Số phận hẩm hiu của một đại gia (Kỳ cuối)

06:55 | 19/06/2013

1,623 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tôi đã gặp lại ĐBQH Lê Văn Cuông, tôi gạn hỏi ông rằng, doanh nhân Lê Duy Hảo có quen biết chi ông không? Hoặc Lê Duy Hảo có đơn thư gì cho ông? Hóa ra, Lê Văn Cuông đọc Báo Người cao tuổi và nhiều tờ khác nên bức xúc mà phát thẳng như thế trong mấy phiên chất vấn! Tôi chợt nhớ đến câu chuyện với vị thẩm phán Tòa án tỉnh Hà Giang xử vụ Sông Lô. Ông từng bộc bạch với chúng tôi rằng, ông chưa hề quen biết Lê Duy Hảo. Nhưng việc của Sông Lô bị mất mỏ này thì cả Hà Giang biết!

>>Số phận hẩm hiu của một đại gia: Công lý và quyền lực

Kỳ III: Những cự ly ấm áp

Xót xa nhìn kẻ cướp cơm

Để cảm để ngẫm thêm nỗi tiếc xót của doanh nhân Duy Hảo thời điểm để tuột mỏ sắt chì kẽm Na Sơn, Tùng Bá cũng như thái độ quyết liệt khi phản đối việc xuất quặng thô không qua tinh chế của Hảo, chúng tôi đã có buổi ngược Vị Xuyên. Cũng như Hảo, cái đích đến đã không thành vì hai mỏ ấy do người Trung Quốc khai thác. Phải có giấy phép đặc biệt thì mới vào được!

Xuôi dốc, chúng tôi ghé vào Tùng Bá. Ông Bí thư người Tày Bế Văn Lạc, chất giọng cũng như vẻ mặt hồn hậu chất phác. Qua câu chuyện được biết, mấy mỏ của Tùng Bá thu hút lao động thủ công của địa phương lúc nhiều đến gần 300 người. Sắp tới, họ sẽ tài trợ cho địa phương mấy tỉ để làm đường. Họ lại bỏ gần 800 triệu để xây trụ sở mới cho xã. Phần xổi là như thế. Nhưng ông bí thư lại đang lo. Lo không biết ở trên mỏ Na Sơn, chuyên gia Trung Quốc làm cái việc luyện quặng chì, quặng kẽm ra làm sao mà cách đây không lâu, chất thải độc trôi xuống dòng sông Ma ngay bên trụ sở UB xã đây, làm cá chết nổi trắng sông. Rồi chuyện nước sông Ma, một nhánh vốn quanh năm trong xanh của sông Gâm gần đây bị vẩn đục và có mùi lạ...

Nghe bà con phàn nàn phản ánh, chính quyền xã đã làm việc với mỏ. Một quyết định kiên quyết được ban ra. Mỏ Na Sơn phải tạm dừng hoạt động. Một thời gian sau thấy họ lại khai thác, lại đãi quặng bởi nghe nói, họ đã sử dụng hệ thống xử lý nước thải hiện đại gì gì đó không thải độc xuống sông Ma nữa! Ông bí thư đang chỉ đạo việc yêu cầu nhà máy cung cấp cho Tùng Bá những thông số loại hóa chất nào độc hại với  sông Ma. Để làm gì vậy? Để nước sông Ma thường xuyên được xét nghiệm và thông báo cũng như cảnh báo kịp thời cho nhà máy! Rồi còn nhiều việc khác như theo dõi số lượng chuyên gia lao động người Trung Quốc đến làm việc ở mỏ cũng là địa bàn của Tùng Bá ...

Hoang phế Công viên Hà Phương

Sau khi gặp ông bí thư, chúng tôi đã đến khu vực 19,6ha mà CTSL đã từng bỏ tiền ra để giải phóng mặt bằng và liền mấy năm để xây lên một nhà máy luyện quặng sắt. Hóa ra nó chẳng bị bỏ không như đã tưởng... Một đơn vị khác đã nghiễm nhiên sử dụng thành quả lao động 6 năm trời của quân Sông Lô bằng cách sử dụng nhà máy để luyện quặng sắt khai thác từ một mỏ sắt gần đó. Tại đây có 9 chuyên gia Trung Quốc đang làm việc. Tham quan nhà máy, chúng tôi để ý hệ thống nước thải chỉ là một bể chứa to dùng để lắng quặng. Nhà báo hả? Một vị chuyên gia cảnh giác hỏi khi tôi đang dùng máy ảnh ghi hình ảnh dòng nước bùn đỏ quạch từ bể chứa len lỏi qua con lạch đổ xuống sông Ma. Vừa thao tác, tôi vừa đáp bừa, không chúng tôi là khách tham quan thôi...  

Chao ôi, cầu trời cho dòng sông nhiều năm nữa tôi sẽ còn được gặp lại chứ không biến thành một dòng đen kịt với cái tên tức tưởi, sông Ma!

Một dạo trên mạng lan truyền bài viết: “Ở Công viên Hà Phương nghĩ về cõi chết” của Hảo.

Dường như Hảo đã rút từ gan ruột cốt tủy những dòng thế này.

Công viên Hà Phương là một sản phẩm của những Cựu chiến binh CTSL từ cõi chết trở về đồng tâm thực hiện.

Đứng trên gò đất trong Công viên Hà Phương, không hiểu sao những lời dạy về lẽ sinh tử luân hồi của nhà Phật lại vang lên trong tâm trí tôi…

Chết chỉ là một giai đoạn chuyển tiếp, không phải là hết, trời đất bao la không chỉ có một cõi ta bà này. Tất cả không nằm ngoài các định luật khoa học, như vật chất có ba thể: Thể đặc; thể lỏng; thể hơi. Con người cũng có ba thể: Thể xác, thể trí, thể vía.

Những gì chưa chứng minh được không có nghĩa là không có.

Ngoài tâm không có Phật, ngoài Phật không có tâm. Khi đã lìa cái tâm của mình thì không còn gì nữa ngoài cái thể xác. “Sắc tức thị không, không tức thị sắc”. Quyền lực nếu không biết dùng để gieo nhân lành thì nghiệp chướng càng nặng nề, trả không biết bao giờ cho hết.

Người muốn cải thiện xã hội phải biết cải thiện chính mình trước, biết quên quyền lợi cá nhân cho những ước ao cao cả, phải sửa mình với cái vô hạn là tư tưởng

Sự vừa đủ như quả đất để đón nhận sức nóng mặt trời, nếu gần hơn một chút sức nóng sẽ thiêu ta, nếu xa hơn một chút ta sẽ chết rét. Cái gì tạo nên sự vừa vặn như vậy với độ nghiêng 23,5, nếu trái đất đứng thẳng làm sao có tứ mùa, mặt trăng làm sao điều khiển thủy triều của biển cả mênh mông, khi mặt trăng cách xa trái đất tới 380.000km, nếu gần hơn chắc các cơn đại hồng thủy sẽ đến, các lục địa sẽ ngập tràn ngày hai lần, sự sống sẽ còn đâu?

CTSL, chừng trăm tỉ đồng đầu tư vào Hà Giang đã mục nát trôi theo dòng nước lũ, cuốn đi tất cả những bạo tàn chìm nổi với thời gian.

Công viên Hà Phương cũng có thể sẽ “chết yểu” nhưng cái chết đó nếu xảy ra lại là cái nhân cho một cái quả, cho những người đã “sát hại” nó. Lịch sử Hà Giang không thể không ghi chép sự kiện này. Hà Giang đã có một thời với cái tên “nghèo nhất nước” nhưng tri thức người Hà Giang không nghèo. Mỗi khi qua công viên này, người ta sẽ đặt câu hỏi về những năm tháng này, về những người có chức có quyền nhưng trong một nhiệm kỳ hai khoản nợ, nợ người dân một công viên đẹp đẽ, nợ doanh nghiệp một khoản đầu tư lớn.

Thôi mừng cho Lê Duy Hảo đã ngộ ra...

Vay trả trả vay. Từ khái niệm vô hình nhà Phật, nhiều người muốn lái Hảo đến thứ nợ trần hữu hình từng làm cho anh điêu đứng suýt chết. Hơn trăm tỉ bạc là cụ thể là hữu hình. Những khi ấy, trước những sốt ruột này khác là cái cười thường trực cởi mở của Hảo, thôi đâu còn có đó!

Nghĩa là sao? Hảo tin tưởng vào khu xử của ban lãnh đạo mới Hà Giang sau cơn bão với những trận gió lành làm bật gốc những cây sâu mọt cỡ như ông Tô? Việc bật gốc ấy là để cho thứ cây lành có khoảng không có khí trời trong lành để mà khỏi cớm rợp?

Mà thủ lĩnh, mà người cầm chịch ở Hà Giang là Bí thư Tỉnh ủy Triệu Tài Vinh, một Bí thư được coi là trẻ nhất (sinh năm 1968).

Và sự vào cuộc khí thế mới hơn, quyết liệt hơn với sâu mọt với những nhũng nhiễu hà lạm của những công bộc dân được tạo ra sau Đại hội X, bắt đầu bằng kỳ họp của Quốc hội khóa mới.

Có thể như vậy! Như suy nghĩ, như tin tưởng của nhiều người rằng, con đường của Lê Duy Hảo chưa phải là tuyệt lộ!
Cũng đang có cái gì mà tin. Còn hơn chẳng có gì!

Nhưng từ lâu rồi, tin vẫn tin, dẫu có mong manh le lói nhưng Hảo không ngồi để mà đợi. Như anh viết: “Từ Công viên Hà Phương nghĩ về cái chết”.

Tiếc thay, con người thường chờ đợi vào một vị thánh, một phép lạ, mà không chịu tu hành “hành trì” không chịu sửa chữa. Không tin vào khả năng của chính mình, cứ đi tìm tha lực tận đẩu đâu, thờ cúng, van xin một cách mù quáng, dẫn đến mê tín trầm luân.

Say men thiền

Hảo đi làm gốm!

Táo gan lẫn khó hiểu? Nước Nam có bao nhiêu người làm gốm, nhà nhà làm gốm. Bát Tràng, Chu Đậu và dường như tỉnh nào cũng có lò gốm sứ. Rồi sứ Trung Quốc tràn trắng ởn lóa mắt thị trường nước Nam. Ở xứ mình, để tồn tại kiểu nung cổ điển phế bỏ. Cho chắc, cho sang, người ta không nung bằng than củi mà đốt bằng khí gas. Hình như đó là bí quyết để tạo, để giữ những sắc độ men? Rồi mẫu mã kiểu dáng thay đổi xoành xoạch. Ấy thế mà vẫn vất vưởng ế ẩm. Vậy thì Lê Duy Hảo xoay xỏa ra làm sao. Cái chiếu thị trường gốm đã đông chật là thế liệu có centimét nào để dung thân không vậy?

***

Bẵng đi một dạo không gặp Hảo.

Bỏ một ngã chấp, giảm một nỗi phiền, giảm một nỗi phiền, tăng thêm niềm an lạc. Những câu đại loại như thế Hảo ghi trong sổ tay không phải để an ủi bâng quơ, để lãng quên phiền muộn mà  hành động.

Hóa ra, ngoài Sông Lô, Hảo đã thành lập công ty mới NASON ngay tại Hà Nội. Ngoài gốm, công ty của Hảo còn triển khai việc khai thác khoáng sản ở Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An.

Đang rợn người nỗi ngại lo về gốm sứ. Lại thêm việc khai thác khoáng sản nữa? Tay định lặp lại thời tất tả lẫn sự nghiệp khai khoáng lận đận Na Sơn, Tùng Bá xứ Hà Giang chăng?  

Công ty Cổ phần NASON ra đời, có trụ sở chính tại tòa nhà 35/343 đường Trần Khát Chân, thủ đô Hà Nội. Rút một ít quân của Sông Lô về. Bạn bè chung lưng góp vốn thành NASON.

Nhà ở của công nhân Trung Quốc tại mỏ

Bẵng đi lâu lâu gặp lại, tôi rụt rè hỏi Hảo NASON gợi chi đó những ngày u ám Na Sơn, Tùng Bá, đặt tên ấy cho công ty làm chi? Nhưng Hảo chỉ cười... Cho đến giờ cái tên công ty, tôi cũng chưa rành mấy? Chắc không phải tùy hứng mà đã qua những đau đớn nghiễn ngẫm này khác? NASON hoạt động theo Luật Doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực: Đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng, hàng thủ công mỹ nghệ, kinh doanh bất động sản, phát triển du lịch…

Bí quyết kinh doanh lẫn làm ăn thời buổi này chả ai cởi mở gan ruột ngay? Nhưng phải là sự xúm tay đồng cảm của những người có tiền lẫn có quyền thì NASON của Hảo và cộng sự mới mau có da có thịt như thế? Phải thế nào đó trong một thời gian ngắn thôi mà NASON đã có những cơ sở sản xuất ở Thanh Hóa, Nghệ An, Phú Thọ. Công ty đã xuất khẩu và bán lẻ các sản phẩm đá trắng, gốm sứ, tượng pháp, điêu khắc và đang nghiên cứu sản xuất thử mi-ca nhân tạo. Truyền thống CTSL lại được tiếp nối. Hàng trăm lao động là thanh niên nông thôn ở các địa phương được NASON nhận vào làm việc. Vừa lao động thủ công vừa đào tạo tay nghề.

Lần ấy tôi theo Hảo về quê anh ở Đào Xá, Phú Thọ. Hảo mở ngay một xưởng gốm ở đất quê Đào Xá. Hóa ra ngọn đồi hoang ven làng trong lòng ẩn chứa thứ đất cao lanh quý giá, dùng làm gốm mà lâu nay người làng chưa biết? Chưa biết thì bây giờ biết. Xưởng gốm của Hảo rộng cửa với tất thảy những chàng thanh niên, cô gái mới lớn sung sức nhưng đang thiếu công ăn việc làm. Cái áo may vội gần 2 năm trước nay đã phải cơi nới, phải thay mới. Xưởng gốm Ba Chi phình nhanh chóng, thu hút hàng trăm lao động địa phương. Dịp Hảo khai trương hàng trăm sản phẩm gốm sứ không phải tại trụ sở của xưởng mà bầy ngay tại đình làng Đào Xá vào đúng dịp ngày hội làng.

Tôi không rành hoặc chưa tin mấy vào tỷ trọng vừa phải của mặt hàng gốm sứ trong sản lượng của NASON mà chỉ lờ mờ hiểu rằng, dường như nó chỉ làm sang cho NASON? Có lẽ NASON trông chờ nhiều hơn vào những dây chuyền chế biến khoáng sản trị giá nhiều triệu USD tại Nghệ An, Thanh Hóa và những nơi khác nữa? Tôi hỏi Hảo sắp tới Luật khoáng sản có hiệu lực, liệu làm ăn có khó? Anh cười, quả là có khó nhưng chỉ bó tay với những anh làm bậy. Hàng triệu USD cho những dây chuyền chế biến với mục đích xuất tinh thì dứt khoát Nhà nước và Luật phải bảo vệ, bảo hộ chứ?

Tôi đã có dịp ngồi với ông bạn vong niên của Lê Duy Hảo. Đó là một người Trung Quốc cao niên. Năm nay ông 79 tuổi nhưng lạ, ngó như mới lục tuần. Theo Hảo, tôi gọi ông là Hoàng tiên sinh! Hoàng Quần, người đã từng lưu lạc sang Việt Nam từ năm 7 tuổi. Là phiên dịch chính của cố vấn Lã Quý Ba, đại diện cho Chính phủ Trung Quốc những năm kháng chiến chống Pháp tại Việt Bắc. Năm 1958, ông cũng là phiên dịch chính cho Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chuyến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam của Thủ tướng Chu Ân Lai. Cũng là phiên dịch trực tiếp cho Tổng Bí thư Lê Duẩn và nhiều lãnh đạo cao cấp của Việt Nam nhiều lần sang thăm và làm việc tại Trung Quốc.

Hoàng tiên sinh rất ít nói. Có vẻ như kém cởi mở. Nhưng khi đi coi những món đồ, những chủng loại gốm sứ của NASON, không ngờ Hoàng tiên sinh lại rất mặn chuyện!

Hình như Hoàng tiên sinh với Lê Duy Hảo đây có điều gì đó ăn ý với nhau thì phải? Ông Hoàng bộc bạch thế này tất nhiên chất men, có thể là cả phần xương gốm làm sao NASON của Hảo so được với Trấn Cảnh Đức? Lại nữa, chưa chắc đã nhỉnh hơn men Bát Tràng lẫn Chu Đậu? Nhưng thử coi kỹ kiểu dáng của NASON đi. Thử ngó kỹ những mẫu mã, nhất là hình vẽ trang trí thì NASON vẫn có điều gì đó khang khác là lạ với những dòng gốm sứ đang thông dụng trên thị trường?

Những điểm khang khác là lạ ấy là gì? Xương gốm? Màu men phong phú nhưng vẫn chủ đạo được thứ gam trầm trầm mà có người gọi nôm na là màu... Phật? Hay người ta bị chia lòng chia trí bởi cung cách trang trí những hình vẽ đề tài (để ý đề tài chủ đạo của NASON có vẻ vẫn là Phật giáo). Chợt một ý nghĩ ngấm ngầm bùng phát, hình hài vóc dáng đỏ đắn, phong thái ung dung tự tại thế kia thì dứt khoát ông này phải dính dáng liên quan chi đó đến Thiền. Thứ khoa học bí ẩn về tiềm năng con người có thể giúp người ta cân bằng xác phàm lẫn bình ổn về tư tưởng. Như Lê Duy Hảo từng nhiều năm là môn đệ tích cực nhiệt thành của môn phái này đó thôi? Và có vẻ như Hoàng tiên sinh như đang mang máng một thông điệp nào đó từ thứ gốm sứ  NASON?

Lê Duy Hảo có lẽ luôn khơi nguồn cho những ngạc nhiên này khác? Đa đoan hay đa mang đây? Một lần tôi nghe mấy ông bạn viết kháo nhau rằng, doanh nhân Lê Duy Hảo viết trên trang mạng songlo.com của mình khởi xướng việc xây dựng Hoa viên văn nghệ sĩ Việt đang gây xôn xao lắm... Hỏi Hảo thì được biết Hoa viên văn nghệ sĩ Việt Nam là nghĩa trang dành riêng cho các văn nghệ sĩ và trí thức tên tuổi. Dự kiến bước đầu cả nước có 3 “Hoa viên Văn nghệ sĩ” Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Huế và các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên. TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Nam Bộ. Khi đã thành công và rút kinh nghiệm chung, tiến tới mỗi tỉnh, mỗi thành phố, hay khu vực cũng sẽ có một “Hoa viên” riêng.

Vốn liếng kinh phí một phần của Nhà nước, phần nữa theo phương thức xã hội hóa, trong đó có sự đóng góp nhiệt thành của nhiều doanh nhân. Tất nhiên công ty của Hảo sẽ tiên phong đóng góp!

Nhưng tôi cứ thấy ngài ngại thế nào.

Có lẽ chả phí thời giờ khi lật giở cuốn gần như tự truyện mà Lê Duy Hảo viết về Thiền như cuốn “Vượt qua vận hạn” (NXB Hội Nhà văn) có những phần, chương sách là lạ bắt mắt như Nhân quả công bằng và phía sau cái chết. Từ số phận luân hồi đến Tâm xuất thế gian. Khai mở xa luân, nội lực tiềm ẩn v.v... Rong ruổi cùng Hảo đây đó, tưởng đã chẳng lạ với một Lê Duy Hảo năng động nhưng vẫn bắt gặp với những cái lạ. Cái lạ ấy có thể bật ngay lên thành lời thành vần mà không biết có nên gọi đấy là thơ không nhỉ?

Chẳng hạn khi qua đó ở một khúc sông trung du:

Cùng chung một chuyến đò ngang/ Người thì sang bến người đang trở về/ Lái đò chéo mải thành mê/ Sang về chẳng biết mình về hay sang.

Một đêm thức với nhau ở bờ sông Lô

Núi cao mây gió la đà/ Sông Lô chảy mãi biết là còn mơ/ Tôi ngồi thức với bài thơ/ Ngoài kia sương khói đợi chờ trăng lên.

Còn đây là bữa về quê:

Quê hương nỗi nhớ cùng mong/ Quê hương lưng mẹ đã còng tháng năm/ Quê hương lá cọ ngọn măng/ Xe bò chở cả trăng rằm lên non.

Và một chút thế sự:

Tôi đi cuối đất cùng trời/ Tìm mua thuốc ngộ cho người đang mê/ Tôi đi thủy tận sơn khê/ Chữa cho người ngộ tôi mê mất rồi.

Hóa ra nhiều năm nay, Hảo còn là thành viên của trang mạng lucbat.com.

Chợt nhớ lần chuyện trò với ông bạn vong niên Hoàng tiên sinh của Hảo. Có vẻ như Hoàng tiên sinh đã chớp, đã đọc được thông điệp trên mặt tiền men sứ NASON. Ấy là men Thiền?

Phải, hình như chất men Thiền đã bầu lên, đã nung chuốt một Lê Duy Hảo lận đận, đa đoan?                         

Ghi chép của Xuân Ba