Từ San Francisco đến Cựu Kim Sơn

00:00 | 23/03/2012

|
Bạn đọc: Xin ông cho biết tại sao trước đây ta gọi thành phố San Francisco (Hoa Kỳ) là Cựu Kim Sơn, tên mà hình như hiện nay người Trung Quốc vẫn dùng? Trần Phi Hùng (Ba Đình, Hà Nội)

Học giả An Chi: Cựu Kim Sơn là tên của thành phố San Francisco do di dân người Tàu đặt ra và liên quan đến hai cuộc đổ xô đi tìm vàng: một ở Hoa Kỳ và một ở Australia.

San Francisco có tên gọi chính thức và đầy đủ là City and County of San Francisco (thành phố và quận San Francisco), viết tắt là SF và thường được gọi thân mật và bình dị là Frisco. Năm 1862, nơi đây chỉ có 70.000 dân; nó chỉ bắt đầu phát triển mạnh từ 1848-1849, với cuộc đổ xô đi tìm vàng (Gold Rush), thu hút người của các tiểu bang khác và cả nước ngoài ùa đến vì cơn sốt.

Vào giữa thế kỷ XIX, nhiều người Trung Hoa đã nhập cư vào Hoa Kỳ và định cư tại nơi này. Đại đa số là dân Hoa Nam, thuộc hai tỉnh Quảng Đông và Phúc Kiến. Họ đến để tìm vàng hay để làm việc lắp đường ray xe lửa xuyên qua lục địa. Thực ra, mục đích của họ là đến đây tìm việc làm rồi trở về quê với số tiền đã dành dụm được nhưng không phải ai cũng may mắn để có thể trở về nhà. Những người lập nghiệp tại đây thì sinh sống bằng các nghề mở nhà hàng, nghề buôn bán, nghề đánh cá và nghề giặt là. Và tại đây, họ đã lập ra Chinatown (khu phố Trung Hoa). Người ta kể rằng, ban đầu chỉ có ba người Trung Hoa, một người đàn bà và hai người đàn ông đến “miền đất hứa” này vào ngày 2-2-1848, khi mà thị trấn mới chỉ có 800 nhân khẩu. Mười ngày sau, James Marshall đã phát hiện vàng trong dãy Sierra. Sự trù phú của vùng Sierra Nevada đã được đồn về đến tỉnh Quảng Đông. Tại đây, California được mệnh danh là Cắm Xán 金山, tức Kim Sơn, nghĩa là Núi Vàng. Bọn cho vay có thế chấp và bọn chủ thuyền bắt đầu vào cuộc và xúi giục người nghèo đi “làm giàu”. Nhiều chàng trai ra đi với hy vọng sẽ kiếm được tiền để trở về cưới vợ tại quê nhà. Năm 1849, dân nhập cư Trung Hoa chỉ là 54. Cuối năm 1851, họ đã là 4.000 tại California rồi năm sau là 20.000. Rồi đến 1860, thì 41.000 người Trung Hoa đã nhập cư sang California. Hiệu giặt là đầu tiên của họ đã khai trương vào năm 1851, tại gốc phố Grant và Washington. Bị dân Hoa Kỳ da trắng lấn lướt, họ đổ dồn về San Francisco rồi dần dần gọi nơi đây là Kim Sơn 金山.

Dĩ nhiên là không phải chỉ San Francisco mới có vàng. Năm 1851, một người thăm dò tên là Edward Hammond Hargraves nhận là đã phát hiện được vàng ở New South Wales (Australia), tai nơi mà ông ta gọi là Ophir. 6 tháng sau, người ta đã tìm thấy vàng ở Victoria, ban đầu ở Warrandyte và Ballarat rồi sau đó, ở cả thung lũng Bendigo. Về sau vàng còn được tìm thấy ở những nơi hiện nay đã trở thành bang hoặc vùng lãnh thổ của Australia. Nhiều cục vàng to đã được tìm thấy tại đây: Năm 1858, một cục nặng 69kg và năm 1869, một cục nặng 72kg. Trong hai thập niên 50 và 60 của thế kỷ XIX, rất nhiều người tìm vàng thất bại ở California, bị thu hút đến đây vì nghe đồn ở đây vàng khá dễ tìm, có khi nằm ngay trên mặt đất. Ở điểm đỉnh của nó, tại Ngân khố Melbourne, mỗi tuần người ta bán đến 2 tấn vàng là chuyện thường. Trong vòng 10 năm, dân số ở đây đã phát triển từ 400.000 lên đến 1,2 triệu người, gồm nhiều dân tộc khác nhau. Tất nhiên dân Tàu thì ở đâu cũng có mặt. Năm 1849, chỉ có 270 người Tàu tại Australia. Từ năm 1854, họ lũ lượt kéo đến. Cuộc điều tra dân số năm 1881 đã thống kê được con số 38.533 người Tàu, đại đa số là đàn ông, chiếm 1,6% dân số Australia.

Dân nói tiếng Anh thì gọi Melbourne bằng cái biệt danh Smellbourne vì mùi hôi hám của những xưởng thuộc da (smell = mùi hôi thối) còn dân Tàu thì gọi nó là Tân Kim Sơn, nghĩa là Núi Vàng Mới, lấy ẩn dụ từ tên của San Francisco bằng tiếng Tàu là Kim Sơn, nghĩa là Núi Vàng. Kể ra Kim Sơn cũng đã đủ  nhưng dân Tàu còn cẩn thận quá mức mà thêm cái định ngữ Cựu (= cũ) vào trước để gọi San Francisco là Cựu Kim Sơn (Núi Vàng Cũ) cho đến ngày nay.                                      

A.C