Về đất gió vui lễ hội té nước

14:01 | 10/04/2023

252 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Vào ngày lễ hội Then Kin Pang, những người phụ nữ dân tộc Thái, Mông, Hà Nhì, Dao, Giấy… ở huyện Phong Thổ (Lai Châu) tụ họp về suối Nậm Lùm để dự lễ hội té nước với niềm tin về sức khỏe và mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, sung túc
Về đất gió vui lễ hội té nước
Quyết liệt cuộc thi té nước của những người phụ nữ Thái ở Phong Thổ

Dòng suối thiêng

Theo cố nghệ nhân Nông Văn Nhay, người đã dành cả cuộc đời để sưu tầm, nghiên cứu văn hóa người Thái ở vùng Lai Châu, kể: Đầu nguồn con suối Nậm Lùm xuất phát từ đỉnh núi Sì Lở Lầu (cao trên 2.000m). Trên đỉnh núi ấy, từ xa xưa, người Thái coi đây là nơi các vị Then (thần linh) trú ngụ. Vì thế, trong đời sống văn hóa của người Thái ở huyện Phong Thổ, suối Nậm Lùm được coi như dòng suối thiêng, suối thần tiên.

Về đất gió vui lễ hội té nước
Bà Then (người được dân bản tín nhiệm, để giao tiếp với thần linh) hát và dâng hoa bó mạ mời Then xuống suối Nậm Lùm vui hội thi té nước

Chính vì thế, người Thái ở vùng đất gió (Phong Thổ theo tiếng Quan Hỏa là vùng đất gió) có một hương ước bất thành văn truyền đời rằng, những cư dân sinh sống ven suối Nậm Lùm không được thả những đồ vật ô uế hoặc cho súc vật tắm ở dòng suối này. Thậm chí, từ thời vua Thái Đèo Văn Ân còn cai trị xứ Phong Thổ trước năm 1945 đã duy trì một tập tục, khi có người chết, phải khiêng ngược bờ con suối này một đoạn, để diễn tả lại quá trình đưa người đã khuất về với thế giới của Then.

Cố nghệ nhân Lò Thị Phẹ - người đã có công trong việc khôi phục lễ hội Then Kin Pang - cho biết, trong các vùng người Thái cư trú ở Tây Bắc, vùng người Thái ở Phong Thổ nổi tiếng từ xưa có nhiều phụ nữ xinh đẹp bởi được tắm trong dòng suối thiêng Nậm Lùm. Những người phụ nữ vùng Phong Thổ được vua Thái Đèo Văn Ân tập hợp thành hàng trăm đội xòe, có đội xòe còn xuống tận Hà Nội, sang tận Paris (Pháp) diễn xòe trong các hội chợ đấu xảo làm xao xuyến cả người Tây phương. Bà Phẹ còn cho biết thêm, rất có thể, xuất phát từ việc những cô gái Thái tắm suối Nậm Lùm mà hình thành nên lễ hội té nước ngày nay.

Về đất gió vui lễ hội té nước
Những báo sao (người con gái múa) biểu diễn điệu xòe giỏ để chào mừng hội thi té nước

Ông Nông Văn Nảo - bậc cao niên trong xã Khổng Lào - nói: “Ngày xưa, vùng Phong Thổ bị một trận hạn hán, suối Nậm Lùm khô kiệt, mùa màng thất bát nên cha ông mới nghĩ ra lễ hội té nước dành cho những người phụ nữ để mời Then về để dâng lễ vật và chung vui với dân bản. Kỳ lạ lắm, năm nào khai lễ hội té nước thì ông trời cũng đổ mưa khoảng 30 phút. Người dân trong vùng hân hoan bảo rằng, Then đã về Khổng Lào vui hội nên người nào cũng trầm mình xuống suối Nậm Lùm dù không tham gia thi té nước”.

Về đất gió vui lễ hội té nước
Với người phụ nữ Thái ở Phong Thổ, được dân bản chọn để thi té nước là niềm vinh dự và tự hào

Khi những vạt hoa bó mạ (một loại hoa rừng người Thái hay dùng để cúng tế các vị Then) rực vàng khoe sắc ven suối Nậm Lùm cũng là lúc người Thái ở Phong Thổ tưng bừng mở lễ hội Then Kin Pang. Then Kin Pang có nghĩa là lễ hội tạ ơn Then đã ban phát nguồn nước, sức khỏe, mùa màng bội thu cho cộng đồng người Thái. Trong lễ hội, không thể thiếu cuộc thi té nước ở suối Nậm Lùm. Khi đó, theo tín ngưỡng người Thái, Then sẽ theo dòng nước suối Nậm Lùm, thông qua bàn tay té nước ban phát mưa thuận gió hòa, dân bản dồi dào sức khỏe, mùa màng bội thu.

Người Tây Bắc có câu thành ngữ: “Người Mông ăn theo mây, người Dao ăn theo lửa, người Thái ăn theo nước”, nên tín ngưỡng về nguồn nước rất được người Thái chú trọng. Đặc sắc nhất trong các tín ngưỡng về nguồn nước là lễ hội té nước vui nhộn của những người phụ nữ dân tộc Thái ở Phong Thổ sinh sống bên suối Nậm Lùm.

Tâm linh và hiện thực

Khi bà thầy cúng dâng hoa bó mạ cùng các nàng báo sao (người con gái múa) làm lễ mời Then về dự thì dân bản đã tập trung đông đủ bên suối Nậm Lùm. Trước tiên, những người phụ nữ Thái ở Khổng Lào tổ chức thi bắt cá trên suối theo cách truyền thống, chỉ dùng những con dồi và bắt bằng tay. Theo các già bản, tổ chức cuộc thi bắt cá bằng tay là để nguồn thủy sản ở suối Nậm Lùm không bị tận diệt.

Về đất gió vui lễ hội té nước
Cuộc thi té nước của những người phụ nữ Thái ở suối Nậm Lùm thu hút người Mông, Dao, Hà Nhì ở huyện Phong Thổ về chung vui

Thể thức cuộc thi té nước rất đơn giản. Mỗi bản chọn ra một đội thi, gồm những người phụ nữ khỏe mạnh, xinh đẹp, không phụ thuộc vào số người, miễn sao khi thi té được nhiều nước và trụ vững khi bị nước của đội bạn té vào người. Cứ té như vậy cho đến khi người nào không chịu được bị ngã hoặc bỏ cuộc thì đội đó sẽ bị xử thua. Theo quan niệm, nếu đội của bản nào giành thắng lợi thì bản đó trong mùa tới sẽ bội thu, nhà nhà khỏe mạnh, xóm làng yên vui.

Trên khắp các mô đất cao thấp quanh suối Nậm Lùm rực rỡ những sắc màu áo cóm (trang phục truyền thống của phụ nữ Thái). Người Thái ăn theo nước, sinh sống ven theo các sông, suối, nên từ bao đời nay, nước biểu hiện cho mùa màng tươi tốt, cho vạn vật sinh sôi nảy nở. Vì vậy, trong cuộc thi ai cũng muốn mình được té đẫm nước suối Nậm Lùm - “nước của Then ban” - để cầu mong may mắn.

Về đất gió vui lễ hội té nước
Thông thường, những cuộc thi té nước của những người phụ nữ dân tộc Thái ở Phong Thổ diễn ra trong vòng 5 phút

Kỳ lạ thay, trong vùng Phong Thổ những người già cả, những người đang ốm đau vào ngày hội té nước cũng đến suối Nậm Lùm chỉ để vốc nước suối vào tay chân để cầu mong Then ban phát sức khỏe. Trong cái không khí vui nhộn ấy, ai cũng tin rằng, Then đã ban phát sức khỏe cho tất thảy mọi người. Niềm tin ấy còn lan rộng đến cả người Thái ở vùng Than Uyên, người Dao ở vùng Dao San cũng lập đội đi hàng trăm cây số đến Khổng Lào xin tham dự hội té nước.

Kết thúc phần thi té nước giữa các bản là một hội té nước vô cùng sôi động, người người trẩy hội vui vẻ té nước nào nhau, người dưới suối té nước lên người trên bờ, người ở trên bờ lao xuống suối sao cho người ướt đẫm.

Về đất gió vui lễ hội té nước
Quyết liệt cuộc thi té nước của những người phụ nữ dân tộc Thái ở xã Mường So

Hội té nước của người Thái ở Khổng Lào thực sự là niềm tin, là tâm linh của cư dân Thái ven sông, suối, canh tác lúa nước.

Thi té nước cầu mưa là sự kết hợp hài hòa giữa khát vọng tâm linh và hiện thực, mang lại niềm tin, niềm vui cho mỗi con người, đề cao vai trò của người phụ nữ dân tộc Thái, là những yếu tố quyết định tạo nên sự quyến rũ đặc biệt. Đây là một nét đẹp trong hệ thống lễ hội của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Về đất gió vui lễ hội té nước
Cuộc thi té nước của những người phụ nữ dân tộc Thái ở Mường So thể hiện khát vọng về cuộc sống ấm no, hạnh phúc

Trịnh Thông Thiện