai cái xà ngang, còn lại vẫn giữ nguyên như mấy chục năm trước.

Trước khi tham gia chiến dịch Mậu Thân năm 1968 tớ được về phép. Chồng về thì vợ lại đang đi họp ở mãi trên Hà Nam. Nhưng vẫn kịp gặp nhau. Sau lần ấy bà nhà tớ sinh thêm được cậu con út. Lúc còn sống, bà ấy cứ hay nói đùa rằng “sinh 3 đứa con mà ông chưa biết cái bụng chửa của tôi như thế nào!”. Đơn giản là tớ về phép lần này thì lần sau về các con đều đã lớn! Bà ấy mất hôm mồng 7 Tết vừa qua rồi”, ông Điếm bùi ngùi.

Ông “khoe” mới đây ông cùng nhiều đồng đội được UBTU MTTQ Việt nam mời vào Thanh Hóa dự buổi gặp mặt, tri ân Chiến sỹ Điện Biên. UNBD tỉnh Thanh Hóa cho nhiều quà là đặc sản địa phương; Trung ương MTTQ Việt Nam biếu 2 triệu đồng. "Tớ bù thêm làm quà cho con cháu và mua biếu những người già trong họ, trong làng mỗi người 5 lạng thịt".

"Mình được lành lặn trở về thế này là may mắn rồi, lại vẫn khỏe mạnh, có lương hưu. Đồng đội của tớ bao nhiêu người có được trở về đâu!” - người cựu chiến binh già tâm tình.

An Nhiên - Yên Chi

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps